Đột phá tại Afghanistan chứng tỏ sự dàn xếp thành công giữa các nước lớn trên thế giới
VOV.VN - Cuối cùng các nước lớn đã đạt được thỏa thuận chung Doha về dàn xếp tình hình Afghanistan. Ba ông lớn Mỹ, Nga, Trung Quốc, cùng với Pakistan đều thấy được lợi ích và an ninh của mình trong lộ trình này.
“Bộ ba mở rộng” về vấn đề Afghanistan bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, và Pakistan hôm 29/4/2021 công bố tại Doha (Qatar) lộ trình tham vấn với chính quyền của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và với Taliban về cách thức sớm đạt được một giải pháp hòa bình cho quốc gia Nam-Trung Á này.
Thông báo trên phát huy các kế hoạch mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố để hoàn thành việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan vào ngày 11/9, bất chấp liên tục có những lời kêu gọi của các nhóm lợi ích tại Mỹ về việc xem xét lại lệnh rút quân.
Thông cáo có những điểm chính sau:
- Bảo đảm rút quân nước ngoài có trật tự vào ngày 11/9
- Trong quá trình rút quân, quá trình hòa bình vẫn phải tiếp diễn, không chiến sự giữa các phe của Afghanistan
- Phe Hồi giáo Taliban sẽ phải gác lại “cuộc tiến công mùa xuân” hàng năm của họ
- Phải thấy được tương tác công khai giữa chính quyền Kabul và phe Taliban
- Mọi sự tiếm quyền bằng bạo lực của bất cứ bên nào tại Afghanistan đều không thể chấp nhận được. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ xem lại các lệnh trừng phạt nhằm vào các cá nhân và tài sản của Taliban.
- Doha sẽ tiếp tục là nơi thương lượng nội bộ của Afghanistan
- Liên Hợp Quốc sẽ có một vai trò mở rộng trong việc dẫn dắt tiến trình hòa bình
Công thức vàng “độc lập, trung lập, tự đứng vững”
Quan trọng nhất, thông báo trên kêu gọi một giải pháp kéo theo việc tạo ra một nước “Afghanistan độc lập, có chủ quyền, thống nhất, hòa bình, dân chủ, trung lập, và tự đứng vững được”.
Cụm từ “trung lập, tự đứng vững được” là một công thức mới ám chỉ sẽ không có sự hiện diện của lực lượng an ninh nước ngoài trên đất Afghanistan; Afghanistan sẽ không phải tham gia bất cứ liên minh hay khối quân sự nào; các chính phủ Afghanistan trong tương lai sẽ cam kết theo đuổi các chính sách độc lập, không liên kết.
Điều này đã tiến một bước dài trong việc xua tan nỗi lo lắng của Moscow và Bắc Kinh về kịch bản sau này Mỹ có thể dùng lãnh thổ Afghanistan để triển khai các nhóm thánh chiến cực đoan (như Chechnya hay Duy Ngô Nhĩ ) làm công cụ địa chính trị để thực hiện các hoạt động ngầm ở khu vực Trung Á nhằm gây bất ổn cho vùng Bắc Kavkaz hoặc Tân Cương...
Điều khoản về một nước Afghanistan “trung lập” cũng giải tỏa mối quan ngại từ phía Iran.
Nhìn ở góc độ rộng hơn, thỏa thuận mới này bảo đảm các bên cùng thắng, một cách cân bằng giữa 3 nước lớn (Mỹ-Nga-Trung Quốc), bất chấp tình trạng “chiến tranh lạnh” hiện nay giữa các nước này.
Một câu hỏi lớn được đặt ra là về sự tác động lên chính sách không thân thiện của Mỹ đối với Nga và Trung Quốc.
Trong trường hợp này, Mỹ vẫn thu lợi lớn từ việc hợp tác với Nga và Trung Quốc, bởi lẽ uy tín của Washington và tương lai của NATO sẽ phụ thuộc vào khả năng dẫn dắt thành công việc rút quân có trật tự khỏi Afghanistan.
Do vậy từ thỏa thuận Doha này có thể xuất hiện các hệ quả tích cực trong quan hệ giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc, và mở ra một tiền lệ tốt cho giải quyết các vấn đề như hạt nhân Iran hay hạt nhân Triều Tiên, xung đột ở Syria và Yemen...
Pakistan cũng được hưởng lợi từ thỏa thuận này. Pakistan mong muốn có một chính phủ thân thiện ở Kabul. Lộ trình mới cho Afghanistan đã giúp Pakistan bớt lo về sự can thiệp của Ấn Độ vào tình hình tại đây theo hướng bất lợi cho Pakistan..../.