Cuộc đua tên lửa trên Bán đảo Triều Tiên: Nguy cơ khủng hoảng leo thang thành chiến tranh

VOV.VN - Khi số lượng tên lửa cũng như đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên và Hàn Quốc tăng lên thì cũng là lúc các nhà quan sát đặt ra câu hỏi về nguy cơ leo thang căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Cuộc đua tên lửa trên Bán đảo Triều Tiên

Hành trình phát triển tên lửa chính xác có khả năng thoát khỏi sự phát hiện và tấn công các mục tiêu của đối phương mà Triều Tiên theo đuổi trong nhiều năm qua đã được đẩy mạnh với dấu mốc là việc nước này thử các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào năm 2018.

Trong khi đó, một thỏa thuận năm 2017 giữa Washington và Seoul nhằm dỡ bỏ những hạn chế song phương về trọng lượng của đầu đạn hạt nhân của Hàn Quốc đã dẫn tới việc nước này phát triển ít nhất 1 vũ khí hạng nặng với vai trò quan trọng trong chiến lược chặn trước các cuộc tấn công của Triều Tiên hoặc các âm mưu ám sát lãnh đạo.

Các tên lửa mới mà Triều Tiên thử nghiệm hồi tuần trước dường như cho thấy kho vũ khí của nước này đã bằng hoặc vượt qua kho vũ khí mà Hàn Quốc đang âm thầm mở rộng. Đây cũng là lần đầu tiên vụ phóng thử như vậy được tiến hành kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố hồi tháng 1 rằng nước này sẽ thu nhỏ các đầu đạn hạt nhân để vừa với các vũ khí chiến lược, đồng thời nhấn mạnh đến những rủi ro mà chính quyền ông Biden sẽ phải đối mặt khi cân nhắc đến những chọn lựa làm giảm căng thẳng.

Các quan chức Hàn Quốc nhận thấy việc phát triển các tên lửa đạn đạo tầm ngắn lớn hơn và tốt hơn là một cách để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ, quốc gia hiện đang có 28.500 quân đồn trú tại Hàn Quốc.

Trong bài phát biểu năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo tuyên bố rằng Hàn Quốc đã phát triển được một loại tên lửa với "trọng lượng của đầu đạn hạt nhân lớn nhất thế giới và tầm bắn đủ để bảo vệ hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên" khi nhắc tới tên lửa Hyunmoo-4 với tầm bắn 200 km và trọng lượng đầu đạn hạt nhân khoảng 2 tấn.

Đây không phải là một sự trùng hợp khi các nhà phân tích dẫn ra rằng Triều Tiên cho biết tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới nhất của nước này có thể mang 1 đầu đạn hạt nhân nặng 2,5 tấn.

Trong một tuyên bố ngày 30/3, bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã nhắc đến bài phát biểu của ông Jeong để bảo vệ quyền phát triển tên lửa của Triều Tiên.

"Bởi vì Seoul đã phát triển các khả năng mới của loại tên lửa này, nên Triều Tiên cũng tiến sát phía sau", Joshua Pollack, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân (CNS) James Martin cho hay. Chuyên gia Joshua là đồng tác giả của một báo cáo vào năm ngoái, cảnh báo những tiến triển trong việc phát triển các tên lửa tấn công chính xác và tên lửa theo quy ước của cả 2 nước có thể khiến cuộc khủng hoảng leo thang thành chiến tranh.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật

Triều Tiên cho biết các tên lửa của nước này được phát triển vì mục đích tự vệ, đồng thời cáo buộc Hàn Quốc và Mỹ đe dọa đến sự an toàn của Bình Nhưỡng qua các cuộc tập trận chung, các thương vụ mua bán vũ khí và một số chính sách thù địch khác.

Trong một cuộc họp hồi tháng 1, nhà lãnh đạo Kim Jong Un thông báo rằng Triều Tiên đã tích lũy được các công nghệ để "thu nhỏ, giảm trọng lượng và tiêu chuẩn hóa" các vũ khí hạt nhân.

Cơ quan tình báo Hàn Quốc kết luận rằng các tên lửa gần đây nhất của Triều Tiên có thể mang đầu đạn hạt nhân mặc dù chưa rõ liệu chúng được lắp đặt hay chưa, một nghị sĩ Hàn Quốc cho hay hôm 29/3.

"Thậm chí các tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Triều Tiên cũng có thể được coi là có khả năng hạt nhân, dựa theo những gì mà chính nước này mô tả", Markus Garlauskas, học giả cấp cao làm việc tại Hội đồng Đại Tây Dương và từng là một sĩ quan tình báo quốc gia Mỹ về vấn đề Triều Tiên, cho hay.

Markus Schiller, một chuyên gia về tên lửa tại châu Âu thì đánh giá, khi làm chủ được công nghệ trên, các đầu đạn hạt nhân có thể nhẹ hơn cả các đầu đạn theo quy ước.

Các tên lửa gần đây nhất của Triều Tiên đã cho thấy khả năng bay ở tầm thấp và "nâng lên" nhanh chóng trước khi đạt đến mục tiêu của nó, khiến cho nó khó bị phát hiện và đánh chặn, Joseph Dempsey, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nhận xét.

"Nếu được đưa vào sử dụng, loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn này sẽ giúp Triều Tiên tấn công các mục tiêu cụ thể ở Hàn Quốc với mức độ chính xác cao hơn nhiều (so với các phiên bản cũ hơn)", chuyên gia này đánh giá.

Ngày 26/6, trang 38 North, một tổ chức nghiên cứu Triều Tiên tại Mỹ cho biết, thông qua hình ảnh vệ tinh về các hoạt động tại một xưởng đóng tàu, tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo mới của Triều Tiên được xây dựng trong 7 năm qua đã sắp hoàn thành.

Hàn Quốc “không chịu kém cạnh”

Trong một bài phát biểu ngày 26/3, khi nói về các cuộc thử tên lửa của Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã miêu tả khả năng tên lửa của Hàn Quốc đạt "đẳng cấp thế giới".

Sau cuộc thử nghiệm tên lửa Huynmoo-4 vào năm ngoái, Hàn Quốc thông báo, nước này cũng sẽ sản xuất hàng loạt tên lửa phóng từ mặt đất khác, được thiết kế để phá hủy các kho đạn dược dưới hầm.

"Những cuộc thử nghiệm gần đây nhất của Triều Tiên dường như muốn truyền đi một thông điệp tới Hàn Quốc rằng họ có khả năng bằng hoặc vượt khả năng của Huynmoo-4", Melissa Hanham, phó giám đốc Mạng lưới Open Nuclear Network cho hay.

Sớm nhất có thể trong năm nay, Hàn Quốc sẽ tiến hành thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm với tên lửa Hyunmoo-2B có tầm bắn 500km, được trang bị đầu đạn theo quy ước và có thể gắn trên các tàu ngầm KSS III mới nặng 3.000 tấn, truyền thông Hàn Quốc cho hay.

Bộ Quốc phòng nước này đã từ chối xác nhận tình trạng của các loại vũ khí đặc biệt trên, đồng thời dẫn ra những mối lo ngại về an ninh, song vẫn khẳng định "quân đội của chúng tôi đã phát triển năng lực đối phó với các tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên bằng cách hiện đại hóa các lực lượng của mình và có kế hoạch phát triển lực lượng này mạnh hơn nữa trong tương lai".

Các tên lửa như vậy có thể thúc đẩy 2 chiến lược quan trọng của Hàn Quốc: Thứ nhất là "Phản ứng vượt trội", nhằm phát hiện các cuộc tấn công có kế hoạch từ Triều Tiên, phá hủy trước các cơ sở hạt nhân, tên lửa và kho đạn dược tầm xa của nước này. Thứ hai là "Tấn công mục tiêu chiến lược", được hiểu là một cuộc tấn công đáp trả, bao gồm cả việc loại trừ giới lãnh đạo Triều Tiên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tổng thống Mỹ Biden không có ý định gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un
Tổng thống Mỹ Biden không có ý định gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

VOV.VN - Ngày 29/3, Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden không có ý định gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Tổng thống Mỹ Biden không có ý định gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Tổng thống Mỹ Biden không có ý định gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

VOV.VN - Ngày 29/3, Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden không có ý định gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Triều Tiên chỉ trích Hội đồng Bảo an áp dụng tiêu chuẩn kép về vụ phóng tên lửa
Triều Tiên chỉ trích Hội đồng Bảo an áp dụng tiêu chuẩn kép về vụ phóng tên lửa

VOV.VN - Ngày 29/3, Triều Tiên nhận định, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thể hiện tiêu chuẩn kép khi ủy ban trừng phạt của cơ quan này chỉ trích cuộc thử tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Triều Tiên chỉ trích Hội đồng Bảo an áp dụng tiêu chuẩn kép về vụ phóng tên lửa

Triều Tiên chỉ trích Hội đồng Bảo an áp dụng tiêu chuẩn kép về vụ phóng tên lửa

VOV.VN - Ngày 29/3, Triều Tiên nhận định, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thể hiện tiêu chuẩn kép khi ủy ban trừng phạt của cơ quan này chỉ trích cuộc thử tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Mỹ và Triều Tiên lần đầu “lời qua, tiếng lại” – Liên Hợp Quốc điều tra vụ phóng tên lửa
Mỹ và Triều Tiên lần đầu “lời qua, tiếng lại” – Liên Hợp Quốc điều tra vụ phóng tên lửa

VOV.VN - Mỹ và Triều Tiên đã có những “lời qua, tiếng lại” đầu tiên dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, khi 2 bên chỉ trích lẫn nhau sau vụ phóng tên lửa ngày 25/3 vừa qua của Bình Nhưỡng. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã yêu cầu các chuyên gia điều tra vụ phóng tên lửa này.

Mỹ và Triều Tiên lần đầu “lời qua, tiếng lại” – Liên Hợp Quốc điều tra vụ phóng tên lửa

Mỹ và Triều Tiên lần đầu “lời qua, tiếng lại” – Liên Hợp Quốc điều tra vụ phóng tên lửa

VOV.VN - Mỹ và Triều Tiên đã có những “lời qua, tiếng lại” đầu tiên dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, khi 2 bên chỉ trích lẫn nhau sau vụ phóng tên lửa ngày 25/3 vừa qua của Bình Nhưỡng. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã yêu cầu các chuyên gia điều tra vụ phóng tên lửa này.