Hàng trăm người đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh mới nhất giữa Israel và Hamas và con số này có thể còn gia tăng nếu xung đột leo thang. Nhưng có rất ít khả năng những mâu thuẫn và hiện trạng chính trị dẫn đến thảm kịch này sẽ thay đổi một sớm một chiều.

Đụng độ giữa Israel và các nhóm vũ trang Palestine đã không còn là điều bất ngờ và diễn ra theo một kịch bản lặp đi lặp lại. Kể từ khi phong trào Hamas nắm quyền kiểm soát Dải Gaza vào năm 2007, đã có 3 cuộc chiến tranh quy mô lớn và vô số cuộc giao tranh nhỏ giữa các bên.

Nhưng các yếu tố cơ bản của cuộc xung đột: như việc Israel phong tỏa Gaza và chiếm đóng bất hợp pháp lãnh thổ Bờ Tây, sự tồn tại song song 2 phe phái đối địch Fatah và Hamas tại Palestine, vẫn luôn tồn tại. Các nhà lãnh đạo Israel và Palestine về cơ bản có xu hướng chấp nhận hiện trạng chính trị đau đớn tại Dải Gaza. Dù coi tình trạng bạo lực và những nỗi thống khổ mà nó gây ra là điều tồi tệ, song họ không thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó.

Trong khi các cuộc đụng độ giữa Israel và Hamas trước đây thường diễn ra theo quỹ đạo có thể đoán định được thì vòng giao tranh mới, được cho là tồi tệ nhất trong 7 năm qua và đang xoay chuyển theo những chiều hướng khó lường hơn. Theo giới phân tích, việc giảm căng thẳng giữa hai bên khó thành công vào thời điểm hiện tại bởi các nhà lãnh đạo của Israel và Hamas đều có những toan tính chính trị riêng.

Xung đột leo thang bất thường tại Dải Gaza đã tạo ra lối thoát cho Thủ tướng Israel Netanyahu và mang lại lợi ích cho thủ lĩnh phong trào Hamas, trong lúc họ đang đấu tranh để cứu vãn vị thế chính trị của mình.

Đối với Thủ tướng Netanyahu, cuộc xung đột mở ra tia hy vọng vào phút cuối khi ông đang đối mặt với một loạt thách thức đe dọa đặt dấu chấm hết đối với nhiệm kỳ dài nhất trong lịch sử của ông.

Ông Netanyahu lâm vào một cuộc chiến chính trị khốc liệt từ hồi đầu tháng 5 khi một liên minh quy tụ mọi thế lực chính trị từ cánh tả đến cánh hữu khẳng định sự đoàn kết với mục tiêu lật đổ ông. Liên minh này tuyên bố họ đã giành được sự ủng hộ của đa số các thành viên trong quốc hội, mở đường cho việc thành lập chính phủ đầu tiên không có mặt ông Netanyahu trong 12 năm.

Tuy vậy, mối đe dọa đối với sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Israel đã bị vô hiệu hóa khi căng thẳng bùng lên giữa cảnh sát Israel và người Palestine tại Jerusalem. Từ vụ đụng độ gần thánh đường Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem, cuộc khủng hoảng thổi bùng chiến sự tại Dải Gaza, châm ngòi cho làn sóng bạo lực sắc tộc giữa người Arab và người Do Thái tại nhiều thành phố ở Israel. Tình hình bất ổn khiến triển vọng thành lập một chính phủ không có mặt ông Netanyahu bị đóng băng, thậm chí nằm ngoài tầm với.

Hiện, các nhà lập pháp Israel đang chạy đua với thời gian để thành lập chính phủ mới. Theo luật pháp, liên minh chống ông Netanyahu có hạn chót là đầu tháng 6 để thực hiện công việc này. Truyền thông Israel cho biết, ông Naftali Bennett - lãnh đạo Đảng Yamina và ông Yair Lapid – lãnh đạo Đảng Yesh Atid đang tiến hành các cuộc đàm phán, nhưng hiện nay, mọi sự chú ý đang đổ dồn vào cuộc xung đột khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Bạo lực bùng phát đã làm phức tạp thêm nỗ lực của các đối thủ của Thủ tướng Netanyahu trong việc thực hiện mục tiêu chung. Việc tập hợp 1 liên minh đa số có thể cần sự hỗ trợ của một trong số các đảng phái Arab nhỏ tại Israel. Tuy vậy các chính trị gia Do Thái và Arab phải cân bằng giữa mong muốn thành lập chính phủ với sự giận dữ của các cử tri hai bên cho rằng họ đang hợp tác với “kẻ thù”. Ông Mansour Abbas, lãnh đạo đảng Danh sách Arab – người tham gia cuộc đàm phán với Lapid và Bennett, đã phải đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối của người Arab tại Israel.

Các nhà lập pháp đối lập thừa nhận rằng, triển vọng của việc thành lập một chính phủ không có sự tham gia của ông Netanyahu là rất xa vời. Thay vào đó, Israel có khả năng sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử khác trong những tháng tới, lần thứ 5 trong vòng hai năm rưỡi. Tận dụng thời cơ, Thủ tướng Netanyahu có thể lôi kéo một số nhân vật từ hàng ngũ đối lập về phe mình. Mặc dù nỗ lực thành lập chính phủ của ông thất bại hồi đầu tháng 5 nhưng cuộc khủng hoảng an ninh và triển vọng về một cuộc bầu cử mới có thể làm thay đổi lập trường của một số nghị sỹ.

Đối với phong trào Hamas hiện đang kiểm soát Dải Gaza, cuộc xung đột là cơ hội để nhóm này khẳng định họ mới là lực lượng đấu tranh mạnh mẽ nhất cho quyền lợi của người Palestine tại Jerusalem, với sức mạnh vượt trội hơn cả phong trào Fatah của chính quyền Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas vốn đang kiểm soát Bờ Tây. Theo các nhà phân tích Palestine, nếu như Thủ tướng Netanyahu đang cố hết sức để kéo dài thời gian cầm quyền của ông thì Yahya Sinwar thủ lĩnh phong trào Hamas lại muốn chơi một trò chơi chính trị lâu dài hơn.

Bạo lực bùng phát vào ngày 10/5 với tối hậu thư của Hamas yêu cầu Israel phải rút lực lượng an ninh ra khỏi Nhà thời Hồi giáo al-Aqsa. Khi Hamas bắn 7 quả rocket vào khu vực lân cận Jerusalem, các tay súng của lực lượng này cho biết họ đang bảo vệ al-Aqsa và bênh vực các gia đình Palestine bị Israel đe dọa trục xuất ra khỏi khu Sheikh Jarrah ở Đông Jerusalem. Israel đã đáp trả bằng các cuộc không kích dữ dội nhắm vào hàng trăm mục tiêu ở Dải Gaza.

Hamas hiện đang kiểm soát Dải Gaza, cuộc xung đột là cơ hội để nhóm này khẳng định vị thế của mình (Ảnh AP/Getty Images)

Ông Jean-Paul Chagnollaud, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Địa Trung Hải-Cận Đông nhận xét: “Tự thể hiện mình là thế lực có thể đối đầu với Israel là con bài của Hamas nhằm giành được sự ủng hộ rộng rãi của người Palestine. Bằng cách chơi lá bài này, họ sẽ được coi như những vị cứu tinh tiềm năng của người Palestine đang sinh sống tại Jerusalem luôn thấp thỏm lo âu trước những lời đe dọa trục xuất của Israel”.

Theo ông Chagnollaud, Hamas đang tận dụng khoảng trống chính trị do chính quyền Palestine tạo ra: “Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã giành được vị thế chính trị trong suốt thời gian dài nhưng sau đó ông đã đã tạo ra một khoảng trống mà Hamas sẵn sàng lấp đầy bằng quyết định hủy bỏ vô thời hạn các cuộc bầu cử vào tháng 4”.

Cùng chung quan điểm này, một số nhà phân tích chính trị và an ninh cho rằng, phong trào Hamas, sẽ tận dụng uy tín ngày càng gia tăng của lực lượng này để chống lại nhà lãnh đạo 85 tuổi, người đã cầm quyền trong suốt 16 năm. Theo một số cuộc thăm dò dư luận, hành động của Hamas đã giành được sự ủng hộ của các cử tri Palestine ở Gaza, Bờ Tây và các khu vực có người Arab sinh sống ở Đông Jerusalem.

Một số quan chức Israel đang đặt câu hỏi liệu chính phủ của họ có quá mềm mỏng với Hamas, tổ chức mà cả Israel và Mỹ đều coi là khủng bố hay không. Họ viện dẫn quyết định của Israel cho phép Qatar chuyển tiền tới Gaza để hỗ trợ phát triển kinh tế khu vực và hạn chế các cuộc tấn công đáp trả trước một số vụ phóng tên lửa nhỏ lẻ từ Dải Gaza vào lãnh thổ nước này. Amos Yadlin, cựu tướng không quân kiêm giám đốc tình báo quân đội Israel cho biết: “Tôi nghĩ Israel sẽ phải đánh giá lại chính sách của Thủ tướng Netanyahu đối với Hamas. Hamas đã quyết định thể hiện mình là người bảo vệ Jerusalem. Đây là một nước cờ mới mà Israel không thể bỏ qua”./.

Căng thẳng giữa Israel và Palestine dường như không có lối thoát (Clip tổng hợp - Nguồn: Reuters, Twitter, Youtube)
Thứ Năm, 06:30, 20/05/2021