Điều gì khiến Đức vượt "lằn ranh đỏ", quyết định giao xe tăng Leopard 2 cho Ukraine?
VOV.VN - Sau thời gian dài cân nhắc, Đức chính thức tuyên bố sẽ cung cấp xe tăng Leopard 2 cho quân đội Ukraine.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz công bố quyết định trên vào ngày 25/1 trước sức ép ngày càng gia tăng từ các đồng minh, dẫn đầu là Mỹ, Ba Lan cùng nhiều quốc gia châu Âu khác. Những nước này trước đó đã kêu gọi Berlin tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine với việc chuyển giao những phương tiện mà Kiev cần.
Quyết định của Đức đã nhận được sự hưởng ứng của Mỹ. Cùng ngày, chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết, Mỹ sẽ cung cấp 31 xe tăng M1 Abrams cho Ukraine, đảo ngược sự phản đối kéo dài của chính quyền đối với yêu cầu của Kiev về các phương tiện phức tạp nhưng cần nhiều nỗ lực bảo trì.
Giới phân tích cho rằng, việc phương Tây cung cấp xe tăng hiện đại cho Ukraine có khả năng làm thay đổi cục diện xung đột. Đây là bước đột phá lớn trong nỗ lực viện trợ quân sự của phương Tây dành cho Kiev. Song vẫn chưa rõ liệu sự hỗ trợ này có giúp Ukraine đẩy lùi quân đội Nga và giành quyền kiểm soát những vùng lãnh thổ đã bị mất hay không?
Nhiều chuyên gia và các nhà phân tích đã tranh luận sôi nổi về sự khác biệt giữa những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực của phương Tây với xe tăng T-90 của Nga, so sánh sự khác biệt về lớp giáp, pháo, độ chính xác, hệ thống bảo vệ chủ động, thụ động, khả năng cơ động, hệ thống điều khiển hỏa lực, đạn dược và nhiều tính năng khác. Song những cuộc tranh luận này vẫn chưa đi đến hồi kết bởi chiến trường mới là phép thử quan trọng để cho thấy ưu và nhược điểm của bất cứ loại vũ khí hay thiết bị quân sự nào. Những dữ liệu đáng tin cậy trong quá trình thực chiến là điều cần thiết để phân tích và so sánh các xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại. Một vấn đề khác không thể không nhắc đến là tất cả các xe tăng hiện đại đều dễ bị tấn công bởi những hệ thống chống tăng hiện đại.
Đức đã công bố những gì?
Phát biểu trước Quốc hội Đức ngày 25/1, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết, chính phủ nước này sẽ cung cấp 14 xe tăng Leopard cho Ukraine, kết thúc quá trình cân nhắc kéo dài nhiều tháng và những cuộc đàm phán đầy căng thẳng với các đồng minh trong khối NATO.
Tuyên bố của chính phủ Đức cho biết: “Đây là kết quả của các cuộc tham vấn chuyên sâu giữa Đức với các đối tác quốc tế và những đồng minh châu Âu gần gũi nhất”.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Đức trước đó nói với CNN rằng quân đội Đức có 320 xe tăng Leopard 2 nhưng không tiết lộ bao nhiêu chiếc trong số này sẵn sàng chiến đấu.
Trong thông báo trên Telegram, Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak đã hoan nghênh quyết định của Đức cung cấp xe tăng chiến đấu Leopard 2, đồng thời nhấn mạnh Kiev cần rất nhiều xe tăng như vậy.
“Quyết định hỗ trợ xe tăng đã được đưa ra. Tiếp theo sẽ là liên minh xe tăng. Chúng tôi cần rất nhiều xe tăng Leopard”.
Lý do khiến Đức thay đổi lập trường
Đức đã đưa ra quyết định nói trên sau nhiều tuần chịu sức ép của các đồng minh phương Tây, chấm dứt giai đoạn do dự kéo dài khiến các đồng minh NATO và Ukraine thất vọng.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra vào cuối tuần qua, Đức không cam kết chuyển giao xe tăng. Berlin sau đó cho biết sẽ không cản trở những quốc gia khác tái xuất khẩu xe tăng Leopard mà họ mua của Đức, nhưng vẫn rất kín tiếng về lập trường của mình.
Việc chuyển giao xe tăng cho Ukraine từng là lằn ranh đỏ đối với các nhà lãnh đạo phương Tây, vốn tuyên bố sẵn sàng cung cấp cho Ukraine những vũ khí phòng thủ cần thiết để đẩy lùi mối đe dọa từ Nga, song lại tỏ ra do dự khi chuyển giao những khí tài quân sự có thể giúp các lực lượng Ukraine đạt được những bước tiến lớn.
Mối lo ngại đầu tiên đối với NATO là việc hỗ trợ quân sự quá mức cho Ukraine có nguy cơ gây leo thang xung đột, thậm chí dẫn tới mối đe dọa tấn công hạt nhân. Tuy nhiên, gần một năm sau khi xung đột bùng phát, tính toán này đã thay đổi, một phần do những bước tiến của Ukraine trên thực địa.
Đức được cho là chậm chân hơn so với một số đồng minh trong việc thay đổi cách tiếp cận. Tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức Pistorius cho rằng nước này cần thời gian để xem xét những mặt lợi và mặt hại khi chuyển giao xe tăng cho Ukraine.
Người phát ngôn của chính phủ Ba Lan Piotr Muller cho rằng, áp lực ngoại giao đang khiến Đức chuyển đổi lập trường.
Tại sao xe tăng Leopard 2 lại cần thiết đối với Ukraine?
Với tuyên bố mới nhất của Đức, Ukraine sẽ sớm sở hữu dòng xe tăng hiện đại, giúp tăng cường đáng kể kho dự trữ vũ khí của nước này trước một cuộc giao tranh trên bộ dự kiến diễn ra vào mùa Xuân.
Kiev được cho là đang chuẩn bị cho một cuộc phản công lớn trong những tuần tới, nhằm giành quyền kiểm soát toàn bộ các khu vực Lugansk và Donetsk ở miền Đông. Tướng Valeriy Zaluzhnyi, Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine hồi tháng 12/2022 cho biết, Ukraine dự kiến sẽ tiến hành cuộc phản công vào bất cứ thời điểm nào trong khoảng thời gian từ giữa tháng 1 đến tháng 3/2023. Kiev hy vọng, xe tăng do phương Tây cung cấp sẽ giúp quân đội nước này phá vỡ thế bế tắc trong cuộc chiến khốc liệt ở miền Đông Ukraine.
Xe tăng sẽ là phương tiện tấn công trực tiếp mạnh nhất mà phương Tây cung cấp cho Ukraine tính đến thời điểm hiện tại. Chúng được trang bị nhiều vũ khí và có lớp giáp dày được thiết kế để đối đầu trực tiếp với đối phương, thay vì nhắm bắn ở khoảng cách xa.
So với những chiếc xe tăng T-72 có từ thời Liên Xô mà Mỹ cung cấp cho Ukraine trước đây, những xe tăng hiện đại như Leopard 2 hay M1 Abrams vượt trội đáng kể về khả năng nhắm bắn các cứ điểm của đối phương. Các quan chức Ukraine cho biết, nước này cần vài trăm xe tăng chiến đấu chủ lực - không chỉ để bảo vệ tuyến phòng thủ hiện tại mà còn để chiến đấu với quân đội Nga trong những tháng tới.
“Chúng tôi cần một số lượng lớn xe tăng phương Tây. Chúng tốt hơn nhiều so với những xe tăng từ thời Liên Xô và có thể giúp chúng tôi giành được những bước tiến mới”, Trung tướng Serhiy Naiev, người đứng đầu Lực lượng Liên quân Ukraine (JFO) cho biết.
Khi nào Ukraine có thể sử dụng chúng?
Chính phủ Đức cho biết, mục tiêu của nước này là giúp Ukraine nhanh chóng thành lập 2 tiểu đoàn xe tăng Leopard 2. “Việc huấn luyện kíp lái Ukraine sẽ nhanh chóng diễn ra tại Đức. Ngoài đào tạo binh sỹ điều khiển xe tăng, gói hỗ trợ cũng bao gồm cung cấp hậu cần, đạn dược và bảo trì các hệ thống”.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết xe tăng Leopard 2 có thể hoạt động tại Ukraine trong khoảng 3 tháng tới. Tuy vậy, kế hoạch kết hợp với xe tăng Abrams có thể sẽ phức tạp hơn do tuyến đường vận chuyển phải băng qua Đại Tây Dương, hơn nữa chúng cũng có cấu tạo phức tạp hơn so với xe tăng Đức.
Thứ trưởng Quốc phòng Colin Kahl phụ trách chính sách của Lầu Năm Góc cho biết: “Xe tăng Abrams là một phương tiện rất phức tạp và đắt đỏ. Quá trình huấn luyện và đào tạo mất rất nhiều thời gian”.
Theo các chuyên gia quân sự, nếu được cung cấp xe tăng Leopard 2, các binh sỹ Ukraine có thể đưa vào sử dụng nhanh chóng trên chiến trường. Trong khi Abrams mất nhiều thời gian hơn do cồng kềnh và có trọng lượng nặng hơn đáng kể so với tất cả các phiên bản của Leopard.
Phản ứng của Nga
Nga đã phản ứng mạnh mẽ trước những báo cáo về việc Đức và Mỹ sẽ cung cấp xe tăng cho Ukraine, giống như cách nước này phản ứng với quyết định tương tự của Anh đưa ra trước đó.
Điện Kremlin coi quyết định chuyển giao xe tăng của các nước phương Tây là hành động gây hấn chống lại Nga. Đại sứ Nga tại Đức Sergei Nechaev hôm 25/1 tuyên bố, quyết định của Berlin là “cực kỳ nguy hiểm”, có thể đẩy cuộc xung đột “lên một cấp độ đối đầu mới”.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, việc Mỹ và châu Âu tài trợ xe tăng cho Ukraine sẽ gây “thêm đau khổ” cho quốc gia này và “gây thêm căng thẳng cho lục địa già”.
Ông Peskov cảnh báo, nếu xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất được giao cho Ukraine, chúng sẽ “cháy rụi giống như tất cả những chiếc xe tăng khác” và chi phí chế tạo những phương tiện này sẽ là gánh nặng cho những người đóng thuế ở châu Âu./.