Đối thoại Shangri-La 2022: EU gặp khó khi thúc đẩy quan hệ quốc phòng với châu Á
VOV.VN - EU đang cố gắng thuyết phục các đối tác tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rằng khối này là một trong những nhân tố đảm bảo an ninh đáng tin cậy cho khu vực. Nhưng nhiệm vụ đó không hề dễ dàng.
Sau 2 năm trì hoãn do đại dịch Covid-19, Đối thoại Shangri-La (còn được biết đến với tên gọi Hội nghị cấp cao an ninh khu vực châu Á) lần thứ 19 do Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh tổ chức, diễn ra tại Singapore từ ngày 10 đến 12/6. Đối thoại lần này thu hút sự tham dự của khoảng 500 đại biểu đến từ nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Các bài phát biểu quan trọng do Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trình bày. Bên lề hội nghị, hai quan chức quốc phòng Mỹ - Trung Quốc dự kiến có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.
Theo DW, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell không thể tham dự hội nghị vì mắc Covid-19. Vì thế nhiệm vụ này được trao cho ông Gunnar Wiegand, Tổng vụ trưởng phụ trách châu Á - Thái Bình Dương của EU, thuộc Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS). Trong khi đó, Pháp, Đức và Anh sẽ cử phái đoàn cấp cao tham dự.
EU hy vọng Đối thoại Shangri-La lần này sẽ giúp khối khẳng định vai trò là một nhân tố đảm bảo an ninh quan trọng trong khu vực. Vào ngày 12/6 sẽ diễn ra phiên họp toàn thể về "Những thách thức chung đối với quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương và châu Âu”. Hội nghị sẽ giúp các quan chức châu Âu có những cuộc gặp gỡ bên lề với đối tác và những người đồng cấp Mỹ, Trung Quốc và các nước châu Á khác.
Chiến lược của EU tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 19, EU sẽ phải đảm bảo với các đối tác trong khu vực rằng họ vẫn duy trì cam kết về an ninh tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, dù sự chú ý và nguồn lực đang bị phân tán bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine, chuyên gia Heng Yee Kuang, tại Trường chính sách công thuộc Đại học Tokyo nhận định.
Theo giới phân tích, các đại diện của EU có khả năng không đề cập nhiều đến cuộc chiến tại Ukraine vì nhiều nước ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho rằng phương Tây đang quá chú trọng đến cuộc xung đột này, trong khi xao nhãng những vấn đề nóng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chiến lược Hợp tác của EU tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, được công bố vào tháng 9/2021 nêu rõ rằng khối này "có kế hoạch tăng cường sự hợp tác với khu vực”.
Nicola Levinghaus, chuyên gia về an ninh Đông Á tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại Đại học King's College London, nhận định: Hàng hải, an ninh mạng và chống khủng bố là 3 mối quan tâm hàng đầu của EU trong khu vực.
Đức đã triển khai tàu khu trục Bayern tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong vòng 7 tháng qua. Trước khi trở về nước vào tháng 2/2022, tàu khu trục này đã tham gia hoạt động hỗ trợ tự do hàng hải và tập trận chung với các lực lượng hải quân của Australia, Singapore, Nhật Bản và Mỹ. Pháp và Anh cũng đã triển khai các tàu hải quân tới khu vực trong những năm gần đây.
EU và Nhật Bản đã tiến hành cuộc tập trận hải quân chung ngoài khơi Vịnh Aden và Biển Arab vào tháng 10/2021. Tại hội nghị thượng đỉnh EU-Nhật Bản vào tháng 5 vừa qua, hai bên tuyên bố sẽ "tăng cường hơn nữa các cuộc tham vấn về an ninh và quốc phòng."
"An ninh của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có tầm quan trọng lớn với EU vì khối này có mối quan hệ song hành với cả Trung Quốc và Mỹ", bà Levinghaus nói.
Chuyên gia này lưu ý: “Cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực làm phức tạp thêm những thách thức an ninh ở đó và gây ra nhiều ảnh hưởng với EU cũng như các nước thành viên của khối”.
Quan hệ căng thẳng với Trung Quốc
Quan hệ giữa EU với Trung Quốc xấu đi đáng kể kể từ năm 2020. Hai bên đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với các quan chức của nhau vào năm 2021, tiếp đến là việc Nghị viện châu Âu quyết định đóng băng thỏa thuận đầu tư mới (CAI) với Trung Quốc.
Ngoài ra, khúc mắc trong quan hệ giữa Trung Quốc với một quốc gia thành viên EU là Litva khiến EU đã phải nộp đơn kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Châu Âu cũng nóng lòng muốn Trung Quốc thay đổi các điều khoản liên quan đến việc mở cửa thị trường, cơ chế cạnh tranh, hợp tác chống biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học.
Xét về tổng thể, dù còn nhiều bất đồng lớn nhưng giữa EU và Trung Quốc vẫn luôn có mong muốn đối thoại và hợp tác. Hội nghị lần này sẽ tạo cơ hội cho các quan chức châu Âu và Trung Quốc đối thoại về những vấn đề chính, nhằm từng bước tháo gỡ mâu thuẫn.
EU vẫn còn một chặng đường dài để khẳng định vai trò
Năm 2022 đánh dấu kỷ niệm 45 năm quan hệ giữa EU và ASEAN. Tại hội nghị lần này, đại diện của EU dự kiến sẽ phát biểu về vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sự hỗ trợ liên tục của châu Âu trong chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19, hợp tác đảm bảo an ninh mạng với các đối tác trong khu vực.
Ngoài những vấn đề an ninh, các chủ đề khác mà EU mong muốn thảo luận với các đối tác châu Á bao gồm đảm bảo thương mại tự do toàn cầu và sự linh hoạt trong chuỗi cung ứng. Chuyên gia chính sách Heng Yee Kuang cho biết, EU có lẽ cũng hy vọng các bên sẽ tăng cường hợp tác chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy "tăng trưởng xanh" và đảm bảo an toàn cho chuỗi cung ứng.
Theo kết quả cuộc khảo sát thường niên của Viện ISEAS – Yusof Ishak ở Singapore, hiện giờ chỉ 0,8% giới tinh hoa tại Đông Nam Á cho rằng EU có ảnh hưởng về chính trị và chiến lược nhất định trong khu vực. Trong khi con số này vào năm 2021 là 1,7%.
16% số người được khảo sát cho biết họ tin tưởng mạnh mẽ vào việc EU sẽ phát huy vai trò lãnh đạo để duy trì trật tự dựa trên luật lệ và tuân thủ luật pháp quốc tế, giảm một nửa so với 32% vào năm 2021.
Kết quả cho thấy EU vẫn còn một chặng đường dài để thuyết phục các đối tác châu Á rằng họ là một nhân tố đảm bảo an ninh thực sự trong khu vực khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng./.