Đảng Cộng hòa công nhận Biden thắng: Cú nốc ao với những nỗ lực cuối cùng của Trump?

VOV.VN - Việc lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện công nhận chiến thắng của ông Biden có thể khiến những nỗ lực pháp lý của Tổng thống Trump nhằm đảo chiều kết quả bầu cử đi đến hồi kết.

Cú nốc ao từ đảng Cộng hòa

Nỗ lực chưa từng có của Tổng thống Trump nhằm đảo ngược kết quả có thể sẽ chấm dứt trong 24h kể từ khi Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell công nhận ông Biden là tổng thống đắc cử.

Bất kỳ nỗ lực nào của các thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội hiện nay nhằm bác bỏ chiến thắng của ông Biden gần như chắc chắn sẽ không thể huy động đủ sự ủng hộ trong Thượng viện.

"Những thách thức pháp lý nhằm thay đổi kết quả cuộc bầu cử năm 2020 đã khép lại. Việc này không phải là vì thiếu sự cố gắng mà là thiếu các bằng chứng về việc vi phạm các quy định trong cuộc bầu cử vừa qua", Rebecca Green, giám đốc chương trình luật bầu cử của Trường Luật William và Mary cho hay.

Sau một thời gian theo đuổi các thách thức pháp lý, những nỗ lực của ông Trump đã bị cản trở ngày 14/12 (giờ Mỹ), khi Đại cử tri đoàn chính thức xác nhận chiến thắng của ông Biden sau khi ứng viên đảng Dân chủ vượt 270 phiếu đại cử tri cần thiết.

Ngay sau đó, một số thành viên đảng Cộng hòa trong Thượng viện lần đầu tiên đã thừa nhận ông Biden là tổng thống đắc cử. Ông Biden cho biết đã có 7 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa điện đàm cho ông tối 14/12. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng gửi điện chúc mừng Tổng thống đắc cử Biden và đề nghị hai nước hợp tác để cùng đối phó với các thách thức toàn cầu.

Đáng chú ý, sáng 15/12 (giờ Mỹ), Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnel đã tuyên bố rằng: "Đại cử tri đoàn đã lên tiếng", đồng thời chúc mừng ông Biden và gọi ông là "tổng thống đắc cử". Trước đó, nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa quyền lực này vẫn chưa sẵn sàng công nhận chiến thắng của ông Biden.

Lập trường của ông McConnell đã khiến bất kỳ kịch bản thách thức kết quả bầu cử nào nhằm đạt được bước ngoặt ở Thượng viện đều thất bại. Politico và NBC đưa tin rằng, trong một cuộc điện đàm riêng ngày 15/12 với các thành viên đảng Cộng hòa, ông McConell đã cảnh báo các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa không phản đối kết quả bầu cử ngày 6/1 tới. Động thái của Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện sẽ buộc các thành viên đảng Cộng hòa phải tham gia vào "một cuộc bỏ phiếu tồi tệ" khi chống lại việc bác bỏ kết quả bầu cử, một hành động đồng nghĩa với việc chống lại ông Trump.

Những nỗ lực bất khả thi vào phút chót

Trong 6 tuần qua, Tòa án Tối cao đã 2 lần từ chối các đơn kiện của Tổng thống Trump nhằm đảo chiều kết quả bầu cử. Các tòa án bang và liên bang đã bác bỏ các cáo buộc của Tổng thống Trump về gian lận bầu cử gần 60 lần. Bất kỳ đợt kiểm lại phiếu nào ở Georgia và Wisconsin đều củng cố thêm chiến thắng của ông Biden tại những bang này.

Các đồng minh của Tổng thống Trump ngày 14/12 đã đưa ra một kế hoạch mới nhằm đảo chiều kết quả. Các thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ ông Trump đã họp tại một số bang chiến địa mà ông Biden giành chiến thắng như Michigan, Arizona, Georgia và tìm cách bổ nhiệm chính mình là “nhóm đại cử tri thay thế” để bỏ phiếu cho ông Trump khi Quốc hội họp này 6/1 để kiểm phiếu đại cử tri và xác nhận người chiến thắng.

Cố vấn của Tổng thống Trump là ông Stephen Miller đã phác thảo ra một chiến lược gần như bất khả thi, theo đó cho biết kế hoạch gửi những lá phiếu từ "danh sách các đại cử tri thay thế" tới Quốc hội sẽ "đảm bảo tất cả những lựa chọn pháp lý của chúng tôi đều vẫn để ngỏ". Ngoài ra, với sự ủng hộ của ông Trump, hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Alabama Mo Brooks cũng dẫn đầu một kế hoạch bác bỏ phiếu đại cử tri chính thức được gửi đi từ những bang dao động mà ông Biden giành chiến thắng.

Tuy nhiên, bà Green cho biết: "Chúng ta đã vượt qua thời điểm để thách thức kết quả nếu các bạn nhìn vào luật pháp và những điều kiện yêu cầu”. Bà cũng khẳng định rằng để Quốc hội có "động lực chính trị" nhằm bác bỏ số phiếu đại cử tri đã được xác nhận thì việc này đòi hỏi thêm những bằng chứng mới ở nhiều bang.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Shelley Moore Capito cũng phát biểu với báo giới rằng ông McConnell và các lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Thượng viện đã khuyến khích các thành viên "chấp nhận kết quả" và "cố gắng làm những điều tốt nhất cho người dân Mỹ".

Việc phản đối số phiếu đại cử tri của 1 bang cần sự ủng hộ của 1 thành viên trong Thượng viện và 1 thành viên trong Hạ viện khi Quốc hội họp ngày 6/1. Lưỡng viện Mỹ sau đó sẽ họp riêng để bỏ phiếu về những tranh cãi này.

Tuy nhiên, thậm chí cả khi một thượng nghị sĩ đồng ý thách thức kết quả bầu cử thì nỗ lực này cũng sẽ thất bại tại Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát và có thể cũng sẽ thất bại ở Thượng viện do đảng Cộng hòa lãnh đạo. Do những nguyên nhân này mà Quốc hội có thể cũng sẽ bác bỏ danh sách đại cử tri của ông Trump tại những bang mà ông Biden chiến thắng.

"Việc này sẽ không thành công. Nó có lẽ yêu cầu thêm một vài thủ tục nhưng sẽ không ảnh hưởng đến kết quả", ông Ned Foley, giám đốc chương trình luật bầu cử tại Cao đẳng Luật Moritz thuộc Đại học bang Ohio cho hay.

"Thời gian cho việc tranh chấp hay kiện tụng là trước cuộc họp của Đại cử tri đoàn. Cuộc họp này đã diễn ra và hiện nay cuộc bầu cử đã hoàn tất. Đó lý do tại sao mọi thứ hiện giờ đều đã xong xuôi", chuyên gia này cho hay.

Ngoài Tổng thống Putin, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador cũng cho biết hôm 15/12 rằng ông đã gửi một bức thư chúc mừng tới ông Biden. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, một đồng minh của Tổng thống Trump, cũng gửi "những lời chúc tốt đẹp nhất" tới ông Biden sau khi ông chiến thắng cuộc bầu cử vừa qua.

Thậm chí Newsmax, một mạng lưới truyền thông bảo thủ ủng hộ ông Trump cũng thông báo rằng phóng viên của họ sẽ gọi ông Biden là "tổng thống đắc cử" ở những bản tin tiếp theo.

Trump vẫn quyết không lùi bước

Dù vậy, Tổng thống Trump và các cố vấn của ông vẫn chưa công khai thừa nhận kết quả bầu cử.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany đã gọi cuộc bỏ phiếu của Đại cử tri đoàn ngày 14/12 là "một bước trong quy trình hiến pháp", đồng thời cho thấy Tổng thống Trump sẽ tiếp tục đấu tranh về kết quả bầu cử cho tới lễ nhậm chức ngày 20/1 tới.

"Ông ấy hiện vẫn đang theo đuổi các vụ kiện tụng trong cuộc bầu cử này", bà McEnany cho hay.

Các quan chức chính quyền Tổng thống Trump cho biết họ không ngạc nhiên với kết quả bỏ phiếu của Đại cử tri đoàn cũng như việc ông McConnell công nhận chiến thắng của ông Biden. Họ cũng cho biết bản thân Tổng thống Trump cũng không bất ngờ về việc này.

Các cố vấn và luật sư trong chiến dịch của ông Trump đều cho rằng những nỗ lực nhằm đảo ngược kết quả bầu cử hiện nay không thể thành công nhưng họ hy vọng Tổng thống sẽ tiếp tục chiến đấu.

Trong một bài phát biểu trước Thượng viện, ông McConnell nhận định, "Tổng thống đắc cử", dùng để gọi ông Biden, "đã không còn xa lạ với Thượng viện. Ông ấy đã phục vụ nhân dân trong nhiều năm".

Nói về chiến thắng lịch sử của bà Harris, ông McConnell cho rằng "vượt qua những khác biệt, tất cả người dân Mỹ có thể tự hào rằng đất nước chúng ta có một nữ phó tổng thống lần đầu tiên trong lịch sử".

Ông Biden cho biết ông đã điện đàm với ông McConnell ngày 15/12 để cảm ơn những bình luận của nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa này và gọi đó là "một cuộc trao đổi tuyệt vời".

"Tôi đã trao đổi với ông ấy rằng mặc dù chúng tôi bất đồng trong rất nhiều vấn đề nhưng có những khía cạnh mà chúng tôi có thể hợp tác với nhau. Tôi rất mong chờ để làm việc cùng ông ấy".

Tổng thống Trump vẫn chưa bình luận gì về những nhận định của ông McConnell. Thay vào đó, ông tiếp tục đưa ra các cáo buộc chưa có bằng chứng về gian lận bầu cử trên Twitter: "Những bằng chứng rõ ràng ngày càng xuất hiện nhiều về gian lận bầu cử. Chưa từng có bất kỳ điều gì như vậy xảy ra với đất nước chúng ta".

Thượng nghị sĩ Ron Johnson, người sẽ tổ chức một phiên điều trần tại Thượng viện ngày 16/12 (giờ Mỹ) về những trường hợp vi phạm quy định bầu cử, cho biết ông công nhận ông Biden là tổng thống đắc cử và tin rằng cuộc bầu cử là hợp pháp.

"Tôi chưa nhận thấy có bất kỳ điều gì thuyết phục tôi rằng những kết quả này có thể đảo ngược", ông Ron Johnson cho hay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Quy mô lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ được thu hẹp
Quy mô lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ được thu hẹp

VOV.VN -Lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ diễn ra tại tòa nhà quốc hội ngày 20/01, tuy nhiên, quy mô của buổi lễ và các hoạt động liên quan sẽ được thu hẹp.

Quy mô lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ được thu hẹp

Quy mô lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ được thu hẹp

VOV.VN -Lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ diễn ra tại tòa nhà quốc hội ngày 20/01, tuy nhiên, quy mô của buổi lễ và các hoạt động liên quan sẽ được thu hẹp.

Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện chúc mừng ông Joe Biden đắc cử Tổng thống
Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện chúc mừng ông Joe Biden đắc cử Tổng thống

VOV.VN - Lãnh đạo đa số tại Thượng viện, Thượng nghị sỹ Cộng hòa Mitch McConnell ngày 15/12 đã lần đầu tiên lên tiếng chúc mừng liên danh Biden-Harris về chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua.

Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện chúc mừng ông Joe Biden đắc cử Tổng thống

Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện chúc mừng ông Joe Biden đắc cử Tổng thống

VOV.VN - Lãnh đạo đa số tại Thượng viện, Thượng nghị sỹ Cộng hòa Mitch McConnell ngày 15/12 đã lần đầu tiên lên tiếng chúc mừng liên danh Biden-Harris về chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua.

Joe Biden vận động cử tri Georgia cho cuộc đua quyết định ở Thượng viện
Joe Biden vận động cử tri Georgia cho cuộc đua quyết định ở Thượng viện

VOV.VN - Trong cuộc vận động ở Atlanta, bang Georgia ngày 15/12, Tổng thống đắc cử Joe Biden đã kêu gọi cử tri ủng hộ 2 ứng viên đảng Dân chủ để đảng của ông có thể nắm quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ.

Joe Biden vận động cử tri Georgia cho cuộc đua quyết định ở Thượng viện

Joe Biden vận động cử tri Georgia cho cuộc đua quyết định ở Thượng viện

VOV.VN - Trong cuộc vận động ở Atlanta, bang Georgia ngày 15/12, Tổng thống đắc cử Joe Biden đã kêu gọi cử tri ủng hộ 2 ứng viên đảng Dân chủ để đảng của ông có thể nắm quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ.