Dồn lực cho quân đội các đồng minh Arab, Mỹ ngậm ngùi nếm trái đắng

VOV.VN - Mỹ đã tiêu tốn hàng chục năm và hàng chục tỷ USD huấn luyện cho quân đội các nước Arab, song những nỗ lực này gần như “xôi hỏng bỏng không”.

Nếm mùi thất bại

Hết lần này đến lần khác, các đồng minh Arab của Mỹ đều không thể đáp ứng được kỳ vọng. Ví dụ điển hình là các lực lượng vũ trang Ai Cập do Mỹ huấn luyện đã thất bại trong Chiến dịch Bão táp sa mạc vào năm 1991. Lực lượng đặc nhiệm Iraq dưới sự hỗ trợ của Mỹ, được đánh giá là tinh nhuệ bậc nhất nhưng lại chẳng mấy vẻ vang trên chiến trường khi không ít lần vứt súng bỏ chạy khi phải đối đầu với phiến quân IS. Còn quân đội Saudi Arabia – đồng minh thân cận của Mỹ thì đang bị sa lầy trong cuộc xung đột tại Yemen. 

Pháo binh Mỹ tại Iraq. Ảnh: Reuters.

Giới quan sát cho rằng nếu Mỹ tiếp tục can dự vào tình hình Trung Đông, nước này sẽ phải xem xét lại cách thức hợp tác với quân đội các nước Arab. Giấc mơ đầy hoài bão về việc thành lập các đội quân hiện đại và hùng mạnh cần phải được thay thế bằng những kế hoạch thực tế hơn, dựa trên sức mạnh thực sự của đồng minh. Theo các chuyên gia, nếu không thay đổi chiến lược thì mọi nỗ lực của Mỹ sẽ “đổ xuống sông xuống biển” và các đồng minh Arab của nước này sẽ chẳng gặt hái được gì ngoài thất bại.

Trong nhiều thập kỷ qua, sự hỗ trợ về quân sự của Mỹ là một trong những yếu tố then chốt giúp củng cố quan hệ liên minh tại Trung Đông, thể hiện cam kết đảm bảo an ninh, cũng như tăng cường năng lực cho các đồng minh Arab.Thời gian gần đây, người Mỹ đã bắt đầu để mắt đến việc rút quân khỏi Trung Đông, nhường lại “sân chơi” cho Nga, Iran hay nhiều đối thủ khác của nước này. Mỹ cho rằng họ sẽ để lại phía sau các đồng minh Arab mạnh mẽ, có đủ khả năng bảo vệ chính họ khỏi những kẻ thù chung. Nhưng điều này dường như  xa vời so với thời điểm trước kia khi Mỹ bắt đầu hỗ trợ huẩn luyện lực lượng vũ trang của các nước Arab vào những năm 1950.

Mỹ đã thực hiện nhiệm vụ đào tạo cho quân đội các nước đồng minh một cách “chân thành, bền bỉ và nhẫn nại”. Lực lượng không quân Mỹ đã cố gắng huấn luyện Không quân Ai Cập điều khiển máy bay F-16 trong nhiều thập kỷ qua. Song các nỗ lực này vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả khi phi công Ai Cập liên tục gặp sự cố trong các lần thử nghiệm. Có một thực tế không thể phủ nhận là, dù được trợ giúp nhiệt tình từ phía Washington, nhưng các đối tác Arab vẫn chưa thực sự khai thác hết tiềm năng của những loại vũ khí mà họ đang sở hữu. Kết quả là số lượng khí tài quân sự như xe tăng, máy bay họ tự chế tạo được luôn ít hơn nhiều so với số lượng họ nhập khẩu từ nước ngoài.

Thêm vào đó, mối quan hệ phức tạp giữa quân sự và dân sự trong thế giới Arab đồng nghĩa với việc nhiều nhà cầm quyền Arab, do lo sợ bị lật đổ bởi những tướng lĩnh đầy tham vọng, đã tìm cách kiềm chế sức mạnh của các lực lượng vũ trang. Điều này khiến vai trò lãnh đạo của những người đứng đầu quân đội bị lu mờ, đôi khi làm lỏng lẻo sợi dây gắn kết giữa các lực lượng.

Đặt chân đến Trung Đông, nhiều tướng lĩnh của quân đội Mỹ đều kỳ vọng có thể huấn luyện cho quân đội các nước đồng minh Arab cách thức chiến đấu giống lực lượng vũ trang Mỹ cũng như có năng lực đối phó với những thách thức trên chiến trường. Nhưng những kỳ vọng này đã bị thay thế bằng sự thất vọng.

Thực tế thì không chỉ riêng Mỹ thất bại trong nỗ lực tăng cường năng lực quân sự của các nước Arab mà Nga cũng gặp tình cảnh tương tự. Điển hình là thất bại của liên quân Arab gồm Ai Cập, Jordan, Syria, Iraq và Algeria trong cuộc xung đột vũ trang với Israel diễn ra từ ngày 5/6 đến ngày 10/6/1967. Liên Xô đã cung cấp cho Ai Cập và Syria hàng trăm xe tăng chủ lực T-55 hiện đại nhất vào thời kỳ đó. Thế nhưng theo các chuyên gia quân sự, huấn luyện không đầy đủ chính là điểm yếu lớn nhất, khiến liên quân Arab thất bại trong cuộc chiến này.

Bài học nào cho nước Mỹ?

Các nhà phân tích cho rằng, dù còn nhiều khó khăn nhưng không phải là Mỹ đã hết hy vọng trong việc thúc đẩy năng lực chiến đấu của lực lượng quân đội các đồng minh Arab. Nó đòi hỏi những nỗ lực đáng kể nhằm tái cơ cấu các lực lượng này và xác định lại mọi hoạt động mà họ sẽ thực hiện.

Một trong những cách thức dễ thành công nhất là huấn luyện một lực lượng nhỏ nhưng tinh nhuệ, trong đó lựa chọn và tập hợp những sĩ quan hay binh sỹ ưu tú nhất. Đây giống như cách làm mà Mỹ đã thực hiện tại Iraq sau năm 2014, là đầu tư nhiều thời gian và công sức cho Lực lượng chống khủng bố (CTS), vốn quy tụ những binh sỹ giỏi, và sử dụng lực lượng này làm lực lượng nòng cốt dẫn đầu cuộc chiến chống tổ chức khủng bố IS.

Phương thức khác mà Mỹ có thể áp dụng là khuyến khích các quân đội Arab phát huy tiềm lực ở những lĩnh vực mà họ thông thạo và hỗ trợ những hoạt động tác chiến mà họ còn thiếu kinh nghiệm. Quân đội các nước Arab vốn thực hiện tốt các cuộc tấn công hoặc phòng thủ theo kịch bản. Họ thường chiến đấu rất dũng cảm và ngoan cường, nhưng lại chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động không đối không hay không đối đất. Khoảng trống này cần được sự bổ sung của các lực lượng phương Tây.

Ông Kenneth M. Pollack, cựu nhân viên tình báo của CIA – một chuyên gia về chính trị và các vấn đề quân sự ở Trung Đông cho biết, thay vì cố gắng huấn luyện các binh sỹ Arab nghĩa và làm theo cách của người Mỹ, Washington nên tìm cách để họ phát huy thế mạnh. Mỹ đã sử dụng cách tiếp cận này trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và đạt được thành công đáng kể. Trong cuộc chiến chống IS, liên minh do Mỹ dẫn đầu chủ yếu thực hiện các cuộc không kích nhằm vào cứ điểm của khủng bố, yểm trợ cho quân đội Iraq đang hoạt động dưới mặt đất.

Xã hội Arab hiện nay đang thay đổi mạnh mẽ về kinh tế, chính trị và văn hóa, sau sự kiện Mùa Xuân Arab vào năm 2011. Ông Kenneth M. Pollack cho rằng, sự thay đổi này cũng có nguy cơ dẫn đến những cuộc chiến tranh mới. Tới một thời điểm nào đó, các nước Arab có thể đáp ứng được những yêu cầu của các cuộc chiến tranh trong tương lai. Khi điều này xảy ra, có lẽ họ sẽ không cần tới sự hỗ trợ của Washington nữa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mỹ tìm cách hàn gắn quan hệ với các đồng minh Trung Đông
Mỹ tìm cách hàn gắn quan hệ với các đồng minh Trung Đông

VOV.VN - Chuyến thăm Trung Đông của Cố vấn an ninh Mỹ John Bolton và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhằm trấn an các đồng minh trong khu vực.

Mỹ tìm cách hàn gắn quan hệ với các đồng minh Trung Đông

Mỹ tìm cách hàn gắn quan hệ với các đồng minh Trung Đông

VOV.VN - Chuyến thăm Trung Đông của Cố vấn an ninh Mỹ John Bolton và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhằm trấn an các đồng minh trong khu vực.

Vì sao Mỹ rút quân khỏi Syria là “cú đòn đau đớn” với đồng minh Israel?
Vì sao Mỹ rút quân khỏi Syria là “cú đòn đau đớn” với đồng minh Israel?

VOV.VN - Với việc Mỹ rút quân khỏi Syria, Israel nơm nớp lo ngại bị bỏ lại đằng sau trong chiến dịch kiềm chế sự mở rộng ảnh hưởng của Iran.

Vì sao Mỹ rút quân khỏi Syria là “cú đòn đau đớn” với đồng minh Israel?

Vì sao Mỹ rút quân khỏi Syria là “cú đòn đau đớn” với đồng minh Israel?

VOV.VN - Với việc Mỹ rút quân khỏi Syria, Israel nơm nớp lo ngại bị bỏ lại đằng sau trong chiến dịch kiềm chế sự mở rộng ảnh hưởng của Iran.

 Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Đông: Cam kết không bỏ rơi đồng minh
Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Đông: Cam kết không bỏ rơi đồng minh

VOV.VN - Việc Ngoại trưởng Pompeo tới thăm 8 nước Trung Đông được cho là để làm rõ kế hoạch của Mỹ cũng như tái khẳng định cam kết với khu vực.

 Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Đông: Cam kết không bỏ rơi đồng minh

Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Đông: Cam kết không bỏ rơi đồng minh

VOV.VN - Việc Ngoại trưởng Pompeo tới thăm 8 nước Trung Đông được cho là để làm rõ kế hoạch của Mỹ cũng như tái khẳng định cam kết với khu vực.

Đoàn xe của lực lượng Mỹ và đồng minh bị đánh bom tại Syria
Đoàn xe của lực lượng Mỹ và đồng minh bị đánh bom tại Syria

VOV.VN - Một vụ đánh bom xe mới nhất nhằm vào một đoàn xe của lực lượng Mỹ và các đồng minh người Kurd ở miền Bắc Syria, đã khiến ít nhất 5 người thiệt mạng.

Đoàn xe của lực lượng Mỹ và đồng minh bị đánh bom tại Syria

Đoàn xe của lực lượng Mỹ và đồng minh bị đánh bom tại Syria

VOV.VN - Một vụ đánh bom xe mới nhất nhằm vào một đoàn xe của lực lượng Mỹ và các đồng minh người Kurd ở miền Bắc Syria, đã khiến ít nhất 5 người thiệt mạng.