Đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều: Mỹ liên tiếp trút những “gáo nước lạnh”?
VOV.VN - Đàm phán Mỹ-Triều “đã khó, càng thêm khó” khi Bình Nhưỡng cáo buộc Washington đang dội những “gáo nước lạnh” vào tiến trình đối thoại giữa 2 bên.
Giới chức ngoại giao Triều Tiên hôm qua (6/11) tiếp tục chỉ trích Mỹ có những hành động thù địch chống lại nước này, cáo buộc Washington đang dội những “gáo nước lạnh” vào tiến trình đối thoại giữa 2 bên – vốn đang bế tắc. Đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều “đã khó, càng thêm khó”.
Đàm phán Mỹ-Triều “đã khó, càng thêm khó” khi Bình Nhưỡng cáo buộc Washington đang dội những “gáo nước lạnh” vào tiến trình đối thoại giữa 2 bên. Ảnh: Reuters |
Sau khi Mỹ - Hàn cùng thông báo sẽ hủy cuộc tập trận thường niên, mang tên “Át chủ bài cảnh giác” (Vigilant Ace), mà thay vào đó bằng 1 cuộc tập trận trên không quy mô nhỏ hơn vào tháng tới, Triều Tiên hôm qua vẫn lên tiếng chỉ trích động thái này.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA dẫn lời một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao nước này khẳng định, Bình Nhưỡng phản đối kế hoạch tập trận chung của Mỹ - Hàn, coi đây là một cuộc diễn tập chuẩn bị cho một hành vi xâm lược. Theo vị quan chức này, cuộc tập trận nếu diễn ra, sẽ là sự vi phạm trắng trợn thỏa thuận mà 2 bên đạt được tại hội nghị đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore hồi tháng 6/2018. Đặc biệt hơn, cuộc tập trận sẽ diễn ra trong bối cảnh cuộc đàm phán hạt nhân giữa 2 bên mới nhất tại Stockholm, Thụy Điển vừa thất bại, thì nó còn bị coi là một tuyên bố đối đầu chống lại Triều Tiên.
Hãng tin KCNA nhận định thêm, hiện Mỹ đang khiến toàn thế giới lo ngại về mối quan hệ Mỹ - Triều trong tương lai và Washington đang để lộ bản chất thực sự của một đế quốc phá hoại hòa bình khi luôn coi quân sự là giải pháp cho mọi vấn đề. Phía Triều Tiên cảnh báo, sự kiên nhẫn của nước này đang gần “vượt quá giới hạn” và Bình Nhưỡng sẽ “không chỉ ngồi im và xem” các hành động quân sự “liều lĩnh” của Mỹ.
Tuy nhiên, ngay lập tức, Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên tiếng bác bỏ các chỉ trích và cáo buộc của Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung tá Dave Eastburn khẳng định, các hoạt động diễn tập chung Mỹ - Hàn chỉ là nhằm đảm bảo sự sẵn sàng và nâng cao khả năng tương hỗ giữa hai quân đội, trong khi vẫn cho phép các nhà ngoại giao có những không gian riêng cần thiết để tiến hành các cuộc đối thoại cởi mở với Triều Tiên.
Được biết, cuộc tập trận thường niên “Át chủ bài cảnh giác” được khởi động từ năm 2015, nhưng đã bị hủy vào năm 2018 trong bối cảnh Mỹ - Triều tiến hành đối thoại phi hạt nhân hóa. Sau cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, tiến trình đối thoại này đã lâm vào bế tắc. Cuộc gặp cấp chuyên viên gần đây nhất vào tháng 10 tại Stockholm cũng đã kết thúc trong thất bại, với việc Triều Tiên cáo buộc Mỹ đã đến đàm phán với “tay không” khi không có đề xuất mới nào được đưa ra. Trong khi phía Mỹ khẳng định, đã chuẩn bị rất tốt cho vòng đàm phán đó.
Hai ngày trước, Triều Tiên cũng đã chỉ trích Mỹ về các hành động thù địch, với việc Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn giữ Triều Tiên trong danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố. Bình Nhưỡng cho rằng đây là “sự khiêu khích nghiêm trọng, có động cơ chính trị” của Mỹ, đồng thời là “sự xúc phạm và bội ước” trong quan hệ với đối tác tham gia đối thoại, là Triều Tiên.
Trước bối cảnh căng thẳng như vậy, là một quốc gia có tầm ảnh hưởng trong tiến trình đối thoại Mỹ - Triều, Trung Quốc mới đây đã kêu gọi các bên liên quan nên có các bước đi hạ nhiệt căng thẳng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết:
“Hiện tại, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đang ở giai đoạn quan trọng. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên nên thúc đẩy các hành vi giảm bớt căng thẳng, tuân thủ giải quyết các vấn đề bất đồng thông qua đối thoại và tham vấn, và đóng góp tích cực vào tiến trình phi hạt nhân hóa cũng như xây dựng một nền hòa bình lâu dài và ổn định cho Bán đảo và khu vực.”
Trong khi, chuyên gia cấp cao Joel Wit của Trung tâm Stimson có trụ sở ở Washington thì quan ngại, sự bế tắc hiện nay nếu không được giải quyết, tiến trình đối thoại Mỹ - Triều có nguy cơ sẽ bị sụp đổ vào năm 2020. Và điều này sẽ dẫn tới nguy cơ Bình Nhưỡng tái khởi động các vụ thử hạt nhân. Theo ông, để giải quyết tình hình, một chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Bình Nhưỡng mới có thể tạo ra đòn bẩy cho tiến trình đối thoại và 1 chuyến thăm như vậy cũng sẽ có lợi cho bản thân ông Donald Trump về mặt chính trị, trước thềm bầu cử./.
Đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều đang ở đâu?