“Cuộc chiến toàn diện” giữa Mỹ và Trung Quốc đang thành hiện thực?

VOV.VN - Cáo buộc của Tổng thống Donald Trump rằng Trung Quốc can thiệp bầu cử giữa kỳ sắp tới ở Mỹ mở ra một cuộc chiến toàn diện giữa 2 cường quốc.

Với khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” (America First) và mục tiêu phải “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again), Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phát động chiến tranh thương mại với rất nhiều nước trên thế giới. Trong đó, cuộc chiến khốc liệt nhất với con số thiệt hại thực tế lớn nhất là với Trung Quốc.

Ông Trump mở rộng cuộc chiến với Trung Quốc khi tố cáo Bắc Kinh tìm cách can thiệp bầu cử giữa kỳ Mỹ tháng 11/2018. (Ảnh: AFP)

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã không chỉ vươn lên mạnh mẽ trong lĩnh vực này mà đã thực sự trỗi dậy nhanh chóng và bám sát Mỹ trong nhiều lĩnh vực, khiến Washington phải “khởi động cơ chế phòng thủ” trên mọi phương diện.

Nói cách khác, Mỹ và Trung Quốc đang ở giai đoạn đầu của một “cuộc chiến toàn diện”.

Chiến tranh thương mại nổ “phát súng” đầu tiên

“Chúng tôi tin rằng thương mại phải công bằng và có đi có lại” – ông Trump tuyên bố trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 26/9. “Mỹ sẽ không bị lợi dụng nữa”.

Tuyên bố đưa ra chỉ 2 ngày sau khi các biện pháp thuế quan trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc chính thức có hiệu lực. Chính quyền Mỹ áp thuế 10% từ nay đến cuối năm và tăng lên 25% sau năm 2018 đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Trong khi đó, mức thuế của Trung Quốc đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ là 5-10%. Trước đó, hai bên đã đánh thuế đối với 50 tỷ USD hàng hóa của nhau.

“Tôi dành sự tôn trọng và tình cảm rất lớn cho bạn tôi, Chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng tôi đã nói rõ là bất công thương mại giữa chúng tôi là không thể chấp nhận được” – ông Trump nhấn mạnh.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ như một lẽ tất yếu. Các chuyên gia cho rằng, dù có hay không có Tổng thống Mỹ Donald Trump thì nó vẫn xảy ra. Vấn đề ở đây chính là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chiến tranh thương mại chỉ biểu lộ một phần cho những căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và cuộc chiến này có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm nữa.

Mặt trận chính trị và truyền thông

Cựu chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Steve Bannon từng nói, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là một “cuộc chiến tranh kinh tế” chứ không phải một “cuộc chiến thương mại”. Có thể hiểu rằng, đây là một cuộc đối đấu giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, trước hết được biểu hiện ở lĩnh vực thương mại, sâu rộng hơn là trên các lĩnh vực khác.

Trung Quốc vừa tìm cách vươn lên trong các định chế cũ như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên Hợp Quốc, vừa hình thành một loạt định chế mới như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Tổ chức Hợp tác Thượng hải (OSC), sáng kiến “Vành đai – Con đường”… nhằm gia tăng sức ảnh hưởng trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á và châu Phi.

Tất nhiên, điều đó đã khiến Washington “nóng mắt”.

“Mỹ đang ngày càng lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc” - George Yeo, cựu Ngoại trưởng Singapore nhận định. “Không khó để một cuộc chiến kinh tế trở thành một cuộc chiến chính trị và trở thành một cuộc chiến tranh thực sự”.

Steve Bannon có thể đã ra đi nhưng Nhà Trắng không thiếu những nhân vật có quan điểm “diều hâu”, nghĩa là rất khắt khe, cứng rắn với Trung Quốc, mà Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ hiện nay, ông John Bolton là một trong số đó.

Ông Bolton đang được cho là người đóng vai trò chủ chốt trong việc vận động Tổng thống Trump tấn công Trung Quốc dồn dập hơn nữa, không chỉ trên “mặt trận” thương mại mà trong cả những vấn đề khác như các hoạt động trên không gian mạng, vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) và Biển Đông.

Với một người đang “hừng hực” khí thế chiến đấu với Trung Quốc trong cuộc đối đầu thương mại như ông Trump thì nhiệm vụ của ông Bolton dường như khá dễ dàng, và kết quả là cáo buộc mới nhất của ông Trump rằng Trung Quốc đang can thiệp vào cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra đầu tháng 11 tới.

Ông Trump cho rằng Bắc Kinh quay sang tấn công trên mặt trận chính trị và truyền thông để trả đũa ông vì các đòn trừng phạt trên mặt trận thương mại. Bằng chứng mà ông Trump đưa ra là việc truyền thông nhà nước Trung Quốc quảng bá về lợi ích chung của thương mại Mỹ - Trung trải rộng trên 4 trang của Sunday Des Moines Register, một tờ nhật báo ở Des Moines, bang Iowa. Đây là bang đã bầu cho ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016 nhưng nông dân ở đây lại đang phải đối mặt với những thiệt hại nghiêm trọng vì cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Việc chính phủ nước khác mua “đất” quảng cáo trên các trang báo Mỹ để quảng bá thương mại là khá phổ biến và không bị xếp vào loại “đáng bị trừng phạt” như các chiến dịch bí mật của một cơ quan tình báo. Các quan chức Mỹ và các nhà phân tích cũng chưa phát hiện Trung Quốc có một chiến dịch có hệ thống, bao gồm các hoạt động thao túng trên mạng xã hội như Nga bị cho là đã tiến hành trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.

Tuy nhiên, tất cả những gì Washington cần chỉ là một cái cớ.

Bởi Mỹ từ lâu đã xác định Trung Quốc là thủ phạm chính trong các vụ tấn công mạng nhằm vào dữ liệu của chính phủ và các công ty của Mỹ.

Quan chức Mỹ cho biết, Washington đang xem xét các biện pháp cứng rắn hơn đối với những kẻ do thám và trộm cắp qua mạng của Trung Quốc.

Điều đó cho thấy chính quyền của ông Trump quyết tâm gây sức ép sâu và rộng hơn nữa với Trung Quốc, kể cả khi có nguy cơ bị Bắc Kinh đáp trả khốc liệt.

Và khái niệm “chiến tranh tổng hợp” (hybrid warfare), tức là một cuộc chiến toàn diện trên nhiều mặt trận kinh tế, chính trị, quân sự, không gian mạng… đang được ngày càng nhiều người trong Nhà Trắng dùng để nói về đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc.

Đối đầu quân sự leo thang

Trước khi vấn đề Triều Tiên có những chuyển biến tích cực, tranh cãi quân sự căng thẳng nhất giữa Washington và Bắc Kinh có lẽ là việc Mỹ đặt Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc, với lý do là để đối phó với những mối đe dọa từ Bình Nhưỡng bất chấp việc Trung Quốc cho rằng radar cực mạnh của hệ thống trên có thể xâm phạm vào các lợi ích của nước này.

Việc Trung Quốc dường như tạm để vấn đề này lắng dịu như một trong các biện pháp hợp tác với Mỹ trong vấn đề Triều Tiên cũng không ngăn được Washington tiếp tục đối đầu Bắc Kinh ở Biển Đông.

Hồi đầu tuần này, quân đội Mỹ đã thể hiện rằng Washington sẵn sàng tiếp tục thách thức các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông khi điều máy bay ném bom B-52 bay qua đây.

Mỹ trước đó cũng đã kêu gọi các đồng minh của nước này tăng cường thực thi quyền tự do hàng hải ở một trong những khu vực giao thương hàng hải tấp nập và quan trọng nhất thế giới. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, các tàu của Nhật, Anh và Canada đã lần lượt có các sứ mệnh đến Biển Đông.

Cùng với đó, Mỹ tiếp tục chọc giận Bắc Kinh bằng việc bán phụ tùng thay thế của các chiến cơ F-16 và những máy bay quân sự khác trị giá tới 330 triệu USD cho Đài Loan (Trung Quốc).

Trong một động thái khác, lấy lý do Trung Quốc mua máy bay và hệ thống tên lửa của Nga là vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Moscow, Washington trừng phạt một cơ quan quân sự của Bắc Kinh.

Đáp lại, Trung Quốc tuyên bố ngừng tất cả các cuộc đối thoại quân sự lớn với Mỹ trong tương lai gần. Trước đó, Bắc Kinh cũng đã hủy kế hoạch cử phái đoàn sang Mỹ đàm phán thương mại.

Rõ ràng, trong từng bước đi của mình, Mỹ và Trung Quốc, dù vô tình hay cố ý, cũng đã thúc đẩy đối đầu toàn diện trên mọi mặt trận, từ kinh tế đến chính trị, truyền thông và quân sự.

Mục tiêu “tối thượng” của ông Trump

Nước Mỹ trước thời Tổng thống Donald Trump là một cường quốc giàu có và mạnh mẽ nhất thế giới, một đất nước sẵn sàng nâng đỡ láng giềng và bạn bè của mình.

Nhưng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, trước việc Bắc Kinh ngày càng giàu có và cũng sẵn sàng nâng đỡ láng giềng và bạn bè của mình, chẳng hạn như việc cho châu Phi vay 60 tỷ USD bất chấp khả năng chi trả của các nước đi vay, nước Mỹ của ông Trump cần phải thay đổi nếu muốn tiếp tục giàu có và mạnh mẽ nhất thế giới.

Đặt “nước Mỹ trên hết” và “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” chính là giải pháp của ông Trump. Đã từng có những phân tích chỉ ra rằng, Tổng thống Donald Trump có một tầm nhìn xa hơn dư luận có thể thấy khi ông phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Bởi 2 nước đã có tới 5 lần tranh cãi thương mại nhưng đều được giải quyết mà không có một cuộc chiến nào xảy ra. Trong khi đó, thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tồn tại một thời gian khá lâu. Đó là chưa kể thâm hụt thương mại giữa 2 nước có thể không lớn như một số báo cáo ước tính. Theo công ty phân tích hàng đầu thế giới Oxford Economics, cán cân thương mại Mỹ - Trung, nếu nhìn theo tương quan với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thì gần như duy trì ổn định từ năm 2009 đến nay.

Vậy nếu thâm hụt thương mại không phải là vấn đề trọng tâm của cuộc tranh cãi này thì điều gì đã thúc đẩy Mỹ phát động chiến tranh thương mại nhằm vào Trung Quốc?

Một trong những câu trả lời có lẽ là Mỹ đang muốn tấn công vào “trái tim” của Trung Quốc. Và nếu coi đất nước Trung Quốc là một cơ thể hoàn chỉnh thì cuộc chiến toàn diện mà ông Trump đang tiến hành có tham vọng phá hủy toàn bộ sức đề kháng của Trung Quốc, để đến cuối cùng là hạ bệ “Giấc mơ Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giải mã sự “tăng nhiệt” của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung
Giải mã sự “tăng nhiệt” của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

VOV.VN - Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc lại vừa gia tăng căng thẳng, giới chuyên gia cho rằng mức độ này là rất nghiêm trọng.

Giải mã sự “tăng nhiệt” của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Giải mã sự “tăng nhiệt” của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

VOV.VN - Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc lại vừa gia tăng căng thẳng, giới chuyên gia cho rằng mức độ này là rất nghiêm trọng.

Mỹ trừng phạt một cơ quan quân sự Trung Quốc
Mỹ trừng phạt một cơ quan quân sự Trung Quốc

VOV.VN -Cục phát triển thiết bị của Trung Quốc sẽ bị cấm đăng ký xin giấy phép xuất khẩu cũng như tham gia vào các giao dịch ngoại theo luật của Mỹ.

Mỹ trừng phạt một cơ quan quân sự Trung Quốc

Mỹ trừng phạt một cơ quan quân sự Trung Quốc

VOV.VN -Cục phát triển thiết bị của Trung Quốc sẽ bị cấm đăng ký xin giấy phép xuất khẩu cũng như tham gia vào các giao dịch ngoại theo luật của Mỹ.

Từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đến chiến tranh lạnh kiểu mới?
Từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đến chiến tranh lạnh kiểu mới?

VOV.VN - Không thể ăn miếng trả miếng từng xu trong ván cờ thuế quan, cách đáp trả “định tính” mà Trung Quốc tuyên bố có thể khiến Mỹ-Trung rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới

Từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đến chiến tranh lạnh kiểu mới?

Từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đến chiến tranh lạnh kiểu mới?

VOV.VN - Không thể ăn miếng trả miếng từng xu trong ván cờ thuế quan, cách đáp trả “định tính” mà Trung Quốc tuyên bố có thể khiến Mỹ-Trung rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới

Biện pháp trả đũa thuế quan Mỹ-Trung chính thức có hiệu lực
Biện pháp trả đũa thuế quan Mỹ-Trung chính thức có hiệu lực

VOV.VN - Các biện pháp thuế quan “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ và Trung Quốc có hiệu lực từ 04h01 giờ GMT ngày 24/9, tức 11h01 theo giờ Hà Nội.

Biện pháp trả đũa thuế quan Mỹ-Trung chính thức có hiệu lực

Biện pháp trả đũa thuế quan Mỹ-Trung chính thức có hiệu lực

VOV.VN - Các biện pháp thuế quan “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ và Trung Quốc có hiệu lực từ 04h01 giờ GMT ngày 24/9, tức 11h01 theo giờ Hà Nội.

Cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung bao giờ dừng lại?
Cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung bao giờ dừng lại?

VOV.VN - Trung Quốc vẫn tỏ ra cứng rắn, trong khi Mỹ tự tin là sẽ giành thế thượng phong và chắc chắn sẽ thắng trong cuộc chiến thương mại này.

Cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung bao giờ dừng lại?

Cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung bao giờ dừng lại?

VOV.VN - Trung Quốc vẫn tỏ ra cứng rắn, trong khi Mỹ tự tin là sẽ giành thế thượng phong và chắc chắn sẽ thắng trong cuộc chiến thương mại này.