Dẫn đầu về tiêm chủng, vì sao Israel vẫn quay cuồng vì bùng phát tiếp Covid-19?
VOV.VN - Israel là một hình mẫu trong cuộc chiến chống Covid-19 nhờ việc triển khai nhanh chóng chiến dịch tiêm chủng, nhưng hiện tại quốc gia này liên tục phải đối mặt với những đợt bùng phát dịch mới.
Cho đến cuối tháng 2, 50% dân số Israel đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine Covid-19, với phần lớn chương trình tiêm chủng sử dụng vaccine Pfizer-BioNTech. Israel dự kiến sẽ mở cửa trở lại vào mùa hè năm nay.
Tuy nhiên, kể từ đó, Israel đã liên tục đối mặt với các đợt bùng phát dịch mới, với hơn 10.000 ca nhiễm SARS-CoV-2 được ghi nhận mỗi ngày vào đầu tháng 9.
Theo CNA, một lý do khiến số ca mắc Covid-19 ở Israel tăng vọt nằm ở vấn đề độ bao phủ vaccine. Sau khi chiến dịch tiêm chủng được triển khai nhanh chóng, quá trình tiêm vaccine bắt đầu chậm lại.
Không có bất kỳ sự gián đoạn lớn nào trong nguồn cung cấp vaccine, bởi vậy các yếu tố như người dân do dự tiêm vaccine hoặc khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe còn hạn chế có thể là những nguyên nhân gây ra đợt bùng phát dịch ở Israel. Chẳng hạn, có những bằng chứng cho thấy, các nhóm người Arab và người Do Thái Chính thống cực đoan ở Israel có mức độ tiếp nhận dịch vụ chăm sóc sức khỏe thấp hơn.
Độ bao phủ vaccine thấp
Tỷ lệ người dân được tiêm 1 liều vaccine ở Israel tăng từ 50% vào tháng 2 lên chỉ 68% vào tháng 9. Trẻ em từ 12-15 tuổi đã được tiêm vaccine kể từ tháng 6. Mặc dù vậy, hiện Israel mới chỉ tiêm chủng đầy đủ cho 62% dân số.
Điều này đã khiến Israel tụt lại phía sau so với nhiều quốc gia khác như Anh về mức độ bao phủ vaccine. Khoảng 30% dân số Israel chưa được tiêm chủng, nghĩa là khoảng 2,7 triệu người vẫn có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2.
Ngoài ra, cũng có những lo ngại rằng khả năng miễn dịch do vaccine Pfizer-BioNTech tạo ra có thể suy giảm theo thời gian, mặc dù phần lớn các nghiên cứu về vấn đề này vẫn đang thử nghiệm ở giai đoạn đầu.
Dữ liệu từ bệnh viện của Israel cho thấy, những người đã tiêm chủng vẫn có nguy cơ mắc Covid-19. Các báo cáo gần đây chỉ ra rằng, gần 60% số ca nhập viện tại Israel là những trường hợp đã tiêm chủng đầy đủ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, con số này không đồng nghĩa với việc vaccine đã hết tác dụng bảo vệ.
Bên cạnh đó, trên thực tế, người cao tuổi là nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm chủng nhưng cũng là những người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến số ca mắc bệnh và tử vong do Covid-19 ở những người đã tiêm chủng gia tăng.
Một yếu tố nữa khiến Israel chứng kiến số ca mắc bệnh tăng cao là do sự xuất hiện của biến thể Delta có khả năng lây truyền nhanh hơn.
Dỡ bỏ các hạn chế quá sớm
Một vấn đề lớn khác dẫn đến các đợt bùng phát dịch ở Israel là nước này đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng Covid-19 quá sớm.
Tiến sĩ Asher Salmon, Giám đốc Vụ Quan hệ Quốc tế của Bộ Y tế Israel, hồi tháng 7 cho rằng, Israel “có thể đã dỡ bỏ các hạn chế quá sớm”.
Một nhà nghiên cứu sức khỏe toàn cầu cho biết, lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng có thể dễ dàng bùng phát khi chính sách phòng dịch của quốc gia cho phép những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao tập trung đông người mà không áp dụng các biện pháp hạn chế hoặc chỉ có một vài biện pháp.
Chỉ số Stringency do Our World in Data thống kê đã đo lường mức độ nghiêm ngặt của các chính sách ngăn ngừa Covid-19 ở mỗi quốc gia trên thế giới.
Tính đến ngày 28/8, điểm số của Israel là 45,4, thể hiện mức độ ít nghiêm ngặt hơn nhiều so với New Zealand (96,3), nơi đang nỗ lực kiểm soát các đợt bùng phát dịch mới, nhưng lại cao hơn so với Anh (44), quốc gia hiện ghi nhận khoảng 30.000 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày.
Tiêm mũi vaccine tăng cường
Các quốc gia trên thế giới đã theo dõi chặt chẽ đợt triển khai vaccine đầu tiên ở Israel nhằm đánh giá tác động của vaccine và sử dụng thông tin này để áp dụng cho chiến dịch tiêm chủng của đất nước.
Giữa lo ngại về khả năng miễn dịch hình thành nhờ vaccine giảm đi, nhiều quốc gia trên toàn cầu vẫn tiếp tục dõi theo những gì xảy ra tiếp theo ở Israel trong bối cảnh nước này đang thực hiện tiêm liều vaccine thứ ba cho người dân.
Các báo cáo ban đầu đã đưa ra những tín hiệu tích cực về hiệu quả của mũi tiêm tăng cường. Theo đó, nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 ở những người tiêm mũi tăng cường giảm 11 lần so với những người đã tiêm 2 liều vaccine. Tuy nhiên, những nghiên cứu liên quan vẫn đang được xem xét, vì vậy hiệu quả của mũi tiêm tăng cường chưa được công bố chính thức.
Việc tiêm liều vaccine thứ ba đang gây ra rất nhiều tranh cãi. Đã có những lời kêu gọi các quốc gia có thu nhập cao hơn nên chia sẻ kho dự trữ vaccine với những nước có thu nhập thấp hơn.
Tính đến đầu tháng 9, chỉ 5,4% dân số châu Phi đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine Covid-19.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi tạm hoãn tiêm liều vaccine thứ ba cho tới ít nhất là cuối tháng 9, nhưng dường như không có quốc gia nào, trong đó có Israel, sẽ thay đổi chính sách của họ cho phù hợp.
Nhìn chung, việc triển khai vaccine nhanh chóng của Israel được cho là đã được thực hiện rất thành công. Tuy nhiên, đất nước này cũng là một minh chứng về việc những nguy cơ về dịch bệnh có thể xảy ra nếu các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ quá sớm.
Israel đã mang lại cho thế giới bài học rằng, tất cả các quốc gia, bất kể tỷ lệ tiêm chủng hiện tại như thế nào, cần phải duy trì kế hoạch giảm thiểu tác động của Covid-19 dài hạn hơn để ngăn chặn các đợt bùng phát dịch quay trở lại./.