Doanh nghiệp vận tải, logistic cần chuẩn bị gì cho tương lai đầy khó khăn phía trước?
VOV.VN - Sản lượng hàng thông qua cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép Thị Vải giảm tới 30% từ tháng 9 năm nay. Vận tải hàng hóa bằng đường sắt đi Châu Âu qua Nga cũng gần như tạm dừng từ tháng 3, do tình hình địa chính trị.
"Đói" đơn hàng
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, số lượng đơn đặt hàng trong quý 4 năm nay thấp hơn từ 25-50% so với quý 2, tương đương với mức giảm doanh thu 15-20% do sức mua giảm và lượng hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu chính của VN hiện ở mức cao.
Không chỉ gặp khó khăn về số lượng đơn hàng, đơn giá hàng cũng bị giảm tới 40 - 50% khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may chật vật duy trì sản xuất. Dự báo triển vọng đơn hàng trong 6 tháng đầu năm 2023 của ngành dệt may Việt Nam cũng không mấy khả quan.
"Việc mua sắm tiêu dùng của người dân ở các nước nhập khẩu như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản giảm đi, do lạm phát và thắt chặt chi tiêu. Vì thế lượng hàng hóa tồn kho của các nước này khi nhập về từ đầu năm 2022 chưa bán hết, nên họ dừng các đơn hàng, gây khó khăn cho DN dệt may, hàng loạt đơn hàng bị giảm đi", ông Giang cho biết
Ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt cho biết, dệt may, da giày và nội thất là một trong số các mặt hàng chủ lực mà đường sắt Việt Nam đang đảm nhận vận chuyển sang Châu Âu qua Nga trong thời gian qua. Tuy nhiên, do tác động của địa chính trị giữa Nga và Ukraine, nên các đoàn tàu hàng sang thị trường này hầu như tạm dừng từ tháng 3 năm nay.
"Từ khi xảy ra chiến tranh giữa Nga và Ukraine toàn bộ các tập đoàn ở Châu Âu gia công ở Việt Nam họ đều cho dừng từ cuối tháng 3 hết rồi. Bởi vì các chủ hàng họ sợ khi hàng đi qua Nga bị giữ lại nên họ dừng lại hết. Vì thế toàn bộ các hoạt động vận chuyển hàng hóa đến Châu Âu đang bị dừng, chỉ trừ một số chủ hàng Châu Á, ví dụ như hàng điện tử của LG thì vẫn đi bình thường", ông Thanh nói.
Không riêng gì đường sắt, hoạt động vận tải biển cũng chịu tác động nặng nề khi các đơn hàng đi các tuyến Châu Âu, Mỹ giảm mạnh. Theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT), hoạt động xuất nhập khẩu qua cảng chịu tác động trực tiếp ngay từ quý 3 năm nay. Theo đó, sản lượng thông qua cảng quý 3 giảm 30% so với quý 2, đặc biệt có những mặt hàng sụt giảm tới 50%.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, thông thường vào quý 4 hàng năm là mùa cao điểm trong xuất nhập khẩu, nhưng năm nay không có mùa cao điểm: "Các ngành hàng xuất khẩu chính của VN đi Mỹ và Châu Âu chúng tôi nhìn thấy sản lượng giảm xuống rất nhanh. Ảnh hưởng nhiều nhất là đồ nội thất khẩu, dệt may, da giày và hàng điện tử. Thường thì tháng 9, tháng 10 hàng xuất phục vụ mua noel và tết dương lịch năm nay không có. Bởi một là hàng tồn kho bên kia còn cao, hai là sức mua yếu, họ không mua sắm như mọi năm, nên mùa cao điểm năm nay không có".
Làm gì để vượt khó?
Trước những khó khăn về đơn đơn hàng sụt giảm và dự báo tình trạng này sẽ còn tiếp diễn trong quý 4 này và thậm chí sẽ kéo dài tới năm sau. Vậy doanh nghiệp sẽ làm gì để chủ động vượt khó, duy trì hoạt động và đảm bảo việc làm cho người lao động?
Phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thảo, Thành viên Ban dịch vụ Logistics – Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH MTV tiếp vận Gemadept xung quanh nội dung này.
PV: Thưa ông, ông có thể chia sẻ những khó khăn, thách thức mà DN vận tải, logistics hiện đang phải đối mặt?
Ông Nguyễn Xuân Thảo: Hiện nay những bất ổn về chính trị, kinh tế, thị trường đang diễn biến hết sức phức tạp và thay đổi rất nhanh, vượt ngoài các dự đoán. Các mặt hàng xuất khẩu đã đột ngột giảm mạnh bắt đầu từ tháng 9/2022 và đến quý 4 này hầu hết các doanh nghiệp VN đều đang phải đối mặt với các khó khăn, thách thức rất lớn.
Đó là đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào tăng cao do lạm phát và đặc biệt lãi suất ngân hàng tăng cao, chênh lệch tỷ giá đô la Mỹ tăng.
Thị trường mùa cao điểm vào cuối năm 2022 hoàn toàn khác trước đây, nhu cầu sụt giảm mạnh và giá cước vận tải cũng giảm hàng tuần, có tuần giảm mạnh tới 20%; và cảng biển thì bắt đầu từ tháng 9 sản lượng hàng container thông qua cảng cũng giảm rất mạnh.
PV: Vậy doanh nghiệp nên làm gì để duy trì hoạt động trong bối cảnh hiện nay, riêng Gemadept có giải pháp gì?
Ông Nguyễn Xuân Thảo: Trước những khó khăn hiện tại thì DN cần phải cân nhắc, đánh giá tổng thể lại tình hình thị trường, khách hàng và lợi thế cạnh tranh để đưa ra chiến lược kinh donh phù hợp. Ngoài ra các DN nên tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vận hành để tăng năng suất.
Với Gemadept chúng tôi cũng đang triển khai các hành động nhanh, quyết liệt để ứng phó kịp thời với tình hình khủng hoảng hiện tại. Đó là kiểm soát chi phí, nhân sự đảm bảo tối ưu nguồn lực, sắp xếp lại nhân sự dôi dư và tăng cường làm việc đa nhiệm để tăng năng suất lao động và tối ưu hóa nguồn lực có sẵn.
Tiếp đến là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và CNTT trong quản lý điều hành khai thác cảng và logistics; liên kết các phương thức vận tải và quản lý vận tải đa phương thức hiệu quả hơn. Đồng thời triển khai các giải pháp cụ thể để quản lý dòng tiền, ứng phó với chênh lệch tỉ giá và lãi vay tăng; đẩy mạnh công tác thu hồi công nợ, thanh lý tài sản.
Đối với đội tàu biển, chúng tôi có 4 tàu viễn dương và 20 tàu nhỏ tự hành, bắt đầu từ tháng 9 sản lượng xuất nhập khẩu giảm nên hệ số sử dụng tàu cũng giảm, khiến doanh thu sụt giảm khoảng 40%.
Chúng tôi đang tìm mọi biện pháp tìm kiếm thêm nguồn khách hàng để bù đắp vào thiếu hụt này; đồng thời áp dụng triệt để các biện pháp cắt giảm chi phí, tối ưu hóa hệ số sử dụng tàu.
PV: Ông có đề xuất gì với Chính phủ và các bộ ngành nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động vận tải và logistics?
Ông Nguyễn Xuân Thảo: Chúng tôi đề nghị Chính phủ và các bộ ngành đẩy nhanh, hoàn thiện cơ chế chính sách, tiết kiệm chi phí để thúc đẩy phát triển logistics trong lĩnh vực giao thông, trong đó bao gồm cả đường bộ, đường biển, đường thủy, đường sắt và đường hàng không.
Cùng với đó cần triển khai các giải pháp tổng thể trong lĩnh vực thuế, phí, hải quan, nhằm rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng, giảm chi phí cho các hoạt động logistics.
Tiếp đến là cần đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, ví dụ như: cao tốc Bắc Nam, các tuyến cao tốc liên vùng, tuyến vành đai, các hệ thống cảng cửa ngõ quốc tế và cảng thủy nội địa.
Bên cạnh đó phát triển và xây dựng, mở rộng hệ thống trung tâm logistics trên cả nước; mở rộng kết nối hạ tầng logistics với các nước trong khu vực, nhằm phát huy vận tải đa phương thức và vận tải xuyên biên giới.
PV: Xin cảm ơn ông!./.