Covid-19 và đe doạ từ Trung Quốc: “Cú đánh” kép đối các đại học Australia

VOV.VN -Sức ép dồn dập đối với các trường đại học Australia ban đầu do đại dịch Covid-19 và kế tiếp là lời đe doạ 'tẩy chay' của Trung Quốc.

Năm 2019, các sinh viên quốc tế đem lại trên 40% tổng thu nhập từ đào tạo sinh viên cho các trường đại học hàng đầu tại Australia và đóng góp 37,6 tỉ AUD (tương đương 24,2 tỉ USD) vào nền kinh tế Australia. Vì vậy, câu hỏi đặt ra hiện nay: Tương lai ngành đào tạo sinh viên nhiều lợi nhuận của Australia có lâm nguy trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành trên phạm vi toàn cầu và quan hệ căng thẳng gia tăng giữa Canberra và Bắc Kinh hay không?

Australia là quốc gia đứng thứ 3 trên thế giới về thu hút sinh viên quốc tế, sau Mỹ và Anh. Ảnh: theconversation.

Đại sứ Trung Quốc tại Australia, Cheng Jingye, đã đưa ra những lời đe doạ sau khi Canberra kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập về cách xử lý dịch ở Trung Quốc. Vào tháng trước, trả lời phỏng vấn tờ Thời báo Tài chính Australia, ông Cheng cho biết công chúng Trung Quốc “bất bình” về việc Australia thúc ép tiến hành cuộc điều tra này. “Có thể, cha mẹ của các sinh viên Trung Quốc tại Australia phải nghĩ lại liệu Australia nơi họ không thấy thân thiện lắm và thậm chí thù địch có phải là nơi tốt nhất để gửi gắm những đứa con của mình”, ông nói.

Đáp lại những đe doạ gây “sức ép kinh tế” này, phát biểu trên kênh truyền hình ABC cựu Ngoại trưởng Australia Alexander Downer cho hay: “Đó hoàn toàn chỉ là tuyên bố nực cười. Chúng ta sẽ không để bị uy hiếp bởi một vị đại sứ tại Canberra”.

Tương lai bất định

Mặc dù chính phủ Australia cho biết việc mở cửa biên giới sẽ là biện pháp hạn chế cuối cùng được dỡ bỏ, song đưa ra tín hiệu về khả năng cho phép các chuyến bay thuê riêng đưa các sinh viên quốc tế đang 'mắc kẹt' ở nước ngoài quay trở lại Australia theo những biện pháp cách ly nghiêm ngặt.

Bà Catriona Jackson, CEO của tổ chức đại diện các trường đại học Australia - Universities Australia cho biết, các trường đại học tán dương đề xuất này song tiếp cận điều này một cách cẩn trọng.

“Chúng ta không thể vừa cấm nhập cảnh và lại cho các sinh viên quốc tế nhập cảnh ngay trở lại. Chúng ta cần phải đảm rằng các sinh viên sẵn sàng và hiểu đâu là sự lựa chọn của các em. Nếu điều này diễn ra sớm thì tốt hơn là muộn, song lời tư vấn y tế của các chuyên gia sẽ là kim chỉ nam cho tất cả các hành động của chúng ta”, bà nói.

Kết quả cuộc khảo sát do Hiệp hội Tư vấn Giáo dục Australia công bố vào tháng 2 cho thấy gần 1/3 trong tổng số 100.000 sinh viên Trung Quốc đã đăng ký học các trường đại học Australia song mắc kẹt tại Trung Quốc đang cân nhắc sẽ du học ở nước khác do tình hình bất ổn này.

Ruby Hao, sinh viên Trung Quốc 23 tuổi tại Sydney cho biết, một số bạn của em tại Trung Quốc cân nhắc sẽ chuyển sang đi du học ở các nước khác nếu học chưa lâu tại Australia. Theo lời Ruby, Australia có thể không phải là sự lựa chọn duy nhất của các sinh viên tương lai.

“Một số người có căn hộ và đồ đạc nên họ phải trở lại Australia. Song các sinh viên tương lai đang nghe ngóng phản ứng của chính phủ và cách thức ngành giáo dục Australia hỗ trợ sinh viên quốc tế như thế nào. Sẽ có những cân nhắc, đánh giá nghiêm túc về tất cả những vấn đề đó”.

Sự lệ thuộc vào nguồn sinh viên Trung Quốc

Báo cáo tổng kết của Trung tâm Nghiên cứu Độc lập (Australia) công bố vào năm 2019 đã chỉ ra các yếu tố rủi ro tiềm tàng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến con số sinh viên Trung Quốc đến du học tại Australia. Một rủi ro trong đó là những đối đầu chính trị giữa Canberra và Bắc Kinh. Tác giả báo cáo này, Phó Giáo sư Salvatore Barbones, cho hay các trường đại học tại Australia đã nhận thức những yếu tố rủi ro này song làm rất ít để hạn chế chúng.

"Các trường đại học Australia đã lướt trên một con sóng lớn khi số lượng tuyển sinh tăng ồ ạt từ Trung Quốc mà không có phao cứu trợ. Các trường này chỉ nắm bắt các cơ hội với hy vọng con sóng sẽ lên cao mãi. Đó là lý do vì sao hiện này chúng ta đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng to lớn đối với các trường đại học Australia hiện nay”, ông Barbone nhận định.

 

Ông Barbones không chỉ là người duy nhất 'rung chuông' báo động về sự lệ thuộc của các trường đại học Australia vào nguồn sinh viên Trung Quốc. Vào cuối tháng 2 năm nay, Nghị sỹ James Paterson đã kiến nghị với Nghị viện Australia rằng chính phủ Australia không nên nới lỏng các biện pháp hạn chế hay cứu trợ cho các trường đại học.

“Tôi rất cảm thông với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến ngành du lịch và đối với những người nông dân song ít cảm thông hơn nhiều với các trường đại học. Các trường đại học đã được khuyến cáo nhiều năm trời về tình trạng quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc và đều quả quyết mọi thứ ổn thoả và nếu có gì xảy ra các trường này có thể chống đỡ. Họ đã đạp xe lên dốc và hiện nay đang lao xuống dốc”, ông nói.

Rhythem Vatsa 22 tuổi đến từ New Delhi (Ấn Độ) cần phải có mặt tại Melbourne để bắt đầu khoá học master về marketing tại trường Đại học RMIT song em vẫn ở nhà và bắt đầu tìm kiếm các trường đại học ở Canada.

 

“Em vẫn muốn đến Australia song em sẽ không đợi thêm 6 tháng nữa. Nếu biên giới Australia vẫn đóng cửa thì em sẽ nộp đơn xin du học ở Canada. Em và nhóm bạn của mình trên Facebook đều lo lắng về vấn đề này. Em nghĩ rằng 70 đến 80% các bạn đang suy nghĩ về việc trì hoãn việc nhập họp và đi du học ở nước khác”.

Rhythem cho hay em có thể sẽ không đi các chuyến bay thuê riêng của chính phủ nếu các chuyến bay này được triển khai vì lo ngại rủi ro đối với sức khoẻ cộng đồng.

“Thậm chí nếu tình hình ở Australia lúc này an toàn và Australia hiện chỉ cho phép các sinh viên quốc tế nhập cảnh, hàng ngàn sự tương tác sẽ xảy ra trong quá trình đó và điều này có thể làm tăng số ca gây nhiễm. Chúng em đến từ các nước khác nhau và thậm chí nếu áp dụng tất cả các biện pháp thì vẫn không an toàn”, Rhythem nói.

Khai thác các thị trường khác

Theo bà Catriona, các trường đại học Australia đã thiệt hại từ 3 đến 4,6 tỉ AUD vì mất nguồn sinh viên quốc tế.

“Và doanh thu của các trường đại học Australia không chỉ bị ảnh hưởng trong năm nay mà sẽ sang năm tiếp sau và một vài năm nữa. Song chúng tôi thực sự hy vọng hệ thống nghiên cứu và giáo dục Australia không kiệt quệ. Chúng tôi hy vọng có thể duy trì danh tiếng về tầm cỡ quốc tế vốn có của các trường đại học Australia”.

Các trường đại học Australia đã cố gắng để giảm sự lệ thuộc vào nguồn sinh viên Trung Quốc và tìm cách để bù đắp những tổn thất bằng cách tiếp cận đến các thị trường có sinh viên tiềm năng khác. Năm 2019, nhiều trường đại học Australia đã công bố “Chiến lược Ấn Độ” với hy vọng kéo dài sự mở rộng đào tạo sinh viên nước ngoài, song ông Babones cho rằng thị trường Ấn Độ đã được khai thác nhiều.

“Theo các tính toán của tôi, Ấn Độ chỉ là 1/8 của thị trường Trung Quốc nếu tính về số gia đình có khả năng chu cấp cho con đi du học nước ngoài. Trong khi đó, Ấn Độ đã có nhiều sinh viên du học ở nước ngoài. Năm 2019, chúng ta đã đạt 'mức tối đa quốc tế hoá'", ông Barbones nói.

Theo các số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế tính đến cuối tháng 12/2018, Trung Quốc đứng đầu về số lượng sinh viên nước ngoài du học tại Australia với 152.712 sinh viên. Kế tiếp là Ấn Độ (72.050), Nepal (15.755), Việt Nam (13.992), Malaysia (11.440)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên