Gian nan "cõng chữ" lên non ở Mường Bám

VOV.VN - Với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, tập thể thầy cô giáo trường Tiểu học Mường Bám II thuộc xã vùng 3 Mường Bám (Sơn La) không quản nắng mưa, khắc phục mọi khó khăn, ngày đêm đoàn kết "cõng chữ" lên với con em đồng bào các dân tộc.

Trường Tiểu học Mường Bám II thuộc xã vùng 3 Mường Bám, cách trung tâm huyện Thuận Châu (Sơn La) hơn 70km, đi lại rất khăn. Tuy nhiên, với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, tập thể thầy cô giáo nhà trường đã không quản nắng mưa, khắc phục mọi khó khăn, ngày đêm đoàn kết "cõng chữ" lên với con em đồng bào các dân tộc nơi đây.

Theo chân thầy giáo Quàng Văn Ba, giáo viên trường Tiểu học Mường Bám II tới điểm trường Pha Khương, cách điểm trường trung tâm gần 20 km.  Ngược dốc cao, cheo leo bên vách núi, mới phần nào thấu hiểu được sự gian nan, vất vả của thầy cô nơi đây.

Thầy giáo Ba chia sẻ, nằm ở bản đồng bào Mông, điểm trường Pha Khương là điểm trường xa và khó khăn nhất của nhà trường. Ở đây khi mưa lớn, đường bùn đất lầy lội, mỗi khi lên trường, người này đẩy xe giúp người kia, hoặc nhờ bà con dân bản hỗ trợ mới có thể di chuyển được; tất cả đều vì mục tiêu không để trống tiết, trống giờ giảng...

“Ở điểm trường vùng cao trên này các em 100% là dân tộc Mông, có hoàn cảnh rất khó khăn. Hàng ngày các em đi học đầy đủ là chúng tôi rất vui rồi; sau khi đi học đầy đủ rồi thì mong muốn lớn nhất với chúng tôi và cũng là động lực để chúng tôi phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ đó là các em biết chữ để có thể trang bị cho mình kiến thức sau này ra ngoài xã hội”, thầy Ba nói.

Công tác tại điểm trường bản Nà La, xã Mường Bám từ 6 năm nay; nhà ở cách xa trường hơn 200km, cô giáo Lò Thị Cúc, giáo viên trường Tiểu học Mường Bám II cả năm chỉ có thể về thăm gia đình 1 đến 2 lần. Chưa bao giờ nghĩ đến bỏ cuộc, cô luôn nén nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình để truyền tải kiến thức, dễ hiểu đến với các em học sinh nơi vùng 3 còn nhiều khó khăn.

Cô giáo Lò Thị Cúc cho hay: “Xa gia đình, xa quê, tôi lên đây phải tự túc hết mọi thứ. Vì lòng yêu nghề, mến trẻ cho nên tôi đã rất cố gắng, quyết tâm để bám trụ với nghề, bám trụ với xã vùng 3 này. Niềm vui lớn nhất là khi kết thúc năm học, các em biết đọc, biết viết và yêu quý thầy cô”. 

 

 

Thầy Lỗ Trác Quyết, Hiệu trưởng Tiểu học Mường Bám II cho biết, đóng chân trên địa bàn xã vùng cao, đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Châu, cơ sở vật chất của trường còn nhiều thiếu thốn; nhiều điểm trường lẻ xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế…

Tuy nhiên, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường luôn động viên, chia sẻ khó khăn với nhau; Ban giám hiệu nhà trường cũng tạo điều kiện tốt nhất để thầy cô yên tâm công tác, học trò yên tâm học tập, làm sao để duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục, giúp các em học sinh nơi đây không bị thiệt thòi so với các em học sinh ở vùng trung tâm, vùng có điều kiện tốt hơn.

“Trong thời gian vừa qua, trường Tiểu học Mường Bám II phối kết hợp với Ban chấp hành công đoàn tạo điều kiện để các thầy, cô giáo ở điểm trường có điều kiện để tham gia học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đặc biệt là học tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số, tìm hiểu thêm một số phong tục, tập quán để làm sao làm tốt nhiệm vụ được giao”, thầy Lỗ Trác Quyết cho hay.

Ở vùng cao, niềm vui lớn  của những thầy cô cắm bản là các em được học  chữ, được tích lũy tri thức để vươn lên, để sau này chính các em là những người xây dựng bản làng, quê hương mình ngày càng tươi đẹp hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tuổi xuân cõng chữ lên non
Tuổi xuân cõng chữ lên non

Âm thầm hy sinh tuổi xuân, bỏ lại đằng sau người thân, gia đình để đem con chữ đến với mảnh đất vùng cao còn nhiều khó khăn… Đó là những giáo viên cắm bản nơi miền núi cao An Phú, Lục Yên, Yên Bái.

Tuổi xuân cõng chữ lên non

Tuổi xuân cõng chữ lên non

Âm thầm hy sinh tuổi xuân, bỏ lại đằng sau người thân, gia đình để đem con chữ đến với mảnh đất vùng cao còn nhiều khó khăn… Đó là những giáo viên cắm bản nơi miền núi cao An Phú, Lục Yên, Yên Bái.