Coi Trung Quốc là thách thức địa chính trị lớn nhất thế kỷ, Mỹ sẵn sàng ứng phó
VOV.VN - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã mô tả Trung Quốc là thách thức địa chính trị lớn nhất thế kỷ, và Mỹ sẵn sàng đối đầu nếu cần thiết.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vừa có bài phát biểu quan trọng đầu tiên về chính sách đối ngoại dưới thời Tổng thống Joe Biden. Đáng chú ý nhất, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đã mô tả Trung Quốc là thách thức địa chính trị lớn nhất thế kỷ và Mỹ sẵn sàng đối đầu nếu cần thiết.
Ngoài nhấn mạnh quan điểm với Trung Quốc, với tên gọi “Chính sách đối ngoại vì người dân Mỹ”, bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ cũng đã gợi mở những bước đi ngoại giao sắp tới của Washington với các đồng minh, đối tác và đối thủ trên toàn cầu.
Trung Quốc là thách thức địa chính trị lớn nhất thế kỷ
Trong bài phát biểu đầu tiên của mình về chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng Antony Blinken đã đề cập tới 8 ưu tiên bao gồm giải quyết mối quan hệ với Trung Quốc, phép thử địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 21. Theo Ngoại trưởng Blinken, Mỹ đang phải đối mặt với các thách thức từ nhiều nước bao gồm Nga, Iran và Triều Tiên đồng thời phải giải quyết các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Yemen, Ethiopia, và Myanmar.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh thách thức từ Trung Quốc hoàn toàn khác và rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể và đối đầu khi bắt buộc. Ngoại trưởng Blinken cũng cho rằng Mỹ cần hợp tác với các đối tác và đồng minh, gia tăng ngoại giao và can dự tại các tổ chức quốc tế, đồng thời đầu tư cho người lao động, các công ty và công nghệ Mỹ nhằm vượt trội trong cạnh tranh với Trung Quốc.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Blinken cho chúng ta thấy rõ rằng Mỹ đã xác định Trung Quốc là một thách thức địa chính trị lớn nhất thế kỷ và Mỹ phải đối phó với thử thách này một cách hết sức nghiêm túc và thậm chí phải đối đầu nếu bắt buộc. Đây là một tuyên bố khá cứng rắn, thể hiện một chính sách không khoan nhượng của Mỹ đối với Trung Quốc, tuy nhiên nó cũng thể hiện sự linh hoạt của chính quyền Tổng thống Biden khi nhấn mạnh rằng quan hệ với Trung Quốc sẽ cạnh tranh khi cần thiết và hợp tác khi có thể.
Một mặt, Mỹ sẽ tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực khi xác định đây là một đối thủ cạnh tranh chiến lược của mình, mặt khác Mỹ cũng hoan nghênh sự hợp tác của nước này trong một số lĩnh vực bao gồm biến đổi khí hậu, an ninh y tế toàn cầu, kiểm soát vũ khí, và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Các nhà phân tích cho rằng bài phát biểu của ông Blinken đã chỉ ra ít nhất 3 mục tiêu: thứ nhất là cho thấy sự kiên quyết của Mỹ với Trung Quốc, thứ hai là truyền tải tới các đồng minh rằng Trung Quốc là một mối đe dọa và các bên cần hợp tác để đối phó, và cuối cùng là tránh thể hiện sự yếu đuối trước Trung Quốc - vốn là mục tiêu công kích của đảng Cộng hòa.
Các kịch bản quan hệ Mỹ - Trung dưới thời Joe Biden
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết sẽ nhanh chóng khôi phục và hàn gắn quan hệ giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, nỗ lực cải thiện quan hệ của chính quyền Biden chưa hề đề cập tới Trung Quốc, một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng với Mỹ.
Trong tháng đầu tiên sau khi nhậm chức, Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken đã tái khẳng định rất nhiều trong số các bước nhắm tới Trung Quốc do chính quyền tiền nhiệm thực hiện bao gồm việc coi sự đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương là tội ác diệt chủng đồng thời bác bỏ gần như toàn bộ các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông.
Chính quyền mới ở Mỹ cũng không có dấu hiệu gỡ bỏ các biện pháp thuế quan của chính quyền Trump, các hạn chế đối với các nhà ngoại giao, nhà báo và các nghiên cứu sinh của Trung Quốc ở Mỹ hoặc chỉ trích các chính sách của Trung Quốc đối với Tây Tạng, Đài Loan và Hong Kong. Chính quyền Biden cũng chỉ trích các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gia tăng ảnh hưởng toàn cầu thông qua công nghệ viễn thông, mạng xã hội và trao đổi văn hóa và giáo dục.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) mới công bố báo cáo mang tên Chương trình Nghị sự Thương mại 2021, động thái mới nhất thể hiện quan điểm của chính quyền ông Joe Biden trong cạnh tranh thương mại với Trung Quốc. Báo cáo này cho rằng “Những hành vi thương mại cưỡng bức và không công bằng của Trung Quốc đã làm suy yếu lợi ích quốc gia Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết sẽ sử dụng tất cả công cụ hiện có để xử lý hàng loạt hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc, gây hại cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ”. Trước đó, bà Katherine Tai, ứng viên cho vị trí Đại diện Thương mại Mỹ từng khẳng định trước Quốc hội rằng, sẽ chống lại các rào cản thương mại của Trung Quốc. Giới quan sát nhận định, báo cáo của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ và phát biểu của bà Tai là những tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy chính sách thương mại của chính quyền ông Biden sẽ không khác mấy so với thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Với những tuyên bố và những dấu hiệu từ chính quyền Tổng thống Biden, có thể thấy rằng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ chưa thể hạ nhiệt mà thậm chí còn có thể gia tăng trong thời gian tới trong nhiều lĩnh vực và điều này chắc chắn sẽ khó có thể tránh khỏi khi Mỹ coi Trung Quốc là phép thử địa chính trị lớn nhất thế kỷ 21, đe dọa vị thế số 1 thế giới của Mỹ.
Thay đổi trong chính sách ngoại giao của Mỹ
Trên thực tế, bài phát biểu của Ngoại trưởng Antony Blinken không hoàn toàn cụ thể hóa các mối quan hệ của Mỹ đối với các nước khác ngoài Trung Quốc mà chỉ nêu chung chung như là Mỹ đang phải đối mặt với các thách thức từ nhiều nước bao gồm Nga, Iran và Triều Tiên đồng thời phải giải quyết các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Yemen, Ethiopia, và Myanmar.
Có một điểm khác duy nhất đó là Ngoại trưởng Blinken gọi việc giải quyết quan hệ với Trung Quốc là phép thử địa chính trị lớn nhất thế kỷ và nêu một số giải pháp ứng phó với nước này. Tuy nhiên, trong Chỉ dẫn chiến lược an ninh quốc gia tạm thời được ban hành cùng ngày với bài phát biểu của Ngoại trưởng Blinken, Tổng thống Biden đã nêu khá chi tiết các ưu tiên an ninh quốc gia của Mỹ trong đó bao gồm các giải pháp đối với quan hệ với một số khu vực và quốc gia cụ thể.
Ví dụ, Tổng thống Biden nhấn mạnh Mỹ sẽ tái khẳng định, đầu tư, và hiện đại hóa NATO và các mối quan hệ đồng minh với Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng với các mối quan hệ đồng minh và đối tác khác trên toàn thế giới vì đây là tài sản chiến lược lớn nhất của Mỹ. Các lợi ích quốc gia sống còn của Mỹ cần tới sự liên kết với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, châu Âu, và khu vực Tây Bán Cầu.
Mỹ sẽ củng cố quan hệ đối tác với Ấn Độ và hợp tác với New Zealand, Singapore, Việt Nam, và các quốc gia thành viên khác thuộc ASEAN nhằm thúc đẩy các mục tiêu chung. Mỹ sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác với các quốc đảo Thái Bình Dương và tái cam kết đối với quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, củng cố một chương trình nghị sự chung và mạnh mẽ với Liên minh châu Âu và Anh trong việc xác định các vấn đề của thời đại.
Ở khu vực Trung Đông, Tổng thống Biden nhấn mạnh Mỹ sẽ duy trì cam kết vững chắc đối với an ninh của Israel trong khi tìm cách thúc đẩy sự hội nhập của nước này đối với các nước láng giềng đồng thời nối lại vai trò của Mỹ là nước thúc đẩy giải pháp hai nhà nước. Mỹ sẽ phối hợp với các đối tác trong khu vực nhằm răn đe sự hung hăng của Iran và các mối đe dọa đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phá vỡ al-Qaeda và các mạng lưới khủng bố liên quan, ngăn chặn sự trỗi dậy của IS, giải quyết các cuộc khủng hoảng nhân đạo, tăng cường nỗ lực nhằm giải quyết các cuộc xung đột vũ trang phức tạp đe dọa ổn định khu vực.
Ngoài ra, Mỹ sẽ ngăn chặn các cuộc chạy đua vũ trang tốn kém và tái thiết lập sự đáng tin cậy của mình trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân đồng thời sẽ tham gia các cuộc đối thoại với Nga và Trung Quốc về một loạt các vấn đề liên quan tới các hoạt động phát triển công nghệ quân sự mới nổi liên quan tới ổn định chiến lược.
Tổng thống Biden cho rằng Mỹ không nên và sẽ không tham gia vào các cuộc chiến không hồi kết khiến nhiều người thiệt mạng và gây tốn kém hàng nghìn tỷ USD. Mỹ sẽ tìm cách chấm dứt cuộc chiến dài nhất của mình tại Afghanistan một cách có trách nhiệm trong khi đảm bảo rằng nước này sẽ không lại trở thành nơi trú ẩn của các phần tử khủng bố chống lại Mỹ.
Có thể thấy rằng, chính sách đối ngoại của chính quyền Biden đã được hình thành và cụ thể hóa dần dần, chi tiết hơn rất nhiều so với bài phát biểu hồi đầu tháng 2/2021 của ông Biden và cách tiếp cận của chính quyền Biden cũng khác so với chính quyền tiền nhiệm./.