Cuộc đọ sức giữa vũ khí Nga và vũ khí phương Tây trên chiến trường Ukraine
VOV.VN - Các loại vũ khí nổi bật của Nga và phương Tây đã được huy động vào cuộc xung đột trực tiếp giữa Nga và Ukraine. Thực tế ác liệt của chiến trường làm bộc lộ ưu nhược thực sự của các vũ khí đó.
Chiến trường Ukraine đã trở thành nơi thử nghiệm các loại vũ khí của khối quân sự NATO. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov tuyên bố, các vũ khí này đã chứng tỏ tốt hơn vũ khí Nga.
Một bài báo mới đây của tờ Financial Times của Anh cũng ca ngợi vũ khí Mỹ và NATO viện trợ cho Ukraine đã thể hiện khả năng xuất sắc trên chiến trường. Bài báo này còn minh họa cho tuyên bố của mình bằng việc so sánh vũ khí NATO với ô tô Mercedez-Benz của Đức và vũ khí Nga với ô tô lạc hậu thời Xô viết.
Tác giả bài báo trên còn cho rằng Ukraine đã sử dụng tên lửa đất đối không MIM-104 Patriot (do Mỹ sản xuất) để bắn hạ hơn 12 quả tên lửa siêu vượt âm Kinzhal của Nga.
Trong khi đó, chuyên gia quân sự Nga Viktor Litovkin cho rằng các tuyên bố trên không phản ánh đúng thực tế, chủ yếu nhằm làm hài lòng các độc giả phương Tây cũng như để quảng bá cho chiến dịch phản công của Ukraine.
Ông Litovkin nói với đài Sputnik: “Trên thực tế, chính hệ thống Patriot lại bị phá hủy, chỉ bằng một đòn đánh của Kinzhal. Có tới 5 bệ phóng Patriot bị phá hủy cùng một lúc, đài radar của chúng cũng bị tiêu diệt. Bên cạnh đó, các xe tăng Leopard (của Đức) đã bị các pháo thủ và phi công Nga bắn cháy”.
Theo chuyên gia Litovkin, người Mỹ e ngại gửi cho Ukraine xe tăng Abrams là do họ nghĩ rằng các xe tăng đó cũng có thể bị pháo binh và trực thăng Nga phá hủy dễ dàng.
Ông Litovkin lý giải việc Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine ca ngợi vũ khí phương Tây là do ông ấy muốn có thêm nhiều vũ khí khí tài của phương Tây để có thể tiếp tục chiến đấu với người Nga.
Tên lửa Kinzhal hạ đo ván hệ thống phòng không Patriot
Bộ Quốc phòng Nga công bố, tên lửa đạn đạo siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal của Nga đã đánh trúng và phá hủy hệ thống tên lửa đất đối không Patriot ở thủ đô Kiev (Ukraine) vào ngày 16/5. Video xuất hiện trên mạng internet cho thấy cuộc tập kích bằng tên lửa Kinzhal và nỗ lực của pháo đội Patriot phóng hơn 36 quả tên lửa để bắn hạ Kinzhal nhưng bất thành.
Đoạn video cho thấy các tổ hợp Patriot (do Mỹ sản xuất) đã hoạt động cật lực. Ngay khi hệ thống này cạn tên lửa, một vụ nổ lớn xảy ra ngay tại bệ phóng Patriot.
Truyền thông chính thống của phương Tây thừa nhận đòn đánh trên của Kinzhal nhưng lại tuyên bố rằng hệ thống này chỉ bị hư hại chứ không phải là bị vô hiệu hóa hoàn toàn.
Hệ thống phòng không NASAMS có giúp ích Ukraine nhiều trên chiến tuyến?
Hai hệ thống phòng không tầm trung NASAMS được bàn giao lần đầu cho Ukraine vào tháng 10/2022. Lầu Năm Góc đã hứa hẹn cung cấp cho Kiev 8 hệ thống NASAMS và một số lượng đạn dược không xác định. Ngày hoàn thành toàn bộ việc chuyển giao là 28/11/2025.
Hiện có rất ít bằng chứng cho thấy 2 hệ thống NASAMS mà Mỹ cung cấp cho Ukraine đã mang lại lợi thế thấy rõ cho Ukraine trên chiến trường, nhất là khi một trong 2 hệ thống này đã bị Nga phá hủy vào đầu tháng 2/2023.
Các chuyên gia quân sự Nga cho biết, số lượng nhỏ NASAMS không giúp Ukraine che chắn cho các binh sĩ của mình. Hệ thống đang có ở Ukraine chủ yếu để bảo vệ các hệ thống vũ khí do Mỹ sản xuất như là tổ hợp pháo phản lực cơ động cao HIMARS.
Với tầm bắn hiệu quả là 30km, NASAMS chủ yếu nhắm tới các mục tiêu là tên lửa hành trình, UAV và máy bay có người lái của đối phương.
Tên lửa Storm Shadow của Anh và HIMARS của Mỹ có vô địch?
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace khẳng định với giới lập pháp Anh rằng các quả tên lửa Storm Shadow được giao cho Kiev có “tác động lớn” trên chiến trường. Storm Shadow là tên lửa hành trình tầm xa có tầm bắn trên 250km.
Trên thực tế, Storm Shadow đã đánh trúng cây cầu Chongar ở địa giới hành chính giữa tỉnh Kherson và bán đảo Crimea. Tuy nhiên, thứ vũ khí này được cho là vẫn chưa làm nghiêng cán cân quân sự theo hướng có lợi cho Ukraine.
Sau khi quân đội Ukraine đánh trúng cây cầu nói trên, lực lượng vũ trang Nga đã tổ chức phá hủy một kho tên lửa Storm Shadow ở tỉnh Khmelnitsky (Ukraine), theo Bộ Quốc phòng Nga.
Tương tự, quân đội Nga thường xuyên chặn được các quả tên lửa do hệ thống HIMARS phóng.
Mức độ hiệu quả của xe tăng Leopard và xe chiến đấu Bradley
Hôm 3/7, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, phía Nga đã phá hủy 16 xe tăng Leopard do Đức sản xuất, tức là 100% số xe quân sự mà Ba Lan và Bồ Đào Nha cung cấp cho Kiev.
Trước đó, vào ngày 26/6, báo New York Times (Mỹ) thừa nhận ít nhất 17 trong số 113 xe chiến đấu bộ binh Bradley đã bị phía Nga phá hủy trong giao chiến tính đến lúc đó.
Chuyên gia Litovkin bình luận về ưu thế của xe tăng Nga trên chiến trường Đông Âu: “Chúng tôi có xe tăng T-72, T-80 và T-90 - các xe này đều trên cơ xe tăng phương Tây. Thí dụ, kíp xe chúng tôi có 3 người và 1 hệ thống nạp đạn tự động, trong khi không có xe tăng nào của phương Tây có thiết bị nạp đạn tự động. Và do vậy các xe của phương Tây cần có thêm 1 thành viên thứ 4 trong kíp xe, người này sẽ phải nạp đạn cho xe trong lúc tác chiến, khi xe tăng tiến lui trên địa hình không bằng phẳng”.
Ông Litovkin tiếp tục so sánh ưu nhược của 2 loại xe: “Xe tăng họ cao 3m trong khi xe của chúng tôi chỉ cao 2,2m. Xe tăng họ nặng trên 60 tấn trong khi xe của chúng tôi chỉ nặng 46 tấn (nghĩa là xe tăng Nga gọn nhẹ hơn). Còn về nòng pháo, khẩu trên xe tăng chúng tôi là 125mm, trong khi khẩu của xe họ chỉ là 120mm. Ngoài ra, xe tăng Nga không chỉ bắn được đạn pháo thông thường mà còn phóng được cả tên lửa chống tăng dẫn đường bằng laser (nghĩa là hỏa lực xe tăng Nga mạnh hơn và đa dạng hơn)”.
Trước đó, các chuyên gia của Sputnik còn cho biết, tình trạng lũ lụt, bùn lầy trên chiến trường Ukraine cũng là một thách thức nghiêm trọng đối với các vũ khí khí tài của NATO. Quân đội Ukraine đã gặp nhiều vấn đề về hậu cần, bao gồm việc các cỗ xe tăng nặng 60 tấn do Đức sản xuất không thể vượt qua một số cây cầu của Ukraine.