Donald Trump đang đánh mất chính mình trong cuộc bầu cử năm 2020?
VOV.VN - Tự nhận mình là một “người thích sức ép” năm 2016, Donald Trump có đang đánh mất chính mình trong chiến dịch tranh cử năm 2020?
Khoảnh khắc quyết định năm 2016
Donald Trump tin rằng một sự kiện năm 2016 đã có ý nghĩa quyết định đối với chiến thắng của ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm đó.
Đó không phải là khi FBI mở lại cuộc điều tra nhằm vào bà Hillary Clinton. Đó không phải khi Wikileak công bố các email bị rò rỉ của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ. Đó cũng không phải khi danh sách các ứng viên tiềm năng cho vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao được đưa ra, hay việc ông Trump chọn ông Mike Pence làm liên danh tranh cử.
Với ông Trump, khoảnh khắc quyết định trong chiến dịch của ông là cuộc tranh luận tổng thống lần thứ 2. Vào Chủ nhật thứ 2 của tháng 10/2016, Donald Trump đến cuộc tranh luận ở St.Louis giữa lúc ông đang gặp rắc rối lớn. Chỉ 48 giờ trước đó, Washington Post đăng tải một đoạn băng mà trong đó, ông Trump dùng nhiều lời lẽ thô tục nói về phụ nữ. Ngay sau đó, một số thành viên đứng đầu đảng Cộng hòa đã công khai chỉ trích ông. Ngày càng nhiều người đề nghị Chủ tịch đảng Cộng hòa Reince Priebus loại ông Trump khỏi vị trí tranh cử tổng thống. Buổi sáng trước cuộc tranh luận, ông Priebus đã cảnh báo ông Trump: "Ông sẽ thua với cách biệt lớn nhất trong lịch sử hoặc ông có thể rút khỏi cuộc đua và để một người khác đủ khả năng chiến thắng ra tranh cử".
Tuy nhiên, ông Trump đã không rời đi. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn vài năm sau đó, ông Trump nói với Tim Alberta, nhà phân tích của trang Politico rằng ông coi cuộc tranh luận là một phép thử với "người thích sức ép". Các cử tri muốn biết một Tổng thống tương lai sẽ xử trí như thế nào khi đối mặt với sức ép hoặc bị đẩy vào những hoàn cảnh không mong muốn. Ông Trump đã phản ứng lại với sức ép đó. Bị dồn vào chân tường, đối mặt với tình huống chưa tổng thống nào từng nghĩ tới, ông Trump đã biến điều đó thành lợi thế lớn nhất trong năm 2016. Ông bị buộc rơi vào hoàn cảnh đó nhưng đã kiểm soát được hoàn cảnh.
"Cuộc tranh luận đó đã cho thấy tôi thích sức ép bởi thực ra đã có một vài sức ép vào thời điểm này. Đó là cuộc tranh luận đã giúp tôi thắng cử", ông Trump nhận định.
Rõ ràng, vào thời điểm khủng hoảng mà chiến dịch của ông Trump trên bờ vực sụp đổ khi chỉ còn 1 tháng nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống, ông Trump đã thể hiện và truyền đi được sự tự tin của mình. Những lời kêu gọi ông rời khỏi cuộc đua không còn nữa. Đảng Cộng hòa quay lại ủng hộ ông. Các số liệu trong những cuộc khảo sát bắt đầu tăng trở lại. Donald Trump đã vượt qua bài kiểm tra sức ép. Ông đã giữ được cử tri nền tảng của mình trong khi thể hiện sự bền bỉ, cũng như sự phản kháng nhất định, những phẩm chất phần nào thu hút các cử tri đang giữ quan điểm trung lập.
Donald Trump đang đánh mất chính mình?
Tình thế của ông Trump trước thềm cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 có những điểm tương đồng đến kinh ngạc so với trước thềm cuộc bầu cử năm 2016. Giữa bối cảnh còn khoảng 1 tháng nữa đến ngày bầu cử, sức ép lại một lần nữa đặt lên vai ông Trump. Hơn 200.000 người Mỹ tử vong vì đại dịch Covid-19, nền kinh tế suy thoái khiến hàng triệu người thất nghiệp, biểu tình lan rộng khắp đất nước với những chia rẽ sâu sắc về sắc tộc. Phép thử khả năng đối mặt với sức ép lại một lần nữa đặt ra với ông Trump. Có điều, Donald Trump của năm 2020 dường như đang mất đi hoặc chưa tìm lại được sức hút của chính mình so với năm 2016. Cuộc tranh luận tối 29/9 là một minh chứng.
Ông không còn thoải mái khi là chính mình. Theo người dẫn chương trình Tucker Carlson của Fox News, ông Trump hành xử giống như đang bị dồn vào chân tường, sợ hãi, tuyệt vọng và bị mắc kẹt bởi chính những thiếu sót của bản thân và hoàn cảnh. Tổng thống Trump đã không thể vạch ra và truyền tải những kế hoạch rõ ràng mặc dù ông được trao cho nhiều cơ hội để làm như vậy.
Câu chuyện thành công của ông Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa là ông có thể không phải người thông minh nhất nhưng sẽ luôn là người mạnh nhất. Tuy nhiên, ông Trump đã không thể hiện được sức mạnh ấy trong cuộc tranh luận tối 29/9, mà thay vào đó là sự bất an. Tổng thống, người chịu trách nhiệm dẫn dắt đất nước qua đại dịch lại mỉa mai việc đeo khẩu trang. Tổng thống, người từng hứa sẽ đưa Nước Mỹ vĩ đại trở lại, lại gọi đất nước này là một quốc gia thất bại với cáo buộc không có một cuộc bầu cử hợp pháp.
Tổng thống Trump đã trưởng thành với niềm tin vào những quan điểm của mục sư Norman Vincent Peale và cuốn sách "The Power of Positive Thinking" (tạm dịch là Sức mạnh của việc suy nghĩ tích cực) của ông. Theo đó, quan điểm này nhấn mạnh rằng không có các trở ngại mà chỉ có những cơ hội và việc vượt qua những điều đó là vấn đề của niềm tin và sự quả quyết. Theo nhà quan sát Tim Alberta, xem Tổng thống Trump tranh luận tối 29/9 giống như xem một người đang đánh mất tín ngưỡng của mình. Ông Trump không hề chiếm ưu thế hay lấn át hơn so với ông Biden hoặc ông Wallace, cũng như không thể hiện được khả năng kiểm soát dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp hay biểu tình ở các thành phố Mỹ. Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông Trump dường như thừa nhận ông đã bị các sự kiện này kiểm soát. Lời cảnh báo của ông về kết quả cuộc bầu cử đã cho thấy ông đang nghi ngờ triển vọng chính trị của chính mình: "Việc này sẽ không kết thúc suôn sẻ".
Donald Trump của năm 2016 sẵn sàng là chính mình, đối mặt và vượt qua sức ép nhưng Donald Trump của năm 2020 cho thấy ông đang cố tỏ ra là mình chiếm ưu thế, hướng vào việc công kích đối thủ thay vì truyền tải thông điệp rõ ràng và thể hiện khả năng của bản thân.
5 tuần trước Ngày Bầu cử, trong khi việc bỏ phiếu đã diễn ra ở một số bang chiến địa và quan điểm của nhiều cử tri đã được định hình rõ ràng, một số thành viên đảng Cộng hòa cho rằng ông Trump đang cạn dần thời gian.
"Donald Trump đang đối mặt với 3 đối thủ trong chiến dịch này: đại dịch Covid-19, Joe Biden và thời gian", Neil Newhouse, người tiến hành các cuộc khảo sát của đảng Cộng hòa nhận định với AP./.