Điểm yếu lớn nhất khiến Ukraine khó xoay chuyển tình thế trước Nga
VOV.VN - Cánh cửa giúp Ukraine xoay chuyển động lực của cuộc chiến theo hướng có lợi cho nước này đang thu hẹp dần. Trong khi đó, Nga vẫn đang nắm giữ phần lớn các thẻ bài.
Trong bài phân tích đăng tải trên tạp chí National Interest, nhà phân tích Daniel L.Davis cho rằng, Ukraine đang bị đẩy lùi trên mọi mặt trận trong bối cảnh cuộc xung đột kéo dài 2 năm rưỡi. Theo ông Davis, dù có các nguồn lực tốt và được sự hỗ trợ của phương Tây, Ukraine cũng khó tạo ra một thất bại lớn về mặt quân sự cho Nga.
Thế mạnh của Nga
Nga là một quốc gia lớn mạnh, có nhiều lợi thế, chẳng hạn như nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào với số lượng nam giới trong độ tuổi nhập ngũ nhiều gấp 3 lần so với Ukraine. Ngoài ra họ còn có các cơ sở công nghiệp quân sự rộng lớn và có những đồng minh quan trọng có thể cung cấp nguyên vật liệu chế tạo vũ khí. Trọng tâm sức mạnh của Nga dựa trên hai trụ cột: khả năng tiến hành chiến dịch quân sự về mặt vật chất (nhân lực, vũ khí, đạn dược và năng lực quốc phòng) trong thời gian dài và sự ủng hộ về mặt chính trị của người dân. Nếu thiếu một trong 2 yếu tố này, Nga khó có khả năng giành chiến thắng trong cuộc xung đột.
Để đạt được bất cứ thành công chiến lược nào, Ukraine sẽ phải làm mất cân bằng trọng tâm của Nga, buộc Tổng thống Putin phải chấp nhận một kết quả không như mong đợi. Điều này sẽ vô cùng khó khăn.
Mục tiêu chiến lược quan trọng nhất của Nga là giảm mối đe dọa ở biên giới phía Tây xuống mức có thể kiểm soát được. Moscow tin rằng nếu Ukraine gia nhập NATO thì đây sẽ là “mối đe dọa hiện hữu thường trực” và họ sẵn sàng đánh đổi bất cứ để giảm mối đe dọa này.
Tổng thống Putin dường như tin rằng, Nga đang giành thế chủ động và có thể đạt được các mục tiêu trong cuộc chiến bằng các nguồn lực quân sự và tài chính mà nước này sở hữu. Ukraine cần phải thay đổi tính toán đó, nhưng điều này còn phụ thuộc vào năng lực của Kiev cũng như các nước bảo trợ phương Tây.
Điểm yếu của Ukraine
Trọng tâm sức mạnh của Ukraine về cơ bản là giống Nga. Tổng thống Zelensky phải đồng thời duy trì khả năng chiến đấu trong thời gian dài, kết hợp với việc tăng cường hỗ trợ về mặt chính trị, hỗ trợ về kinh tế, ngoại giao và quân sự. Nếu thiếu vắng một trong những yếu tố trên, Ukraine không thể giành chiến thắng.
Theo nhà phân tích Daniel L.Davis, Nga có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào trên khắp đất nước và năng lực công nghiệp quốc phòng lớn mạnh, đủ khả năng tiếp sức trong một cuộc chiến tiêu hao kéo dài. Trái lại, Ukraine có những hạn chế nghiêm trọng về tài nguyên thiên nhiên, trong khi năng lực quốc phòng chỉ bằng một phần nhỏ của Nga. Nếu không có sự hỗ trợ về mặt ngoại giao và vật chất to lớn từ các nước phương Tây, Kiev khó lòng trụ vững trong cuộc chiến tiêu hao. Ngay cả khi có đủ sự hỗ trợ về mặt vũ khí, Ukraine cũng khó giành chiến thắng vì điểm yếu lớn nhất của nước này là thiếu nguồn nhân lực.
Thời gian gần đây, Washington Post đưa tin, Ukraine đang thiếu hụt nghiêm trọng các tân binh và trong số những binh sỹ họ điều ra chiến trường, có nhiều người không được đào tạo bài bản.
Về mặt ngoại giao cũng khá bấp bênh khi tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Zelensky ở trong nước và các nước phương Tây đều sụt giảm. Cánh cửa cơ hội để Kiev lật ngược tình thế đang nhanh chóng khép lại. Để đạt được thành công, Ukraine cần có những hành động táo bạo và quyết đoán hơn, ông Davis lưu ý.
Chuyên gia L.Davis cho rằng, điều quan trọng là phải xác định “thành công” nào Ukraine có thể đạt được vào thời điểm hiện tại. Nga có những lợi thế mà Kiev khó có thể vượt qua được, trong đó có con át chủ bài là vũ khí hạt nhân. Ngày 14/6, Tổng thống Putin đã đưa ra những yêu cầu tối thiểu để chấp dứt xung đột, đó là: Ukraine phải từ bỏ 4 khu vực mà Nga sáp nhập vào năm 2022, rút toàn bộ quân đội khỏi các vùng lãnh thổ này và áp dụng “tình trạng trung lập, không liên kết, phi hạt nhân”.
Về phần mình, Tổng thống Zelensky coi danh sách các yêu cầu này không khác gì “tối hậu thư” buộc Ukraine phải đầu hàng. Theo nhà phân tích Davis, nếu phương Tây và Ukraine không có những thay đổi lớn về mục tiêu trong cuộc xung đột thì tối hậu thư mà Tổng thống Putin đưa ra có thể thành hiện thực. Hiện, Ukraine đang hy vọng sẽ giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ rơi vào tay Nga, không nhượng bộ thêm bất cứ vùng đất nào và đàm phán để chấm dứt xung đột.
Quốc hội Mỹ đã thông qua gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD vào tháng 4/2023, nhưng chi tiết về gói viện trợ này vẫn chưa được công bố. Vào tháng 4 năm nay, Mỹ đã công bố thêm gói viện trợ mới trị giá 6 tỷ USD và đến tháng 7 là gói viện trợ trị giá 2,3 tỷ USD. Nhưng cả hai gói này bao gồm chủ yếu là đạn dược và không có xe bọc thép mới. Điều quan trọng là để nhận được các gói viện trợ này, Ukraine cần phải thể hiện sự thành công trên chiến trường bằng những gì họ đang có trong tay. Để làm điều đó, họ sẽ phải huy động thêm 300.000 binh sỹ trong những tháng tới, đồng thời củng cố các tuyến phòng thủ dọc theo mặt trận.
Ông Davis cho rằng, Ukraine có thể phải trả cái giá rất cao về mặt nhân sự để đạt được một số thành công nhỏ, nhưng cơ hội đối với họ vẫn là 50/50. Hơn nữa, phương Tây sẽ phải dùng mọi biện pháp để cung cấp đạn dược cho Ukraine với số lượng vượt quá những gì họ đang dự tính, cùng với đó là số lượng lớn phương tiện chiến đấu hiện đại. NATO mong muốn nhìn thấy Ukraine giành chiến thắng và Nga phải chịu tổn thất lớn. Nhưng đây là kết quả rất khó đạt được cả ở thời điểm hiện tại lẫn tương lai. Theo giới phân tích, nếu phương Tây không chịu chấp nhận tình hình thực tế, thì Ukraine có thể mất nhiều vùng lãnh thổ hơn nữa và cơ hội để các bên tiến tới bàn đàm phán sẽ khó khăn hơn.