Dùng UAV giá rẻ, Nga chủ trương tiêu hao nguồn lực của Ukraine

VOV.VN - Các lực lượng Ukraine được cho là đạt được một số thành công trong việc bắn hạ máy bay không người lái, nhờ sử dụng pháo phòng không, thậm chí vũ khí có hỏa lực nhỏ. Nhưng điều này đã thay đổi khi Nga tiến hành các cuộc tấn công bằng UAV vào ban đêm.

Ukraine cho biết, nước này đã bắn hạ khoảng 80 máy bay không người lái (UAV) của Nga trong những ngày đầu năm 2023. “Đây là kết quả mà chúng tôi chưa từng đạt được trước đó”, người phát ngôn của lực lượng không quân Ukraine ngày 3/1 cho biết. Nhưng một số chuyên gia quân sự đã đặt câu hỏi, liệu thành công này có bền vững hay không.

Không thể phủ nhận, quân đội Ukraine ngày càng có nhiều kinh nghiệm trong việc bắn hạ máy bay không người lái, nhưng đang có sự mất cân bằng trong hoạt động này: Nhiều vũ khí phòng thủ của họ, chẳng hạn như tên lửa đất đối không có giá thành cao hơn nhiều so với UAV. Theo đánh giá của một số chuyên gia, điều đó có thể mang lại lợi ích cho Nga về lâu dài.

Ông Artem Starosiek – người đứng đầu công ty tư vấn Molfar của Ukraine, ước tính chi phí để bắn hạ một máy bay không người lái bằng tên lửa cao hơn 7 lần so với chi phí phóng 1 quả tên lửa. Một số nhà phân tích cho rằng, đây có thể là kế hoạch nhằm làm tiêu hao nguồn lực đối phương mà Điện Kremlin đang nghiên cứu.

Trong một bài phát biểu qua video, Tổng thống Ukraine Zelensky cho rằng, Nga đang nỗ lực “làm kiệt quệ nhân lực, hệ thống phòng không và lĩnh vực năng lượng của chúng tôi. Ông tuyên bố Ukraine sẽ không sợ hãi trước các cuộc tấn công không ngừng nghỉ từ trên không của Nga.

Các chuyên gia của Molfar cho rằng, kể từ tháng 9, Nga đã phóng khoảng 600 máy bay không người lái vào Ukraine. Chiến thuật nhắm vào cơ sở hạ tầng kèm theo nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa đã khiến mạng lưới năng lượng của Ukraine trên bờ vực sụp đổ.

Những máy bay không người lái Geran-2 (mà phương Tây cho là có nguồn gốc từ UAV Shahed-136 do Iran sản xuất) được Nga tăng cường sử dụng kể từ tháng 10/2022, là những UAV tương đối đơn giản và có giá thành rẻ. Trái lại, vũ khí để bắn hạ chúng đắt đỏ hơn nhiều. Ước tính, mỗi UAV cảm tử có giá thành khoảng 20.000 USD, trong khi chi phí của một tên lửa đất đối không có thể dao động từ 140.000 USD (cho tên lửa S-300 có từ thời Liên Xô) đến 500.000 USD (cho tên lửa NASAMS của Mỹ).

Kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022, cả Nga và Ukraine đã sử dụng UAV không chỉ để thu thập thông tin tình báo mà còn tấn công đối phương. Đây là lần đầu tiên thiết bị này được triển khai một cách rộng rãi trong một cuộc xung đột tại châu Âu. Một số chuyên gia quân sự coi Ukraine là nơi thử nghiệm các hệ thống thông tin và vũ khí tối tân góp phần định hình những cuộc chiến tranh trong tương lai.

Việc nhà chức trách Ukraine tiết lộ rất ít về hệ thống phòng không của họ, nhằm bảo mật thông tin trong thời điểm xung đột, khiến quá trình phân tích trở nên khó khăn hơn. Các lực lượng Ukraine được cho là đạt được một số thành công trong việc bắn hạ máy bay không người lái, nhờ sử dụng pháo phòng không, thậm chí vũ khí có hỏa lực nhỏ. Nhưng điều này đã thay đổi khi Nga tiến hành các cuộc tấn công bằng UAV vào ban đêm.

Hiện Kiev đang phụ thuộc khá nhiều vào tên lửa phóng từ máy bay chiến đấu và từ mặt đất. Cuối tuần qua, các quan chức Ukraine cho biết, quân đội nước này đã tăng cường sử dụng tên lửa đất đối không được bắn từ hệ thống phòng không NASAMS để chống lại máy bay không người lái.

Ông Michael Kofman, nhà phân tích quân sự kiêm giám đốc Chương trình Nghiên cứu Nga tại CNA, một tổ chức tư vấn quốc phòng của Mỹ cho rằng, Ukraine đang sử dụng nhiều hệ thống phòng không khác nhau để chống lại mối đe dọa từ UAV, trong đó có các hệ thống từ thời Liên Xô và do NATO cung cấp. Mỗi hệ thống có giá thành khác nhau. Một số pháo phòng không của Ukraine, chẳng hạn như pháo phòng không tự hành Gepard do Đức cung cấp, có giá thành tương đối phải chăng, nhưng một số tên lửa do Mỹ sản xuất có giá thành cao hơn nhiều so với máy bay không người lái.

Mặc dù vậy, việc đánh giá mặt lợi và mặt hại của chiến thuật dùng tên lửa máy bay không người lái không đơn giản vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. George Barros, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho rằng Ukraine đang triển khai các hệ thống phòng không phức tạp và đắt tiền hơn để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng và nhạy cảm. Ông lưu ý, chi phí để bắn hạ máy bay không người lái thấp hơn nhiều so với việc sửa chữa một nhà máy điện bị hư hỏng. Và yếu tố quan trọng hơn là con người. “Cần phải bảo vệ tính mạng của người dân và binh sỹ”.

Nhà phân tích Mathieu Boulegue, thành viên tư vấn của Chương trình Nga và Á-Âu tại Chatham House, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại London, cho rằng, ở thời điểm hiện tại Ukraine có đủ vũ khí và đạn dược phòng không để chống lại mối đe dọa từ máy bay không người lái của Nga, nhưng vẫn chưa biết khi nào Kiev cạn kiệt những vũ khí này.

Nhận thức được nguy cơ phương Tây có thể giảm sự ủng hộ đối với Kiev do chi phí hỗ trợ quốc phòng gia tăng, các quan chức Ukraine cảnh báo rằng, chiến thuật của Nga đang thay đổi. Nhà Trắng cho biết, theo một số báo cáo được ghi nhận, Nga và Iran đang tìm cách thiết lập dây chuyền sản xuất máy bay không người lái chung ở Nga. Theo ông Boulegue, về lâu dài, kế hoạch này sẽ cho phép Moscow triển khai nhiều máy bay không người lái hơn trong các cuộc tấn công.

“Điều đó sẽ gây thêm căng thẳng cho hệ thống phòng không của Ukraine”, chuyên gia Boulegue lưu ý.

Hiện, Moscow đang thay đổi chiến thuật sử dụng máy bay không người lái. Phát biểu trên đài phát thanh Ukraine, ông Yurii Ihnat, phát ngôn viên của lực lượng không quân Ukraine, cho biết các lực lượng Nga ngày càng tăng cường sử dụng các máy bay không người lái mang chất nổ vào ban đêm và bay ở tầm thấp dọc theo sông Dnipro, khiến Ukraine khó phát hiện ra chúng hơn.

Ông Yurii Ihnat nói: “Ăng-ten radar dò tìm mục tiêu sẽ không nhìn thấy UAV nếu chúng bay tầm thấp, dưới mức quan sát của ăng-ten./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

10 vũ khí kỳ quặc nhất trong Thế chiến 2
10 vũ khí kỳ quặc nhất trong Thế chiến 2

VOV.VN - Khi Thế chiến 2 nổ ra, nhiều cường quốc trên thế giới đặt mục tiêu cải tiến công nghệ, y học và thông tin liên lạc để phát minh ra những loại vũ khí mới nhằm giành được ưu thế trên chiến trường.

10 vũ khí kỳ quặc nhất trong Thế chiến 2

10 vũ khí kỳ quặc nhất trong Thế chiến 2

VOV.VN - Khi Thế chiến 2 nổ ra, nhiều cường quốc trên thế giới đặt mục tiêu cải tiến công nghệ, y học và thông tin liên lạc để phát minh ra những loại vũ khí mới nhằm giành được ưu thế trên chiến trường.

Tướng Mỹ tiết lộ mối nguy khó lường từ thiết bị điện tử sử dụng trên chiến trường
Tướng Mỹ tiết lộ mối nguy khó lường từ thiết bị điện tử sử dụng trên chiến trường

VOV.VN - Sự xuất hiện của các công nghệ mới trên chiến trường đã khiến quân đội Mỹ phải suy nghĩ lại các hoạt động của lực lượng này khi chuẩn bị cho một cuộc xung đột trong tương lai với đối phương có công nghệ tiên tiến.

Tướng Mỹ tiết lộ mối nguy khó lường từ thiết bị điện tử sử dụng trên chiến trường

Tướng Mỹ tiết lộ mối nguy khó lường từ thiết bị điện tử sử dụng trên chiến trường

VOV.VN - Sự xuất hiện của các công nghệ mới trên chiến trường đã khiến quân đội Mỹ phải suy nghĩ lại các hoạt động của lực lượng này khi chuẩn bị cho một cuộc xung đột trong tương lai với đối phương có công nghệ tiên tiến.

Vai trò đặc biệt của “nữ hoàng” bộ binh BMP-3 trong chiến dịch quân sự của Nga
Vai trò đặc biệt của “nữ hoàng” bộ binh BMP-3 trong chiến dịch quân sự của Nga

VOV.VN - Mặc dù có tuổi đời khá cao, nhưng xe chiến đấu bộ binh BMP-3 vẫn chứng minh được hiệu quả và sức mạnh trên chiến trường.

Vai trò đặc biệt của “nữ hoàng” bộ binh BMP-3 trong chiến dịch quân sự của Nga

Vai trò đặc biệt của “nữ hoàng” bộ binh BMP-3 trong chiến dịch quân sự của Nga

VOV.VN - Mặc dù có tuổi đời khá cao, nhưng xe chiến đấu bộ binh BMP-3 vẫn chứng minh được hiệu quả và sức mạnh trên chiến trường.

"Thợ săn" Okhotnik và chiến đấu cơ Su-57: Cặp song sát tàng hình của Nga
"Thợ săn" Okhotnik và chiến đấu cơ Su-57: Cặp song sát tàng hình của Nga

VOV.VN - Su-57 và biên đội Okhotnik có thể tiêu diệt các mục tiêu chiến lược lớn như trung tâm chỉ huy, các mục tiêu quân sự của đối phương hoặc giảm tải gánh nặng cho những máy bay ném bom cỡ lớn như Tu-160, Tu-22 hay MiG-31.

"Thợ săn" Okhotnik và chiến đấu cơ Su-57: Cặp song sát tàng hình của Nga

"Thợ săn" Okhotnik và chiến đấu cơ Su-57: Cặp song sát tàng hình của Nga

VOV.VN - Su-57 và biên đội Okhotnik có thể tiêu diệt các mục tiêu chiến lược lớn như trung tâm chỉ huy, các mục tiêu quân sự của đối phương hoặc giảm tải gánh nặng cho những máy bay ném bom cỡ lớn như Tu-160, Tu-22 hay MiG-31.

Xung đột Nga-Ukraine: Cơn địa chấn lớn làm xáo trộn bàn cờ chính trị toàn cầu
Xung đột Nga-Ukraine: Cơn địa chấn lớn làm xáo trộn bàn cờ chính trị toàn cầu

VOV.VN - Chiến sự Nga Ukraine là một trong những sự kiện nổi bật nhất trong năm 2022, tác động đến mọi mặt đời sống của người dân trên toàn thế giới.

Xung đột Nga-Ukraine: Cơn địa chấn lớn làm xáo trộn bàn cờ chính trị toàn cầu

Xung đột Nga-Ukraine: Cơn địa chấn lớn làm xáo trộn bàn cờ chính trị toàn cầu

VOV.VN - Chiến sự Nga Ukraine là một trong những sự kiện nổi bật nhất trong năm 2022, tác động đến mọi mặt đời sống của người dân trên toàn thế giới.