Đối với bất kỳ một cuộc chiến nào, tình báo luôn đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Một điệp viên giỏi được đánh giá có sức mạnh ngang một binh đoàn. Các cuộc đấu trí giữa những tình báo “đầu có sỏi” của Nga và phương Tây không chỉ bắt đầu từ khi xung đột nổ ra mà trước đó rất lâu, thậm chí trước chiến tranh lạnh. Ở mặt trận không tiếng súng này, mọi bên chắc chắn cũng đang sử dụng tất cả những gì tinh túy nhất của mình để phục vụ mục tiêu cuối cùng.

Hãy tưởng tượng, một tài liệu thuộc dạng tối mật được đặt lên bàn chỉ huy tình báo vào buổi tối. Tuy nhiên, chỉ sáng hôm sau, những thông tin trong tài liệu này lại được phát đi trên khắp thế giới và ai cũng có thể tiếp cận được qua báo chí và mạng xã hội. Đây là những gì đã và đang xảy ra trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.

“Điệp viên hoàn hảo” Phạm Xuân Ẩn từng nói, nghề tình báo cũng giống như nghề làm báo, một bên là lấy thông tin rồi cất nó đi, một bên khác thì lại đưa nó ra. Nguyên tắc cơ bản của nghề tình báo là để càng ít người tiếp cận thông tin tình báo càng tốt. Tuy nhiên, ngay khi Nga manh nha tấn công thì Mỹ và phương Tây đã cho cả thế giới đã biết điều đó.

Hành động tung thông tin tình báo bí mật đó đã được phương Tây bàn bạc, chuẩn bị từ nhiều tháng trước khi xảy ra cuộc chiến ở Ukraine. Giới chức Mỹ đã bắt đầu gia tăng hoạt động chia sẻ thông tin tình báo, trao đổi thông tin với các đồng minh chiến lược, gồm cả Anh, khi Mỹ quan ngại việc Nga có các động thái chuyển quân vào mùa thu năm 2021 khiến tình báo Mỹ đặt trong tình trạng báo động.

Thời kỳ trước, 80% thông tin tình báo lấy được từ các nguồn bí mật và 20% còn lại là công khai. Nhưng giờ đây con số này là ngược lại và việc cất đi như thời kỳ trước cũng không là điều tuyệt đối nữa.

Những thông tin tình báo được chia sẻ dạng công khai mà phương Tây cung cấp cho Ukraine đã khiến Nga gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài các thông tin liên tục được công khai về đà tiến của quân đội Nga, tình hình chiến trường, Mỹ thừa nhận đã cung cấp riêng cho Ukraine những thông tin mang tính hữu ích. Ví dụ như việc Ukraine tuyên bố họ đánh chìm tuần dương hạm Moskva là nhờ Mỹ cung cấp thông tin tình báo về con tàu.

UAV Ukraine chỉ điểm mục tiêu trên chiến trường (Video Twitter)

Trên tờ Wall Street Journal, tình báo nguồn mở (OSINT) cũng được cả hai phía tận dụng một cách tối đa và nó khiến cách thu thập thông tin tình báo truyền thống phải định hình lại. Lấy ví dụ, OSINT tận dụng các nguồn được công bố rộng rãi để giải quyết một nhu cầu cụ thể nhờ sự giúp đỡ của các máy tính phân tích số liệu. Họ có thể lấy nguồn từ các vệ tinh thương mại, tin tức trên Internet và cả các bức ảnh được chụp từ điện thoại. Thực chất, OSINT không phải mới ra đời, nó đã có từ rất lâu nhưng chưa có cuộc chiến tranh hiện đại nào lại có vai trò quan trọng như xung đột giữa Nga và Ukraine.

Những thông tin về hành quân của quân đội Nga nhan nhản trên báo chí và mạng xã hội, hàng trăm vệ tinh thương mại góp phần sự bùng nổ các ảnh được chụp từ vệ tinh ngay cả trước khi cuộc chiến nổ ra vào ngày 24/2. Ở phía bên kia, đã có rất nhiều bài báo nói rằng, một đơn vị của Ukraine bị tấn công bằng tên lửa chỉ sau một khoảng thời gian rất ngắn bởi phía Nga có thông tin từ một bức ảnh “check-in” của một binh sỹ nào đó.

Nếu xem xét trên khía cạnh những thông tin mở, chắc chắn lợi thế đang nghiêng hẳn về phía Ukraine khi Mỹ và phương Tây không giấu diếm rằng họ đang chia sẻ thông tin tình báo cho Kiev một cách không giới hạn. Những công ty vệ tinh thương mại cũng nói rằng, họ cũng cung cấp cho Ukraine nhiều nhất có thể những thông tin thu thập được.

Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) được thành lập trong thời kỳ chiến tranh lạnh và mục tiêu tác chiến của nó là Liên Xô. Sau năm 1991, mục tiêu của CIA chuyển thành Nga. CIA cũng đặt văn phòng ở Ukraine và Kiev hưởng lợi không ít từ việc này.

Xem xét trên khía cạnh những thông tin mở, chắc chắn lợi thế đang nghiêng hẳn về phía Ukraine (Ảnh Reuters)

Nhưng khi các tài liệu được giải mật, trong suốt chiều dài lịch sử có rất ít điệp viên phương Tây có thể tồn tại được ở Moscow chứ chưa nói tới làm việc. Còn ngược lại, đã có rất nhiều điệp viên Liên Xô trước kia và Nga sau này trở thành huyền thoại. Tổng thống Nga Putin cũng đã từng là một nhân viên KGB hoạt động tại Đức trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh và chắc chắn ông là người hiểu rõ hơn ai hết điều này.

Hơn nữa, trong quãng thời gian thân thiết với Nga, chắc chắn tại Ukraine, Nga đã tung sang không ít những điệp viên ẩn sâu, leo cao ở Kiev. Chưa kể là những người khác hoạt động ở các nước khối Đông Âu trước kia và nay đã trở thành thành viên của NATO.

Suy cho cùng, dù phương thức có thay đổi như thế nào trong thời hiện đại thì những hoạt động chất cổ điển trong nghề tình báo vẫn mang lại những giá trị rất lớn, thậm chí là vô giá về mặt chiến lược. Và ở phương diện này, dường như Nga đang có ưu thế trước Mỹ và phương Tây. Không khó để chỉ ra điều này khi phương Tây liên tục phải trục xuất hàng trăm nhà ngoại giao Nga, những người bị coi là điệp viên. Một lãnh đạo MI6 của Anh cũng mạnh miệng tuyên bố rằng một nửa số điệp viên của Nga tại châu Âu đã bị trục suất. Câu hỏi đặt ra tại sao phương Tây phải mạnh tay trong chiến dịch truy vết này đến như vậy, họ đang lo sợ điều gì?

Trong một diễn biến mới nhất, Tổng thống Ukraine vừa sa thải hai nhân vật cấp cao đó là Giám đốc tình báo và công tố viên hàng đầu. Hai người này không bị quy kết là “gián điệp” nhưng được coi là làm ngơ cho các hoạt động phản quốc. Những động thái này cho thấy, Ukraine đang gặp rất nhiều bất lợi khi đứng trước một bức màn bí mật. Phát biểu sau khi sa thải hai quan chức trên, ông Zelensky cho biết, đã có hàng trăm cuộc điều tra về hành vi phản quốc được tiến hành.

Ukraine đã phải đối mặt với “thù trong” mà cụ thể ở đây là mạng lưới gián điệp trong chính phủ, các tổ chức tôn giáo và cả các cơ quan tình báo, những người có thể có mối liên hệ với Nga hoặc đơn giản chỉ là có thiện cảm với Nga.

Kể từ đầu cuộc chiến, phía tình báo Ukraine gần như không phát huy được tác dụng của mình và cũng có thể do chính những nhà cầm quyền tại Kiev “không tin vào tình báo”. Những thành công lớn nhất của Ukraine tại chiến trường tính tới nay hầu như dựa trên các thông tin mà Mỹ và phương Tây cung cấp. Điều này cũng dễ hiểu vì trước đây, những nhân viên tình báo của Ukraine hầu hết được đào tạo tại các trường nghiệp vụ của KGB và không dễ gì để họ thoát khỏi cái gốc đó.

Tổng thống Zelensky cho biết, hơn 60 công tố viên và nhân viên tình báo Ukraine đã ở lại lãnh thổ do Nga kiểm soát và đang hợp tác với Moscow. Ngoài ra Ukraine còn tổ chức hàng trăm cuộc điều tra khác nhắm vào sĩ quan cảnh sát, nhân viên công tố và quan chức an ninh.

SBU, cơ quan tình báo và an ninh nội địa của Ukraine từ lâu đã bị chỉ trích là có quy mô quá lớn nhưng lại không đủ mạnh, tình trạng tham nhũng cũng diễn ra và họ dễ dàng trở thành “con mồi” của không chỉ Nga mà còn cả của phương Tây. Với một lực lượng tình báo như vậy, bức tường thành cuối cùng của Ukraine rõ ràng gặp lung lay và họ bị rơi vào thế khó khi có một thanh gươm không đủ sắc và một lá chắn không đủ vững chãi./.

Thứ Ba, 09:21, 26/07/2022