Đảng Cộng hòa ra sức bảo vệ, đảng Dân chủ chỉ trích Trump sau cuộc gọi "gây bão"

VOV.VN - Nhiều thành viên đảng Cộng hòa đã lên tiếng bảo vệ ông Trump sau cuộc gọi yêu cầu quan chức phụ trách bầu cử bang Georgia tìm kiếm gần 12.000 phiếu bầu để vượt qua ông Joe Biden. Trong khi đó, đảng Dân chủ đang soạn thảo một nghị quyết nhằm chỉ trích ông Trump về việc này.

Đảng Cộng hòa bảo vệ Tổng thống Trump sau cuộc gọi “gây bão”

Sau khi lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy bày tỏ sự ủng hộ những nỗ lực nhằm lật ngược chiến thắng của ông Joe Biden trong phiên họp Quốc hội ngày 6/1, các thành viên khác của đảng Cộng hòa cũng đồng loạt lên tiếng bảo vệ ông Trump.

Hạ nghị sĩ Paul Gosar, một thành viên đảng Cộng hòa bảo thủ của bang Arizona, người đang cùng các đồng nghiệp nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử trong phiên họp chung của Quốc hội ngày 6/1, cho rằng lời kêu gọi của ông Trump chỉ đơn giản thể hiện “sự thất vọng to lớn”.

Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Ohio Jim Jordan cho rằng, cuộc gọi này của ông Trump cũng tương tự như cuộc gọi của ông cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề nghị điều tra đối thủ Joe Biden.

“Tôi không quan tâm. Nhưng Đảng Dân chủ luôn tìm cách làm to chuyện, cũng giống như việc họ đã làm với cuộc gọi điện của Tổng thống Trump cho Tổng thống Zelensky”, ông Jordan nói.

Khi được hỏi liệu yêu cầu của Tổng thống Trump có làm suy giảm sự ủng hộ đối với đảng Cộng hòa hay không, ông Jordan nói: “Tôi nghĩ là không. Chúng tôi nhận được sự ủng hộ rất lớn và nó tiếp tục lớn lên”.  

Theo truyền thông Mỹ, trong cuộc nói chuyện qua điện thoại với quan chức phụ trách bầu cử bang Georgia ngày 2/1, Tổng thống Trump đã yêu cầu tìm 11.780 phiếu bầu để vượt qua khoảng cách với ứng cử viên Dân chủ Joe Biden. Theo CNN, ít nhất 140 thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện và hàng chục thành viên đảng Cộng hòa tại Thượng viện đang chuẩn bị bỏ phiếu chống lại chiến thắng của ông Biden nhằm lật ngược kết quả bầu cử dù không đưa ra bằng chứng về gian lận phiếu bầu.

Hạ nghị sĩ Lee Zeldin, một thành viên đảng Cộng hòa ở New York, đã chỉ trích báo chí khi được hỏi liệu ông có lo ngại về cuộc gọi kéo dài một giờ của ông Trump, được ghi lại và bị rò rỉ cho giới truyền thông hay không. “Tôi mong truyền thông đưa ra đoạn ghi âm cuộc gọi đầy đủ và trung thực, trái ngược với sự thiên vị và phiến diện”, Zeldin nói.

Tuy nhiên, một số thành viên đảng Cộng hòa bày tỏ lo ngại về nỗ lực nhằm lật ngược kết quả bầu cử, trong đó có Hạ nghị sĩ Liz Cheney của bang Wyoming. “Tôi nghĩ đó là một điều vô cùng rắc rối”, bà Cheney nói về cuộc gọi của Tổng thống Trump.

Phản ứng của đảng Dân chủ trước cuộc gọi của ông Trump

Ngày 4/1, các thành viên đảng Dân chủ cũng bắt đầu thảo luận về cách phản ứng trước yêu cầu của Tổng thống Trump.

Hạ nghị sĩ bang Georgia Hank Johnson, một thành viên đảng Dân chủ, đã lưu hành lá thư thu thập sự ủng hộ cho một nghị quyết mà ông đưa ra hôm 4/1 để chỉ trích và lên án Tổng thống Trump vì đã tìm cách lật ngược kết quả bầu cử ở Georgia.

Hạ nghị sĩ Zoe Lofgren của bang California sẽ đóng vai trò dẫn đầu trong việc điều phối cuộc tranh luận cho đảng Dân chủ tại Hạ viện trong cuộc họp Quốc hội ngày 6/1. Bà Lofgren đang gặp từng quan chức của tiểu bang mà đảng Cộng hòa dự kiến ​​sẽ nhắm tới khi họ cố gắng tìm cách đảo chiều kết quả bầu cử, theo các thành viên lãnh đạo của đảng Dân chủ.

Các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ khuyên các thành viên của họ nên tập trung vào cách cuộc bầu cử diễn ra tự do và công bằng và không tập trung vào cuộc tranh luận về nhiệm kỳ tổng thống Trump. Trong khi hầu hết các thành viên Dân chủ sẽ phát biểu trong cuộc họp 6/1 đến từ các bang chiến địa, các thành viên đảng Dân chủ khác cũng có kế hoạch tham gia vào cuộc tranh luận, bao gồm Hạ nghị sĩ Adam Schiff, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện.

“Chúng tôi sẽ thực hiện cách tiếp cận mà chúng tôi cho là nghiêm túc và trung thực, gắn với việc bảo vệ nền dân chủ của chúng tôi”, Hạ nghị sĩ Hakeem Jeffries, một thành viên đảng Dân chủ ở New York cho biết.

Theo CNN, vẫn còn phải xem liệu các thành viên đảng Cộng hòa, những người chỉ trích nỗ lực lật ngược cuộc bầu cử, có phát biểu trong cuộc họp ở Quốc hội hay không.

Cuộc tranh luận diễn ra trong bối cảnh đảng Cộng hòa đang gia tăng rạn nứt trước phiên họp chung của Quốc hội vào ngày 6/1, khi các thành viên của đảng tại Hạ viện có kế hoạch phản đối việc kiểm phiếu đại cử tri với chiến thắng thuộc về ông Biden. Khi một thành viên của mỗi viện trong Quốc hội đưa ra thách thức kết quả, Hạ viện và Thượng viện sẽ tranh luận và xem xét có nên bỏ phiếu đại cử tri của bang hay không. Chỉ khi Hạ viện và Thượng viện cùng nhất trí, kết quả bỏ phiếu mới có thể bị loại bỏ.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Ohio, Rob Portman, hôm 4/1 cho biết, ông sẽ ủng hộ việc chứng nhận kết quả bầu cử của Quốc hội ngày 6/1 và phản đối nỗ lực của một số thành viên đảng Cộng hòa nhằm thách thức kết quả bầu cử.

“Tôi dự định tôn vinh lời tuyên thệ của ông Biden bằng cách ủng hộ chứng nhận kết quả bầu cử của các bang và niềm tin của cử tri về cuộc bầu cử. Tôi không thể ủng hộ việc Quốc hội cản trở ý chí của cử tri”, ông Portman nói trong một tuyên bố.

Trong khi lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell kêu gọi các thượng nghị sĩ dừng thách thức kết quả bầu cử, lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đã bày tỏ sự ủng hộ những nỗ lực của phe bảo thủ nhằm lật ngược chiến thắng của ông Joe Biden.

“Theo những gì tôi biết, Tổng thống Trump luôn quan tâm đến tính toàn vẹn của cuộc bầu cử”, ông McCarthy nói khi được hỏi về cuộc gọi của ông Trump với quan chức phụ trách bầu cử bang Georgia Georgia.

Vẫn có khả năng đa số các thành viên Cộng hòa tại Hạ viện sẽ tham gia nỗ lực thách thức kết quả cuộc bầu cử. “Tôi hiểu một số thượng nghị sĩ sẽ phản đối kết quả bầu cử. Chúng ta sẽ xem cuộc tranh luận diễn ra như thế nào”, Hạ nghị sĩ Emmer nói.

Hạ nghị sĩ bang New Jersey Jeff Van Drew, một cựu thành viên đảng Dân chủ chuyển sang Cộng hòa cho biết, ông sẽ tham gia nỗ lực phản đối kết quả bầu cử.

“Bất cứ lúc nào khi chỉ có khoảng 50% người dân Mỹ không tin rằng cuộc bầu cử là hợp lệ, thì sẽ có điều gì đó không ổn”. Khi được hỏi rằng nhiều cử tri cho rằng các cuộc bầu cử là hợp lệ vì ông Trump đã từ chối chấp nhận thua cuộc, Van Drew nói: “Họ không lắng nghe từng điều ông ấy nói. Họ làm như vậy vì họ tin vào điều đó”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tổng thống Trump: Không đời nào chúng tôi thua ở Georgia
Tổng thống Trump: Không đời nào chúng tôi thua ở Georgia

VOV.VN - Tổng thống Trump khẳng định không đời nào đảng Cộng hòa thua ở Georgia đồng thời tuyên bố ông sẽ đảm bảo mọi lá phiếu đều được kiểm.

Tổng thống Trump: Không đời nào chúng tôi thua ở Georgia

Tổng thống Trump: Không đời nào chúng tôi thua ở Georgia

VOV.VN - Tổng thống Trump khẳng định không đời nào đảng Cộng hòa thua ở Georgia đồng thời tuyên bố ông sẽ đảm bảo mọi lá phiếu đều được kiểm.

Quan chức bầu cử Georgia bác bỏ thuyết âm mưu của Trump về gian lận phiếu bầu
Quan chức bầu cử Georgia bác bỏ thuyết âm mưu của Trump về gian lận phiếu bầu

VOV.VN - Lời khẳng định của ông Sterling giống như “phát súng bắn hạ” các thuyết âm mưu về gian lận cử tri mà Tổng thống Donald Trump đưa ra trong cuộc gọi với Tổng thư ký bang Georgia Brad Raffensperger.

Quan chức bầu cử Georgia bác bỏ thuyết âm mưu của Trump về gian lận phiếu bầu

Quan chức bầu cử Georgia bác bỏ thuyết âm mưu của Trump về gian lận phiếu bầu

VOV.VN - Lời khẳng định của ông Sterling giống như “phát súng bắn hạ” các thuyết âm mưu về gian lận cử tri mà Tổng thống Donald Trump đưa ra trong cuộc gọi với Tổng thư ký bang Georgia Brad Raffensperger.

Thủ đô Washington chuẩn bị cho các cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump
Thủ đô Washington chuẩn bị cho các cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump

VOV.VN - Chính quyền thủ đô Washington của Mỹ hiện đang chuẩn bị các biện pháp bảo đảm an ninh khi dự kiến khoảng 500.000 người ủng hộ Tổng thống Donald Trump sẽ biểu tình tại khu vực xung quanh Nhà Trắng.

Thủ đô Washington chuẩn bị cho các cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump

Thủ đô Washington chuẩn bị cho các cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump

VOV.VN - Chính quyền thủ đô Washington của Mỹ hiện đang chuẩn bị các biện pháp bảo đảm an ninh khi dự kiến khoảng 500.000 người ủng hộ Tổng thống Donald Trump sẽ biểu tình tại khu vực xung quanh Nhà Trắng.