Điều khiến Nga khó dừng bước ở Ukraine, còn phương Tây lo sợ Thế chiến III
VOV.VN - Có lẽ nhiều sử gia đều coi xung đột Nga - Ukraine đã bước vào giai đoạn không có điểm quay đầu. Có những diễn biến khiến Nga khó dừng bước trong xung đột này, còn phương Tây thì nơm nớp về nguy cơ Thế chiến III.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga đều tỏ ra cứng rắn
Tuần qua, thế giới chứng kiến các diễn văn đối chọi nhau của Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Nga Putin.
Tổng thống Biden hứa hẹn cung cấp cho Ukraine thêm 500 triệu USD. Chỉ thời gian ngắn sau bài phát biểu của ông Biden, Lầu Năm Góc ám chỉ họ có thể đẩy nhanh việc cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams cho Ukraine, và cung cấp cho Ukraine các xe tăng lấy từ chính kho vũ khí của họ (trước đây, Lầu Năm Góc ngần ngại về điều này).
Về phần mình, Tổng thống Putin phát biểu trong 2 tiếng đồng hồ vào tối 21/2, trong đó ông nhắc lại cam kết giành chiến thắng hoàn toàn đối với Ukraine.
Hầu hết các hãng truyền thông phương Tây tránh phản ánh về bài diễn văn đó của ông Putin. Còn số ít cơ quan truyền thông phương Tây đưa tin về bài phát biểu đó thì lại với thái độ chế giễu.
Trong phát biểu của mình, Tổng thống Putin gửi đi tín hiệu như sau: Cam kết của ông theo đuổi cuộc xung đột Ukraine là vẫn mạnh mẽ và ông đang leo thang cuộc xung đột đó để đáp trả sự leo thang của Mỹ.
Trên thực tế, ông Putin đã đưa ra lời thách thức lớn đầu tiên đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO): Ông tuyên bố dứt khoát với các đối thủ Mỹ rằng họ buộc phải dỡ bỏ hệ thống vũ khí tấn công tầm xa ở Ukraine; nếu không, các lực lượng Nga sẽ bắt đầu trực tiếp tấn công thẳng vào các hệ thống đó.
Đây là một lằn ranh đỏ mới mà Mỹ và khối quân sự NATO cần phải cân nhắc kỹ trước khi bước qua.
Tình huống đột biến khó lường
Các vũ khí nói trên có thể sử dụng để đánh sâu vào trong lãnh thổ Nga. Trong mắt Tổng thống Putin, việc Ukraine nhờ vào người Mỹ để sở hữu các vũ khí như vậy là đồng nghĩa với việc Mỹ và NATO đã trở thành các bên tham chiến trực tiếp.
Trong diễn văn, ông Putin dành nhiều thời gian khẳng định rằng Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm về hành động của mình nếu Nga bị tấn công bởi các hệ thống do Mỹ cung cấp.
Ngoài ra, nếu Nga bắn vào các hệ thống vũ khí này của Mỹ, khả năng cao sẽ có quân nhân Mỹ tử vong. Về cơ bản, người Mỹ được cho là trực tiếp tham gia vận hành hoặc bảo dưỡng các hệ thống đó ở các mức độ khác nhau. Nhưng nhân sự Mỹ có thể còn bao gồm cả những người hoạt động ngầm xung quanh các hệ thống đó, nên số người Mỹ tử vong trong trường hợp Nga ra tay có thể sẽ còn cao hơn nữa.
Đáng chú ý, vừa qua ông Putin đã tuyên bố rút Nga khỏi Hiệp ước New START (hiệp ước giới hạn số vũ khí hạt nhân chiến thuật mà cả Mỹ và Nga có thể sở hữu).
Tổng thống Putin vốn là người ủng hộ mạnh mẽ các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân. Nay ông lại quyết định đưa Nga ra khỏi New START - điều này khiến các nhà hoạch định chính sách của Mỹ khó tránh khỏi cảm giác bất an. Động thái mới này của ông Putin cho thấy ông quyết tâm giành chiến thắng trong xung đột quân sự ở Ukraine.
Cả Nga và Ukraine đều hứng chịu thương vong lớn trong giao tranh. Nhưng về lâu dài, Nga có sức chịu đựng tốt hơn do có sẵn nguồn lực khổng lồ về nhiều mặt. Chưa kể, Nga không loại trừ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong tình huống cần thiết.
Khó quay đầu?
Phía Ukraine đã tuyên bố rõ ý định của mình kể từ trước khi bùng nổ xung đột với Nga vào năm 2022, đó là lấy lại hoàn toàn Crimea và cuối cùng là cả miền Đông Ukraine. Đây lại là một lằn ranh đỏ nữa mà nếu bị vượt qua, Nga có thể kích hoạt vũ khí hạt nhân. Nga không thể đánh mất căn cứ hải quân ở Sevastopol, Crimea. Nếu đánh mất căn cứ này, Nga sẽ không còn là cường quốc nữa vì bị cô lập khỏi vùng Biển Đen sống còn.
Chiến sự chưa kết thúc. Trong ngắn hạn sẽ khó có giải pháp được thương lượng, nhất là giải pháp có lợi cho phương Tây.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Biden cũng nói rõ rằng ông sẽ không chỉ tiếp tục ủng hộ chính quyền Tổng thống Ukraine Zelensky. Khi rời khỏi thủ đô Kiev, ông Biden đăng lên mạng xã hội Twitter nội dung nói rằng ông “đã để lại một phần trái tim của mình” ở đây.
Ông Biden chú tâm vào vấn đề Ukraine đến mức ông giảm chú ý vào sự cố hóa học lớn ở East Palestine, Ohio (Mỹ). Ông quyết định chi lượng lớn tiền thuế Mỹ cho Ukraine, một đất nước ở cách xa bên ngoài.
Nhìn từ góc độ bài phát biểu của hai vị nguyên thủ Mỹ và Nga, có thể nhận thấy rằng triển vọng hòa bình ở Ukraine đang rất mịt mờ.
Hiện nay Trung Quốc có nhiều dấu hiệu hỗ trợ Nga một cách trực tiếp hơn, khiến Nga càng có thêm không gian di chuyển và hành động vào thời điểm phương Tây chỉ mong Nga bị cô lập. Khi đang có lợi thế, Nga sẽ ít khả năng dừng tay.
Nga và Mỹ đều chưa chịu lùi bước, trong khi Trung Quốc lại có những tính toán rất thực tế. Khi ấy, rủi ro Nga và Mỹ sa vào một cuộc chiến nóng thực sự với nhau là có thật. Trong bối cảnh ấy, xung đột Ukraine không chỉ có nguy cơ kéo dài mà còn có thể lan rộng ngoài tầm kiểm soát./.