“Đấu trường” chính sách nhập cư Đức: Merkel vs. CSU
VOV.VN-Thủ tướng Đức Angela Merkel đang chịu chỉ trích gay gắt của đồng minh trong liên minh cầm quyền, do sự phản đối của Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU).
Cuộc khủng hoảng của Đức về chính sách nhập cư bước vào giai đoạn quyết định khi các đồng minh cứng rắn của Thủ tướng Angela Merkel ra tối hậu thư cho nhà lãnh đạo này để siết chặt quy định tị nạn. Những bất đồng trong chính sách nhập cư của nội bộ nước Đức được nhận định sẽ cản trở việc đạt được một thỏa thuận di cư ở cấp độ toàn châu Âu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Bộ trưởng Nội vụ, Chủ tịch đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) Horst Seehofer. (Ảnh: DPA) |
Ba năm sau quyết định mở cửa biên giới Đức cho người di cư từ Syria, Iraq và nhiều nơi khác, bà Angela Merkel vẫn đang vật lộn để tìm 1 giải pháp bền vững nhằm chấm dứt làn sóng chỉ trích của các đồng minh trong liên minh cầm quyền, do sự phản đối của Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) đối với các chính sách tị nạn.
Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer của CSU là một trong những người kịch liệt chỉ trích lập trường tự do của bà Angela Merkel, cho phép hàng triệu người tị nạn vào Đức từ năm 2015. Lãnh đạo đảng CSU và Bộ trưởng Horst Seehofer nhất trí gia hạn việc thực hiện kế hoạch tị nạn mà ông Seehofer đưa ra đến sau Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU), dự kiến diễn ra vào 28-29/6 tới.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Đức, CSU sẽ chờ đợi giải pháp từ Thủ tướng Angela Merkel cho các bất đồng giữa Liên minh Dân chủ (CDU) và CSU trong chính sách tị nạn của Đức. Ông cảnh báo sẽ tiến hành các biện pháp kiểm soát biên giới, không tiếp nhận những người nhập cư vào tháng 7 tới nếu Thủ tướng Angela Merkel không tìm được giải pháp với các đối tác châu Âu.
“Nếu chúng ta có thể đạt được thỏa thuận, có nghĩa là thông qua các hiệp định song phương về vấn đề người di cư thì chúng tôi sẽ rất hài lòng. Nhưng xét vị trí của chúng ta thì điều này là không thể. Chúng ta cần phải ngay lập tức từ chối những người nhập cư ở biên giới” - ông Seehofer nói.
Thủ tướng Đức Merkel nỗ lực gỡ bỏ mâu thuẫn với CSU
Tuy nhiên, việc kiểm soát biên giới đối với những người di cư cũng chính là điều mà bà Angela Merkel phản đối, vì cho rằng, quyết định như vậy sẽ ngăn cản khả năng đạt được 1 thỏa thuận toàn diện hơn về vấn đề tị nạn ở cấp độ toàn Liên minh Châu Âu tại hội nghị Thượng đỉnh EU vào ngày 28/6 và 29/6.
“Tôi đã nhận được sự ủng hộ đàm phán các thỏa thuận song phương với các đối tác châu Âu về vấn đề di cư tại hội nghị thượng đỉnh vào ngày 28 và 29/6” - bà Angela Merkel cho biết. “Tôi xem đây là một trong những vấn đề mang tính quyết định nhất trong việc đoàn kết Châu Âu. Hành động đơn phương của Đức sẽ chỉ gây ra 1 cuộc khủng hoảng lớn hơn”.
Hiện ở cấp độ châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel và người đồng cấp Italy Giuseppe Conte đã tìm được tiếng nói chung trong vấn đề tị nạn. Thủ tướng Đức cho biết, trong cuộc hội đàm hôm qua, hai nước hoàn toàn nhất trí rằng, biên giới bên ngoài châu Âu cần được đảm bảo tốt hơn và Frontex - Cơ quan bảo vệ biên giới của Liên minh châu Âu (EU) cần phải được củng cố. Ngoài ra, cả hai bên thống nhất rằng các nước phải hành động chống lại những kẻ buôn người và hỗ trợ cho quốc gia châu Phi.
Theo truyền thông Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã cam kết sẽ hỗ trợ Italy trong việc giải quyết những vấn đề với người tị nạn. Thủ tướng Đức muốn đạt được thỏa thuận hồi hương song phương và đa phương với các nước láng giềng châu Âu rằng, những người tị nạn đã đăng ký là người xin tị nạn ở các quốc gia khác có thể bị từ chối tại biên giới Đức và được gửi trở lại các nước này.
Tuy nhiên, điều này có thể làm sâu sắc thêm những bất đồng giữa CDU của Thủ tướng Angela Merkel và CSU bởi CSU không muốn Đức có thỏa thuận song phương nhằm gây áp lực để EU trở nên tích cực hơn trong chính sách tị nạn./. Khủng hoảng tị nạn đe dọa sự ổn định chính trường Đức
Mâu thuẫn giữa các nước EU trong việc tiếp nhận người tị nạn