Cuộc chiến chống khủng bố 10 năm sau sự kiện 11/9
10 năm qua, cuộc chiến chống khủng bố đã thu được một số thành công nhất định, trong đó có việc tiêu diệt trùm khủng bố bin Laden, nhưng thế giới vẫn chưa trở nên an tòan hơn
Ngày 11/9/2001, cả nước Mỹ và thế giới bàng hoàng chứng kiến cảnh hai chiếc máy bay chở khách khổng lồ gầm rú trên bầu trời thành phố New York trước khi đâm vào tòa Tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới và sau đó là vụ tấn công khác nhằm vào trụ sở Bộ Quốc phòng ở thủ đô Washington.
Khói bụi từ tòa tháp đôi sập tại New York trong vụ khủng bố 11/9 (Ảnh: AP) |
Khi tòa tháp đôi sụp đổ cũng là lúc niềm tự hào của người dân về một nước Mỹ hùng cường và thịnh vượng tan theo mây khói. Bị tổn thương và giận dữ, Mỹ dốc toàn bộ sức lực vào những chiến dịch truy tìm Bin Laden, kẻ được cho là thủ phạm đứng đằng sau thảm kịch này.
10 năm đã trôi qua và dù cuộc chiến chống khủng bố đã thu được một số thành công nhất định, trong đó có việc tiêu diệt trùm khủng bố bin Laden, nhưng những vụ tấn công khủng bố trên phạm vi toàn cầu không hề giảm mà còn có xu hướng gia tăng.
Thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng, về căn bản, tình hình an ninh thế giới chưa được cải thiện mà ngược lại, thế giới ngày càng mất an toàn hơn.
Thủ tướng Anh D.Cameron hôm 9/9 cho rằng, 10 năm sau sự kiện 11/9 mặc dù đã đạt được nhiều bước tiến, song chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan vẫn là một căn bệnh ung thư nguy hiểm, một mối đe dọa đối với toàn thế giới.
“Thế giới đã trở nên an toàn hơn nếu chúng ta nhìn vào những thành công đạt được trong việc làm suy yếu mạng lưới khủng bố al Qaeda hay việc làm suy yếu các thế lực hỗ trợ khủng bố tại Afghanisatan. Tuy nhiên thế giới vẫn chưa an toàn, thậm chí còn nguy hiểm hơn bởi vì tại nhiều nước như Yemen hay Somalia, chủ nghĩa khủng bố đang đặt ra những vấn đề thực sự và chủ nghĩa cực đoan Hồi giao đang đe dọa tất cả các nước trên thế giới, trong đó có cả nước Anh.” - ông Cameron nói.
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair mới đây thừa nhận, cả ông và cựu Tổng thống Mỹ G.Bush đều đã đánh giá quá thấp những khó khăn mà các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan tạo ra, đồng thời cảnh báo, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố vẫn chưa thể đi đến hồi kết.
Ngay trong phát biểu mới đây trước thềm lễ kỷ niệm 10 năm sự kiện 11/9, Tổng thống Mỹ Obama cũng đã phải thừa nhận, cho dù đã có một số thành tựu nhưng cái “mất” nhiều hơn cái “được” trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và chính điều này đã khiến nhiều quốc gia “nản lòng”.
Rõ ràng, việc đưa quân tham chiến ở Iraq hay Afghanitan đã làm rạn nứt, bất đồng quan điểm thậm chí gây đổ vỡ chính phủ ở nước có quân tham chiến.
Một thực tế không thể phủ nhận là cái giá mà nước Mỹ phải trả cho cuộc chiến này là quá lớn. Theo bà Neta Crawfost, Giáo sư khoa học chính trị Đại học Boston, trong 10 năm qua, dưới danh nghĩa cuộc chiến chống khủng bố, nước Mỹ đã tiêu tốn hơn 2.000 tỷ USD và con số này còn tiếp tục gia tăng, có thể lên tới 4.000 tỷ USD.
Riêng 2 cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq do Mỹ phát động đã khiến Mỹ trả giá bằng 6.000 sinh mạng và hơn 1.000 tỷ USD. Cùng với đó ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng, việc Mỹ phát động chiến tranh ở Trung Đông đã làm mất đi thế cân bằng chiến lược ở khu vực này và kết quả là tâm lý chống Mỹ lên cao trong thế giới Arab.
Ngoài ra, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ dường như lại đang khiến chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan phát triển mạnh hơn./.