Đức xoay trục chiến lược khỏi Nga – Trung, Mỹ và NATO hưởng lợi
VOV.VN - Hơn hai năm kể từ khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz đề cập đến khái niệm còn nhiều lạ lẫm "Zeitenwende" [bước ngoặt mang tính thời đại – ND] trong bối cảnh nổ ra xung đột vũ trang Nga - Ukraine, thế giới đã và đang chứng kiến thay đổi lớn nhất trong chính sách đối ngoại và quốc phòng của Đức kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Khi hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập NATO đang đến gần [dự kiến diễn ra vào tháng 7/2024], dư luận nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung quan tâm đến việc Thủ tướng Đức Olaf Scholz có thực hiện đúng những gì đã hứa hay không? Và ý nghĩa chính sách xoay trục chiến lược của Đức là gì?
Vẫn còn nhiều ý kiến của các nhà phê bình ở cả hai bờ Đại Tây Dương cho rằng chính phủ của ông Scholz đã không tăng cường đầy đủ lực lượng vũ trang của Đức và sự hỗ trợ quân sự của họ dành cho Ukraine là không đủ. Tuy nhiên, khi đo lường hành động của ông Scholz so với các mục tiêu mà ông đã đề ra ban đầu, có lý do để tin rằng ông gần như đã thực hiện được những lời hứa của mình.
Lời hứa được thực hiện
Ngoài sự hỗ trợ ngay lập tức dành cho Ukraine, Thủ tướng Đức còn đưa ra hai mục tiêu dài hạn lớn trong bài phát biểu của mình ngày 27/2/2022. Đầu tiên, củng cố quân đội Đức bằng khoản đầu tư lớn, chỉ thực hiện một lần, sau đó là tăng chi tiêu quốc phòng vĩnh viễn. Thứ hai, áp dụng chính sách đối ngoại quyết đoán hơn để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng Scholz đã tìm cách liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa Đức với các đồng minh xuyên Đại Tây Dương, đồng thời giảm sự phụ thuộc về năng lượng và kinh tế của nước này vào Nga và Trung Quốc.
Tựu chung lại, “Zeitenwende” đã chuyển đổi từ chiến lược hợp tác với Nga và Trung Quốc sang chiến lược răn đe và giảm thiểu rủi ro - tức là nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giúp Đức ít bị tổn thương hơn trước sự ép buộc kinh tế.
Chính phủ của ông Scholz đã lập một quỹ đặc biệt 100 tỷ euro (khoảng 108 tỷ USD) cho Bundeswehr – lực lượng vũ trang của Đức – và lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô tan rã năm 1991, Đức chi 2% GDP cho quốc phòng trong năm 2024. Mức chi ngân sách cho quốc phòng này sẽ tiếp tục được duy trì cho đến những năm 2030.
Một số ý kiến trong Quốc hội Đức vẫn hoài nghi, cho rằng mức chi tiêu này khó có thể biển quân đội Đức thành lực lượng “mạnh mẽ, tiên tiến”. Mặc dù vậy, trong khoảng một thập kỷ tới, mức chi 2% GDP cho quốc phòng sẽ cho phép quân đội nước này thực hiện các bước đi hiện đại hóa, đặc biệt nếu nỗ lực giảm tệ quan liêu đem lại hiệu quả.
Hỗ trợ Ukraine
Đức cung cấp hỗ trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine, sau Mỹ. Từ tháng 1/2022 đến tháng 1/2024, nước này đã đưa ra các cam kết viện trợ quân sự với tổng trị giá 17,7 tỷ euro (khoảng 19 tỷ USD) cho Ukraine.
Hơn nữa, với tư cách là nước đóng góp ngân sách lớn nhất cho EU, chính phủ Scholz đã đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển khoản hỗ trợ tài chính đáng kinh ngạc 77,2 tỷ euro (khoảng 83 tỷ USD) từ từ Brussels đến Ukraine trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, thông qua chính sách ngoại giao khôn ngoan, ông Scholz đã lần đầu tiên mở ra cánh cửa cho các cuộc đàm phán về tư cách thành viên EU với Ukraine và sau đó giúp đảm bảo nguồn tài trợ bổ sung trị giá 50 tỷ euro (54 tỷ USD) để cứu Ukraine khỏi sụp đổ kinh tế khi xung đột với Nga kéo dài.
Tuy nhiên, Đức cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích vì từ chối cung cấp cho Ukraine một số hệ thống vũ khí, bao gồm cả tên lửa hành trình Taurus có thể tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Lập luận của Thủ tướng Đức là cần phải thận trọng để tránh leo thang xung đột, nhưng phe đối lập bảo thủ ở Đức và các bộ phận trong liên minh của Thủ tướng cho rằng ông Scholz phải thể hiện quyết tâm cao hơn để ngăn chặn Nga.
Cho đến nay, có một điều rõ ràng là Đức đã đi được một chặng đường dài kể từ khi chịu sự chế giễu vì cung cấp cho Ukraine 5.000 chiếc mũ bảo hiểm trước cuộc xung đột với Nga. Cũng phải đề cập đến một khía cạnh khác, đó là khả năng hành động của Thủ tướng Scholz phần nào bị hạn chế bởi công chúng Đức vẫn cảnh giác với việc sử dụng sức mạnh quân sự ở nước ngoài.
Xoay trục khỏi Nga - Trung
Một năm sau khi ông Olaf Scholz đề cập khái niệm "Zeitenwende", chính phủ Đức đã công bố chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của nước này vào tháng 6/2023 và một tháng sau đó là chiến lược đầu tiên đối với Trung Quốc. Cả hai tài liệu đều đưa ra những đánh giá rõ ràng về những thách thức ngày càng tăng do Nga và Trung Quốc đặt ra – những rủi ro mà các chính phủ trước đây dường như đã bỏ qua.
Đức ngay lập tức hành động để thực hiện chiến lược mới của mình, đáng chú ý nhất là đối với Nga. Trước khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine năm 2022, Đức nhập khẩu 55% lượng khí đốt từ Nga. Đến tháng 1/2023, Đức đã có thể độc lập về năng lượng với Nga.
Giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc là thách thức khó khăn hơn đối với Đức và vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của “Zeitenwende” đối với mối quan hệ quan trọng này.
Đáng chú ý, chiến lược mới của Đức với Trung Quốc chỉ rõ: “Trung Quốc đã thay đổi. [Do đó] chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận với Trung Quốc”. Berlin hiện nhấn mạnh việc giảm thiểu rủi ro trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc - quốc gia có nguyên liệu thô, các nhà máy giá rẻ và tầng lớp trung lưu đang phát triển vốn là mục tiêu hướng đến của các nhà sản xuất ô tô, các công ty xuất khẩu Đức.
Trong năm 2023, Đức đã đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt với gã khổng lồ công nghệ Mỹ Intel để xây dựng một nhà máy sản xuất chip trị giá 30 tỷ euro (32 tỷ USD) ở Magdeburg, với mục tiêu lâu dài là giảm sự phụ thuộc vào vi mạch từ Đài Loan (Trung Quốc).
Thay đổi tâm lý công chúng
Việc thuyết phục công chúng còn hoài nghi về vai trò quốc tế quyết đoán hơn của nước Đức sẽ mất thời gian, tuy nhiên có những dấu hiệu cho thấy một sự thay đổi quan trọng đang diễn ra. Trong một cuộc khảo sát chung do Trung tâm Nghiên cứu Pew và Körber-Stiftung công bố vào tháng 11/2023, 60% số người được hỏi đồng tình rằng các công ty Đức nên ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc, ngay cả khi điều đó dẫn đến thiệt hại kinh tế; 66% ủng hộ việc tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine; và 72% đồng ý rằng Đức nên chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng.
Hướng tới hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7/2024 tại Washington, D.C., trục chiến lược của Đức mang đến cơ hội cho Mỹ. Trong khi các nhà hoạch định chính sách của Mỹ không thể kỳ vọng lợi ích của hai quốc gia sẽ nhất quán với nhau, họ có lý do để ủng hộ việc Đức tái định hướng hướng tới liên minh xuyên Đại Tây Dương.
Kế hoạch của Berlin cử một lữ đoàn đóng quân lâu dài ở Litva vào năm 2027 sẽ tăng cường sức mạnh cho sườn phía Đông của NATO. Chi tiêu quốc phòng ngày càng tăng của nước này cũng gây áp lực lên các quốc gia châu Âu khác để đạt được mục tiêu 2%. Ngoài ra, mục tiêu giảm rủi ro như một chiến lược kinh tế sẽ đòi hỏi phải xây dựng các mối quan hệ đối tác và con đường mới, khi ấy Mỹ và các đồng minh châu Âu có thể cùng có lợi nếu họ hợp tác chặt chẽ trong nhiệm vụ quan trọng này.
Khi “Zeitenwende” tiếp tục bước sang năm thứ ba, Đức phải đối mặt với một loạt thách thức và một số người đặt câu hỏi liệu chính phủ của ông Scholz có hoàn thành nhiệm kỳ của mình hay không. Dù vậy, ngay cả khi những nỗ lực thực hiện “Zeitenwende” của ông Scholz bị cắt ngắn, di sản xoay trục chiến lược của ông vẫn có thể tồn tại.