Dự báo vận mệnh Cuba sau khi Chủ tịch Raul nghỉ, ông Canel lên thay
VOV.VN - Ông Diaz-Canel sẽ là vị Chủ tịch thứ 3 của Cuba, thay ông Raul Castro. Giới quan sát đang theo dõi sát sao diễn biến chính trị tại đảo quốc này.
LTS: Xin giới thiệu với độc giả nhận định của đài Nga RT về những chuyển biến chính trị, kinh tế và ngoại giao có thể xảy ra ở Cuba sau khi có sự chuyển giao quyền lực sang thế hệ lãnh đạo mới trong tháng 4 này:
Chủ tịch Cuba Raul Castro dự kiến sẽ chính thức rời bỏ chức vụ lãnh đạo nhà nước trong tuần này sau khi đã làm Chủ tịch đảo quốc này trong 2 nhiệm kỳ 5 năm. Vậy những gì có thể thay đổi ở Cuba dưới sự lãnh đạo của Phó Chủ tịch Diaz-Canel, ứng viên chính thức duy nhất có khả năng thế chỗ ông Raul sau hàng thập kỷ anh em ông Castro nắm quyền ở Cuba.
Nhà lãnh đạo Cuba Raul Castro. Ảnh: Reuters. |
Kể từ Cách mạng năm 1959, hai anh em ông Castro đã lần lượt nắm quyền ở quốc gia XHCN vùng Caribe. Sau khi lãnh tụ Fidel Castro nghỉ hưu vào năm 2008, em trai ông là Raul Castro trở thành người cầm lái đất nước Mỹ Latin này. Nay thì Đảng Cộng sản Cuba hôm 19/4 đã lựa chọn ông Canel cho vị trí người đứng đầu nhà nước Cuba.
Diaz-Canel sẽ đối mặt với các khó khăn kinh tế cũng như thách thức trong việc duy trì quan hệ với Tổng thống Mỹ Donald Trump – người mà năm ngoái đã có nhiều động thái để cản trở việc hâm nóng quan hệ ngoại giao giữa 2 nước đạt được dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Thay đổi lớn về chính sách đối ngoại?
Mặc dù Raul Castro sẽ không trực tiếp lãnh đạo Cuba qua bộ máy nhà nước nữa, ông vẫn chưa hoàn toàn thôi tham chính. Raul vẫn sẽ là lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cuba (đảng cầm quyền) cho đến năm 2021, tiếp tục theo sát các chính sách của Cuba.
Zbigniew Ivanovsky, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị tại Viện Nghiên cứu Mỹ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận định: “Raul Castro sẽ trở thành một Đặng Tiểu Bình của Cuba, theo nghĩa ông sẽ tiếp tục lãnh đạo tổ chức đảng và tiếp tục có ảnh hưởng mạnh”.
Salim Lamrani, Giáo sư tại Đại học Paris IV-Sorbonne (Pháp), cho rằng tân lãnh đạo Cuba được dự báo sẽ không tạo ra hướng đi quá khác biệt.
Lamrani nói với đài RT của Nga: “Sẽ không có bước ngoặt trong chính sách của Cuba vì người dân trên hòn đảo này muốn duy trì mô hình xã hội của Castro. Người dân Cuba muốn duy trì nền độc lập và tất cả các phúc lợi xã hội, như giáo dục và y tế miễn phí... mà Cách mạng Cuba đã mang lại”.
Hệ thống y tế của Cuba xếp thứ 23 trong bảng xếp hạng của Tổ chức Y tế Thế giới (WTO), trước cả những nước giàu có hàng đầu thế giới như New Zealand và Hàn Quốc. Tỷ lệ biết chữ tại Cuba cao tới hàng thứ 3 trên thế giới.
Khởi động lại nền kinh tế Cuba?
Mặc dù người dân Cuba được hưởng y tế và giáo dục miễn phí, lại được bao cấp lương thực và chỗ ở, thì hàng hóa tiêu dùng tại đây lại rất khan hiếm.
Mức lương nhà nước ở Cuba trung bình chỉ là 20 USD, và chỉ có 173.000 ô tô trong tổng số 11 triệu người dân của nước này. Tăng trưởng kinh tế đã chậm lại trong những năm gần đây, sau khi có tăng lên một chút vào thời điểm Raul Castro áp dụng một số cải cách kinh tế theo hướng thị trường tự do hồi năm 2011. Sau khi nhậm chức, ông Diaz-Canel sẽ cần phải nỗ lực khắc phục tình trạng trì trệ trong nền kinh tế. Ông Canel ít khả năng sẽ nhận được hỗ trợ từ Washington trong quá trình cải cách này.
Lamrani nói với RT: “Cuba cần phải cải thiện tình hình kinh tế của mình, dù cho trở ngại chính đối với quá trình phát triển của Cuba là các lệnh trừng phạt của Mỹ. Cuba cũng phải đối diện với chính sách thù địch của chính quyền Trump đã vứt bỏ nhiều tiến bộ đạt được dưới thời Obama và quay trở lại chính sách đối đầu.”
Chân dung Diaz-Canel- nhà lãnh đạo Cuba giai đoạn hậu Castro
Kể từ năm 1962, Mỹ đã duy trì việc cấm vận thương mại toàn diện với Cuba. Sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama bình thường hóa quan hệ với Cuba, người kế nhiệm ông là Tổng thống Donald Trump đã siết chặt các lệnh trừng phạt hơn nữa vào tháng 11/2017 và cấm hầu hết người Mỹ được thăm đảo quốc này.
Không còn tự do thương mại với Mỹ, Cuba sẽ phải cải thiện năng lực sản xuất nông nghiệp để có thể tự túc lương thực. Cuba hiện nhập khẩu tới 80% lượng lương thực họ tiêu dùng.
Zbigniew Ivanovsky nói với RT: “Kinh tế Cuba có thể nói là đang trải qua thời kỳ quá độ, trong đó các doanh nghiệp nhỏ và thương mại quy mô nhỏ tích cực phát triển”.
Giống Lamrani, Ivanovsky xem khu vực kinh tế là một trong các thách thức chính của Diaz-Canel. “Nhìn chung, công luận Cuba chia 2 nhóm. Nhóm thứ nhất cho rằng phải đẩy mạnh cải cách. Nhóm thứ hai cho rằng không cần phải vội vã vì có nguy cơ trệch hướng XHCN”.
Liệu Mỹ có tái can thiệp quân sự vào Cuba?
Quan hệ giữa Cuba và Mỹ sẽ tùy thuộc nhiều vào quan điểm của Washington, theo chuyên gia Lamrani. Ông chia sẻ với RT: “Cuba luôn bày tỏ họ sẽ duy trì quan hệ bình thường và hòa bình với Mỹ chừng nào các mối quan hệ này dựa trên sự bình đẳng, tương hỗ, và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”.
Đối với Havana, quan hệ Mỹ xoay quanh 2 vấn đề quan trọng. Cuba muốn Mỹ trả lại căn cứ hải quân tại vịnh Guantanamo và dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại. Quan điểm của Mỹ thì lại là Cuba phải trải qua quá trình “dân chủ hóa” và thực hiện những cải cách tự do thương mại sâu rộng.
Ivanovsky cảnh cáo rằng không bên nào sẽ nhận được điều mình muốn.
Fidel Castro và Cuba - Tình bạn, tình đồng chí tuyệt vời với Việt Nam
Ivanovsky dự báo: “Nhiều khả năng, quan hệ đôi bên vẫn giậm chân tại chỗ và các vấn đề chủ chốt chưa được giải quyết”.
Chính phủ Mỹ từng có nhiều nỗ lực để công khai hoặc bí mật lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Castro kể từ khi nổ ra Cách mạng Cuba vào năm 1959. Năm 1961, cơ quan tình báo Mỹ (CIA) đã tài trợ và đạo diễn cuộc xâm lược Cuba ở vịnh Con Lợn, trong đó những kẻ đào tẩu khỏi Cuba cố gắng lật đổ chính quyền cách mạng với sự hậu thuẫn về mặt quân sự của Mỹ.
Cuộc xâm lược trên hoàn toàn thất bại và gây bối rối cho Washington về mặt ngoại giao.
Kể từ sau đó, Fidel Castro trở thành mục tiêu của vài trăm âm mưu và nỗ lực ám sát, theo các quan chức Cuba.
Theo Lamrani, chính quyền Mỹ hiện nay ít khả năng sẽ mạo hiểm tiến hành can thiệp, thay vào đó họ sẽ lựa chọn cách tiếp cận gián tiếp.
“Chính quyền ông Trump sẽ cố gắng chuyển hóa xã hội Cuba. Nhưng kết quả rồi sẽ tương tự như các chính quyền tiền nhiệm mà thôi. Thất bại hoàn toàn”, Lamrani nói./.