“Cuộc phô diễn” sức mạnh liên minh Mỹ-Nhật đằng sau chuyến thăm của ông Trump
VOV.VN - Bốn ngày ở thăm Nhật Bản của Tổng thống Trump đánh dấu những nỗ lực của Mỹ và Nhật Bản trong việc phô diễn mối quan hệ đồng minh bền chặt giữa 2 nước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 28/5 kết thúc chuyến thăm Nhật Bản với tư cách quốc khách đầu tiên của quốc gia Đông Bắc Á kể từ khi Nhật hoảng Naruhito (Naruhito) lên ngôi. Bốn ngày ở thăm Nhật Bản cũng đánh dấu 4 ngày nỗ lực của Mỹ và Nhật Bản nhằm phô diễn mối quan hệ đồng minh bền chặt giữa hai nước, vượt qua những bất đồng về thương mại đang bao trùm thời gian qua.
Chuyến công du của ông Trump được cho là nhằm phô diễn sức mạnh liên minh Mỹ- Nhật. Ảnh: Reuters |
Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Nhật Bản đã được ghi dấu bằng một loạt hoạt động có ý nghĩa biểu tượng cao cho thấy sức mạnh của liên minh Mỹ - Nhật, từ trận đánh gôn với Thủ tướng Shinzo Abe, bữa ăn tối hoàng gia với Nhật hoàng Naruhito tới lần ghé thăm đầu tiên của một vị Tổng thống Mỹ tới một tàu chiến của Lực lượng phòng về Nhật Bản. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, tất cả những điều này dường như là không đủ để che giấu mối xung đột giữa hai nước về thương mại.
Sau cuộc gặp Thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Donald Trump hôm qua không quên nhấn mạnh tới con số thâm hụt thương mại mà ông cho là “lớn đến mức không thể tin nổi” của Mỹ đối với Nhật Bản. Con số này hiện lên tới 68 tỷ USD. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng tuyên bố chờ đợi Tokyo thông báo về một điều gì đó rất tốt đẹp cho 2 nước, có thể là vào tháng 8 tới.
“Liên quan đến thương mại, tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể thông báo về một điều gì đó có lợi cho cả 2 nước vào tháng 8 tới. Chúng ta cần phải làm cho cán cân thương mại giữa hai nước trở nên cân bằng bằng hơn và tôi nghĩ chúng ta sẽ sớm đạt được điều này.”
Đây không phải là một thời điểm ngẫu nhiên. Bởi cử tri Nhật Bản sẽ được kêu gọi đi bỏ phiếu bầu Thượng viện vào tháng 7 tới và đảng Tự do Dân chủ cầm quyền tới nay vẫn không chấp nhận các nhượng bộ về thương mại mà quay lưng với các cử tri, đặc biệt là những người nông dân.
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi hôm nay cũng ngầm bác bỏ lộ trình này khi diễn giải phát biểu của Tổng thống Donald Trump rằng, nhà lãnh đạo Mỹ trước tiên hi vọng về những bước tiến nhanh chóng trong các cuộc đàm phán. Nhiều quan chức chính phủ cũng phủ nhận thông tin, Mỹ và Nhật Bản đã nhất trí đạt được một thỏa thuận thương mại vào tháng 8 tới. Hồi cuối tuần trước, phe đối lập Nhật Bản cũng không ngần ngại cảnh báo chính phủ khi nhấn mạnh, “nông nghiệp và thịt bò” là những yếu tố quan trọng của một thỏa thuận thương mại mà nhà lãnh đạo Mỹ muốn nhắc tới.
Kể từ sau vòng đàm phán đầu tiên về thỏa thuận thương mại cho đến sát thời điểm diễn ra cuộc gặp Thượng đỉnh ở Tokyo, các quan chức thương mại hai nước đã có một “cuộc chạy đua nước rút” với hàng loạt các cuộc đàm phán ở cả cấp chuyên viên và cấp bộ trưởng với mục tiêu đạt được thỏa thuận sơ bộ. Tuy nhiên, các nỗ lực đó đã không mang lại kết quả nào.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump nhiều lần hối thúc Nhật Bản cắt giảm thuế đối với nông sản nhập khẩu từ Mỹ, nếu không sẽ đánh thuế đối với ô tô và linh kiện ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản, một mặt hàng đang chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản vào Mỹ. Trong khi đó, Nhật Bản lại bác bỏ mọi hạn chế đối với nhập khẩu, cho rằng đây là một sự vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới. Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi thừa nhận, hai bên vẫn còn việc phải làm để giải quyết những bất đồng và không một lộ trình nào được ấn định cho các cuộc đàm phán tiếp theo.
Dẫu vậy theo chuyên gia Toshihiro Nakayama thuộc Trung tâm Wilson có trụ sở tại thủ đô Washington, Mỹ, những bất đồng nảy sinh trong quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật sẽ không thể chỉ giải quyết trong một hai cuộc gặp. Vì thế, chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Donald Trump ít nhất cũng có thể coi là một sự kiện thành công về mặt nghi thức./.
Chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Mỹ tập trung vào thương mại