Đem “hổ giấy” ra dọa Nga, Mỹ hy vọng và được gì?
VOV.VN - Các lệnh trừng phạt mới nhất đối với Nga mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký thành luật chỉ được ví như những “con hổ giấy”.
Đạo luật trừng phạt Nga ngăn cản các công ty Mỹ đầu tư vào rất nhiều dự án năng lượng của chính quyền ở Moscow song biện pháp này vốn chỉ thích hợp với vai trò mang tính biểu tượng hơn là một giải pháp đích thực.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Getty Images)
Lịch sử cho thấy, Mỹ đã áp đặt trừng phạt cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein nhưng rút cuộc vẫn phải xâm lược Iraq mới lật đổ được ông Saddam. Mỹ cũng áp đặt cả trừng phạt với CHDCND Triều Tiên vì chương trình hạt nhân của nước này, vậy mà Bình Nhưỡng vẫn có thể đẩy nhanh và ngày càng nhiều vụ thử hạt nhân lẫn tên lửa.
Vì thế, giới quan sát cho rằng, nếu dư luận kỳ vọng “Đạo luật ngăn chặn những đối thủ của Mỹ bằng biện pháp trừng phạt”, nhằm vào Nga, Iran và Triều Tiên, sẽ đem lại kết quả đáng kể nào đó thì họ có lẽ sẽ phải thất vọng.
Đạo luật “hổ giấy”?
Theo giới phân tích, rõ ràng các lệnh trừng phạt này được đưa ra không phải là để Tổng thống Nga Vladimir Putin phải nhượng bộ Mỹ bởi chúng không yêu cầu chính phủ Nga phải thay đổi chính sách nội bộ cơ bản hay đầu hàng bất cứ điều kiện quan trọng nào như là vấn đề Crimea. Nga chỉ đơn giản là phải dừng một số hoạt động mà xét cho cùng Moscow cũng chẳng có nhiều lợi ích, thậm chí là không có gì.
Bên cạnh đó, Nga có thể viện tới sự giúp đỡ của những nước khác không chia sẻ mục tiêu với Mỹ.
Trong trường hợp này, Liên minh châu Âu (EU) đang trái quan điểm với Washington về việc trừng phạt Nga.
Dù không có khả năng EU giúp đỡ Nga, những lập luận của liên minh này về tác động của việc trừng phạt Nga là điều Mỹ cần tham khảo. Trong bối cảnh các mối quan hệ song phương và đa phương phức tạp như hiện nay, việc lệnh trừng phạt Nga có tác động tiêu cực ngược lại với chính Mỹ là điều khó tránh khỏi.
Ngay cả những người ủng hộ nhiệt thành nhất cho việc trừng phạt Nga cũng ý thức được những giới hạn của đạo luật này dù nó đã được Quốc hội Mỹ thông qua với số phiếu áp đảo khiến Tổng thống Donald Trump không có cơ hội nào để phủ quyết.
Thượng nghị sỹ kỳ cựu đảng Cộng hòa John McCain không dám hứa hẹn kết quả nào từ đạo luật này nhưng vẫn bỏ phiếu thuận bởi nó “sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ đến ông Putin rằng nước Mỹ không dung thứ cho bất cứ hành động nào tấn công vào nền dân chủ”.
Có thể nói, sức hấp dẫn lớn nhất của lệnh trừng phạt này chỉ là nó đưa ra một giải pháp lưng chừng giữa một bên hành động đáp trả quân sự, được cho là tốn kém và quá nguy hiểm, với bên kia là giải pháp “án binh bất động”, vốn không thể chấp nhận được bởi nó sẽ khiến Nga và các đối thủ khác của Mỹ thừa cơ lấn tới.
Nhà khoa học chính trị trường đại học Cornell, ông Jonathan Kirshner cho rằng, các biện pháp trừng phạt này chỉ “làm rõ quan điểm của Mỹ về việc Nga can thệp bầu cử, cho thấy rằng hành động đó sẽ phải trả một cái giá thực sự, có thể là khiến những ai chịu tác động trực tiếp phải xem xét lại tính toán chính trị nội bộ, đồng thời cảnh báo những nhân tố khác”.
“Hổ giấy” nhưng không thể không “gầm”
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thành luật dự luật trừng phạt Nga trong sự bất bình với Quốc hội, cho rằng văn bản này “thiếu sót trầm trọng” và “vi hiến” vì cơ quan lập pháp lấn lướt quyền hành pháp khi hạn chế quyền của Tổng thống trong việc nới lỏng trừng phạt. Vì sao Tổng thống Trump phải chấp thuận ký lệnh trừng phạt Nga?
Thế nhưng đạo luật này hoàn toàn không phải là một sai lầm mà là việc Mỹ không thể không làm. Trước hết là bởi vì các lệnh trừng phạt trước đó của Mỹ đối với Nga không mang lại kết quả đáng kể nào.
Năm 2012, Mỹ ban hành đạo luật Magnitsky để trừng phạt những quan chức Nga bị cho là chịu trách nhiệm về cái chết của luật sư Sergei Magnitsky, người chết trong tù ở Moscow sau khi điều tra những gian lận có dinh líu đến các quan chức thuế của Nga. Đạo luật này cấm không cho một số quan chức Nga đến Mỹ hay tiếp cận hệ thống ngân hàng Mỹ.
Mỹ một lần nữa trừng phạt Moscow sau khi bán đảo Crimea sáp nhập Nga năm 2014.
Nhưng cả 2 lần trên, Washington đều không thể khiến Moscow thay đổi chính sách nhân quyền theo ý mình hay khiến bán đảo Crimea trở lại với Ukraine.
Điều này không khiến giới phân tích ngạc nhiên. Một nghiên cứu độc lập năm 2008 của Gary Clyde Hufbauer và một số học giả khác tại Viện nghiên cứu Peterson về Kinh tế Quốc tế đã xem xét 174 trường hợp trừng phạt kinh tế và kết luận rằng: “Các lệnh trừng phạt thường không thành công trong việc thay đổi hành vi của chính phủ nước ngoài”.
Chia sẻ trên Chicago Tribune, nhà phân tích người Mỹ Steve Chapman cho rằng nếu người Nga thực sự đột nhập mạng máy tính của chính trị gia Mỹ để can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 thì Washington nên đáp trả bằng biện pháp tương tự. Theo ông, đó là cách chắc chắn nhất để ngăn các vụ tấn công tương tự lặp lại.
Nhưng Chapman cũng cho rằng, nếu nước Mỹ thiếu công cụ để làm việc đó hoặc lo ngại sẽ bị Nga vượt mặt trong cuộc chiến trên không gian mạng, Washington đúng là không còn lựa chọn nào tốt hơn là các biện pháp trừng phạt kinh tế.
“Đánh” Nga nhưng làm “đau” Tổng thống Donald Trump
Đạo luật trừng phạt Nga là một lời nhắc nhở với Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng, không ai ở Capitol Hill [Quốc hội Mỹ - ND] cho là có thể trông cậy được vào ông trong các cuộc thương thảo với Tổng thống Nga Putin.
Theo nhà phân tích Steve Chapman, kể cả Tổng thống Donald Trump không cấu kết với Nga trong cuộc tranh cử năm 2016, ông cũng có một cái nhìn “tích cực đến khác thường” với Tổng thống Nga Putin, điều mà đa số thành viên trong Quốc hội Mỹ tin rằng ông cần phải nghiêm túc kiềm chế.
Nhưng dường như Tổng thống Donald Trump không nhận được tín hiệu cảnh báo đó, mà bằng chứng là việc ông tiếp tục chỉ trích đạo luật trừng phạt Nga sau khi ký thông qua văn bản này.
Đáp lại, Thượng nghị sỹ John McCain một lần nữa nhắc nhở: “Mối quan ngại mà Tổng thống bày tỏ trong thông báo về việc ký đạo luật này không lấy làm bất ngờ nhưng đã bị đặt không đúng chỗ”./. Giới chức Mỹ “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” về việc trừng phạt Nga