Dự án Dòng chảy phương Bắc 2: Nga nóng vội, EU chần chừ
VOV.VN - Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga có thể cần thêm một vài tháng để loại bỏ các rào cản trước khi tuyến đường ống gây tranh cãi này bắt đầu bơm khí đốt tự nhiên sang Đức, giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu.
Gian nan trong quá trình cấp phép
Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án đường ống dẫn khí đốt xa bờ nối từ thành phố Vyborg (Nga) đến thành phố Greifswald (Đức) dọc theo biển Baltic. Dự án này bắt đầu được thực hiện từ năm 2018 và đã hoàn thành vào tháng 9/2021 nhưng chưa thể đi vào hoạt động vì còn chờ hoàn tất thủ tục cấp phép của EU.
Tổng thống Nga Putin đã cam kết tăng cường cung cấp khí đốt cho khu vực, đồng thời cho biết việc chuyển giao có thể được thực hiện ngay khi dự án được cấp phép. Tuy vậy, quá trình cấp phép có thể sẽ không được thực hiện cho đến tháng 5/2022.
Vẫn chưa rõ liệu các quan chức EU có sẵn sàng đẩy nhanh tiến độ hay không khi cuộc khủng hoảng năng lượng tại khu vực này ngày càng nghiêm trọng. Giá năng lượng tăng vọt cùng lượng khí đốt được chuyển giao thấp hơn dự kiến thời gian gần đây khiến các quan chức châu Âu cáo buộc Nga hạn chế nguồn cung để gây sức ép buộc họ phải cấp phép cho tuyến đường ống dẫn này.
Giới phân tích cho rằng, bối cảnh chính trị hiện nay khó có thể tạo ra bước tiến lớn cho dự án này. Chính phủ Đức dưới thời Angela Merkel đã kiên định ủng hộ dự án bất chấp sự phản đối của Mỹ, Ukraine và một số đối tác trong Liên minh châu Âu. Sau khi Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức hồi tháng 9 vừa qua, ứng viên thủ tướng của đảng này, ông Olaf Scholz đang tìm cách thành lập chính phủ mới để kế nhiệm bà Merkel.
Dù SPD ủng hộ Dự án Dòng chảy phương Bắc 2, nhưng đảng Xanh – lực lượng chính trị lớn thứ 2 đang tham gia đàm phán thành lập liên minh từ lâu đã phải đối. Đồng lãnh đạo đảng Xanh, ông Robert Habeck – người được cho là sẽ nắm giữ một vai trò quan trọng trong chính phủ mới của Đức, ngày 3/11 yêu cầu chủ quản lý dự án tuân thủ các quy tắc của EU, đồng thời cáo buộc Nga lợi dụng dự án này để “uy hiếp” EU.
Phát biểu với đài phát thanh Deutschlandfunk, ông Habeck cho biết: “Nếu bạn hỏi tôi Dòng chảy phương Bắc 2 có được phép hoạt động hay không, tôi sẽ nói rằng chỉ khi nào các quy tắc của châu Âu được tuân thủ. Tôi không thấy có bất cứ lý do gì để cấp phép cho dự án này ở thời điểm hiện tại”.
Chịu tác động từ cục diện chính trị
Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức (Bundesnetzagentur) có thời hạn đến ngày 8/1/2022 để ban hành dự thảo về quyết định cấp phép, sau khi kết thúc 4 tháng xem xét các thủ tục cần thiết. Trước đó vào tháng 10, Bộ Kinh tế Đức đánh giá rằng Dòng chảy phương Bắc không gây rủi ro cho nguồn cung cấp năng lượng của Đức và Liên minh châu Âu.
Dự thảo về quyết định cấp phép sau đó sẽ được chuyển cho Ủy ban châu Âu xem xét. Một trong những yếu tố quan trọng nhất cần xem xét là liệu Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 có đáp ứng được quy định của châu Âu yêu cầu tách biệt hoạt động kinh doanh vận tải khí đốt với sản xuất và bán hàng hay không.
Tháng 10 vừa qua, một nhóm các nhà lập pháp cấp cao của Nghị viện châu Âu đã viết thư cho Ủy viên năng lượng EU Kadri Simson cảnh báo rằng Dòng chảy phương Bắc 2 không tuân thủ yêu cầu nói trên, đồng thời yêu cầu quản lý dự án thực hiện “nghiêm túc và rõ ràng” các quy tắc năng lượng của EU.
Nhưng báo cáo của nhóm các nhà lập pháp trên không mang tính ràng buộc, thay vì đó, chỉ làm kéo dài thời gian đánh giá dự án. Theo kế hoạch, EU có 2 tháng để đưa ra kết luận, nhưng quá trình này có thể được gia hạn thêm 2 tháng nữa. Chỉ khi có quyết định của EU, cơ quan quản lý của Đức mới có thể cấp phép cho dự án.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều quốc gia EU, trong đó có có một số nước Đông Âu như Ba Lan vẫn phản đối mạnh mẽ Dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Chính phủ Ba Lan đã kêu gọi Ủy ban châu Âu tiến hành một cuộc cuộc điều tra về khả năng thao túng thị trường của chủ sở hữu dự án này là Gazprom PJSC. Ủy ban này cho biết đang kiểm tra tất cả các nhà sản xuất và nhà cung cấp khí đốt khi xem xét cáo buộc về hành vi “chống cạnh tranh”, nhằm xác định liệu việc tăng giá ở thời điểm hiện tại có vi phạm quy định chống độc quyền hay không. Trước đó Đức đã cam két sẽ thực thi hành động nếu xác định được Nga đang “vũ khí hóa năng lượng”, song có rất ít khả năng Berlin sẽ chấm dứt dự án này.
Hiện, ông Olaf Scholz đang xúc tiến các cuộc đàm phán để thành lập chính phủ với đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do – cả 2 đảng này đều thể hiện lập trường phản đối Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 trong quá trình tranh cử. Tuy vậy với tư cách là đảng lớn nhất trong chính phủ, SDP gần như chắc chắn sẽ phản đối bất cứ điều khoản nào trong thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh có thể gây nguy hiểm cho dự án./.