EU chiến thắng trong cuộc đua tiêm chủng nhờ chiến lược “chậm mà chắc”
VOV.VN - Vượt qua những chỉ trích về việc triển khai tiêm vaccine Covid-19 chậm chạp, Liên minh châu Âu (EU), với chiến lược “chậm mà chắc”, hiện đã đạt được những thành công nhất định trong chiến dịch tiêm chủng.
Chiến thắng sau khởi đầu đầy trắc trở
“Chúng ta đã làm được điều đó”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói trong bài phát biểu thường niên. Với hơn 70% dân số trưởng thành đã tiêm chủng đầy đủ, EU đã vượt qua những lời chỉ trích về chiến dịch tiêm vaccine tại khu vực này.
Bà Ursula von der Leyen cho biết, EU đã xuất khẩu một nửa số vaccine có được. “Chúng tôi đã chuyển giao hơn 700 triệu liều vaccine Covid-19 cho người dân trong khối và phân phối hơn 700 triệu liều vaccine cho phần còn lại của thế giới. Chúng tôi là khu vực đầu tiên trên thế giới làm được điều đó”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu nói.
Vào đầu năm nay, khi Mỹ và Anh đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, đã có nhiều chỉ trích việc triển khai tiêm chủng chậm chạp của EU là một cuộc khủng hoảng, thảm họa và là sự suy yếu.
Hồi tháng 3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã so sánh việc triển khai tiêm chủng của EU là không thuận lợi so với Anh, cho rằng nó “chậm đến mức không thể chấp nhận được”. Vào cuối tháng 4, chỉ có 11% dân số EU được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, so với 29% ở Mỹ và 46% ở Anh. Tuy nhiên, vào tuần trước, theo dữ liệu từ Our World in Data, bức tranh tiêm chủng tại EU đã mang một màu sắc khác.
9 quốc gia EU bao gồm Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ireland, Pháp, Bỉ và Italy, đã dẫn trước Anh về tỷ lệ dân số tiêm ít nhất 1 mũi vaccine hoặc 2 mũi vaccine. 5 quốc gia EU khác cũng có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn Mỹ.
Theo The Guardian, những lời chỉ trích ban đầu về sự chậm chạp trong chiến dịch tiêm chủng tại EU không phải không có căn cứ. Do vấp phải những trở ngại và thiếu hụt nguồn cung vaccine, EU đã chậm trễ trong việc đưa ra những hành động có hiệu quả.
27 quốc gia EU đã phê duyệt kế hoạch mua vaccine tập thể của Ủy ban châu Âu (EC) vào tháng 6/2020, giải thể liên minh vaccine do Pháp và Đức khởi xướng nhằm tránh việc các nước thành viên cạnh tranh với nhau.
Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm mua vaccine, EC đã mở các cuộc đàm phán với các nhà sản xuất vaccine để thảo luận về đàm phán thương mại, ưu tiên giá cả hơn thời hạn giao hàng. Bởi vậy, một số hợp đồng được ký chậm hơn nhiều tháng so với những bên mua khác.
Cơ quan quản lý của EU đã lựa chọn một quy trình phê duyệt vaccine kỹ lưỡng hơn, nhưng tốn nhiều thời gian hơn. AstraZeneca, hãng dược mà EU đã đặt hàng 300 triệu liều vaccine trong hai quý đầu năm 2021, chỉ phân phối được cho khu vực này số lượng vaccine nhỏ, dẫn đến một vụ kiện.
“Chúng tôi đã chậm trễ trong việc phê duyệt vaccine. Có lẽ chúng tôi đã quá tin tưởng vào việc số lượng vaccine đã đặt hàng sẽ được chuyển giao đúng thời hạn”, bà Von der Leyen thừa nhận hồi tháng 2.
Tiếp theo, hiện tượng đông máu hiếm gặp sau khi tiêm vaccine đã khiến 13 nước EU quyết định tạm dừng tiêm vaccine AstraZeneca, làm giảm niềm tin của công chúng vào chương trình tiêm chủng đã được lên kế hoạch của EU. Sau đó, một số quốc gia chỉ cho phép tiêm vaccine ở các nhóm tuổi lớn hơn. Tuy nhiên, đến đầu mùa hè, EC đã mở các cuộc đàm phán về đơn đặt hàng mới cho vaccine Pfizer/BioNTech, cuối cùng là ký kết một thỏa thuận cung cấp 1,8 tỷ liều vaccine cho đến năm 2023. Đến tháng 5 và tháng 6, nguồn cung vaccine Pfizer tại EU đã dồi dào hơn.
Mặc dù vậy, thành công về tiêm chủng không diễn ra trên khắp cả khối. Các quốc gia nghèo hơn như Romania và Bulgaria đang gặp khó khăn trong chiến dịch tiêm vaccine khi mới chỉ có lần lượt 27% và 16% dân số được tiêm chủng.
Triển khai “thẻ xanh vaccine”
Nhìn chung, các quyết định của EU đang mang lại hiệu quả. “Thẻ xanh vaccine” của khối, bằng chứng về việc tiêm chủng đầy đủ, đã phục hồi sau khi mắc Covid-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, đã cho phép hàng triệu công dân EU đi du lịch nước ngoài vào mùa hè này.
Thẻ xanh vaccine đã giúp tỷ lệ tiêm chủng ở nhiều quốc gia EU tăng đáng kể. Giờ đây, người dân có thể sử dụng thẻ xanh vaccine để tới nhiều địa điểm công cộng như bảo tàng, phòng tập thể dục, quán cà phê và trung tâm mua sắm.
Ngoài việc tăng tỷ lệ tiêm chủng, nhiều quốc gia EU, trái ngược với Anh, đã triển khai tiêm mũi vaccine đầu tiên cho 80% trẻ em từ 12-17 tuổi.
Các quan chức EU cho rằng, chiến dịch tiêm chủng là một cuộc chạy marathon chứ không phải chạy nước rút, nhưng có lẽ việc tiêm vaccine cần cả hai yếu tố này. Tuy nhiên, sau một khởi đầu chậm chạp và phải trả giá bằng mạng sống, cuối cùng thì những hành động mang tính tập thể của EU đã đem lại hiệu quả./.