Cuộc chiến bí mật và tàn khốc của Taliban Afghanistan với nhóm khủng bố IS
VOV.VN - Chế độ Taliban Afghanistan cho rằng IS không đáng sợ nhưng trên thực tế họ đang bí mật tiến hành một cuộc chiến sinh tử với lực lượng khủng bố Hồi giáo này, còn gọi là IS-K.
Ngấm ngầm nhưng đẫm máu
Cứ vài ngày, người ta lại phát hiện các thi thể được chất đống ở ngoại ô thành phố Jalalabad nằm ở miền đông Afghanistan. Một vài người trong số này bị bắn hoặc treo cổ, số khác bị chặt đầu. Nhiều tử thi có các mẩu giấy viết tay nhét vào túi tố cáo họ là thành viên của chi nhánh tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tại Afghanistan.
Không ai nhận trách nhiệm về các vụ sát nhân ghê rợn và ngoài pháp luật như thế này. Tuy nhiên người ta phần lớn cho rằng chính Taliban là lực lượng đứng đằng sau. IS là kẻ thù không đội trời chung của Taliban. IS từng tiến hành đánh bom liều chết hồi tháng 8/2021 ở bên ngoài sân bay Kabul khiến hơn 150 người thiệt mạng. Hai tổ chức này hiện đang tiến hành cuộc chiến ngầm đẫm máu chống lại nhau, với Jalalabad là tiền tuyến. IS tố Taliban là kẻ bội giáo, còn Taliban coi IS là những phần tử cực đoan dị giáo.
Afghanistan hiện nay yên bình hơn sau khi kết thúc cuộc nổi dậy của Taliban. Tuy nhiên tại Jalalabad, các lực lượng của Taliban vẫn giáp mặt gần như hàng ngày với các chuỗi tấn công có mục tiêu rõ ràng. IS (trong tiếng Arab là Daesh) đang sử dụng chính chiến thuật du kích mà Taliban từng áp dụng thành công để chống lại các chính quyền trước đây, bao gồm đánh bom ven đường và ám sát.
Tại tỉnh Nangarhar (nơi có thành phố Jalalabad), Tiến sĩ Bashir đứng đầu cơ quan tình báo địa phương của Taliban. Ông này nổi tiếng dữ tợn. Ông ta trước đây đã giúp đánh đuổi IS ra khỏi một thành trì nhỏ do IS lập ra ở vùng Kunar láng giềng.
Tiến sĩ Bashir từ chối có bất cứ liên quan nào với các xác chết để lại bên vệ đường nhưng ông tự hào tuyên bố rằng người của mình đã bắt giữ hàng tá thành viên của IS. Nhiều chiến binh IS từng bị tống giam dưới thời chính phủ trước đã thoát khỏi ngục trong giai đoạn hỗn loạn khi Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan.
Tuy nhiên, về mặt công khai, Tiến sĩ Bashir và các thành viên còn lại của Taliban đều hạ thấp mối đe dọa từ IS. Họ nói rằng cuộc chiến tranh tại Afghanistan cuối cùng đã kết thúc và họ đang mang lại hòa bình và an ninh cho Afghanistan. Họ không hoan nghênh bất cứ nỗ lực nào phá hoại cách đặt vấn đề như vậy. Tiến sĩ Bashir còn đi xa tới mức tuyên bố IS thậm chí không tồn tại chính thức ở Afghanistan bất chấp có các bằng chứng chứng minh điều ngược lại.
Ông Bashir nói: "Cái tên Daesh dùng để chỉ Syria và Iraq. Không có nhóm xấu nào ở Afghanistan mà lại mang tên Daesh cả". Thậm chí, ông này còn coi các chiến binh IS là "một nhóm những kẻ nổi loạn chống lại phong trào Hồi giáo của chúng tôi".
IS trỗi dậy mạnh mẽ sau khi Taliban lật đổ được chính quyền thân Mỹ
IS không chỉ chính thức hiện diện ở Afghanistan, chúng còn thiết lập cả một chi nhánh cụ thể chuyên phụ trách quốc gia này. Đó chính là "IS-Khorasan", sử dụng tên cổ của vùng Trung Á. IS lần đầu thiết lập sự hiện diện của mình ở Afghanistan là vào năm 2015 và tiến hành các cuộc tấn công kinh hoàng trong các năm tiếp theo. Nhưng kể từ khi Taliban giành được chính quyền, IS lại phát động các cuộc tấn công liều chết ở những khu vực mà người ta chưa bao giờ nhìn thấy các chiến binh của IS.
Vào đầu tháng 10, IS tấn công các nhà thờ Hồi giáo thuộc về người thiểu số Shiite ở thành phố Kunduz (nằm ở miền bắc) và vào thành trì Kandahar.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Bashir khẳng định rằng không có lý do gì phải lo lắng. Ông ta nói: "Chúng tôi nói thế giới đừng lo lắng. Nếu một nhóm nhỏ những kẻ phản bội trỗi dậy và tiến hành các cuộc tấn công như vậy, thì chúng tôi sẽ đánh bại bọn chúng tương tự như chúng tôi đã đánh bại liên minh 52 nước trên chiến trường".
Từng tiến hành nổi dậy trong 2 thập kỷ, Tiến sĩ Bashir cho biết thêm: "Việc ngăn chặn chiến tranh du kích không phải là điều khó đối với chúng tôi".
Nhưng cả người dân Afghanistan đã kiệt sức vì những năm tháng chiến tranh lẫn các nước láng giềng và phương Tây đều cùng lo sợ về sự phát triển của IS. Giới chức Mỹ đã cảnh báo rằng IS ở Afghanistan có thể phát triển năng lực tiến hành các cuộc tấn công ở nước ngoài trong vòng 6 tháng đến 1 năm nữa.
Hiện tại, IS không kiểm soát bất cứ lãnh thổ nào ở Afghanistan. Nhóm này trước đó đã cố gắng thiết lập các căn cứ ở các tỉnh Nangarhar và Kunar trước khi bị đánh đuổi bởi các cuộc tấn công của Taliban cũng như các đơn vị quân đội Afghanistan được yểm trợ bằng các cuộc không kích của Mỹ. IS-K (lực lượng IS ở Afghanistan) mới chỉ có khoảng vài ngàn chiến binh so với khoảng 70.000 thành viên của Taliban - lực lượng hiện nay được trang bị thêm cả vũ khí Mỹ.
Tuy nhiên có những mối lo ngại rằng IS có thể tuyển cả các chiến binh ngoại hiện có mặt tại Afghanistan và đến từ các nước Trung Á và Pakistan, cũng như tuyển các chiến binh Taliban bất mãn nếu các phe phái tiếp tục phát triển trong nội bộ Taliban thời gian tới. Mỹ vẫn đang hy vọng tiếp tục thực hiện các cuộc không kích từ xa, xuất phát từ bên ngoài lãnh thổ Afghanistan, để tấn công các mục tiêu IS. Tuy nhiên Taliban vẫn lạc quan về khả năng tự xử lý được các phần tử phiến loạn này.
Nhiều thành viên IS đào tẩu sang hàng ngũ Taliban Afghanistan cũng như Taliban Pakistan. Có lẽ vì thế nên một nhân vật của Taliban từng nói: "Chúng tôi biết chúng rất rõ mà chúng cũng biết chúng tôi rất rõ".
Trong các ngày gần đây, hàng chục thành viên IS đã đầu hàng lực lượng của Tiến sĩ Bashir ở Nangarhar. Một cựu thành viên của Taliban cho biết anh ta ngày càng thất vọng sau khi đào tẩu sang IS. Gã này cho biết, khác biệt với Taliban (lực lượng liên tục nhấn mạnh mục tiêu duy nhất của mình là thiết lập một Tiểu vương quốc Hồi giáo ở Afghanistan), IS có các tham vọng toàn cầu.
Theo lời nhân vật trên, IS "sẽ tung ra các lời đe dọa với tất cả mọi người, với cả thế giới, họ muốn cai trị cả thế giới", "nhưng lời lẽ khác với hành động, họ không đủ mạnh để kiểm soát Afghanistan".
Nhiều người Afghanistan mệt mỏi coi sự gia tăng các cuộc tấn công của IS là khởi đầu cho một "ván bài mới" ở đất nước Nam Á này. Tại Jalalabad, không chỉ người của Taliban bị tấn công. Nhà hoạt động dân sự Abdul Rahman Mawen đang lái xe về nhà sau khi dự một đám cưới vào đầu tháng 10/2021 thì bị các tay súng nã đạn vào xe. Hai đứa con trai 10 và 12 tuổi của Mawen co rúm trong ô tô trong lúc cha mình bị bắn chết. IS đã ra thông báo ngắn gọn nhận trách nhiệm của mình về vụ sát hại này.
Sau vụ việc, người anh của Mawen rầu rĩ chia sẻ: "Tự đáy lòng, khi Taliban lên nắm quyền, chúng tôi đã rất vui và lạc quan rằng nạn tham nhũng, giết người, đánh bom sẽ bị xóa sổ... Nhưng giờ thì chúng tôi nhận ra rằng một thế lực mới đang đè nặng lên chúng tôi, đó là Daesh"./.