Cuộc chiến không khoan nhượng giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa

VOV.VN - Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ lần này được xem là cuộc bầu cử đầy bất trắc và bạo lực trong bối cảnh nước Mỹ dường như đang chia rẽ hơn bao giờ hết.

Hàng triệu cử tri Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 6/11 tới, cuộc bầu cử được đánh giá sẽ tác động mạnh không chỉ đến chính sách của chính quyền Tổng thống Trump trong nửa cuối nhiệm kỳ đầu tiên mà còn tác động đến cả khả năng thắng cử của ông chủ Nhà Trắng trong cuộc bầu cử vào năm 2020. Đây cũng được xem là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đầy bất trắc và bạo lực trong bối cảnh nước Mỹ dường như đang chia rẽ hơn bao giờ hết.

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ được đánh giá sẽ tác động mạnh đến chính sách của chính quyền Tổng thống Trump trong nửa cuối nhiệm kỳ. Ảnh: The Independent

Các cử tri Mỹ sẽ đi bầu lại tất cả 435 ghế hạ nghị sỹ, 35/100 ghế thượng nghị sỹ, 39 ghế thống đốc bang và vùng lãnh thổ. Cách đây vài tháng, trong các cuộc thăm dò dư luận, đảng Dân chủ dẫn điểm trước đảng Cộng hòa với khoảng cách khá xa.

Tuy nhiên, càng gần đến ngày bầu cử thì khoảng cách giữa hai đảng càng bị thu hẹp, đồng thời uy tín của Tổng thống Donald Trump lại có xu hướng gia tăng. Tại một số địa điểm bầu cử, khá nhiều cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm nhưng có lẽ phải chờ đến sau ngày 6/11 mới biết được đảng Cộng hòa sẽ tiếp tục nắm cả Thượng viện lẫn Hạ viện hay đảng Dân chủ sẽ có bước lật đổ ngoạn mục.

Quyết định con đường của nước Mỹ trong thời gian tới

Mặc dù không bầu ra một Tổng thống mới nhưng cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ không kém phần gay cấn và căng thẳng khi có tác động lớn đến các chính sách của chính quyền đương nhiệm. Cuộc bầu cử này thường được xem là cuộc trưng cầu ý dân đối với các chính sách đang thực hiện và chính quyền hiện tại. Trong cuộc bầu cử năm nay, nếu đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ thì phần lớn chương trình nghị sự cũng như các chính sách của Tổng thống Trump đứng trước nguy cơ bị đóng băng hoặc phải điều chỉnh rất nhiều để có thể thành hiện thực.

Vai trò kiểm soát của Quốc hội cũng như cuộc điều tra liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp bầu cử có liên quan đến ông chủ Nhà Trắng chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách cả đối nội và đối ngoại của Tổng thống Trump trong nửa nhiệm kỳ còn lại. Không chỉ vậy, khả năng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2020 tới của ông Trump cũng bị thu hẹp đáng kể.

Trong trường hợp đảng Dân chủ chỉ giành được quyền kiểm soát Hạ viện, việc triển khai các chính sách đặc biệt là chính sách đối nội của Tổng thống Trump sẽ không dễ dàng gì. Việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề người nhập cư, thúc đẩy chính sách y tế mới, kiểm soát súng đạn, phát triển kinh tế và nhiều vấn đề khác vốn đã bế tắc sẽ càng bế tắc hơn.

Kịch bản mà Tổng thống Trump mong đợi nhất đó là đảng Cộng hòa tiếp tục giữ được đa số tại cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Kịch bản này nếu diễn ra sẽ là một thắng lợi quan trọng đối với cá nhân Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa. Việc tiếp tục duy trì được đa số sẽ là động lực to lớn giúp ông Trump đẩy mạnh chiến lược “Nước Mỹ trên hết”, ít nhất là trong nửa nhiệm kỳ còn lại. Không những vậy, với uy tín ngày càng gia tăng cộng với sự ủng hộ từ đảng Cộng hòa, khả năng cánh cửa Nhà Trắng sẽ mở ra cho Tổng thống Trump tiếp tục nhiệm kỳ hai hoàn toàn có thể thành hiện thực.

Kinh tế tăng trưởng nhưng mâu thuẫn xã hội gia tăng

Tín hiệu tích cực nhất cho Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa là nền kinh tế Mỹ hiện đang được đánh giá ở mức tốt, tăng trưởng ổn định nhất trong nhiều năm qua. Cụ thể, GDP ước đạt 3,1% năm 2018 trong khi quý 3 vừa qua có mức tăng trưởng 3,2%, thấp hơn mức kỷ lục 4,2% của quý 2, mức cao nhất trong 13 năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 3,7% năm 2018, thấp hơn nhiều so với ước tính trước đó.

Trong chiều hướng ngược lại, mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo cũng như tâm lý bất an, chia rẽ trong xã hội Mỹ lại trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. trong nước, ngay trước thềm bầu cử, một cử tri trung thành với đảng Cộng hòa đang gửi hàng loạt bom thư tới các chính trị gia, gồm cả cựu Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama cũng như một số hãng truyền thông chống đối Tổng thống Trump khiến cả nước Mỹ chấn động.

Trong khi người dân Mỹ chưa hết bàng hoàng thì vụ thảm sát mang tính kỳ thị tôn giáo khiến 11 nạn nhân thiệt mạng ngay trong buổi lễ của người Do Thái cho thấy bầu không khí chính trị vốn ngột ngạt của nước Mỹ đã chuyển sang màu sắc bạo lực, đổ máu. Cả hai vụ việc trên dường như đều liên quan đến các phát biểu mang tính cực đoan rất thường xuyên của chính ông chủ Nhà Trắng.

Bên ngoài biên giới, hàng nghìn người di cư từ Trung Mỹ đang vượt qua Mexico tiến sát đến biên giới phía nam của Mỹ. Theo dự kiến thì chỉ vài tuần nữa, những người di cư đầu tiên sẽ đến khu vực này. Trong khi chính quyền Mỹ đã phải triển khai hơn 5.000 binh sỹ để ngăn chặn thì tranh cãi gay gắt về chính sách nhập cư lại bùng phát dữ dội trong nội bộ nước này. Cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đều đang nỗ lực tận dụng mối đe dọa này để tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri khiến các chính sách nhập cư lại rơi vào mớ bòng bong chưa có hồi kết.

Ngay cả trong chính giới Mỹ, mâu thuẫn giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ cũng như trong nội bộ đảng Cộng hòa ngày càng sâu sắc, chưa có dấu hiệu giảm bớt. Đảng Dân chủ mặc dù chỉ là phe thiểu số trong Quốc hội nhưng liên tục phản đối, phong tỏa, tìm cách ngăn chặn gần như tất cả các đạo luật, sắc lệnh, đề cử mà tổng thống Trump đưa ra.

Trong nội bộ đảng Cộng hòa, cuộc chiến giữa phe ủng hộ cải cách theo các giá trị bảo thủ cốt lõi của ông Trump và phe muốn duy trì các thiết chế cũ vẫn căng thẳng. Điều này thể hiện qua việc một số nghị sỹ chủ chốt vẫn thường xuyên công khai chỉ trích tổng thống, tận dụng ảnh hưởng của tổng thống để mở rộng uy tín nhưng lại chống đối quyết liệt các cải cách, thay đổi.

Tổng thống Trump trở thành một trong những nhân tố quan trọng nhất

Theo các kết quả thăm dò thì số lượng cử tri xem tổng thống đương nhiệm là nhân tố quyết định trong lá phiếu bầu giữa nhiệm kỳ của họ đang ở mức cao nhất kể từ năm 1982. Kết quả thăm dò của Trung tâm nghiên cứu PEW công bố tháng 10/2018 cho biết có tới 6/10 cử tri xem ông Trump là nhân tố quan trọng trong lá phiếu của mình. Cụ thể, 37% cử tri bỏ phiếu để phản đối Trump, 23% bỏ phiếu ủng hộ và chỉ có 37% là không tính đến ông này trong lá phiếu của mình.

Theo thăm dò của hãng tin CNN thực hiện tháng 8/2018, có 45% số cử tri được hỏi cho rằng Trump là vấn đề quan trọng đối với họ, thấp hơn một chút so với vấn đề y tế với 48%. Các chính sách gây tranh cãi của Trump cũng là nguyên nhân quan trọng thu hút sự chú ý của cử tri khi theo kết quả thăm dò của Wall Street Journal/NBC, có 68% cử tri Cộng hòa và 72% Dân chủ cho biết họ rất quan tâm đến cuộc bầu cử này, mức cao nhất được ghi nhận về bầu cử giữa kỳ kể từ năm 2006.

Mặc dù các chính sách đối nội của Tổng thống Trump tiếp tục gây ra nhiều tranh cãi thì các chính sách đối ngoại dường như thu được không ít kết quả tích cực. Uy tín của ông Trump và đảng Cộng hòa tiếp tục ổn định, có xu hướng gia tăng, xuất phát từ thắng lợi trong các vấn đề đối nội như tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế, bổ nhiệm thành công Thẩm phán Tòa án tối cao hay các vấn đề đối ngoại như ký kết thành công các hiệp định thương mại mới, gây sức ép hiệu quả lên Trung Quốc, tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên có nhiều tích cực.

Mức độ gia tăng tín nhiệm đối với công việc của ông Trump lên đến 47% trong tháng 10, mức cao nhất trong nhiệm kỳ tính đến nay. Trong khi đó, tỷ lệ không tín nhiệm đối với ông chủ Nhà Trắng là 49%, cải thiện đáng kể so với tháng trước là 44% tín nhiệm và 55% bất tín nhiệm.

“Làn sóng xanh” khó áp đảo mạnh mẽ “làn sóng đỏ”

Chỉ hơn 1 tháng trước, đa số kết quả thăm dò dư luận cũng như nhận định của các chuyên gia bầu cử cho rằng các ứng cử viên của đảng Dân chủ có lợi thế lớn, bỏ xa các đối thủ của đảng Cộng hòa không chỉ trong cuộc chạy đua vào Thượng viện và Hạ viện Mỹ mà còn trong cuộc chạy đua vào 39 ghế thống đốc bang và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, càng gần đến ngày bầu cử, hy vọng đảo ngược tình thế của đảng Dân chủ ngày càng xa vời khi đảng Cộng hòa liên tục giành điểm cộng với uy tín của Tổng thống Trump gia tăng đáng kể. Thậm chí, một tuần trước bầu cử, các lãnh đạo đảng Dân chủ gần như chấp nhận buông súng trong cuộc chạy đua vào Thượng viện năm nay để tập trung cho kỳ bầu cử vào năm 2020 sắp tới.

Không thể có được thắng lợi trước đảng Cộng hòa tại Thượng viện nhưng khả năng giành lại quyền kiểm soát Hạ viện của đảng Dân chủ là rất cao. Theo các kết quả thăm dò trước thềm bầu cử, tại Hạ viện, đảng Cộng hòa hiện có 163 ghế chắc chắn, 27 ghế có khả năng và 49 ghế không chắc chắn. Trong khi đó, đảng Dân chủ có tới 174 ghế chắc chắn, 18 ghế có khả năng và chỉ có 2 ghế không chắc chắn.

Như vậy, trong cuộc chạy đua vào Hạ viện, rõ ràng đảng Dân chủ đang có lợi thế lớn khi cần thêm 44 ghế là đủ 218 đa số tối thiểu. Hai sự kiện vừa qua là vụ xả súng đẫm máu Pittsburgh khiến 11 người thiệt mạng với thủ phạm là người kỳ thị dân Do Thái và gửi bom thư đến hàng loạt các chính trị gia nổi tiếng với thủ phạm là người ủng hộ ông Trump, thù ghét đảng Dân chủ cũng tác động mạnh đến tâm lý cử tri, khiến cho tỷ lệ phiếu ủng hộ đảng Cộng hòa giảm sút.

Trong cùng thời điểm, việc đoàn di cư lên đến 14.000 người chủ yếu từ các nước Trung Mỹ đang tìm mọi cách vượt qua Mexico tiến sát biên giới với Mỹ lại trở thành lợi thế giúp ông Trump có thêm sự ủng hộ từ những cử tri phản đối dân nhập cư.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, kết quả bầu cử năm nay thậm chí còn được xem là không phụ thuộc vào cương lĩnh tranh cử của mỗi đảng mà phụ thuộc phần lớn vào sự tích cực đi bỏ phiếu của các cử tri. Nếu các cử tri đảng Dân chủ tích cực đi bỏ phiếu hơn cử tri đảng Cộng hòa thì “làn sóng xanh” nhiều khả năng sẽ lấn át “làn sóng đỏ”, ít nhất là trong cuộc chạy đua giành quyền kiểm soát Hạ viện.

Chưa rõ phe nào sẽ chiến thắng, nhưng chắc chắn sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ này mâu thuẫn giữa các đảng phái, tâm lý thù hận, phân biệt chủng tộc, tôn giáo, chia rẽ trong xã hội Mỹ không những không mất đi mà còn trở nên cực đoan hơn nữa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tỷ lệ ủng hộ ông Trump trước bầu cử giữa nhiệm kỳ cao hơn Obama
Tỷ lệ ủng hộ ông Trump trước bầu cử giữa nhiệm kỳ cao hơn Obama

VOV.VN - Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Donald Trump trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới cao hơn so với tỷ lệ này của Tổng thống Barack Obama năm 2010.

Tỷ lệ ủng hộ ông Trump trước bầu cử giữa nhiệm kỳ cao hơn Obama

Tỷ lệ ủng hộ ông Trump trước bầu cử giữa nhiệm kỳ cao hơn Obama

VOV.VN - Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Donald Trump trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới cao hơn so với tỷ lệ này của Tổng thống Barack Obama năm 2010.

Bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ sẽ có chi phí tốn kém nhất lịch sử?
Bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ sẽ có chi phí tốn kém nhất lịch sử?

VOV.VN - Cuộc bầu cử diễn ra ngày 6/11 tới dự báo sẽ là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tốn kém nhất trong lịch sử của Mỹ.

Bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ sẽ có chi phí tốn kém nhất lịch sử?

Bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ sẽ có chi phí tốn kém nhất lịch sử?

VOV.VN - Cuộc bầu cử diễn ra ngày 6/11 tới dự báo sẽ là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tốn kém nhất trong lịch sử của Mỹ.

5 vấn đề “nóng bỏng” bao trùm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ
5 vấn đề “nóng bỏng” bao trùm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ

VOV.VN - Khi cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ đến gần, các vấn đề chính mà cử tri quan tâm gồm y tế, kinh tế, tư pháp, nhập cư và luận tội Tổng thống.

5 vấn đề “nóng bỏng” bao trùm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ

5 vấn đề “nóng bỏng” bao trùm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ

VOV.VN - Khi cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ đến gần, các vấn đề chính mà cử tri quan tâm gồm y tế, kinh tế, tư pháp, nhập cư và luận tội Tổng thống.

Cứng rắn với người di cư - Lá bài chiến lược của Trump cho bầu cử giữa kỳ
Cứng rắn với người di cư - Lá bài chiến lược của Trump cho bầu cử giữa kỳ

VOV.VN - Tổng thống Trump đang làm tốt nhất có thể để giành chiến thắng cho phe Cộng hòa, khi còn hai tuần nữa là tới cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ ngày 6/11.

Cứng rắn với người di cư - Lá bài chiến lược của Trump cho bầu cử giữa kỳ

Cứng rắn với người di cư - Lá bài chiến lược của Trump cho bầu cử giữa kỳ

VOV.VN - Tổng thống Trump đang làm tốt nhất có thể để giành chiến thắng cho phe Cộng hòa, khi còn hai tuần nữa là tới cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ ngày 6/11.

Có phải EU muốn Trump suy yếu sau bầu cử giữa nhiệm kỳ?
Có phải EU muốn Trump suy yếu sau bầu cử giữa nhiệm kỳ?

VOV.VN - Chưa bao giờ cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ lại thu hút sự quan tâm rộng rãi như hiện nay, trong đó có cả Đức và Liên minh châu Âu (EU).

Có phải EU muốn Trump suy yếu sau bầu cử giữa nhiệm kỳ?

Có phải EU muốn Trump suy yếu sau bầu cử giữa nhiệm kỳ?

VOV.VN - Chưa bao giờ cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ lại thu hút sự quan tâm rộng rãi như hiện nay, trong đó có cả Đức và Liên minh châu Âu (EU).