Dỡ trừng phạt Dòng chảy phương Bắc 2: "Nhành ô liu" của Mỹ để tách Nga khỏi Trung Quốc?
VOV.VN - Việc Mỹ dỡ bỏ trừng phạt dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 không chỉ nhằm củng cố quan hệ với đồng minh Đức mà còn là một nỗ lực tách Nga khỏi Trung Quốc khi liên minh này ngày càng phát triển.
“Nhành ô liu” của Mỹ
Mỹ muốn Nga xoay trục khỏi Trung Quốc và có lẽ đã thể hiện sự linh động đối với các lệnh trừng phạt như một "nhành ô liu", Daniel Yergin, một chuyên gia về năng lượng, đồng thời là phó chủ tịch IHS Markit cho hay.
Hôm 19/5, Washington đã áp các lệnh trừng phạt lên một số tàu và thực thể liên quan đến việc xây dựng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2, vận chuyển khí tự nhiên từ Nga sang Đức. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt nhằm vào công ty vận hành dự án, CEO của công ty này cũng một số quan chức khác sẽ được dỡ bỏ "vì lợi ích quốc gia của Mỹ", thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.
Trong khi đây là một công ty Đức thì CEO của công ty này lại là một đồng minh của Tổng thống Nga Putin. Reuters đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã chỉ ra rằng, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt có thể giúp bình thường hóa quan hệ giữa Nga và Mỹ.
Nhà quan sát Yergin đã gọi đây là "một nhành ô liu" nhằm khuyến khích Nga quay lưng với Trung Quốc vào thời điểm quan hệ Mỹ - Nga đang căng thẳng.
"Tôi nghĩ đây là một ưu tiên chiến lược của chính quyền Tổng thống Biden", chuyên gia này nhận định với CNBC hôm 20/5.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 19/5 bên lề cuộc gặp cấp bộ trưởng Hội đồng Bắc Cực và thừa nhận những khác biệt giữa Washington và Moscow, song vẫn cho rằng hai bên có thể tiếp tục hợp tác với nhau.
Tách Nga khỏi Trung Quốc
Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đã sâu sắc trong những năm qua khi 2 nước thúc đẩy hợp tác trong những vấn đề như kinh tế, chính trị và quốc phòng. Các cơ quan không gian của 2 nước cũng ký một bản ghi nhớ vào tháng 3/2021 nhằm xây dựng một trạm không gian mới trên Mặt Trăng.
Nhà phân tích Yersin cho biết, Tổng thống Putin "ngày càng xa rời phương Tây" kể từ Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Mặt khác, Trung Quốc là một thị trường phát triển cho Nga trong khi Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "có cùng suy nghĩ về những điều họ gọi là chủ quyền tuyệt đối".
Việc linh động với các biện pháp trừng phạt là một phần trong chiến lược của Mỹ nhằm "tách Nga khỏi liên minh ngày càng phát triển của nước này với Trung Quốc", bất chấp những trở ngại trong quan hệ giữa Washington và Moscow, ông Yergin cho hay.
Dòng chảy phương Bắc 2
Mỹ từ lâu đã lên tiếng phản đối việc thi công dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 và ông Yergin cho rằng quyết định của chính quyền Tổng thống Biden khi dỡ một số biện pháp trừng phạt sẽ khiến các nghị sĩ không mấy hài lòng.
"Một trong số ít điều đoàn kết đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa là việc áp các lệnh trừng phạt lên Nga", chuyên gia này nhận định.
Một thông cáo báo chí dẫn lời của Ngoại trưởng Blinken cho biết, Mỹ "sẽ tiếp tục phản đối việc hoàn thành dự án này, vốn làm suy yếu an ninh năng lượng châu Âu, an ninh của Ukraine, cùng như sườn đông NATO và các nước EU".
Dù vậy, nhà phân tích Yergin đánh giá chính quyền Tổng thống Biden có lẽ đã nhận ra rằng việc loại bỏ khí đốt Nga khỏi châu Âu là điều bất khả thi.
"Câu hỏi hiện nay là dòng chảy khí đốt này sẽ đến đây như thế nào", chuyên gia này đặt câu hỏi.
Ngoài ra, theo ông Yergin, việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt cũng có thể thúc đẩy mối quan hệ giữa Mỹ và Đức - một đồng minh quan trọng của Washington ở châu Âu.
Trên thực tế, việc Mỹ áp lệnh trừng phạt lên dự án Dòng chảy phương Bắc 2 nhưng lại đi cùng với việc dỡ bỏ trừng phạt với công ty chịu trách nhiệm thi công công trình này đã tạo ra khoảng nghỉ tạm thời trong vòng xoáy trừng phạt Nga - Mỹ, đồng thời tạo bầu không khí tích cực trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin.
Dù vậy, một khoảng nghỉ tạm thời vẫn chưa thể tạo nên sự dịch chuyển lớn trong mối quan hệ này. Câu hỏi thực sự đặt ra là liệu ông Biden và ông Putin chuẩn bị mặc cả những gì trong cuộc gặp sắp tới? Các nhà phân tích cho rằng, chính quyền của Tổng thống Biden có thể sẽ giảm bớt sức ép với Nga về vấn đề Ukraine hay số phận nhân vật đối lập Alexei Navalny nếu điện Kremlin sẵn sàng đảm bảo ủng hộ các sáng kiến của Mỹ, không chỉ trong vấn đề Iran hay Triều Tiên mà còn cả vấn đề Syria./.