Đằng sau việc Triều Tiên tuyên bố mở rộng kho vũ khí hạt nhân
VOV.VN - Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un yêu cầu phát triển các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới, đồng thời chế tạo các vũ khí hạt nhân chiến thuật có mức độ hủy diệt lớn. Điều này cho thấy Bình Nhưỡng có thể có các hoạt động leo thang trong năm 2023 bất chấp các lệnh trừng phạt từ nước ngoài.
Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 1/1/2023 cho biết trong cuộc họp kéo dài 5 ngày của Đảng Lao động bế mạc hôm 31/12/2022 ở Bình Nhưỡng, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã yêu cầu sản xuất hàng loạt tên lửa hạt nhân tầm ngắn có thể sử dụng để chống lại Hàn Quốc, cũng như chế tạo một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nhằm vào mục tiêu tại Mỹ.
Triều Tiên bắt đầu năm mới bằng việc bắn một tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào sáng 1/1/2023, sau khi phóng 3 tên lửa tương tự một ngày trước đó. Ông Kim Jong-un cho biết các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và phóng đến bất cứ đâu ở Hàn Quốc.
Ông Kim cho rằng chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã buộc Triều Tiên phải coi “việc sản xuất hàng loạt vũ khí hạt nhân chiến thuật” và “mở rộng nhân kho vũ khí hạt nhân” là “định hướng chính” trong chính sách hạt nhân của Bình Nhưỡng cho năm 2023.
Kể từ khi ông Yoon nhậm chức vào tháng 5/2022, Hàn Quốc theo đuổi đường lối cứng rắn hơn với Triều Tiên. Khi Triều Tiên đưa máy bay không người lái (UAV) qua biên giới liên Triều vào tuần trước, ông Yoon đã tuyên bố sẽ “trả đũa” và kêu gọi “chuẩn bị cho chiến tranh”, ra lệnh cho quân đội Hàn Quốc đưa UAV vào không phận Triều Tiên.
Thái độ của ông Yoon hoàn toàn khác so với với người tiền nhiệm. Ông Moon Jae-in coi việc giảm căng thẳng và “ngăn chặn chiến tranh” trên Bán đảo Triều Tiên là một dấu ấn chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 1/1 cảnh báo, bất cứ nỗ lực nào của Triều Tiên nhằm sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ dẫn đến sự “kết thúc” của chính quyền Bình Nhưỡng.
"Giải pháp duy nhất chống lại sức ép và các mối đe dọa"
Các nhà phân tích cho rằng, bằng việc mở rộng kho hạt nhân, Triều Tiên hy vọng có thể gửi thông điệp đến Washington và các đồng minh rằng các biện pháp trừng phạt không có tác dụng ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, và họ nên quay lại bàn đàm phán với những nhượng bộ.
Năm 2022, Triều Tiên phóng nhiều tên lửa nhất từ trước tới nay. Ông Lee Byong-chul, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam ở Seoul cho rằng, việc ông Kim yêu cầu mở rộng kho vũ khí hạt nhân trong năm mới, mặc dù không nằm ngoài dự kiến, nhưng đã làm dấy lên nguy cơ gia tăng căng thẳng gia trên Bán đảo Triều Tiên, vì ông Yoon sẽ không ngại đối đầu với Bình Nhưỡng.
“Ông Yoon có lợi về mặt chính trị khi tỏ ra cứng rắn với Triều Tiên vì điều đó có thể giúp đảng của ông thu hút thêm phiếu bầu từ những người có quan điểm bảo thủ trước cuộc bầu cử quốc hội vào đầu năm 2024”, ông Lee nói.
Triều Tiên quyết tâm mở rộng kho vũ khí hạt nhân sau khi các cuộc đàm phán với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thất bại và không thể dỡ bỏ trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Quyết tâm đó càng tăng lên sau khi ông Yoon nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc năm 2022.
Thất bại của các cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều năm 2019 khiến Bình Nhưỡng tin chắc rằng “cho dù đảng nào nắm quyền ở Washington, Mỹ cũng không có ý định mặc cả với Triều Tiên” và “bảo đảm một lực lượng hạt nhân mạnh mẽ là giải pháp duy nhất để Triều Tiên chống lại sức ép và các mối đe dọa”, ông Chung Sung-Yoon, một nhà nghiên cứu tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc ở Seoul, nhận định.
Gây sức ép với cả Mỹ và Hàn Quốc
Năm 2022, Triều Tiên nối lại các vụ thử ICBM, phóng tên lửa Hwasong-17, ICBM mới nhất và mạnh nhất của nước này vào tháng 11. Trong cuộc họp của đảng Lao động Triều Tiên, ông Kim cũng đã yêu cầu “phát triển một hệ thống ICBM khác có nhiệm vụ chính là phản công hạt nhân nhanh chóng”.
Tháng trước, Bình Nhưỡng đã tiến hành thử nghiệm trên mặt đất một động cơ tên lửa mới mà các nhà phân tích cho là sẽ được dùng để phát triển một thế hệ ICBM nhiên liệu rắn mới, có thể triển khai phóng nhanh hơn các ICBM nhiên liệu lỏng hiện tại.
Sau khi các cuộc đàm phán của ông Kim với ông Trump thất bại, Triều Tiên đã gia tăng áp lực lên Hàn Quốc bằng việc thử một loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn mà nước này tuyên bố là có thể mang đầu đạn hạt nhân tới các mục tiêu của Hàn Quốc. Bình Nhưỡng có các động thái tương tự khi điều động máy bay chiến đấu, liên tiếp bắn pháo và tên lửa gần biên giới trên bộ và trên biển với Hàn Quốc.
Ông Yang Moo-jin, Hiệu trưởng Đại học Nghiên cứu về Triều Tiên ở Seoul cho rằng: “Trước đây, Triều Tiên có xu hướng tập trung gây sức ép lên Mỹ, phớt lờ Seoul và ủng hộ đối thoại trực tiếp với Washington. Nhưng lần này, ông Kim Jong-un dường như tập trung vào việc gây sức ép với Hàn Quốc và làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên như một cách gián tiếp để buộc Washington phải hành động”.
Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tỏ ra không mấy hào hứng vời việc bắt đầu một vòng đàm phán mới với Triều Tiên. Chính quyền của Tổng thống Yoon ở Seoul cũng vậy.
Vài ngày sau khi Triều Tiên thử nghiệm động cơ tên lửa nhiên liệu rắn mới vào tháng trước, Hàn Quốc cũng thử nghiệm loại động cơ tương tự.
Ông Leif-Eric Easley, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ewha Womans ở Seoul, nhận định: “Với việc ông Kim từ chối ngoại giao và đe dọa sản xuất vũ khí hạt nhân hàng loạt, chính quyền Tổng thống Yoon có khả năng tăng cường hơn nữa khả năng phòng thủ và sự sẵn sàng của Hàn Quốc. Nếu Trung Quốc không muốn một cuộc chạy đua vũ trang giữa Hàn Quốc và Triều Tiên làm gia tăng bất ổn trong khu vực lân cận, họ sẽ phải làm nhiều hơn nữa để kiềm chế Bình Nhưỡng vào năm 2023”./.