G-20 sẽ lặp lại thất bại của APEC khi không ra được tuyên bố chung?
VOV.VN - Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Argentina tuần này có thể lặp lại thất bại APEC 2018 khi không ra được Tuyên bố chung do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung
Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) diễn ra tại Argentina trong tuần này đang nhận được sự quan tâm đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng. Với hai nền kinh tế hàng đầu không có dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng trước thềm Hội nghị, nhiều chuyên gia cảnh báo Hội nghị Thượng đỉnh G-20 có thể lặp lại thất bại tại Hội nghị APEC vừa qua khi không thể ra được Tuyên bố chung.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến gặp nhau tại hội nghị G-20. (Ảnh minh họa: AP)
Khi các nhà lãnh đạo G-20 có cuộc gặp lần đầu tiên tại Mỹ năm 2008, nhiệm vụ của họ đối mặt với một thách thức lớn đó là cứu nền kinh tế toàn cầu khỏi cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất thế giới trong hơn 70 năm qua. Hội nghị này được đánh giá là thành công trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra.
10 năm sau, lãnh đạo của 20 nền kinh tế chuẩn bị cuộc gặp tại Argentina trong tuần này cũng đối mặt với không ít thách thức, với nguy cơ của một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang cận kề, tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Những bất đồng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khiến Hội nghị Thượng đỉnh APEC vừa qua lần đầu tiên không thể đưa ra được một Tuyên bố chung.
Vào tháng 5 vừa qua, Tổng thống Donald Trump cũng bác bỏ một Tuyên bố chung của lãnh đạo G7 do những vấn đề căng thẳng về thuế và thương mại.
Trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục có các tuyên bố đối đầu, dư luận chờ đợi xem liệu các nhà lãnh đạo G-20 có thể ra được tuyên bố chung sau hội nghị hay không.
Theo một nguồn tin ngoại giao của Pháp, Hội nghị G-20 với 20 thành viên còn khó thống nhất hơn cả G7, trong khi một số quan chức tại châu Âu và châu Á đều bày tỏ lạc quan thận trọng về việc một tuyên bố chung sẽ được đưa ra sau khi kết thúc cuộc họp. “Con đường chẳng đi tới đâu” và cách Trung Quốc gây thanh thế ở APEC
Các quan chức Trung Quốc cảnh báo, Hội nghị G-20 cũng có thể bế tắc giống như Hội nghị APEC tại Papua New Guinea nếu không đạt được sự đồng thuận về thương mại và chủ nghĩa bảo hộ.
“Trong bối cảnh thương mại và đầu tư toàn cầu đang đối mặt với những khó khăn lớn, G-20 phải có trách nhiệm thảo luận vấn đề thương mại và đầu tư” - Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn nhấn mạnh. “Hội nghị cũng cần truyền tải đi một thông điệp rõ ràng chống lại chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ thương mại.”
Hiện dư luận đang chú ý cuộc gặp đã được lên kế hoạch giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G-20. Đây sẽ là cuộc gặp Thượng đỉnh song phương lần đầu tiên kể từ khi hai nước khởi động cuộc chiến thương mại trong năm nay, tác động xấu đến tăng trưởng toàn cầu.
Mặc dù hi vọng là không nhiều, nhưng dư luận mong muốn cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trung - Mỹ sẽ tạo ra một kết quả tích cực, giúp hạ nhiệt những căng thẳng thương mại hiện nay, phá vỡ thế bế tắc tại Hội nghị G-20. Các quan chức Trung Quốc cũng hi vọng, cuộc gặp có thể thảo luận và tìm ra giải pháp dựa trên cơ sở bình đẳng, đôi bên cùng có lợi, tạo nên tác động tích cực đến sự phát triển quan hệ hai bên.
Bên cạnh vấn đề thương mại, biến đổi khí hậu và cải cách Tổ chức thương mại thế giới cũng được cho là những vấn đề khó đạt được sự đồng thuận tại Hội nghị G-20 lần này./. Trung Quốc thất vọng vì không giành được quyền lực mềm ở APEC 2018