Giàn thiêu rực lửa suốt đêm ngày, Ấn Độ đang trải qua chuỗi ngày kinh hoàng vì Covid-19

VOV.VN - Ấn Độ đang trải qua đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 tồi tệ nhất trên thế giới. Số ca mắc mới theo ngày đã gia tăng liên tiếp trong 10 ngày qua.

Ngày 26/4, nước này đã ghi nhận thêm 352.991 ca mắc mới, tiếp tục phá kỷ lục về số ca mắc cao nhất trong 1 ngày trên toàn cầu.

Trên mặt đất, những con số này chuyển thành thảm kịch đau lòng. Hình ảnh đăng tải trên các phương tiện truyền thông cho thấy, nhiều gia đình mặc quần áo bảo hộ, đau buồn thực hiện các nghi thức cuối cùng cho người thân đã mất, xung quanh là những giàn hỏa thiêu rực lửa suốt ngày đêm. Các bệnh viện cạn kiệt vật tư y tế cơ bản. Bệnh nhân tử vong do thiếu oxy. Nhiều người phải chạy từ phòng khám này đến phòng khám khác, quay cuồng tìm kiếm giường hồi sức cấp cứu (ICU) cho người thân của mình.

Chính phủ đang nỗ lực hết sức để ứng phó cuộc khủng hoảng. Nhiều quốc gia trên thế giới đã cung cấp viện trợ và thể hiện tình đoàn kết với Ấn Độ trong thời điểm cam go này. Nhưng đợt bùng phát mới vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Các chuyên gia cảnh báo nó có thể trở nên tồi tệ hơn.

Bác sỹ Giridhara R. Babu, thuộc Tổ chức Y tế Công cộng của Ấn Độ cho biết: “Tôi lo ngại dịch bệnh vẫn chưa đạt đỉnh. Dựa trên những dữ liệu mà chúng tôi quan sát được, đỉnh dịch có thể xảy ra trong ít nhất từ 2 đến 3 tuần nữa”.

Số ca mắc tăng theo cấp số nhân

Số ca mắc Covid-19 tại Ấn Độ bắt đầu gia tăng vào đầu tháng 3 và nhanh chóng tăng theo cấp số nhân. Tính đến cuối tháng 3, số ca mắc tính theo ngày ghi nhận được đã tăng gấp 6 lần so với giai đoạn đầu tháng. Các chuyên gia cho biết, làn sóng thứ 2 gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng hơn vì người dân không có sự chuẩn bị trước.

Làn sóng thứ nhất đạt đỉnh vào tháng 9/2020, sau đó số ca mắc theo ngày giảm đều đặn trong những tháng tiếp theo. Sự phục hồi diễn ra nhanh chóng đến mức Bộ trưởng Y tế Ấn Độ đầu tháng 3 đã tuyên bố rằng nước này đang ở “giai đoạn cuối” của đại dịch.  Chính phủ đã nới lỏng các quy định phòng chống dịch và người dân cũng chủ quan hơn. Mặc dù một số bang vẫn thận trọng và chuẩn bị cho khả năng diễn ra làn sóng thứ hai, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ. Không ai nghĩ rằng, “cơn sóng thần” Covid-19 sẽ ập tới một cách bất ngờ.

“Không ai đoán trước được mức độ nghiêm trọng”, K. VijayRaghavan – cố vấn khoa học của chính phủ Ấn Độ cho biết. “Khi làn sóng đầu tiên lắng xuống, tất cả chúng tôi đều có cảm giác rằng dịch bệnh về cơ bản đã được kiểm soát. Sau đó chúng tôi nhận thấy dấu hiệu của một làn sóng mới, nhưng không chắc chắn về quy mô cũng như cường độ của nó”.

Một số chuyên gia cho rằng, cuộc khủng hoảng đã trở nên tồi tệ hơn do phản ứng chậm chạp của chính phủ nước này. Mặc dù chính quyền một số địa phương đã bắt đầu hành động từ tháng 2, nhưng dường như đã có “khoảng trống lãnh đạo” trong chính quyền trung ương. Thủ tướng Narendra Modi hầu như không có động thái gì cho đến thời gian gần đây.

Nhà lãnh đạo Ấn Độ cuối cùng đã phá vỡ sự im lặng vào tuần trước, thừa nhận tính cấp bách của tình hình trong bài phát biểu trên sóng phát thanh quốc gia, đồng thời công bố một số lượng lớn các biện pháp khẩn cấp để giảm gánh nặng cho các bang và các bệnh viện.

Tỷ lệ người trẻ bị mắc Covid-19 cao hơn

Mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng đến gần như tất cả các nhóm tuổi, nhưng các chuyên gia cho rằng, làn sóng thứ 2 này ảnh hưởng đến người trẻ tại Ấn Độ nhiều hơn so với làn sóng thứ nhất.  

Ông Barkha Dutt – một phóng viên tại New Dehli cho biết: “Virus SARS-CoV-2 và làn sóng dịch Covid-19 thứ hai đang tấn công những người trẻ hơn, thậm chí là trẻ em. Chúng tôi đã chứng kiến 1 em bé 18 ngày tuổi phải chiến đấu để giành giật sự sống trên giường hồi sức cấp cứu”.

Bác sỹ chuyên khoa phổi Lancelot Pinto tai bệnh viện P.D. Hinduja ở Mumbai cho biết, một phần lý do nằm ở việc Ấn Độ là quốc gia có dân số trẻ, với độ tuổi trung bình của dân số là 27. Điều này đồng nghĩa với việc khi virus càn quét Ấn Độ với tốc độ cao thì “chắc chắc sẽ có rất nhiều người trẻ đến bệnh viện”. Ngoài ra, những biến thể của virus SAR-CoV-2 xuất hiện tại Ấn Độ cũng có thể là nguyên nhân khiến số người trẻ mắc bệnh gia tăng, tuy nhiên  vẫn chưa có đủ thông tin và dữ liệu để chứng minh điều này. Theo chuyên gia Babu, nhóm người từ 70 tuổi trở lên vẫn có tỷ lệ tử vong cao nhất.

Video: Cảnh sát Ấn Độ tháp tùng xe chở oxy phân phối cho các bệnh viện. Ảnh: Nguồn: Hindustan Times

Xuất hiện các biến chủng nguy hiểm

Các chuyên gia dịch tễ học hàng đầu của Ấn Độ cho biết có mối tương quan giữa làn sóng Covid-19 thứ 2 với sự gia tăng các biến thể của virus SARS-CoV-2 tại nước này. Trong số đó, phải kể đến 2 biến thể đặc biệt nguy hiểm là biến thể đột biến kép B.1.617 được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 10/2020 tại thành phố Nagpur (bang Maharashtra) ở miền Trung Ấn Độ và biến thể 3 đột biến B.1.618 nổi lên trong những tháng gần đây tại Tây Belgal. Nếu như B.1.617 dễ lây lan hơn thì B.1.618 lại có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch. Chuyên gia VijayRaghavan nhận xét: “Điều đáng lưu ý là những biến thể này lây lan rất nhanh. Ước tính B.1.617 chiếm khoảng 60% số ca bệnh tại Maharashtra”.

Hiện các nhà khoa học đang nghiên cứu về các biến thể tại Ấn Độ và tiến hành giải trình tự bộ gen để xác định tác động của các đột biến mà chúng mang theo. Chuyên gia Babu cho biết, tại các khu dân cư đông đúc ở những thành phố bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đã có gần 50% dân số hình thành kháng thể trong làng sóng đầu tiên, nhưng hiện giờ những khu vực này vẫn thông báo tỷ lệ dương tính với virus là hơn 25%.  “Rõ ràng, các biện pháp bảo vệ nào nhằm chống lại các chủng ban đầu không thật sự có tác dụng với các biển chủng mới vốn đang lây lan một cách mạnh mẽ”, ông Babu nói.

Chính phủ Ấn Độ ứng phó ra sao?

Ấn Độ đang cung cấp hai loại vaccine được sản xuất nội địa, bao gồm vaccine Covishield doViện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất theo nhượng quyền của của Oxford/AstraZeneca và vaccine Covaxin do công ty sinh học Bharat Biotech phối hợp với Hội đồng Nghiên cứu Y tế Ấn Độ (ICMR) chế tạo. Vào giữa tháng 4, Ấn Độ cũng phê chuẩn vaccine Sputnik V của Nga.

Chiến dịch tiêm chủng được thực hiện từ tháng 1/2021 và đánh dấu tròn 100 ngày vào hôm 25/4. Nước này đặt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 300 triệu người cho đến tháng 8/2021. Tuy nhiên, chương trình tiêm chủng diễn ra một cách chậm chạp, một phần do thiếu hụt nguồn cung, một phần do tâm lý lo ngại của người dân về tính hiệu quả và sự an toàn của vaccine.

Theo CNN, mặc dù là nhà sản xuất vaccine lớn nhất trên thế giới, nhưng Ấn Độ lại đứng sau nhiều quốc gia về tỷ lệ tiêm chủng bình quân trên đầu người.

Vào đầu tháng 4, chính phủ Ấn Độ cho biết sẽ nhanh chóng cấp phép sử dụng khẩn cấp với những loại vaccine Tổ chức Y tế Thế giới hoặc các cơ quan chức năng ở Mỹ, Châu Âu, Anh và Nhật Bản phê duyệt. Các công ty sản xuất vaccine vẫn cần phải nộp đơn xin cấp phép tại Ấn Độ, nhưng họ sẽ được miễn trừ việc thử nghiệm về mức độ an toàn tại quốc gia này. Bắt đầu từ ngày 1/5, Ấn Độ sẽ tiêm phòng cho những người trên 18 tuổi có đủ điều kiện tiêm chủng.

Thủ tướng Modi cho biết, chính phủ đang nỗ lực hành động để cung cấp 100.000 bình oxy mới cho các tiểu bang, dừng việc sử dụng oxy cho mục đích công nghiệp để chuyển sang sử dụng cho mục đích y tế. Bân cạnh đó, chính phủ cũng tăng cường xây dựng các bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 ở một số thành phố, gia tăng số giường bệnh chăm sóc tích cực. Trong bài phát biểu trước quốc gia, ông Modi cũng hối thúc các bang tái áp đặt biện pháp phong tỏa, gọi đây là “lựa chọn cuối cùng” để kiểm soát dịch bệnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tàu chiến Mỹ gia nhập hạm đội của Anh đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Tàu chiến Mỹ gia nhập hạm đội của Anh đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

VOV.VN - Một tàu khu trục Mỹ sẽ tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cùng với hạm đội của Hải quân Anh do tàu sân bay HMS Queen Elizabeth dẫn đầu vào tháng 5/2021.

Tàu chiến Mỹ gia nhập hạm đội của Anh đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Tàu chiến Mỹ gia nhập hạm đội của Anh đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

VOV.VN - Một tàu khu trục Mỹ sẽ tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cùng với hạm đội của Hải quân Anh do tàu sân bay HMS Queen Elizabeth dẫn đầu vào tháng 5/2021.

Mỹ: Ấn Độ có thể ghi nhận tới hơn 13.000 ca tử vong hàng ngày do Covid-19
Mỹ: Ấn Độ có thể ghi nhận tới hơn 13.000 ca tử vong hàng ngày do Covid-19

VOV.VN - Ngày 26/4, Ấn Độ tiếp tục lập kỷ lục mới về số ca mắc Covid-19 mới và số ca tử vong do dịch bệnh. Một nghiên cứu của Mỹ dự báo rằng, số ca tử vong hàng ngày do Covid-19 ở Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng cao cho đến giữa tháng 5.

Mỹ: Ấn Độ có thể ghi nhận tới hơn 13.000 ca tử vong hàng ngày do Covid-19

Mỹ: Ấn Độ có thể ghi nhận tới hơn 13.000 ca tử vong hàng ngày do Covid-19

VOV.VN - Ngày 26/4, Ấn Độ tiếp tục lập kỷ lục mới về số ca mắc Covid-19 mới và số ca tử vong do dịch bệnh. Một nghiên cứu của Mỹ dự báo rằng, số ca tử vong hàng ngày do Covid-19 ở Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng cao cho đến giữa tháng 5.

Nguyên nhân sâu xa khiến Ấn Độ “vỡ trận” trong cuộc chiến chống Covid-19
Nguyên nhân sâu xa khiến Ấn Độ “vỡ trận” trong cuộc chiến chống Covid-19

VOV.VN - Tâm lý chủ quan và quá trình tư nhân hóa y tế được xem là các nguyên nhân chủ chốt khiến Ấn Độ đang phải đối mặt với thảm họa Covid-19 lớn nhất thế giới.

Nguyên nhân sâu xa khiến Ấn Độ “vỡ trận” trong cuộc chiến chống Covid-19

Nguyên nhân sâu xa khiến Ấn Độ “vỡ trận” trong cuộc chiến chống Covid-19

VOV.VN - Tâm lý chủ quan và quá trình tư nhân hóa y tế được xem là các nguyên nhân chủ chốt khiến Ấn Độ đang phải đối mặt với thảm họa Covid-19 lớn nhất thế giới.