Đằng sau sự ủng hộ của Tổng thống Trump đối với Tướng Haftar ở Libya
VOV.VN - Việc đánh giá cao vai trò của Tướng Haftar trong cuộc chiến chống khủng bố đã cho thấy sự chuyển hướng rõ rệt trong chính sách của Mỹ đối với Libya.
Trong một tuyên bố của Nhà Trắng hôm 19/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đứng đầu Quân đội Quốc gia Libya (LNA), Tướng Haftar đã có cuộc điện đàm ngày 15/4 để “thảo luận về những nỗ lực chống khủng bố hướng tới hòa bình và ổn định ở Libya”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với người đứng đầu Quân đội Quốc gia Libya, tướng Haftar hôm 15/4. Ảnh: Africanews |
Trong cuộc điện đàm này, Tổng thống Trump “thừa nhận vai trò quan trọng của tướng Haftar trong cuộc chiến chống khủng bố và đảm bảo an ninh các nguồn dầu mỏ của Libya. Hai bên đã thảo luận về quan điểm chung liên quan tới một cuộc chuyển giao của Libya sang hệ thống chính trị dân chủ, ổn định”.
Lời ca ngợi của Tổng thống Trump dành cho Tướng Haftar được coi là sự đảo ngược trong chính sách của Mỹ đối với Libya, trong bối cảnh trước đó trong tháng 4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã yêu cầu dừng ngay lập tức các chiến dịch của tướng Haftar.
Sự đảo chiều chính sách của Mỹ?
Theo Al Jazeera, tuyên bố của Nhà Trắng hôm 19/4 có vẻ như trái ngược với lập trường của Bộ Ngoại giao Mỹ. Trong tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra tuyên bố kêu gọi tướng Haftar dừng các chiến dịch quân sự và Mỹ đang làm việc với Liên Hợp Quốc để cố bảo trợ một thỏa thuận hòa bình ở Libya.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Trump có khởi xướng cuộc điện đàm hay không. Tuy nhiên, nó dấy lên câu hỏi vì sao một Tổng thống Mỹ lại làm điều ngược lại với chính sách ngoại giao của chính nước mình về một vấn đề nóng như Libya.
Jalel Harchaoui, nhà nghiên cứu tại viện quân hệ quốc tế Clingendael ở La Hay nói rằng cuộc điện đàm của Tổng thống Trump có giá trị tương đương với việc ủng hộ chiến dịch của Tướng Haftar và do đó nó “tạo ra một môi trường mà ở đó sự can thiệp quân sự của các nước khác, như Ai Cập, là có nhiều khả năng xảy ra hơn”.
Trong khi trước đây Mỹ ủng hộ Chính phủ đoàn kết Dân tộc (GNA) do Thủ tướng Fayez al-Sarraj nắm quyền ở Tripoli và miền tây Libya, thì các quan chức ngoại giao và quân sự Mỹ vẫn duy trì liên lạc với Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Haftar.
Tướng Haftar là một trong những người đã giúp Đại tá Muammar Gaddafi lên nắm quyền năm 1969 nhưng đã thất bại cùng nhà lãnh đạo này trong cuộc chiến của Libya với CH Chad những năm 1980. Haftar bị người Chad bắt làm tù binh và được Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) giải cứu sau khi ông hợp tác để lật đổ nhà lãnh đạo Gaddafi.
Ông Haftar từng sống khoảng 20 năm ở bang Virgina của Mỹ trước khi trở về Libya năm 2011 để gia nhập lực lượng nổi dậy lật đổ Gaddafi.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pat Shanahan hôm 19/4 cũng xác nhận, các quan chức của Lầu Năm Góc vẫn liên lạc với LNA ở Libya. Ông nhấn mạnh: “Một giải pháp quân sự không phải là điều Libya cần, những gì chúng tôi đã nói trước đây và những gì tôi ủng hộ là vai trò của ông Haftar trong cuộc chiến chống khủng bố, chúng tôi cũng cần sự ủng hộ của tướng Haftar trong việc xây dựng sự ổn định dân chủ trong khu vực”.
Tranh giành ảnh hưởng với Nga?
Phát biểu trước Ủy ban Quân vụ hạ viện Mỹ hồi tháng 3, Người đứng đầu Bộ tư lệnh Mỹ tại châu Phi, tướng Thomas Waldhauser nói rằng, Nga đang ủng hộ lực lượng của Tướng Haftar như một phần để đảm bảo ảnh hưởng tại khu vực chiến lược nằm ở sườn phía Nam của NATO.
Lý giải về việc Nga ủng hộ lực lượng ở miền Đông Libya, ông nói: “Sự ủng hộ đối với Tướng Hafar sẽ đem lại ảnh hưởng lớn hơn cho Nga tại khu vực chủ chốt nằm ở phía Nam Địa Trung Hải. Điều đó cũng sẽ cho phép Nga sau đó có thể khôi phục lại các hợp đồng cũ thời Gaddafi trong lĩnh vực bán vũ khí, dầu mỏ… Nga có lợi ích chiến lược không nhỏ dù họ ủng hộ bên nào ở Libya, nhưng chủ yếu vẫn thực sự là lực lượng của Haftar”.
Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Tướng Haftar được công bố một ngày sau khi cả Mỹ và Nga đều nói rằng họ có thể sẽ không ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi ngừng bắn ở Libya trong lúc này.
Nga bác bỏ dự thảo do Anh đề xuất theo đó đổ lỗi cho Tướng Haftar về những bạo lực dấy lên gần đây ở Libya. Mỹ không đưa ra lý do cho quyết định của mình.
Sự ủng hộ của Mỹ có khiến gió có đảo chiều ở Libya?
Theo Al Jazeera, tin tức về cuộc điện đàm đã dấy lên sự giận dữ ở thủ đô Tripoli và nhiều người coi đó là động thái thể hiện sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ đối với chiến dịch của Tướng Haftar. Ngay trong ngày 19/4, ít nhất 2.000 người đã xuống đường biểu tình ở quảng trưởng Martyrs của Tripoli để phản đối viêc LNA tiến quân về thủ đô.
LNA bắt đầu tiến về thủ đô Tripoli từ ngày 4/4 và nói rằng, muốn “dọn sạch” phần phía Tây đất nước khỏi “những nhóm khủng bố tàn dư”.
Các nhà phân tích nói rằng, chiến dịch đang đe dọa khơi lại một cuộc nội chiến toàn diện ở quốc gia nhiều dầu mỏ, vốn đã rơi vào bất ổn kể từ khi lực lượng được NATO hậu thuẫn lật đổ nhà cầm quyền lâu năm Muammar Gaddafi năm 2011.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các cuộc giao tranh ở ngoại ô Tripoli đã khiến ít nhất 213 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương. Hơn 25.000 người mất nhà ở.
Thông tin về cuộc điện đàm đưa ra trong bối cảnh, các nước châu Âu và Trung Đông cũng chia rẽ về chiến dịch của Tướng Haftar ở Tripoli.
Italy và Pháp đã chia rẽ về Libya trước đây, nhưng hôm 19/4, Ngoại trưởng 2 nước nói rằng họ đang cố gắng thúc đẩy một chiến lược chung về quốc gia Bắc phi này.Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói với báo giới sau cuộc gặp ở Rome với người đồng cấp rằng: “Không thể có bước tiến ở Libya nếu không có thỏa thuận vững chắc giữa Pháp và Italy”.
Tướng Haftar có sự ủng hộ của Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Saudi Arabia. Những nước này đều coi tướng Haftar là nhân vật đáng tin cậy để khôi phục ổn định ở Libya. Trong khi đó, Qatar lại nói rằng, các lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc đối với Libya cần phải được siết chặt hơn để ngăn chặn Tướng Haftar nhận được vũ khí.
Sự đảo chiều trong chính sách của Mỹ đối với Libya ở thời điểm quan trọng này có thể sẽ tác động tới sự ủng hộ của các nước châu Âu và các nước trong khu vực đối với các bên ở Libya, từ đó, làm thay đổi cục diện ở quốc gia Bắc Phi này./.
Nguy cơ xảy ra xung đột lớn ở Libya