Cuộc điều trần của ông Comey quyết định vận mệnh Tổng thống Trump?
VOV.VN - Những gì mà cựu Giám đốc FBI James Comey khai trước Thượng viện Mỹ ngày mai (8/6) có thể thổi bay sự nghiệp của Tổng thống Donald Trump.
Mọi ánh mắt đổ dồn về phía ông Comey khi cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) dự kiến điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện về các cuộc trao đổi của ông với Tổng thống Donald Trump trong thời gian qua, trước khi bất ngờ bị ông chủ Nhà Trắng sa thải ngày 9/5.
Cựu Giám đốc FBI James Comey. Ảnh: AFP. |
Trước phiên điều trần này, ông Comey đã có cuộc thảo luận với ông Robert Mueller, Cố vấn đặc biệt giám sát việc điều tra mối liên hệ giữa Nga và bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.
Tuy nhiên, khó mà tưởng tượng rằng ông Comey lại chấp nhận ra điều trần nếu bị hạn chế các câu trả lời. “Tôi không kỳ vọng Jim [James Comey – ND] lại ngồi sau một chiếc bàn với cả danh sách những giới hạn mà một cố vấn đặc biệt đưa cho ông ấy” – David N.Kelly, một người bạn và là đồng nghiệp lâu năm trong ngành của ông Comey chia sẻ.
Sau khi Nhà Trắng ngày 5/6 tuyên bố sẽ không tìm cách ngăn cản cuộc điều trần của ông Comey, các kênh tin tức ở Mỹ đã ồ ạt thông báo sẽ truyền hình trực tiếp diễn biến bên ngoài phiên điều trần kín này. Sức nóng của cuộc điều trần được cho là sẽ vượt qua cả những lần cựu Giám đốc FBI John Dean trả lời về bê bối nghe lén Watergate nổi tiếng (1973) hay Oliver North nói về vụ quan chức cấp cao Mỹ bí mật bán vũ khí cho Iran bất chấp lệnh cấm vận (Iran-Contra, 1987).
Công luận Mỹ có rất nhiều câu hỏi cho ông Comey và một vài trong số đó có thể khiến cuộc điều trần này trở thành một “quả bom” dội xuống chính trường Mỹ, “thổi bay sự nghiệp” của Tổng thống Donald Trump.
Ba lần thông báo ông Trump không bị điều tra là thật?
Ông Comey có thể sẽ không giải đáp việc liệu Tổng thống Trump hay thân tín nào của ông tại Nhà Trắng có tìm cách cản trở cuộc điều tra Nga. Nhưng nhiều khả năng ông sẽ làm rõ việc có từng nói với Tổng thống Trump rằng ông đã thoát khỏi cuộc điều tra liên quan đến Nga hay không.
Bác bỏ việc từng thông báo với ông Trump thông tin trên nghĩa là ông Comey buộc tội Tổng thống nói dối. Nhưng câu trả lời của ông chắc chắn sẽ sắc bén hơn. Nó sẽ cho thấy sự khác biệt giữa việc liệu bình luận của ông với ông Trump có được đặt trong bối cảnh một điều tra an ninh quốc gia hay là cuộc điều tra hình sự hay không.
Benjamin Wittes, cựu phóng viên Washington Post, bạn thân của ông Comey hơn chục năm nay, có thể làm chứng cho cáo buộc ông Trump cản trở công lý. Wittes nói, trong một bữa trưa hồi tháng 4, Comey đã kể rằng ông phải liên tục tìm cách ngăn cản Nhà Trắng can thiệp vào công việc của FBI.
Wittes cho biết, ông không thảo luận cụ thể với Comey về cuộc điều tra nào và cũng không phải là người phát ngôn không chính thức cho cựu Giám đốc FBI nhưng tin chắc ông Comey không cam đoan với ông Trump điều gì, chủ yếu là vì “đối với một điều tra viên, cụm từ ‘trong diện điều tra’ khá mơ hồ đến mức vô nghĩa”. Ông Trump thừa nhận đã 3 lần hỏi Comey liệu mình có bị FBI điều tra
Theo Wittes, câu hỏi cụ thể hơn mà Ủy ban Tình báo Thượng viện có thể hỏi ông Comey là liệu FBI có mở hồ sơ về ông Trump hay không nhưng Wittes cũng cho rằng khó có câu trả lời cho vấn đề này do yêu cầu mà Cố vấn đặc biệt Robert Mueller có thể đưa ra trong cuộc gặp ông Comey trước phiên điều trần.
Nếu Comey nói rằng ông không muốn hủy hoại cuộc điều tra đang diễn ra thì câu trả lời này sẽ bị cho là một sự khẳng định, Wittes phán đoán.
Có thật ông Trump yêu cầu FBI tha cho cố vấn Flynn?
Trong Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ có 7 thành viên đảng Dân chủ, dẫn đầu là ông Mark Warner (bang Virginia). Họ sẽ tận dụng cơ hội hỏi của mình để xoáy vào mối quan hệ giữa Tổng thống Trump và giới chức Nga. Và việc ông Comey công nhận có bản ghi chép rằng Tổng thống Trump xin FBI tha cho cựu Cố vấn An ninh quốc gia Michael Flynn trong cuộc điều tra dính líu tới Nga sẽ là bằng chứng mạnh mẽ củng cố lập luận của họ.
Ghi chép lại các cuộc hội thoại và chi tiết quan trọng trong đó là thói quen của các điệp viên FBI. Ông Comey, theo giới tình báo, là người rất chính xác và thường lưu lại bản ghi chép các cuộc hội thoại quan trọng.
“Một Thượng nghị sỹ Dân chủ có thể hỏi rằng, ‘ông ghi lại cuộc hội thoại với Tổng thống vì ông cảm thấy không thoải mái hay ông coi đó là bằng chứng cho một cuộc điều tra về hành động cản trở công lý của Tổng thống” – Brian Fallon, người phát ngôn chiến dịch tranh cử Tổng thống của bà Hillary Clinton, dự đoán. Nếu Comey gọi đó là “bằng chứng” thì đây sẽ là một quả bom dội xuống chính trường Mỹ và nó cũng sẽ khiến bản thân ông chịu nhiều chỉ trích.
Nếu thấy phiền, sao ông Comey không báo cáo lên cấp trên?
Tám thành viên phe Cộng hòa tại Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ sẽ trả đũa bằng cách “đánh” vào năng lực và tính liêm chính của cựu Giám đốc FBI James Comey, đồng thời tạo cảm giác cộng đồng tình báo Mỹ đang chống lại ông Trump. Và câu hỏi “Vì sao cựu Giám đốc FBI giữ im lặng về hành động của ông Trump bao lâu nay” sẽ là chìa khóa để làm được điều đó. Bởi nó có thể tố cáo động cơ của ông Comey.
Phe Cộng hòa cho rằng nếu Comey thực sự tin Tổng thống đòi hỏi ông phải trung thành, gây sức ép hay can thiệp vào cuộc điều tra liên quan đến Nga thì đáng lẽ Giám đốc FBI lúc đó nên công khai những quan ngại này và từ chức. Cựu Giám đốc FBI James Comey đã từ chối “trung thành” với ông Trump?
Trong khi đó, theo người bạn lâu năm Wittes, Comey tin rằng ông đang dần “đào tạo” được các quan chức ở Nhà Trắng biết đối mặt một cách đúng đắn với các cơ quan thực thi pháp luật độc lập.
Có hay không chuyện FBI bị cản trở khi điều tra Nga
Khi điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ mới đây với tư cách vẫn là Giám đốc FBI, ông Comey đã khẳng định không có sự can thiệp nào vào cuộc điều tra của cục này đối với cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Khi đó Comey đã thề nói sự thật. Nhưng giờ đây ông lại tự mâu thuẫn với chính mình.
“Câu trả lời có thể là ‘không có vụ can thiệp nào thành công’”, Wittes nhận định. Không có sự can thiệp không có nghĩa là không có những âm mưu hay nỗ lực can thiệp.
Có một điều khá chắc chắn là phe Cộng hòa khó có thể cáo buộc ông Comey có quan điểm bè phái, thiên vị bởi bản thân ông Comey đăng ký theo đảng Cộng hòa gần như cả cuộc đời cho đến tận năm ngoái. Ông cũng đóng góp tài chính cho các chiến dịch tranh cử Tổng thống của những ứng viên đảng Cộng hòa từ năm 2008 đến 2012. Và những hành động quyết liệt của ông trong chiến dịch tranh cử năm 2016, trong đó có cuộc điều tra bê bối thư tín của bà Hillary Clinton, càng là cơ sở cho tính độc lập, liêm chính của cựu Giám đốc FBI./.