Covid-19 xâm nhập thế nào khi Triều Tiên “không để khe nứt nhỏ” trong hàng rào phòng dịch?

VOV.VN - Sau khi ghi nhận những ca mắc Covid-19 đầu tiên dù nỗ lực “không để một khe nứt nhỏ” trong hàng rào phòng dịch, Triều Tiên đã tăng cường các biện pháp chống dịch lên mức cao nhất để ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của virus.

Không để một khe nứt nhỏ nào trong hàng rào phòng dịch

Đầu năm 2020, trước khi virus SARS-CoV-2 lây lan ra toàn thế giới, Triều Tiên đã áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt nhất nhằm ngăn chặn virus và gọi đây là vấn đề sống còn của quốc gia. Triều Tiên đã cách ly những người có triệu chứng giống Covid-19 và dừng các hoạt động đi lại cũng như thương mại xuyên biên giới trong 2 năm.

Triều Tiên đã thực hiện những chính sách mạnh mẽ nhằm ngăn chặn virus xâm nhập vào quốc gia này với nhiều tầng phòng thủ để hạn chế dịch bệnh lây lan từ cả 3 hướng biên giới trên đất liền.

Tuyến đường sắt trao đổi hàng hóa giữa Triều Tiên và Trung Quốc đã bị dừng lại vào cuối tháng 4/2022 sau khi các ca mắc Covid-19 gia tăng ở tỉnh Đan Đông của Trung Quốc giáp với Triều Tiên, chỉ 4 tháng sau khi tuyến đường này được mở.

Trong giai đoạn mở cửa ngắn ngủi đầu năm 2022, Triều Tiên đã thực hiện khử khuẩn liên tục trong nhiều tháng và tách riêng các loại hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt từ Trung Quốc. Các loại khẩu trang lọc khí và các trang phục bảo hộ đã được sử dụng ở một số khu vực biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc từ tháng 4/2022. Triều Tiên cũng áp dụng lệnh giới nghiêm vào ban đêm ở gần biên giới từ tháng 3/2022. Tất cả các chuyến hồi hương ở Triều Tiên cũng bị tạm dừng từ đầu năm 2020.

Trước đó, Triều Tiên đã cảnh báo không để dù chỉ một "khe nứt nhỏ hay bất kỳ sai lầm nào" trong quá trình cách ly phòng dịch Covid-19.

"Luôn thận trọng và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định cách ly" là những gì được nhấn mạnh trong một bài báo trên tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên tuần trước nhằm nhắc nhở người dân đeo khẩu trang và làm thông thoáng các khu vực trong nhà. Bài báo này cũng nhận định, dù chỉ một sai lầm nhỏ bị bỏ qua thì điều đó cũng có thể là cú đánh mạnh vào các cơ sở cách ly của Triều Tiên.

"Cách ly khẩn cấp hiện là ưu tiên đầu tiên của đất nước chúng ta", bài báo trên khẳng định.

Trong khi ở Trung Quốc, các nhà chức trách địa phương áp lệnh phong tỏa nhằm phản ứng trước sự lây lan của biến thể Omicron ở một vài thành phố thì Bình Nhưỡng khẳng định nước này sẽ ngăn chặn Covid-19 bằng cách đóng cửa tất cả các biên giới.

Mặc dù báo cáo của Triều Tiên về việc không có ca mắc Covid-19 gây ra nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia nước ngoài nhưng các quan chức Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên có thể tránh được một đợt bùng phát lớn một phần là bởi những biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt ngay từ đầu đại dịch.

Triều Tiên công bố ca mắc Covid-19 đầu tiên

VOV.VN - Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin, Triều Tiên hôm nay (12/5) đã công bố trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên, được xác nhận nhiễm biến thể phụ BA.2 của biến thể Omicron. Nước này đồng thời tuyên bố triển khai hệ thống kiểm soát virus “khẩn cấp tối đa”.

Covid-19 có thể đã xâm nhập vào Triều Tiên như thế nào?

Triều Tiên ngày 12/5 đã thông báo ca mắc Covid-19 đầu tiên 2 năm kể từ khi đại dịch bùng phát giữa bối cảnh nhà lãnh đạo Kim Jong Un kêu gọi nâng các biện pháp phòng ngừa Covid-19 lên mức cao nhất.

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, kết quả các xét nghiệm ngày 12/5 từ một nhóm người bị sốt ở thủ đô Bình Nhưỡng xác nhận họ nhiễm biến thể phụ BA.2 của biến thể Omicron.

Quốc gia 26 triệu dân này được cho là hầu như chưa tiêm vaccine Covid-19 sau khi chính phủ Triều Tiên từ chối vaccine được Liên Hợp Quốc hỗ trợ thông qua cơ chế COVAX.

Theo NK News - một trang tin tức về Triều Tiên, Covid-19 có thể đã xâm nhập vào Triều Tiên qua một số con đường như:

Những người mắc bệnh vượt biên vô tình làm lây lan virus: Theo trang này, có khả năng vẫn có những tuyến đường buôn lậu tiếp tục hoạt động giữa Trung Quốc và Triều Tiên, cũng như đã có một số trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp vào Triều Tiên từ Hàn Quốc được ghi nhận kể từ khi đại dịch bùng phát. Cả 2 nguyên nhân trên đều có thể là nguyên nhân virus xâm nhập vào Triều Tiên nếu những người mắc bệnh tiếp xúc với các công dân khác.

Nguy cơ lây lan từ các loài động vật mắc bệnh: Một số loài động vật có thể đã xâm nhập vào Triều Tiên và mang theo mầm bệnh Covid-19. Mặc dù Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) nhận định nguy cơ virus lây từ động vật sang người tương đối thấp nhưng đã có "những báo cáo về các trường hợp động vật mắc bệnh như chồn, chuột và hươu lây lan virus sang con người qua tiếp xúc gần".

Virus xâm nhập qua hàng hóa nhập khẩu: Mặc dù Triều Tiên và Trung Quốc đã dừng trao đổi thương mại vào cuối tháng 4/2022 nhưng mạng lưới vận chuyển của Triều Tiên vẫn tiếp tục vận chuyển hàng hóa. Những người đi biển của Triều Tiên có lẽ đã mắc bệnh trong khi tiếp xúc với các thủy thủ khác và cuối cùng đã lây virus cho các thủy thủ trên cảng ở Triều Tiên. Ngoài ra, cũng có rủi ro, mặc dù tương đối thấp, về việc hàng hóa chứa virus gây bệnh được chất lên những con tàu của Triều Tiên. Trong khi các chuyên gia hầu như đều bác bỏ nguy cơ lây nhiễm qua hàng hóa thì Trung Quốc đã khẳng định rằng hàng hóa nhập khẩu là nguyên nhân gây ra một số ca mắc gần đây tại nước này.

Nâng các biện pháp kiểm dịch lên mức “khẩn cấp tối đa”

Thông báo của Triều Tiên về các ca mắc được đưa ra sau khi NK News dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết các nhà chức trách Triều Tiên đã áp lệnh phong tỏa thủ đô Bình Nhưỡng.

Mới đây, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cũng đã yêu cầu phong tỏa tất cả các thành phố trên toàn quốc.

Các chuyên gia nhận định, một đợt bùng phát Covid-19 lớn sẽ gây ra những hậu quả khủng khiếp cho hệ thống y tế Triều Tiên và có thể gây ra tình trạng bất ổn giữa bối cảnh nước này đối mặt với những vấn đề khác như thiếu lương thực nghiêm trọng.

KCNA cho biết ông Kim đã triệu tập cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên để quyết định về các biện pháp phòng chống virus SARS-CoV-2.

Tại cuộc họp này, nhà chức trách Triều Tiên đã nâng các biện pháp kiểm dịch quốc gia lên mức “khẩn cấp tối đa”. Theo KCNA, ông kim Jong Un đã yêu cầu “tất cả các thành phố và quận huyện trên toàn quốc phải phong tỏa hoàn toàn các khu vực của họ để ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của virus”.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong cuộc họp này cũng kêu gọi các quan chức hạn chế sự lây lan của virus và loại bỏ nguồn lây nhiễm nhanh nhất có thể.

Mặc dù tăng cường các biện pháp phòng chống Covid-19 nhưng ông Kim Jong Un yêu cầu các quan chức cần tiếp tục tăng cường các hoạt động xây dựng như kế hoạch, phát triển nông nghiệp và các dự án nhà nước khác, đồng thời thúc đẩy khả năng phòng thủ của đất nước để tránh bất kỳ khoảng trống an ninh nào.

Ông Kim Jong Un khẳng định, các quan chức phải tiến hành các biện pháp nhằm làm giảm sự bất tiện cho người dân và những tình huống tiêu cực có thể xảy ra do hệ quả từ các biện pháp phòng chống dịch. Ông Kim cũng cho biết "sự đoàn kết toàn dân vì một mục đích chung là sự đảm bảo mạnh mẽ nhất để có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại đại dịch"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Triều Tiên bất ngờ phong tỏa thủ đô Bình Nhưỡng vì "vấn đề quốc gia"
Triều Tiên bất ngờ phong tỏa thủ đô Bình Nhưỡng vì "vấn đề quốc gia"

Ngày 10/5, phương tiện truyền thông đưa tin nhà chức trách Triều Tiên đã bất ngờ ra lệnh phong tỏa thủ đô Bình Nhưỡng của nước này, yêu cầu người dân ở trong nhà, với lý do “vấn đề quốc gia”.

Triều Tiên bất ngờ phong tỏa thủ đô Bình Nhưỡng vì "vấn đề quốc gia"

Triều Tiên bất ngờ phong tỏa thủ đô Bình Nhưỡng vì "vấn đề quốc gia"

Ngày 10/5, phương tiện truyền thông đưa tin nhà chức trách Triều Tiên đã bất ngờ ra lệnh phong tỏa thủ đô Bình Nhưỡng của nước này, yêu cầu người dân ở trong nhà, với lý do “vấn đề quốc gia”.

Triều Tiên từ chối vaccine Covid-19 của Trung Quốc, khẳng định có cách riêng để chống dịch
Triều Tiên từ chối vaccine Covid-19 của Trung Quốc, khẳng định có cách riêng để chống dịch

VOV.VN - Chính quyền Triều Tiên mới đây đã từ chối lời đề nghị cung cấp cho nước này 3 triệu liều vaccine do hãng dược Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển để ngừa Covid-19. Lãnh đạo Triều Tiên kêu gọi hoàn thiện hơn nữa hệ thống ngăn ngừa dịch bệnh theo kiểu riêng của nước này.

Triều Tiên từ chối vaccine Covid-19 của Trung Quốc, khẳng định có cách riêng để chống dịch

Triều Tiên từ chối vaccine Covid-19 của Trung Quốc, khẳng định có cách riêng để chống dịch

VOV.VN - Chính quyền Triều Tiên mới đây đã từ chối lời đề nghị cung cấp cho nước này 3 triệu liều vaccine do hãng dược Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển để ngừa Covid-19. Lãnh đạo Triều Tiên kêu gọi hoàn thiện hơn nữa hệ thống ngăn ngừa dịch bệnh theo kiểu riêng của nước này.

Triều Tiên chưa có ca mắc Covid-19 
Triều Tiên chưa có ca mắc Covid-19 

VOV.VN - Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, xét nghiệm axit nucleic của hơn 30.000 người dân Triều Tiên đến nay đều cho kết quả âm tính, Triều Tiên vẫn chưa có ca mắc Covid-19 nào.

Triều Tiên chưa có ca mắc Covid-19 

Triều Tiên chưa có ca mắc Covid-19 

VOV.VN - Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, xét nghiệm axit nucleic của hơn 30.000 người dân Triều Tiên đến nay đều cho kết quả âm tính, Triều Tiên vẫn chưa có ca mắc Covid-19 nào.