Cuộc tấn công của Ukraine vào Kursk buộc Nga phải ra quyết định quan trọng
VOV.VN - Cuộc tấn công xuyên biên giới bất ngờ và táo bạo của Ukraine vào tỉnh Kursk của Nga có thể buộc Moscow phải đưa ra các quyết định chiến lược quan trọng.
Thành công lớn về tinh thần đối với Ukraine
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, nước cờ của Ukraine khi đột kích vào lãnh thổ Nga đã cho phép Kiev giành thêm sự chủ động trên chiến trường vốn từ lâu do lực lượng Nga nắm giữ.
Với thế chủ động lâu nay, lực lượng Nga có thể quyết định thời gian và địa điểm giao tranh, buộc quân đội Ukraine phải dàn trải lực lượng và trang thiết bị cho các hoạt động phòng thủ.
“Đây là một thành công thực sự”, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine John Herbst, hiện là Giám đốc cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, nói với USA Today.
Trong cuộc họp qua video với Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 12/8, Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrskyi tuyên bố lực lượng của Kiev đã kiểm soát khoảng 1.000km2 lãnh thổ Nga sau một tuần đột kích vào tỉnh Kursk.
Trước đó, trong báo cáo về tình hình thực tế tại khu vực biên giới cho Tổng thống Vladimir Putin hôm 11/8, quyền tỉnh trưởng vùng Kursk Aleksey Smirnov xác nhận quân đội Ukraine đã kiểm soát 28 khu định cư ở vùng Kursk của Nga và tiến sâu khoảng 12km vào bên trong lãnh thổ Nga tính từ biên giới.
ISW cho rằng, Điện Kremlin có thể đã đánh giá sai lầm về khả năng của Ukraine, cho rằng Kiev không có khả năng thực hiện một cuộc tấn công như vậy.
Ông Seth Jones, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng, cuộc tấn công vào tỉnh Kursk là “một thành công lớn về mặt tâm lý và tinh thần đối với người Ukraine. Nó khiến quân đội Nga bất ngờ và lộ điểm yếu trong việc bảo vệ biên giới của mình. Tôi nghĩ đó là một sự thúc đẩy tinh thần to lớn đối với một Ukraine đang rất cần một thắng lợi nào đó, mặc dù họ đã đạt được thành công ở Biển Đen với các cuộc tấn công nhằm vào Hải quân Nga cũng như bán đảo Crimea”.
“Với cuộc đột kích của Ukraine, tình thế đã đảo ngược, dù ở mức độ không đang kể nhưng ít nhất là tạm thời. Đây là một chiến dịch tấn công và nó hoàn toàn khác với những gì chúng ta thấy trong các cuộc phản công của Ukraine năm 2023 và 2022 khi họ cố gắng chiếm lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát. Đây là một cuộc tấn công xuyên biên giới vào lãnh thổ Nga và nó đã khiến Nga bất ngờ thực sự”, ông Jones nói.
Nga phải đưa ra quyết định quan trọng
Cuộc tấn công vào Kursk có thể buộc Nga phải đưa ra quyết định coi biên giới là một mặt trận thay vì một khu vực không có chiến sự, kéo theo đó là những tác động đến việc triển khai nhân sự và vật lực của Moscow ở Ukraine.
Trước cuộc đột kích của Ukraine, ông Jones cho biết nỗ lực chính của Nga trong các hoạt động tấn công là Donbass.
“Mục đích chính của Nga là tăng cường kiểm soát các khu vực. Chúng ta đã chứng kiến một đợt tấn công lớn ở tỉnh Luhansk. Thách thức đối với Nga là họ không thể chiếm các khu vực một cách nhanh chóng và không thể tận dụng những thay đổi trong chiến lược”, ông Jones nói.
Giới chức Nga nhận định, Ukraine đột kích vào tỉnh Kursk không phải là để kiểm soát lãnh thổ Nga lâu dài. Mục tiêu thực sự của Kiev là chuyển hướng lực lượng Moscow khỏi các khu vực trên tiền tuyến ở Ukraine.
“Gần như chắc chắn là Nga đang xem xét lại việc triển khai lực lượng, nhưng việc xem xét lại không có nghĩa là họ đang quyết định thay đổi đáng kể việc triển khai đó”, ông Herbst cho hay.
Reuters đưa tin, xe tăng, pháo binh và hệ thống tên lửa của Nga đã được chuyển đến khu vực Kursk ở phía Nam khi Moscow “áp dụng các biện pháp chống khủng bố”. Có thể sẽ có thêm nhiều nhân sự và thiết bị của Nga đến khu vực này và có thể đẩy lực lượng Ukraine về bên kia biên giới.
“Về mặt chính trị, Nga không thể để điều này xảy ra lần nữa. Tôi nghĩ điều này sẽ buộc họ phải chú ý nhiều hơn đến các chỉ dẫn và cảnh báo tình báo, đồng thời cũng phải dành nhiều lực lượng hơn để bảo vệ biên giới”, ông Jones nhận định.
Theo ông Herbst, giới chức Nga có thể đang hạ thấp mức độ nghiêm trọng của cuộc tấn công qua biên giới bằng cách tuyên bố một “chiến dịch chống khủng bố”.
“Một chiến dịch chống khủng bố không giống như một cuộc chiến với quân đội đối địch ở trên lãnh thổ của mình – những gì chúng ta đang thấy ở Kursk”, ông Hebst nói.