Đáp trả lẫn nhau nhưng Nga-phương Tây vẫn để ngỏ cơ hội đối thoại
VOV.VN - Trong tuần qua chứng kiến sự căng thẳng ngoại giao giữa Nga và phương Tây liên quan đến cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal.
Khủng hoảng ngoại giao hiện không đơn thuần chỉ là mối quan hệ giữa Nga và Anh mà đã mở rộng ra hàng loạt các quốc gia phương Tây khác, với những đồn đoán về nguy cơ của một cuộc chiến tranh mới xảy ra. Mặc dù vậy, trong những tuyên bố cứng rắn đáp trả lẫn nhau, các bên vẫn để ngỏ khả năng cho cơ hội đối thoại.
Đại sứ Anh Bristow rời trụ sở Bộ Ngoại giao Nga. Ảnh: Reuters.
Một loạt quốc gia, trong đó có nhiều thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã quyết định trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao Nga sau khi Anh cáo buộc Nga liên quan đến vụ cựu điệp viên và con gái bị đầu độc tại Anh hôm 4/3, dù chưa đưa ra được bằng chứng xác thực. Đáp lại, Nga cũng đã tuyên bố trục xuất 150 nhà ngoại giao phương Tây.
Những biện pháp trả đũa cũng như tranh cãi qua lại giữa hai bên cho thấy một nấc thang căng thẳng mới giữa Nga và phương Tây sau một loạt các bất đồng gần đây như cao buộc Nga can thiệp các cuộc bầu cử ở Mỹ và châu Âu, tiến hành tấn công và do thám trên mạng, và can dự vào xung đột tại Ukraine, Syria…. Trước đó các nước phương Tây cũng đã có những phản ứng độc lập trước hành động của Nga, nhưng đây có thể đây là hoạt động phối hợp đầu tiên trong trong một trật tự địa chính trị mới.
Mặc dù vậy, truyền thông quốc tế có những bài viết nhận định, sau những tuyên bố đáp trả trục xuất thì có thể giai đoạn tiếp theo sẽ là nhiệm vụ của các nhà ngoại giao hai bên. Các bên đều không muốn dấn thân vào một cuộc chiến tranh mới. Vụ việc liên quan đến cựu điệp viên Nga này diễn ra trong bối cảnh Anh đang đàm phán để ra khỏi Liên minh châu Âu. Sự đồng loạt lên tiếng của một loạt các nước EU nhằm “bày tỏ tình đoàn kết với Anh” được ví như "phép thử" về sự bền chặt của các mối quan hệ đồng minh chiến lược, nhằm bảo đảm rằng những mối quan hệ này vẫn vững chắc và nước Anh không bị cô lập.
Anh cho lục soát máy bay Nga, quan hệ 2 nước căng thẳng
Tuy nhiên, bản thân nước Anh và EU cũng đang phải đối mặt với chính những vấn đề của chính mình, cũng như các mối quan hệ đan xen lợi ích về an ninh và kinh tế với Nga. Cuộc xung đột nghiêm trọng về lợi ích quốc gia và về giá trị giữa các bên cũng sẽ chi phối mạnh mẽ chính trị nội bộ của các nước liên quan cũng như quan hệ quốc tế.
Cả Anh và Mỹ đều để ngỏ khả năng đưa ra các biện pháp cứng rắn hơn nhằm vào Nga, trong khi đó Nga cũng tuyên bố sẵn sàng đáp trả. Nga, Mỹ, và Anh là những cường quốc có tiếng nói trong việc giải quyết nhiều vấn đề nóng quốc tế, nên căng thẳng này có thể ảnh hưởng đến nỗ lực chung trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc chiến Syria hay chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
Chính vì vậy, trong những tuyên bố đáp trả lẫn nhau, cả Nga và một số nước phương Tây đều để ngỏ các kênh ngoại giao. Đức hôm 31/3 bảo vệ quyết định trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga, nhưng tuyên bố "sẵn sàng đối thoại".
Đại sứ Đức tại Nga Rudiger Von Fritsch khẳng định: “Tôi xin nhấn mạnh đến lợi ích của nước Đức trong việc có mối quan hệ tốt với Nga. Chúng tôi vẫn sẵn sàng để ngỏ và mở kênh đối thoại với Nga. Còn về vấn đề liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Nga, điều này phụ thuộc vào chính phủ Nga, cần phải làm mọi điều để thúc đẩy sự minh bạch rõ ràng với vụ việc”
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho biết: Nga phải đưa ra các biện pháp phản ứng đối với các hành động không thân thiện, không xây dựng và không phù hợp với luật pháp. Tuy nhiên Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn mong muốn cải thiện quan hệ với các nước bất chấp những bất đồng ngoại giao gần đây.
Ông Peskov nói: “Nga không muốn thúc đẩy bất cứ cuộc chiến ngoại giao nào. Tổng thống Nga Putin từ đầu đã khẳng định mong muốn phát triển mối quan hệ hữu nghị với tất cả các nước, bao gồm Mỹ”.
Giới quan sát cho rằng sẽ còn nhiều việc cho các ngoại giao cả hai bên thực hiện trong bối cảnh đầy khó khăn và thách thức, với cơ hội cải thiện quan hệ giữa hai bên sẽ không đến sớm trong tương lai gần./.