Cố vấn ông Tập Cận Bình có tháo được ngòi chiến tranh thương mại?

VOV.VN - Động thái mới này cho thấy những nỗ lực của ông Tập Cận Bình trong việc tránh một cuộc chiến thương mại với Mỹ. 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa cử cố vấn kinh tế hàng đầu Lưu Hạc tới Mỹ từ ngày 27/2 đến 2/3 giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức ra thông báo đề xuất dỡ bỏ quy định trong hiến pháp về số nhiệm kỳ tối đa mà các chức danh Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước Trung Quốc có thể nắm giữ, mở đường cho nhà lãnh đạo Tập Cận Bình có thể tiếp tục duy trì quyền lực ngay cả sau năm 2023. 

Cố vấn kinh tế Lưu Hạc mang theo sứ mệnh to lớn trong chuyến thăm Mỹ. Ảnh: South China Morning Post.

Động thái mới này cho thấy những nỗ lực của ông Tập Cận Bình trong việc khẳng định vai trò, vị trí lãnh đạo của mình, cũng như dẫn dắt Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tàu về kinh tế và tránh xung đột thương mại với Mỹ.

Mang theo sứ mệnh cao cả

Đây là chuyến đi thứ hai của một uỷ viên Bộ Chính trị Trung Quốc đến Mỹ trong vòng 1 tháng. Trước đó, Uỷ viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đã tới thăm Mỹ, nhưng chuyến đi này được cho là chưa đạt được kỳ vọng đối với cả đôi bên.

Chuyến thăm lần này của ông Lưu Hạc nhằm tìm hiểu rõ ràng thông điệp của chính quyền Trump đối với thương mại Trung Quốc, tăng cường tiếp xúc với Mỹ, trong bối cảnh có nhiều thông tin cho rằng Tổng thống Donald Trump đang muốn áp dụng thuế phạt đối với hàng hóa từ Trung Quốc để đối phó tình trạng nhập siêu.

Một trong những nhiệm vụ to lớn ông Lưu Hạc phải đảm nhận là tránh để xảy ra một cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, vốn không chỉ gây tổn hại tới nền kinh tế của hai nước mà còn đe dọa tới sự ổn định của kinh tế toàn cầu.

Ông Lưu Hạc hiện giữ chức vụ Chủ nhiệm văn phòng Tổ lãnh đạo công tác tài chính Trung ương Trung Quốc. Ông từng theo học tại Đại học Harvard và Đại học Seton Hall ở New Jersey, là một trong những nhà hoạch định chính sách kinh tế có ảnh hưởng nhất ở Bắc Kinh hiện nay, được Chủ tịch Tập Cận Bình tin tưởng và giao phó nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Ông được dự đoán sẽ tiếp quản cương vị Phó Thủ tướng phụ trách quản lý tài chính đầy quyền lực sau kỳ họp Quốc hội vào tháng 3 tới. Một số chuyên gia cho rằng, ông Lưu Hạc sẽ đóng vai trò chủ chốt trong gỡ nút thắt thương mại Mỹ - Trung và có thể thay thế ông Wang Yang trở thành người đứng đầu phái đoàn Trung Quốc tham gia các cuộc đối thoại kinh tế chiến lược với chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, tại Mỹ, ông Lưu Hạc sẽ thảo luận về thương mại và mở rộng quan hệ với chính quyền Tổng thống Donald Trump, song không tiết lộ quan chức mà ông sẽ gặp gỡ. Tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) dẫn một số nguồn thạo tin cho biết, ông Lưu Hạc dự kiến gặp Tổng thống Donald Trump, cùng các quan chức cấp cao khác của Mỹ như cố vấn kinh tế hàng đầu Gary Cohn, đại diện thương mại Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và nhóm các doanh nhân Mỹ tại hội nghị bàn tròn.

Đầy kỳ vọng song cũng nhiều thách thức

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của Mỹ trên thế giới. Giao dịch thương mại và đầu tư với Trung Quốc đã giúp tạo ra 2, 6 triệu việc làm tại Mỹ. Một số nhà phân tích cho rằng các cuộc đối thoại giữa ông Lưu Hạc với các nhà hoạch định chính sách kinh tế và cố vẫn Mỹ sẽ ít nhiều tác động tới chính quyền Tổng thống Donald Trump, từ đó hạn chế bớt những chính sách thương mại cứng rắn và khắc nghiệt hơn mà Mỹ áp đặt đối với Trung Quốc.

Chuyên gia kinh tế Trung Quốc Scott Kennedy tại Trung Tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế nhận định, “Trung Quốc vẫn hy vọng rằng họ có thể thuyết phục chính quyền Tổng thống Trump nhường bước. Bắc Kinh đang “lo lắng” về khả năng bị áp thuế quan lên hàng xuất khẩu, song họ cũng tự tin rằng họ sẽ chống cự được lâu hơn Mỹ nếu chiến tranh thương mại chẳng may nổ ra”.

Ông Teng Jianqun, chuyên gia tại Học viện nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc đánh giá, chuyến thăm của ông Lưu Hạc sẽ giúp Mỹ giảm bớt lo lắng về các chính sách thương mại của Trung Quốc đối với Mỹ bởi đây là dịp các nhà hoạch định thương mại và tài chính chủ chốt của hai bên nhóm họp, thu hẹp sự bất đồng và hạn chế những hiểu lầm, cùng giải quyết các vấn đề chung.

“Chuyến thăm của ông Lưu Hạc sẽ giúp Washington hiểu rõ hơn những lợi ích to lớn của Mỹ khi hợp tác với Trung Quốc, mở ra cơ hội hợp tác hai chiều trong các lĩnh vực như công nghệ, nhân lực chất lượng cao.”

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác nhận định, nhiệm vụ của ông Lưu Hạc trong vấn đề thương mại Mỹ - Trung thời điểm này cực kỳ khó khăn hơn bởi quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang đứng trên bờ vực thẳm. Tổng thống Donald Trump, người luôn chủ trương bảo vệ các ngành sản xuất nội địa, đã tự xây dựng thương hiệu chính trị của mình bằng cách cam kết đưa ra các chính sách thương mại cứng rắn hơn với Trung Quốc và đảm bảo một thỏa thuận tốt hơn cho người lao động Mỹ. Vì vậy, ít có khả năng Mỹ sẵn sàng lắng nghe Trung Quốc.

Bên cạnh đó, ông Lưu Hạc hiện chưa có nhiều mối quan hệ với giới chức chính quyền Mỹ nên việc thuyết phục họ sẽ khá phức tạp.

Tổng thống Donald Trump cam kết duy trì chính sách thương mại cứng rắn với Trung Quốc. Ảnh: ABC.

Washington và Bắc Kinh thời gian qua liên tục chỉ trích, thậm chí cáo buộc vi phạm những quy định của nhau. Theo quan  điểm của Washington, Bắc Kinh đang theo đuổi các hoạt động thương mại không công bằng, trong đó có việc bắt buộc các công ty của Mỹ phải chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ cho các đối tác liên doanh của Trung Quốc như là điều kiện tiên quyết để nhập cảnh vào thị trường Trung Quốc.

Đỉnh điểm là vào ngày 27/2, Bộ Thương mại Mỹ công bố quyết định áp mức thuế cao, lên đến 106,09%  đối với lá nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc với lý do mặt hàng này được Bắc Kinh trợ cấp dẫn tới cạnh tranh không công bằng,  động thái được nhiều nhà quan sát coi là những "phát súng" đầu tiên khơi mào "chiến tranh thương mại". Trước đó vào tháng 1, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã công bố mức thuế  mới đối với pin và module năng lượng mặt trời và máy giặt từ Trung Quốc.

Trung Quốc cũng không ngần ngại đáp trả. Nước này điều tra về xuất khẩu lúa miến của Mỹ, một loại cây trồng được dùng để nuôi gia súc. Các nông dân trồng đậu nành Mỹ e rằng 14 tỉ USD giá trị hàng xuất khẩu của họ tới Trung Quốc có thể gặp khó khăn.

Kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, Bộ Thương mại Mỹ đã tiến hành 102 biện pháp thương mại nhằm chống bán phá giá và trợ giá, gần gấp đôi các hành động mà chính quyền tiền nhiệm áp dụng trong cùng khoảng thời gian./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Mỹ nắm chuôi dao
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Mỹ nắm chuôi dao

VOV.VN - Dù đã sẵn sàng cho kịch bản chiến tranh thương mại bùng nổ, cả Mỹ và Trung Quốc đều hiểu rằng hệ lụy từ cuộc chiến này là vô cùng thảm khốc.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Mỹ nắm chuôi dao

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Mỹ nắm chuôi dao

VOV.VN - Dù đã sẵn sàng cho kịch bản chiến tranh thương mại bùng nổ, cả Mỹ và Trung Quốc đều hiểu rằng hệ lụy từ cuộc chiến này là vô cùng thảm khốc.

Thương mại Mỹ-Trung sẽ đi theo hướng “đôi bên cùng có lợi”
Thương mại Mỹ-Trung sẽ đi theo hướng “đôi bên cùng có lợi”

VOV.VN - Tuyên bố trên được chính ông Terry  Branstad- người được Tổng thống Mỹ Trump chọn làm Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc- đưa ra với báo giới Trung Quốc.

Thương mại Mỹ-Trung sẽ đi theo hướng “đôi bên cùng có lợi”

Thương mại Mỹ-Trung sẽ đi theo hướng “đôi bên cùng có lợi”

VOV.VN - Tuyên bố trên được chính ông Terry  Branstad- người được Tổng thống Mỹ Trump chọn làm Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc- đưa ra với báo giới Trung Quốc.

Khó nổ ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?
Khó nổ ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?

VOV.VN - Mỹ - Trung đều coi “lợi ích” kinh tế là trên hết, vì thế, nhiều khả năng “cuộc chiến thương mại” Mỹ - Trung khó bề nổ ra.

Khó nổ ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?

Khó nổ ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?

VOV.VN - Mỹ - Trung đều coi “lợi ích” kinh tế là trên hết, vì thế, nhiều khả năng “cuộc chiến thương mại” Mỹ - Trung khó bề nổ ra.

Hợp tác là lựa chọn duy nhất cho thương mại Mỹ - Trung
Hợp tác là lựa chọn duy nhất cho thương mại Mỹ - Trung

VOV.VN - Hợp tác là lựa chọn duy nhất cho cả Mỹ và Trung Quốc nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại giữa hai nước.

Hợp tác là lựa chọn duy nhất cho thương mại Mỹ - Trung

Hợp tác là lựa chọn duy nhất cho thương mại Mỹ - Trung

VOV.VN - Hợp tác là lựa chọn duy nhất cho cả Mỹ và Trung Quốc nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại giữa hai nước.