CSIS: Trung Quốc “sẽ phải trả giá đắt” nếu phớt lờ phán quyết từ PCA
VOV.VN - Việc phớt lờ phán quyết từ PCA sẽ khiến Trung Quốc “trả giá đắt trên cả 3 phương diện kinh tế, ngoại giao và uy tín quốc tế”.
Theo PhilStar, nhận định trên được các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đưa ra trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) vừa công bố phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông.
Hình ảnh vệ tinh bãi Vành Khăn bị Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông. Ảnh AP
Theo đó, phán quyết do PCA công bố đã bác tính pháp lý và quyền lịch sử đối với yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên khắp Biển Đông. Ngoài ra, phán quyết cũng nêu rõ Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Philippines tại Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của nước này.
Phần thưởng cho nỗ lực tìm kiếm công lý
Các chuyên gia tại CSIS nhận định, phán quyết này là “sự tưởng thưởng xứng đáng” cho nỗ lực của Chính phủ dưới thời Tổng thống Benigno Aquino, đặc biệt là cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario.
Theo đó, ông Rosario là người đã làm việc cật lực để thu thập chứng cứ, tập hợp đội ngũ luật sư danh tiếng để đưa ra những lý lẽ và lập luận xác đáng trong “vụ kiện thế kỷ” nói trên. Đáng chú ý, ông Rosario thường xuyên có mặt trong các phiên tranh tụng tại PCA mặc dù phía Trung Quốc tuyên bố tẩy chay Tòa.
Ngoài ra, các chuyên gia của CSIS cũng ghi nhận công lao của Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio người dày công soạn thảo những văn bản pháp lý làm nền tảng cho quan điểm của Philippines trước PCA.
Trong đó, đáng chú ý là phần trình bày rất chi tiết của ông Carpio có tựa đề: “Sự thật lịch sử, sự dối trá lịch sử và quyền lịch sử tại vùng biển phía Tây Philippines” với rất nhiều bản đồ cùng nhiều vụ kiện kèm theo phán quyết trên toàn thế giới.
Phần trình bày của ông Carpio đã vạch rõ “những lổ hổng lớn” trong cái gọi là “sự thật lịch sử của Trung Quốc cũng như lời khẳng định của Trung Quốc rằng yêu sách đường 9 đoạn là dựa trên luật pháp quốc tế”.
Phán quyết từ PCA: Trung Quốc cần xem lại tham vọng Biển Đông của mình
Khó có thể phớt lờ phán quyết từ PCA
Trước việc Trung Quốc tuyên bố không công nhận và không tuân thủ phán quyết do PCA công bố, các chuyên gia tại CSIS khẳng định, việc Trung Quốc không tham gia quá trình tranh tụng cũng như từ chối công nhận phán quyết của PCA không khiến phán quyết này mất đi tính ràng buộc pháp lý đối với Trung Quốc.
Dù không có cơ chế để buộc Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của Tòa, các chuyên gia tại CSIS cảnh báo: “Uy tín của Trung Quốc sẽ suy giảm đáng kể” nếu nước này từ chối tuân thủ phán quyết của PCA.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng có nguy cơ bị cộng đồng quốc tế tẩy chay bởi việc từ chối tuân thủ phán quyết của PCA cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc “phát đi tín hiệu rằng” thế giới không thể tôn trọng những cam kết của Trung Quốc.
Điều này là bởi, Trung Quốc là một bên ký Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) vào năm 1982 và phê chuẩn vào năm 1996. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc mặc nhiên công nhận thẩm quyền pháp lý của PCA trong các vụ việc có liên quan đến UNCLOS.
Dù cố tìm cách “né” vụ kiện của Philippines bằng cách đệ trình tuyên bố không chấp thuận thẩm quyền pháp lý của PCA trong vụ kiện này, Trung Quốc vẫn không hề bác bỏ UNCLOS- nền tảng mà Philippines sử dụng để kiện Trung Quốc ở Biển Đông.
Chính vì thế theo các chuyên gia tại CSIS, tuyên bố không chấp thuận thẩm quyền pháp lý của PCA của Trung Quốc trên thực tế là không có giá trị pháp lý.
Cũng theo các chuyên gia tại CSIS, Trung Quốc có thể vẫn “lên gân lên cốt” nhưng khó có thể tiếp tục “phớt lờ” luật pháp quốc tế. Điều này được thể hiện rõ ràng qua việc nước này đang cố vẽ ra hình ảnh mình là nạn nhân của trong vụ kiện của Philippines và tìm cách vận động các nước khác ủng hộ mình.
“Tham vọng của Trung Quốc không dừng lại sau phán quyết từ PCA”
Nếu cứ ngang ngược, Trung Quốc sẽ tự cô lập mình
Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có 10 quốc gia [hoàn toàn không có mối liên hệ dù là gián tiếp tới tranh chấp ở Biển Đông lại được Trung Quốc đổ rất nhiều tiền của vào-ND] như Afghanistan, Gambia, Kenya, Lesotho, Liberia, Niger, Papua New Guinea, Sudan, Togo và Vanuatu ủng hộ quan điểm của Trung Quốc.
Trong khi đó, có tới 40 quốc gia khẳng định, phán quyết của PCA là có tính rằng buộc pháp lý. Nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Việt Nam và các thành viên Liên minh châu Âu đều đã lên tiếng kêu gọi cả Trung Quốc và Philippines nên tuân thủ phán quyết của Tòa và giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình.
Các chuyên gia tại CSIS cũng bày tỏ quan ngại về khả năng Trung Quốc sẽ trở nên hiếu chiến hơn và cố tình làm leo thang căng thẳng sau phán quyết của PCA cũng như đẩy mạnh hoạt động cải tạo và xây dựng phi pháp trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Tuy nhiên, các chuyên gia tại CSIS cảnh báo, điều này chỉ đem lại “những tổn hại nghiêm trọng về ngoại giao và kinh tế cho Trung Quốc”.
Chuyên gia Nhật khuyên Việt Nam linh hoạt trước phán quyết của PCA
Các chuyên gia tại CSIS cũng cho rằng, không chỉ bác yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, phán quyết của PCA cũng mở đường cho giải pháp hòa bình và pháp lý cho các quốc gia có tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc như Việt Nam, Indonesia và Malaysia.
Giáo sư Michael Byers, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu về Luật Quốc tế và Chính trị Toàn cầu tại Đại học British Columbia, nêu rõ: “Nếu Trung Quốc cố tình duy trì việc kiểm soát Biển Đông thì nước này không chỉ đang phớt lờ phán quyết của PCA mà còn cả nền tảng luật pháp quốc tế. Sự ngang ngược của Trung Quốc sẽ vấp phải những phản ứng gay gắt”./.