Có phải EU muốn Trump suy yếu sau bầu cử giữa nhiệm kỳ?
VOV.VN - Chưa bao giờ cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ lại thu hút sự quan tâm rộng rãi như hiện nay, trong đó có cả Đức và Liên minh châu Âu (EU).
Rất nhiều người ở châu Âu hy vọng cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ sẽ “làm suy yếu” Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, các nhà quan sát nói rằng, điều đó có thể sẽ nguy hiểm về mặt quốc tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: DW
Đức, cũng giống như nhiều nước khác trong Liên minh châu Âu (EU), muốn biết liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thay đổi chính sách ngoại giao hay không nếu đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát ít nhất là 1 viện của Quốc hội Mỹ trong cuộc bầu cử tuần tới.
Ngày 6/11, tất cả 435 ghế trong Hạ viện và 1/3 số ghế trong Thượng viện sẽ được bầu lại. Hiện tại, đảng Cộng hòa đang nắm thế đa số ở cả 2 viện của Quốc hội. Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ thường có “truyền thống” làm mạnh thêm đảng đối lập ở Mỹ.
Elmar Brok, Cựu Chủ tịch Ủy ban Nghị viện châu Âu về vấn đề đối ngoại, và thành viên trong đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel, nói với DW rằng, có thể sẽ tốt nếu đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát tại ít nhất 1 viện trong Quốc hội – nhiều khả năng nhất là Hạ Viện.
Tuy nhiên, ông Brok thừa nhận rằng, kết quả như vậy cũng sẽ có mặt trái: “Tổng thống Trump sau đó sẽ tập trung toàn bộ vào chính sách ngoại giao vì ông sẽ không còn khả năng thúc đẩy việc thông qua các cải cách nội địa nữa. Điều đó có thể khiến chúng ta lo ngại hơn”.
Bạn hay thù?
Thái độ của ông Trump với EU là rất rõ ràng. Về vấn đề thương mại, ông coi EU là “kẻ thù” của Mỹ, không phải “đối thủ” hay thậm chí là “người cạnh tranh”, mà là “kẻ thù”. Ví dụ, việc sắp xếp lại chính sách thương mại của ông Trump đã dẫn đến sự xung đột nảy lửa với các nhà lãnh đạo của hầu hết các nước công nghiệp trên khắp thế giới.
Ông Trump bất ngờ gọi EU là “kẻ thù” trước thềm Thượng đỉnh Nga-Mỹ
Và sau khi áp thuế đối với các sản phẩm thép và nhôm, ông Trump bắt đầu đe dọa sẽ áp thuế phạt đối với các hãng sản xuất ô tô của EU như một cách để bảo vệ các nhà sản xuất ô tô của Mỹ. Những loại thuế quan này sẽ tác động đặc biệt mạnh đối với Đức.
Josef Braml, nhà nghiên cứu về vấn đề chính sách Mỹ tại Hội đồng quan hệ đối ngoại của Đức, tỏ ra thận trọng rằng, chiến thắng cho đảng Dân chủ ở Mỹ chưa chắc sẽ xoa dịu căng thẳng về cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương đang nổi lên hiện nay.
“Đảng Dân chủ đôi khi chỉ trích thương mại tự do và họ đã là những người bảo hộ từ lâu”, ông Braml nói. Ông cho rằng, thế đa số của đảng Dân chủ tại ít nhất là 1 viện trong Quốc hội Mỹ thậm chí có thể là “cơ hội” của ông Trump, vì ông khi đó có thể sử dụng đảng này để thông qua các chương trình cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD. Mặt khác, một chiến thắng của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ có thể đặt ra một nền tảng cho việc ông Trump tái cử vào năm 2020.
Sự khó đoán của Trump
Một số người phản đối của Tổng thống Cộng hòa có thể hy vọng rằng, việc đảng Dân chủ chiếm đa số trong quốc hội có thể sẽ luận tội ông Trump, dẫn tới việc ông sẽ phải sớm rời khỏi Nhà Trắng.
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đang điều tra liệu ông Trump hay đội ngũ tranh cử của ông có liên kết với Nga để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 hay không. Nếu kết luận đưa ra là có, cộng với việc đảng Dân chủ nắm thế đa số trong Hạ Viện, thì việc luận tội ông Trump nhiều khả năng sẽ xảy ra.
Mỹ sắp công bố thông tin điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử
Ở Berlin và Brussels, nhiều người tỏ ra thận trọng khi nói về chủ đề luận tội. Nhà quan sát người Đức về các vấn đề chính trị Mỹ lo ngại ông Trump có thể nỗ lực chuyển hướng sự chú ý bằng cách ra lệnh tấn công quân sự nhằm vào Iran hay Triều Tiên.
Ông Brok cho rằng “trước nguy cơ bị luận tội, sự nguy hiểm nếu ông Trump chuyển hướng bằng một hành động như vậy sẽ đặc biệt cao”. Dù điều gì xảy ra trong tuần lới, sẽ khó có thể thay đổi cục diện tốt hơn.
Theo ông Brok, Tổng thống Mỹ Donald Trump là người khó đoán trong việc đối phó với các đồng minh NATO tới mức, mọi kịch bản trong bối cảnh bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ đều khả thi.
Ông Braml cũng có nhận định tương tự, đồng thời nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải nghĩ cho chính mình với tư cách là người châu Âu”.
Những gì Đức và EU đang lo ngại hiện nay về cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ cũng tương tự như khi ông Trump đắc cử trong cuộc bầu cử năm 2016. Giờ là lúc EU cần phải củng cố chặt chẽ với chiến lược đáng tin cậy về chính trị toàn cầu, cho dù ai sẽ ngồi ở Nhà Trắng hay ai nắm đa số ở Quốc hội Mỹ./.
Tỷ lệ ủng hộ ông Trump trước bầu cử giữa nhiệm kỳ cao hơn Obama