Cuộc chiến tin tặc Trung-Mỹ đã đến hồi công khai
(VOV) - Lần đầu tiên một cơ quan chính phủ Mỹ lên tiếng cáo buộc phía Trung Quốc có dấu hiệu bảo trợ các vụ tấn công mạng.
Hôm 6/5 vừa rồi, Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra bản báo cáo dài 83 trang về quân đội Trung Quốc. Trong báo cáo này có nêu vấn đề chính phủ và quân đội Trung Quốc đứng đằng sau nhiều vụ tin tặc xâm nhập hệ thống máy tính của Mỹ. Điều đáng nói là báo cáo chỉ đích danh 1 nước cụ thể và sự việc diễn ra chỉ vài tháng sau khi công ty an ninh mạng Mandiant của Mỹ đưa ra một bản báo cáo gây xôn xao dư luận liên quan đến tin tặc Trung Quốc. Và những thông tin lần này lại được người Mỹ gắn với các hoạt động hiện đại hóa quốc phòng của Trung Quốc và tình hình căng thẳng hiện nay trên Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Lời lẽ đôi bên
Trong bản báo cáo, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định “Chính phủ Mỹ tiếp tục bị xâm nhập mạng, mà một số trong các vụ xâm nhập đó có dấu hiệu liên quan đến chính phủ và quân đội Trung Quốc”. Bản báo cáo cũng nói rằng Trung Quốc đang nỗ lực hiện đại hóa quân đội, phát triển công nghệ máy bay tàng hình và tàu sân bay để mở rộng năng lực trên biển.
Một quân nhân Trung Quốc đang sử dụng vi tính (ảnh: techinasia.com) |
Còn vào tháng 2/2013, công ty Mandiant lần đầu tiên công bố bản báo cáo trong đó khẳng định, nhiều khả năng các tin tặc thuộc quân đội Trung Quốc đã tấn công vào các mạng tin học của các công ty lớn của Mỹ để đánh cắp các bí mật thương mại.
Tất nhiên, như lần trước (hồi tháng 2), Trung Quốc đã phản ứng, với các từ ngữ quen thuộc đại loại như Mỹ “vô căn cứ, vô trách nhiệm và thiếu chuyên nghiệp”.
Trung Quốc cho rằng tin tặc là vấn nạn chung. Lần trước cả Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đều nêu ra ý kiến có rất nhiều vụ tin tặc nhằm vào nước này xuất phát từ Mỹ.
Không những vậy, với ngôn từ có phần gay gắt, phía Trung Quốc còn tố ngược Mỹ là mang nặng “đầu óc” thời Chiến tranh Lạnh. Lần này Trung Quốc thậm chí gọi Mỹ là “đế quốc tin tặc chính cống”, và là kẻ “gieo rắc bất hòa”.
Tình hình có vẻ rất căng, vì theo phía Trung Quốc, những động thái tố cáo mà Mỹ thực hiện sẽ làm tổn hại quan hệ 2 nước trên nhiều phương diện.
Như thường lệ, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã vào cuộc để phê phán Mỹ.
Thực chất phía sau
Thật ra những đồn thổi về hoạt động tin tặc bên này bên kia vốn không có gì lạ. Các tuyên bố nhiều khi chỉ mang tính ngoại giao. Vấn đề là sức nặng của các tuyên bố đến đâu.
Ta vẫn biết “uy tín” của Mỹ như thế nào sau vụ vu oan ông Saddam Hussein rồi bất thình lình tấn công Iraq. Vì theo đuổi mục đích chính trị, Mỹ đã sử dụng “tin vịt” của một số điệp viên cho rằng Saddam Hussein vẫn còn sở hữu vũ khí hóa học để rồi khép tội ông này và phát động chiến tranh xâm lược Iraq.
Mỹ lại có tiềm lực tin học rất lớn và đã lập ra nhiều cơ quan tình báo (có lẽ nhiều nhất thế giới), bao gồm những cơ quan chuyên sử dụng phương tiện kỹ thuật để thu thập thông tin như Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) - nơi tập trung các chuyên gia mật mã hàng đầu.
Cho nên việc Trung Quốc đặt dấu hỏi với Mỹ là dễ hiểu.
Nhưng ngược lại, các tuyên bố từ phía Mỹ (Mandiant và Lầu Năm Góc) cũng có những điểm đáng lưu ý.
Thứ nhất, phía Trung Quốc đề cập và coi nạn tin tặc là vấn nạn chung. Nhưng ở đây, cả Lầu Năm Góc và công ty Mandiant đều chỉ nói đến tin tặc được dung dưỡng bởi nhà nước và quân đội. Các hacker có tính chất giang hồ, hành động đơn lẻ vì tư lợi hoặc để thể hiện đẳng cấp coi như không tính.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc (ảnh: Getty Images) |
Thứ hai, Mandiant đã trình ra 1 báo cáo chi tiết dài tới 76 trang với đầy đủ số hiệu đơn vị tin tặc, nickname các thành viên, và tòa nhà đơn vị đó đóng. Tóm lại là đích danh, đích địa. Không những vậy, Mandiant còn quay cả video về cách thức tấn công của tin tặc Trung Quốc. (Đây là kết quả làm việc miệt mài trong 7 năm của Mandiant). Có vẻ họ đã chấp nhận thách đấu, sẵn sàng cãi lý và đón nhận các vụ tấn công mạng trả đũa từ Trung Quốc. Xin mở ngoặc thêm, công ty Mandiant được giới trong nghề coi là đi đầu trong “pháp y vi tính” - chuyên dò các chứng cứ pháp lý trong máy tính và mạng máy tính. Trung Quốc đòi hỏi “có căn cứ” thì Mandiant đã có bằng chứng rồi.
Tất nhiên, ở đây không thể loại trừ yếu tố Mandiant muốn đánh bóng tên tuổi. (Người ta đã ví Mandiant như một Blackwater thứ 2. Blackwater - nay mang tên Academi - là công ty tư nhân chuyên làm thuê cho chính phủ Mỹ trong mảng quân sự và an ninh). Nhưng việc nào ra việc đấy. Mandiant là 1 công ty tư nhân không có sự hậu thuẫn chính thức của quân đội hay tình báo Mỹ, thành ra họ không phải e dè, ngó trước nhìn sau. Ngược lại, các cơ quan chính phủ Mỹ thì có thể còn giữ ý tứ ngoại giao. Phải chăng vì thế mà mãi đến giờ Bộ Quốc phòng mới lên tiếng một cách chính thức?
Vả lại, Lầu Năm Góc cũng có nhiều chuyên gia về tin học. Mạng internet vốn dĩ bắt nguồn từ Bộ Quốc phòng Mỹ mà ra, nên họ có kinh nghiệm về phòng chống tin tặc (việc họ bị tấn công từ các tay hacker toàn cầu diễn ra từ rất lâu rồi). Chắc họ không đến nỗi ngờ nghệch lắm trong việc xác định xuất xứ các tay hacker.
Ngoài ra xét về tiềm lực kinh tế, khoa học - công nghệ, thì rõ ràng Trung Quốc vẫn thua Mỹ nhiều. Trong khi đó, các vụ tin tặc tấn công mà Mỹ cáo buộc thường liên quan đến kinh tế, thương mại, công nghiệp, và công nghệ. Tất nhiên Mỹ cũng thừa nhận các cơ quan đặc biệt của họ có theo dõi mạng máy tính thế giới nhưng chủ yếu là để nắm tình hình chính trị (chẳng hạn vấn đề Đài Loan mà Mỹ quan tâm) và chống khủng bố.
Có người liên hệ vấn đề hacker này với hiện tượng hàng nhái do người Trung Quốc làm. Riêng trong lĩnh vực kinh tế, có lẽ Mỹ nằm trong số nước sợ bị mất bản quyền nhất và dành nhiều công sức nhất cho việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Nói nôm na, “anh nhiều của” thường sợ bị “chôm chỉa” hơn.
Thật ra ngày xưa trước khi trở thành cường quốc như hiện nay, Nhật Bản cũng phải chịu khó “tầm sư học đạo” (gửi người đi nước ngoài học hoặc mời thầy ngoại quốc về dạy), rồi bỏ ra thật nhiều tiền mua sẵn các phát minh nhằm đi tắt đón đầu, đỡ tốn công và thời gian nghĩ những cái người khác đã sáng chế ra.
Lịch sử đã chứng minh, “để làm giàu tri thức bản thân”, một số cường quốc còn áp dụng cả chiêu thức tình báo.
Các kẻ thù nhiều khi cũng phải “học mót” của nhau. Chẳng hạn, Liên Xô từng chịu khó học Đức rất nhiều (những cái hay về vũ khí, tổ chức quân đội, chiến thuật). Sĩ quan Xô viết từng rất ấn tượng về tính kỷ luật và lối đánh chớp nhoáng của quân đội Đức.
Tiếp tục… quan sát
Hư thực và chi tiết câu chuyện tin tặc giữa 2 nước có lẽ cần phải có thêm rất nhiều thời gian nữa thì mới rõ được. Bây giờ còn quá sớm để khẳng định chắc chắn mọi điều.
Bản báo cáo của Lầu Năm Góc cần nhìn nhận trong bối cảnh rộng hơn, đó là sự cạnh tranh giữa siêu cường Mỹ và cường quốc mới nổi Trung Quốc. Hai nước đã có nhiều tranh chấp thương mại. Phía Mỹ cũng nhiều lần nói các công ty Trung Quốc hỗ trợ hoạt động tình báo và các thiết bị viễn thông của các công ty Trung Quốc đặt ra nhiều mối nguy về an ninh cho nước Mỹ.
Hiện nay Trung Quốc là 1 cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ. Từ cách đây 1 thập kỷ Mỹ đã quan ngại về “sự trỗi dậy hòa bình” và coi Trung Quốc là đối thủ số 1 của họ (bên cạnh việc là đối tác). Nay Trung Quốc đã vượt Nhật thành nền kinh tế số 2 thì cuộc cạnh tranh nói trên càng khốc liệt. Trung Quốc không chỉ gia tăng sức mạnh cứng mà còn cả quyền lực mềm. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nước phương Tây khác cũng tỏ ra nghi ngại về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên toàn cầu.
Hơn nữa, với việc tích cực tăng cường quốc phòng giữa lúc căng thẳng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông lên cao thì Trung Quốc dù ít dù nhiều đều gây quan ngại nhiều mặt cho các nước, trong đó có Mỹ./.