Đối đầu Mỹ-Trung tạo cơ hội mới cho Triều Tiên trên bàn đàm phán hạt nhân
VOV.VN - Sự rạn nứt trong quan hệ Mỹ-Trung giúp Triều Tiên có cơ hội củng cố vị thế của nước này trong các cuộc đàm phán hạt nhân.
Trong hai tháng đầu tiên của nhiệm kỳ cựu Tổng thống Donald Trump, Triều Tiên đã tiến hành 3 vụ thử tên lửa, làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Triều. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng lại chưa thực hiện bất cứ động thái nào tương tự kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức cho đến nay. Giới phân tích cho rằng, khởi đầu yên ắng hơn không có nghĩa là tân Tổng thống Mỹ và đội ngũ của ông sẽ dễ dàng hơn trong việc thuyết phục Triều Tiên trở lại bàn đàm phán về chương trình vũ khí hạt nhân.
Bắc Kinh thiếu động lực hợp tác với Washington
Từ trước đến nay, các nhà đàm phán tại Washington luôn đối mặt với nhiều thách thức khi muốn đàm phán với Triều Tiên. Theo giới quan sát, công việc này thậm chí còn khó khăn hơn dưới thời Tổng thống Biden nếu Mỹ không nhận được sự hỗ trợ từ Trung Quốc.
Rachel Minyoung Lee, cựu chuyên gia phân tích về Triều Tiên của chính phủ Mỹ cho rằng: “Triều Tiên nhiều khả năng sẽ coi sự rạn nứt ngày càng gia tăng trong quan hệ Mỹ-Trung là một cơ hội. Theo quan điểm của Bình Nhưỡng, Bắc Kinh hiện giờ không có nhiều động lực hợp tác với Mỹ để gây sức ép buộc Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Điều này sẽ giúp Bình Nhưỡng có thêm một số đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với Mỹ”.
Quan hệ Mỹ-Trung đã rơi xuống mức thấp nhất trong năm 2020 và chưa có dấu hiệu cải thiện trong những tuần đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Biden. Các chuyên gia đánh giá, điều này sẽ ảnh hưởng đến triển vọng đạt được bất cứ tiến bộ nào trong chính sách ngoại giao của Washington với Bình Nhưỡng.
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Lloyd Austin đã thăm Nhật Bản - Hàn Quốc trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên, để thảo luận với các đồng minh về mối đe dọa đến từ Trung Quốc và Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng, chuyến thăm này nhằm mục đích tái khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đồng minh với Nhật Bản và Hàn Quốc và thống nhất quan điểm của các bên về những vấn đề chung. Chính quyền Tổng thống Biden hiện đang xem xét lại chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên và dự kiến sẽ công bố thông tin chi tiết trong một vài tuần tới.
Trong chuyến thăm Hàn Quốc, Ngoại trưởng Blinken hy vọng Trung Quốc có thể sử dụng ảnh hưởng để thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. “Bắc Kinh có lợi ích rõ ràng trong việc hỗ trợ tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên bởi vì đây là nguồn gốc của sự bất ổn, là mối nguy hiểm và sự đe dọa rõ ràng đối với tất cả các bên”, ông Blinken nói.
Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc sẽ không dễ dàng đáp lại lời kêu gọi này khi mà quan hệ Mỹ-Trung đang leo thang căng thẳng.
Ông Zhao Tong, nhà nghiên cứu tại Chương trình Chính sách Hạt nhân Carnegie thuộc Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua nhận định: “Nếu chính quyền của Tổng thống Biden sẵn sàng thể hiện thiện chí với Trung Quốc thì Bắc Kinh sẽ hợp tác tích cực hơn trong vấn đề Triều Tiên. Nhưng những gì chúng ta đang chứng kiến hiện nay cho thấy không gian cho sự cải thiện trong quan hệ Mỹ-Trung là không nhiều, vì thế sẽ có rất ít triển vọng hợp tác giữa các bên trong vấn đề này”.
Trung –Triều xích lại gần nhau hơn
Nhà phân tích Anthony Rinna thuộc nhóm nghiên cứu SinoNK cho rằng, sự leo thang căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung đang khiến Trung Quốc và Triều Tiên xích lại gần nhau hơn.
Trung Quốc là nước có quan hệ gần gũi nhất và là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên. Theo trang web North Korea in the World, năm 2019, Trung Quốc chiếm đến 95% tổng kim ngạch thương mại của Triều Tiên. Sự phụ thuộc kinh tế này là hệ quả của các lệnh trừng phạt Liên Hợp Quốc, khiến Bình Nhưỡng không thể hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế toàn cầu.
Sau khi dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào năm 2020, Triều Tiên đã đóng cửa biên giới của nước này và hạn chế đi lại xung quanh khu vực thủ đô để ngăn ngừa dịch bệnh. Quyết định đó khiến hoạt động thương mại giữa hai nước sụt giảm mạnh. Theo dữ liệu hải quan của Trung Quốc, xuất khẩu của nước này sang Triều Tiên đã giảm từ hơn 250 triệu USD vào tháng 11/2019 xuống còn khoảng 3.000 USD vào tháng 2/2021. Dù vậy, các dự án xây dựng dọc theo một số cửa khẩu thương mại biên giới Trung-Triều vẫn được tiến hành trong suốt năm 2020. Dấu hiệu cho thấy cả hai nước đều sẵn sàng nối lại thương mại sau đại dịch.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 22/3 cho biết, trong thông điệp gửi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Kim Jong Un bày tỏ tin tưởng rằng hợp tác giữa Triều Tiên và Trung Quốc sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn "theo yêu cầu của thời đại và phù hợp với khát khao, ước nguyện và lợi ích cốt lõi" của hai nước. Thời gian gần đây, Trung Quốc cũng hối thúc cộng đồng quốc tế dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên với lý do Bình Nhưỡng đã dừng các vụ thử tên lửa tầm xa.
Chuyên gia Aoki nhận xét rằng: “Triều Tiên cần phải duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc bởi họ cần sự giúp đỡ của Bắc Kinh, đặc biệt trong thời điểm khó khăn về kinh tế như hiện nay”.
Triều Tiên có thêm nhiều đòn bẩy trước Mỹ
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành và nền kinh tế sụt giảm nghiêm trọng, Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển quân đội, vũ khí hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo. Trang web 38 North chuyên theo theo dõi và phân tích về Triều Tiên, có trụ sở tại Mỹ cho biết, Bình Nhưỡng đã tiết lộ nhiều loại tên lửa mới và cho thấy “một quân đội với diện mạo hoàn toàn mới” giữa đại dịch Covid-19. “Triều Tiên nhiều khả năng coi đây là những bước tiến giúp họ có vị thế mạnh mẽ hơn so với trước kia”.
Đã gần 2 tháng kể từ khi chính quyền Tổng thống Mỹ Biden lên nắm quyền, Triều Tiên vẫn chưa thực hiện bất cứ một vụ thử tên lửa nào, ngoại trừ việc đưa ra những phát ngôn cứng rắn bày tỏ lo ngại về cái gọi là “chính sách thù địch” của Mỹ.
Vẫn chưa rõ liệu Bình Nhưỡng có mạo hiểm làm rạn nứt quan hệ với Trung Quốc và chọc giận Washington bằng các vụ thử tên lửa hoặc hạt nhân hay không. “Quyết định của Triều Tiên liên quan đến các vụ thử tên lửa hay thử hạt nhân bao gồm cả yếu tố kỹ thuật và chính trị. Đối với tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể bay hàng nghìn dặm và có khả năng nhắm trúng lãnh thổ Mỹ, yếu tố chính trị sẽ đóng vai trò quan trọng hơn”, chuyên gia Naoko Aoki, nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu an ninh và quốc tế Đại học Maryland nhận xét.
Một số ý kiến cho rằng, sự rạn nứt trong quan hệ Mỹ-Trung sẽ mang lại cho Triều Tiên một số lợi thế nhất định trên bàn đàm phán hạt nhân. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không nên tận dụng lợi thế một cách tối đa để gây sức ép đối với Mỹ.
Bà Naoko Aoki lưu ý rằng, Triều Tiên vẫn cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định thử hạt nhân hoặc tên lửa nếu nước này muốn dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, buộc Mỹ rút quân ra khỏi Bán đảo Triều Tiên, duy trì quan hệ thương mại với Trung Quốc cũng như trụ vững trước cuộc khủng hoảng Covid-19./.