Đặc phái viên Mỹ thăm Trung Quốc: Phép thử giữa hợp tác và đối đầu
VOV.VN - Hai thái cực trái ngược hợp tác - đối đầu trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã được thể hiện đầy đủ trong tuần này khi các đặc phái viên của Washington đến thăm Đài Bắc và Thượng Hải (Trung Quốc).
Hợp tác xen lẫn đối đầu
Đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry đã bắt đầu cuộc gặp kéo dài 3 ngày với người đồng cấp Trung Quốc, trước thềm hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu do Mỹ chủ trì, dự kiến diễn vào cuối tháng 4 này.
Là hai quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới, các hành động của Mỹ và Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn thảm họa do biến đổi khi hậu gây ra và đây cũng được coi là một lĩnh vực quan trọng, chứa đựng tiềm năng hợp tác lớn giữa hai quốc gia.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, ông John Kerry đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Giải Chấn Hoa để bàn về sự hợp tác giữa hai nước trong vấn đề biến đổi khí hậu và Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26).
Trong khi đó, một phái đoàn khác của Mỹ, gồm cựu thượng nghị sĩ Chris Dodd, các cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Richard Armitage và James Steinberg đã đến Đài Bắc hôm 13/4 để bắt đầu chuyến thăm 3 ngày, động thái có thể gây gia tăng căng thẳng với Trung Quốc. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết, quân đội Trung Quốc bắt đầu cuộc tập trận có bắn đạn thật ở vùng biển ngoài khơi phía Tây Nam của Đài Loan vào hôm 15/4. Theo Cục An toàn Hàng hải Quảng Đông, cuộc tập trận này sẽ kéo dài trong 6 ngày và diễn ra ở phía Nam quần đảo Bành Hồ ở eo biển Đài Loan.
Thời gian gần đây, Trung Quốc đã tăng cường gây sức ép trong vấn đề Đài Loan, trong đó có việc điều máy bay quân sự, tàu sân bay và tập trận gần Đài Loan. Kang Lin, một nhà nghiên cứu tại Đại học Hải Nam (Trung Quốc) cho rằng các động thái của Bắc Kinh nhằm mục đích “cảnh báo rõ ràng” tới nước khác để không can thiệp vào vấn đề Đài Loan.
Trong cuộc họp báo ngày 13/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nêu rõ: “Không có chỗ cho sự thỏa hiệp và nhượng bộ trong vấn đề Đài Loan”. Ông Triệu Lập Kiên cho biết thêm, Bắc Kinh hối thúc Washington “không đùa với lửa” và ngay lập tức chấm dứt mọi hình thức tiếp xúc chính thức giữa quan chức Mỹ và Đài Loan”, cũng như “tránh gửi đi bất cứ tín hiệu sai trái nào cho vùng lãnh thổ này”.
Suốt 4 năm qua, quan hệ Mỹ-Trung đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời điểm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979. Tuy vậy, các nhà hoạch định chính sách của cả hai bên vẫn hy vọng, Tổng thống Biden có thể đưa quan hệ này trở lại đúng hướng.
Thế nhưng cách xử lý của Trung Quốc trong các vấn đề Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương, cùng những tranh chấp kéo dài trên lĩnh vực thương mại đã buộc chính quyền mới của Mỹ phải theo đuổi đường lối cứng rắn hơn trước đây. Hy vọng về một kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương nhanh chóng tan thành mây khói. Điều này được thể hiện rõ ràng tại cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung ở Alaska vào tháng 3/2021. Màn mở đầu cuộc gặp nhanh chóng vượt ra khỏi tầm kiểm soát và biến thành cuộc “khẩu chiến” khi hai bên liên tục đưa ra những lời cáo buộc lẫn nhau.
Kể từ đó, truyền thông Trung Quốc đã nêu bật vấn đề phân biệt chủng tộc đang diễn ra ở Mỹ và tình trạng bạo lực đối với người Mỹ gốc Á. Đáp lại, Mỹ cùng nhiều đồng minh đã quyết định cấm nhập khẩu bông và các sản phẩm từ bông của Tập đoàn sản xuất và xây dựng Tân Cương - một trong những nhà sản xuất bông lớn nhất Trung Quốc với cáo buộc sử dụng lao động cưỡng ép.
Lĩnh vực hợp tác hiếm hoi
Mặc dù có khá ít triển vọng cải thiện quan hệ song phương nhưng các nhà bình luận ở cả hai bên vẫn coi công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu là nơi có tiềm năng cho sự hợp tác và thể hiện vai trò lãnh đạo chung của Mỹ và Trung Quốc.
“Dưới thời chính quyền Obama, sự hợp tác Mỹ-Trung đã tạo ra những tiến bộ trên toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu với đỉnh cao là sự ra đời của Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu”, Todd Stern – cựu đặc phái viên về khí hậu dưới thời chính quyền Obama viết trong một bài bình luận năm 2019. “Thất bại trong việc khôi phục hiệp định này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về an ninh đối với Mỹ và các quốc gia khác trên toàn thế giới”, ông Todd Stern cảnh báo.
Về phần mình, Đặc phái viên John Kerry cũng thừa nhận những thách thức tiềm tàng đối với vai trò ông đang đảm nhận trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung ngày càng leo thang căng thẳng. Phát biểu với CNN, ông Kerry nói: “Đúng là chúng tôi có sự bất đồng lớn với Trung Quốc về một số vấn đề chủ chốt. Nhưng cần phải tách biệt chúng với vấn đề khí hậu. Nếu không chúng ta sẽ làm tổn thương đến người dân của mình”.
Quan điểm của ông John Kerry đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhiều người dân Mỹ. Cuộc thăm dò của Viện Chính sách Xã hội Châu Á (Australia) hồi tháng 2/2021 cho biết: “Mặc dù các cử tri Mỹ bày tỏ lo ngại về việc hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề thương mại, lĩnh vực sản xuất ô tô hay y tế, nhưng họ cũng rất cởi mở với sự hợp tác tiềm năng liên quan đến phát triển nguồn năng lượng sạch”.
Liu Yuanling - nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng: “Bất chấp những mâu thuẫn trong cuộc đối thoại cấp cao ở Alaska vào tháng 3 vừa qua, các quan chức Trung Quốc vẫn khẳng định rằng hai bên có thể hợp tác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”./.