Động thái khả nghi của Israel tại cơ sở hạt nhân bí mật Dimona

VOV.VN - Hãng thông tấn AP cho biết, một cơ sở hạt nhân bí mật, đóng vai trò trung tâm trong chương trình vũ khí hạt nhân chưa được công bố của Israel đang trải qua quá trình xây dựng lớn nhất trong nhiều thập kỷ.

Hoạt động xây dựng đáng ngờ

Kết quả phân tích từ hình ảnh vệ tinh cho thấy đã xuất hiện một khu vực được đào bới với kích thước bằng một sân bóng đá và nhiều khả năng có một vài tầng ngầm nằm sâu trong lòng đất, cách lò phản ứng già cỗi của Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Shimon Peres Negev gần thành phố Dimona chỉ vài mét. Cơ sở này là nơi từng đặt các phòng thí nghiệm dưới lòng đất với tuổi đời hàng thập kỷ, có chức năng tái xử lý các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng của lò phản ứng để thu thập plutonium cấp độ vũ khí cho chương trình chế tạo bom hạt nhân của Israel.

Tuy vậy, mục đích của việc xây dựng vẫn chưa rõ ràng. Chính phủ Israel không trả lời bất cứ câu hỏi nào từ AP về công việc này. Với chính sách hạt nhân mập mờ của mình, Israel không xác nhận cũng không phủ nhận việc sở hữu vũ khí nguyên tử.

Israel là một trong số 4 quốc gia chưa từng tham gia Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân – một hiệp ước quốc tế nhằm ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân.

Với sự hỗ trợ của Pháp, Israel bắt đầu bí mật xây dựng cơ sở hạt nhân của nước này vào cuối những năm 1950, tại một sa mạc không có người ở gần Dimona – thành phố nằm cách Jerusalem 90km về phía Nam. Israel đã che giấu mục đích quân sự của địa điểm này trong nhiều năm với Mỹ - đồng minh chủ chốt của họ, thậm chí còn thông báo rằng nơi đây là một nhà máy dệt may.

Thu thập nguyên vật liệu chế tạo bom hạt nhân?

Với trữ lượng plutonium thu được từ cơ sở ở Dimona, Israel được cho là đã trở thành một trong số 9 quốc gia có vũ khí hạt nhân trên thế giới. Bởi chương trình hạt nhân của nước này vẫn được giữ bí mật nên vẫn chưa rõ Israel sở hữu bao nhiêu vũ khí hạt nhân. Các nhà phân tích ước tính, Israel có đủ nguyên vật liệu để chế tạo ít nhất 80 quả bom hạt nhân. Những vũ khí này có thể được phóng bằng tên lửa đạn đạo bố trí trên đất liền, máy bay chiến đấu hoặc tàu ngầm. Trong nhiều thập kỷ qua, cấu trúc của cơ sở hạt nhân ở Dimona vẫn được giữ nguyên hiện trạng. Tuy nhiên tuần trước, Ủy ban Quốc tế về Vật liệu phân rã tại Đại học Princeton lưu ý rằng, họ đã phát hiện “hoạt động xây mới đáng kể” tại khu vực này thông qua các bức ảnh vệ tinh thương mại, dù nhiều chi tiết chưa được công bố.

Hình ảnh vệ tinh do Planet Labs Inc. chụp ngày 22/2 mà AP tiếp cận được đã cung cấp cái nhìn rõ ràng nhất về hoạt động nói trên. Ở phía tây nam của lò phản ứng, các công nhân đã đào một hố dài 150m và rộng 60m. Ngoài ra còn có một rãnh dài khoảng 330m chạy gần hố mới đào này.

Cách phía tây của lò phản ứng 2km, nhiều hộp được xếp chồng lên nhau trong hai hố hình chữ nhật và các hố này dường như có móng bằng bê tông. Những kết cấu bê tông tương tự như vậy thường được sử dụng để chôn lấp chất thải hạt nhân. Các hình ảnh khác từ Planet Labs cho thấy hoạt động đào bới gần lò phản ứng bắt đầu vào đầu năm 2019 và tiến triển chậm kể từ thời điểm đó.

Israel cần minh bạch chương trình hạt nhân

Một số nhà phân tích đã đưa ra những suy đoán về điều gì đang xảy ra. Lò phản ứng nước nặng của Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Shimon Peres Negev hoạt động từ những năm 1960, lâu hơn nhiều so với các lò phản ứng hạt nhân cùng thời đã làm dấy lên những nghi ngại về tính hiệu quả và an toàn. Trước đó vào năm 2004, binh sỹ Israel đã bắt đầu phân phát iodine ở Dimona để phòng nguy cơ rò rỉ phóng xạ. Iodine giúp ngăn cơ thể không hấp thụ phóng xạ. Giới phân tích cho rằng, những lo ngại về sự an toàn có thể khiến nhà chức trách Israel cho ngừng hoạt động hoặc nâng cấp cơ sở hạt nhân này trở nên hiện đại và an toàn hơn.

Ông  Avner Cohen, giáo sư nghiên cứu về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey (California) nói: “Tôi tin rằng chính phủ Israel rất quan tâm đến việc bảo vệ và duy trì năng lực hạt nhân hiện tại của nước này. Nếu thực sự, lò phản ứng hạt nhân ở Dimona quá già cỗi và sắp phải ngừng hoạt động, thì tôi tin Israel chắc chắn sẽ đảm bảo một số chức năng nhất định của lò phản ứng này sẽ được thay thế hoàn toàn”.

Chuyên gia Kimball, thuộc Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí nhận định, Israel có thể muốn sản xuất nhiều tritium hơn. Tritium là một đồng vị phóng xạ phân hủy tương đối nhanh, được sử dụng để gia tăng đương lượng nổ của một số đầu đạn hạt nhân. Ngoài ra, nước này cũng có thể muốn vật liệu plutonium mới để “thay thế hoặc kéo dài tuổi thọ các đầu đạn đã có trong kho vũ khí hạt nhân của mình”.

Israel được cho là đã chế tạo vũ khí hạt nhân khi nước này lâm vào một số cuộc chiến tranh với các nước láng giềng Arab kể từ  khi thành lập vào năm 1948. Việc theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân, dù không được công bố, đã giúp Israel “dằn mặt” các đối thủ.

Hoạt động xây dựng tại cơ sở hạt nhân Dimona diễn ra trong bối cảnh Israel dưới thời Thủ tướng Benjamin Netanyahu luôn chỉ trích gay gắt chương trình hạt nhân của Iran dù chương trình này vẫn nằm dưới sự giám sát của các thanh sát viên của Liên Hợp Quốc. Nhiều chuyên gia quốc tế đã kêu gọi Israel công bố thông tin chi tiết về chương trình hạt nhân của nước này. Ông Daryl G. Kimball, giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí ở Washington cho rằng, chính phủ Israel cần phải minh bạch và rõ ràng về những công việc mà họ đang tiến hành tại cơ sở hạt nhân bí mật Dimona.

Một số nước đã chỉ trích chương trình hạt nhân mập mờ của Israel. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã bày tỏ lo ngại về hoạt động xây dựng nói trên, đồng thời cho biết, Iran đang chuẩn bị hạn chế sự tiếp cận của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa nước này với phương Tây liên quan thỏa thuận hạt nhân năm 2015./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Israel ban hành lệnh giới nghiêm ban đêm trong suốt lễ hội Purim
Israel ban hành lệnh giới nghiêm ban đêm trong suốt lễ hội Purim

VOV.VN - Chính quyền Israel đã ra lệnh giới nghiêm ban đêm trong suốt ngày lễ Purim của người Do Thái Giáo, bắt đầu từ ngày mai (25/2) cho đến hết thứ Bảy (27/2) để phòng dịch Covid-19 lây lan.

Israel ban hành lệnh giới nghiêm ban đêm trong suốt lễ hội Purim

Israel ban hành lệnh giới nghiêm ban đêm trong suốt lễ hội Purim

VOV.VN - Chính quyền Israel đã ra lệnh giới nghiêm ban đêm trong suốt ngày lễ Purim của người Do Thái Giáo, bắt đầu từ ngày mai (25/2) cho đến hết thứ Bảy (27/2) để phòng dịch Covid-19 lây lan.

Đã đến lúc Mỹ chấm dứt “tiêu chuẩn kép” đối với vấn đề vũ khí hạt nhân của Israel
Đã đến lúc Mỹ chấm dứt “tiêu chuẩn kép” đối với vấn đề vũ khí hạt nhân của Israel

VOV.VN - Trong nhiều thập kỷ, các Tổng thống Mỹ đã cam kết không đề cập đến kho vũ khí hạt nhân của Israel, bất chấp việc thúc đẩy không phổ biến vũ khí hạt nhân trong khu vực và thế giới. Đã đến lúc Washington nên chấm dứt “tiêu chuẩn kép” này.

Đã đến lúc Mỹ chấm dứt “tiêu chuẩn kép” đối với vấn đề vũ khí hạt nhân của Israel

Đã đến lúc Mỹ chấm dứt “tiêu chuẩn kép” đối với vấn đề vũ khí hạt nhân của Israel

VOV.VN - Trong nhiều thập kỷ, các Tổng thống Mỹ đã cam kết không đề cập đến kho vũ khí hạt nhân của Israel, bất chấp việc thúc đẩy không phổ biến vũ khí hạt nhân trong khu vực và thế giới. Đã đến lúc Washington nên chấm dứt “tiêu chuẩn kép” này.

Truyền thông phương Tây thờ ơ trước các vụ Israel nã bom Syria
Truyền thông phương Tây thờ ơ trước các vụ Israel nã bom Syria

VOV.VN - Với cái cớ “nhằm vào các nhóm phiến quân Iran hoặc được Iran hậu thuẫn”, Israel không ít lần nã bom Syria. Các sự việc như vậy không chỉ xâm phạm chủ quyền Syria mà còn vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng lại không được truyền thông phương Tây nói đến.

Truyền thông phương Tây thờ ơ trước các vụ Israel nã bom Syria

Truyền thông phương Tây thờ ơ trước các vụ Israel nã bom Syria

VOV.VN - Với cái cớ “nhằm vào các nhóm phiến quân Iran hoặc được Iran hậu thuẫn”, Israel không ít lần nã bom Syria. Các sự việc như vậy không chỉ xâm phạm chủ quyền Syria mà còn vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng lại không được truyền thông phương Tây nói đến.