Giảm liều lượng có là giải pháp cho Đông Nam Á đang “khát” vaccine giữa bão Covid-19?
VOV.VN - Trên khắp khu vực Đông Nam Á, từ Indonesia đến Thái Lan, các nhà chức trách đang chạy đua để đảm bảo nguồn cung vaccine trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 mới và tỷ lệ tử vong hàng ngày tăng vọt.
Giải pháp cho tình trạng thiếu hụt vaccine
Thách thức tiêm chủng đối với các nước đang phát triển như Indonesia và Thái Lan ngày càng gia tăng khi việc sản xuất vaccine trên toàn cầu gặp khó khăn để đáp ứng nhu cầu và các quốc gia giàu có tích trữ số lượng lớn vaccine.
Việc thiếu hụt vaccine đã chuyển sự chú ý tới một biện pháp gây tranh cãi được áp dụng trong các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm trước đây, đó là liều lượng phân đoạn. Liều lượng vaccine phân đoạn có nghĩa là sử dụng vaccine với một lượng ít hơn để kéo dài khả năng đáp ứng khi nguồn cung đang cạn kiệt. Những người ủng hộ nói rằng biện pháp này sẽ được xem xét nghiêm túc như một cách để mở rộng nhanh chóng chiến dịch tiêm chủng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang đe dọa những người chưa được tiêm vaccine.
Trong một bài báo đăng trên tạp chí Nature Medicine vào đầu tháng 7, các nhà nghiên cứu tại Đại học Hong Kong và Đại học Chicago cho biết, việc giảm liều lượng vaccine đã “không được quan tâm và xem xét” như một giải pháp tiềm năng cho tình trạng thiếu hụt vaccine.
Bài báo trích dẫn bằng chứng cho thấy, việc giảm liều lượng vaccine vẫn có thể thúc đẩy phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Một thử nghiệm đối với vaccine Pfizer-BioNTech cho thấy, liều lượng vaccine giảm 1/3 tạo ra phản ứng miễn dịch “tương đương” với 1 liều tiêu chuẩn.
Một nghiên cứu lớn hơn của Anh đã đưa ra bằng chứng về mức độ hiệu quả khi giảm liều lượng vaccine. Các nhà nghiên cứu đã báo cáo hiệu quả dao động từ 67-97% sau khi sử dụng nửa liều vaccine AstraZeneca và liều đầy đủ vào 12 tuần sau đó.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Viện Miễn dịch học La Jolla ở San Diego (Mỹ) cũng cho thấy, 1/4 liều vaccine Moderna cũng có thể tạo ra kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.
“Nguồn cung vaccine vẫn sẽ hạn chế trong ít nhất 1 năm nữa. Sử dụng liều lượng vaccine thấp hơn là một chiến lược có thể áp dụng với các loại vaccine hiện tại”, Ben Cowling, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hong Kong và là một trong những tác giả của bài báo đăng trên Nature Medicine, cho biết.
Việc nhanh chóng mở rộng chiến dịch tiêm chủng ở các quốc gia có nguồn cung vaccine hạn chế có thể tác động mạnh mẽ đến các khu vực nghèo hơn của Đông Nam Á, nơi biến thể Delta có khả năng lây truyền cao đã gây ra các đợt bùng phát dịch nghiêm trọng.
Indonesia, quốc gia đã trở thành tâm chấn Covid-19 ở Đông Nam Á, tới nay ghi nhận hơn 3 triệu ca mắc bệnh và hơn 79.000 ca tử vong. Indonesia có đủ vaccine để tiêm chủng cho chưa tới 1/3 dân số trong số 180 triệu dân.
Tại Thái Lan, các nhà chức trách tuần trước thông báo rằng, AstraZeneca đã gia hạn thêm 5 tháng đối với việc cung cấp 61 triệu liều vaccine. Đây là một trở ngại lớn đối với chiến dịch tiêm chủng vốn đang triển khai rất chậm tại Thái Lan. Số ca mắc Covid-19 tại nước này đã gia tăng kể từ tháng 4. Ngày 17/7, Thái Lan ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 cao kỷ lục, với 141 ca và số ca mắc bệnh mới hàng ngày đã vượt mức 13.000/ngày. Dù tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, Thái Lan mới chỉ tiêm chủng đầy đủ cho chưa đến 5% dân số trong số 66 triệu dân.
Theo SCMP, liều lượng vaccine phân đoạn đã được sử dụng thành công trong việc chống lại các bệnh truyền nhiễm khác. Năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phê duyệt 1/5 liều vaccine sốt vàng da như một biện pháp khẩn cấp trong các đợt bùng phát dịch lớn ở Angola và Cộng hòa Dân chủ Congo. Phương pháp này cũng đã được áp dụng trong chiến dịch tiêm chủng bệnh sốt vàng da ở Brazil năm 2018.
Tranh cãi xung quanh việc giảm liều lượng vaccine
Người phát ngôn của WHO, Tarik Jasarevic cho biết, vẫn chưa có “đủ bằng chứng để đưa ra các khuyến nghị” về việc giảm liều lượng đối với vaccine Covid-19.
Pfizer đã không nghiên cứu liều lượng một phần và cho biết trong một tuyên bố rằng, “quyết định về liều lượng vaccine sẽ do các cơ quan y tế quyết định”, nhưng công ty này nhấn mạnh rằng 2 mũi vaccine đủ liều lượng sẽ giúp một người nhận được sự bảo vệ tối đa trước virus SARS-CoV-2.
Marc Lipsitch, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu động lực các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng T.H. Chan thuộc Đại học Harvard, cho biết, việc giảm liều lượng vaccine tuy là có lợi nhưng cần phải nghiên cứu thêm để thấy hiệu quả chống lại SARS-CoV-2.
Trong khi đó, một số chuyên gia khác lại bày tỏ lo ngại về biện pháp này. Nikolaus Osterrieder, trưởng khoa Thú y và Khoa học Đời sống tại Đại học Jockey Club, Hong Kong, Trung Quốc, cho biết, việc điều chỉnh giảm liều lượng vaccine có thể khiến virus SARS-CoV-2 đột biến thành các biến thể mới dễ lây lan hơn.
“Tôi sẽ không đồng tình với việc cố gắng thay đổi bất kỳ thứ gì mà vaccine Covid-19 đã được thử nghiệm và phê duyệt”, Osterrieder nói.
Jerome Kim, Tổng giám đốc của Viện vaccine quốc tế ở Seoul, cho biết, các nghiên cứu như thử nghiệm đối với vaccine AstraZeneca không cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng vaccine vẫn sẽ có hiệu quả nếu giảm liều lượng.
“Thử nghiệm đó cho thấy kết quả tích cực, nhưng nó không đáp ứng tiêu chuẩn thông thường để chứng minh rằng vaccine vẫn có hiệu quả”, ông Kim nói.
“Trước khi kết luận rằng tất cả các loại vaccine sẽ hoạt động tốt như nhau ở liều lượng phân đoạn, chúng ta nên thực hiện một số thử nghiệm lâm sàng, thiết lập những gì có thể làm và không thể làm khi sử dụng liều lượng vaccine phân đoạn”, ông Kim nói thêm.
Thira Woratanarat, nhà dịch tễ học tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, đặt câu hỏi liệu biện pháp này sẽ đem lại lợi ích hay rủi ro?
“Nếu chúng ta hành động quá vội vàng, hiệu quả bảo vệ của vaccine có thể sẽ quá thấp trong việc ngăn chặn virus, đặc biệt đối với các biến thể mới”, ông Thira nói và lưu ý rằng, vấn đề liều lượng vaccine phân đoạn đã được các chuyên gia tại Thái Lan thảo luận.
Chuyên gia Cowling cho rằng, cần phải nghiên cứu thêm về liều lượng vaccine phân đoạn và các nghiên cứu sâu hơn về biện pháp này có thể dễ dàng được thực hiện.
“Một số thử nghiệm nhỏ bổ sung có thể được thực hiện nhanh chóng để xác nhận tính khả thi của biện pháp này, mặc dù chúng tôi đã có khá nhiều dữ liệu chỉ ra rằng nó sẽ hoạt động tốt. Tôi rất ngạc nhiên khi liều lượng vaccine phân đoạn không được coi là giải pháp cho tình trạng thiếu hụt vaccine”, ông Cowling nói./.