Giáo hoàng Francis: Israel và Palestine cần đối thoại vì hòa bình

VOV.VN - Lời kêu gọi dành cho lãnh đạo của Israel và Palestine được Giáo hoàng Francis đưa ra tại Vatican ngày 8/6.

Theo Reuters, sau lễ cầu nguyện chung chưa từng có tiền lệ giữa các tín đồ Do Thái, Thiên chúa giáo và Hồi giáo, Giáo Hoàng Francis nêu rõ Tổng thống Israel Simon Peres và người đồng cấp Palestine Mahmoud Abbas cần phải đáp ứng ngyện vọng lâu dài vì hòa bình thông qua “một cuộc đối thoại đầy dũng cảm”.

Nỗ lực hòa bình Trung Đông đòi hỏi lòng dũng cảm

Giáo hoàng hy vọng rằng cuộc gặp gỡ do ông đứng ra tổ chức sẽ giúp tái khởi động cuộc đàm phán vì hòa bình Trung Đông.

Ông Peres (trái) ôm hôn ông Abbas trước sự chứng kiến của Giáo hoàng (Ảnh Reuters)

“Nỗ lực vì hòa bình đòi hỏi sự dũng cảm lớn hơn nhiều so với việc gây chiến. Nỗ lực này đòi hỏi sự dũng cảm trong việc chấp thuận gặp mặt và từ chối gây xung đột, chấp thuận đối thoại và từ chối bạo lực, chấp thuận đàm phán và từ chối lòng thù hận”, Giáo hoàng nêu rõ.

Tuyên bố của Giáo hoàng được đưa ra sau khi các Giáo sỹ Do Thái, Hồng y Thiên chúa Giáo và Thầy tế Hồi giáo cùng đọc cầu nguyện kinh Cựu ước, kinh Tân ước và kinh Koran bằng tiếng Italy, Hebrew và Arab trong một buổi lễ đa tôn giáo lần đầu tiên được tổ chức tại Vatican.

Trong diễn văn của mình bằng tiếng Italy, Giáo Hoàng Francis kêu gọi hai bên tôn trọng những thỏa thuận đã đạt được và không chấp nhận những hành động khiêu khích.

“Tất cả những điều này đòi hỏi sự dũng cảm, sức mạnh và sự ngoan cường”, Giáo hoàng nhấn mạnh.

Giáo hoàng Francis –người tháng trước đã bất ngờ mời lãnh đạo Palestine và Israel đến Vatican sau chuyến thăm vùng Đất thánh tại Trung Đông”, nói rằng nỗ lực tìm kiếm hòa bình là “một hành động có trách nhiệm cao nhất trước lương tâm và trước nhân dân của chúng ta”.

Giáo hoàng cũng nhấn mạnh rằng hàng triệu người trên thế giới với nhiều tôn giáo khác nhau cũng đang cầu nguyện cho hòa bình Trung Đông.

“Chúng ta đã lắng nghe những lời cầu nguyện của họ và chúng ta phải hành động. Chính những lời cầu nguyện như vậy đã giúp đập tan vòng xoáy bạo lực và thù hận chỉ bằng một từ “anh em” chân thành”, Giáo hoàng Francis nói trong khi ông Peres và ông Abbas chăm chú lắng nghe.

Giáo hoàng cũng nói rằng trẻ em là những nạn nhân vô tội của chiến tranh và xung đột, và việc nỗ lực tìm kiếm hòa bình tại Trung Đông là một mệnh lệnh cần phải thực hiện ngay.

Các nhà lãnh đạo cùng trồng cây olive- một biểu tượng của hòa bình (Ảnh AFP)

“Ký ức về những đứa trẻ là nạn nhân của chiến tranh và xung đột thôi thúc chúng ta dũng cảm tìm kiếm hòa bình và duy trì các cuộc đối thoại”, Giáo hoàng khẳng định.

Đây là cuộc gặp công khai đầu tiên giữa Tổng thống hai nước trong vòng hơn 1 năm qua. Cuộc gặp này diễn ra 1 tháng sau khi các cuộc đàm phán do Mỹ khởi xướng đã thất bại bởi hai bên liên tục đổ lỗi cho nhau.

Trong diễn văn bằng tiếng Anh và tiếng Hebrew của mình Tổng thống Peres nói rằng ông là một người lớn tuổi đã từng nếm trải chiến tranh và được tận hưởng hòa bình và rằng lãnh đạo hai nước đang nợ những đứa trẻ ở hai quốc gia một tương lai tốt đẹp hơn.

Trong khi đó, ông Abbas cầu Chúa “mang đến hòa bình và công bằng cho Palestine và cho khu vực Trung Đông để người Palestine và người dân Trung Đông cũng như toàn thế giới có thể hưởng trái ngọt của hòa bình, ổn định và cùng tồn tại”.

Sau đó, Giáo hoàng, 2 Tổng thống và Trưởng lão Công giáo Bartholomew I trồng 1 cây olive và bắt tay nhau khi tiếng nhạc vang lên. Sau đó cả 4 người đã tiến hành các cuộc gặp riêng rẽ trước khi 2 Tổng thống rời khỏi Vatican.

Con đường gập ghềnh phía trước

Sau cuộc gặp, Vatican đã bác bỏ mọi kỳ vọng rằng cuộc gặp- vốn được coi là “sự tạm ngừng những đối lập về chính trị, có thể dẫn đến những đột phá ngay lập tức trong các nỗ lực để giải quyết các vấn đề cực kỳ nan giải tại Trung Đông.

Vatincan cũng nhấn mạnh rằng sẽ không can thiệp vào các vấn đề trong khu vực và không muốn tiết lộ chi tiết về các cuộc đàm phán.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu- nhân vật đóng vai trò then chốt tại Israel trong việc đưa ra quyết định về các cuộc đàm phán hòa bình, đã từ chối tham dự buổi cầu nguyện.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn bày tỏ quan điểm cứng rắn với Palestine (Ảnh AP)

Ông Netanyahu cũng khẳng định sẽ không đối thoại với Chính phủ đoàn kết của Palestine- do lực lượng Hồi giáo Hamas hậu thuẫn, mà ông Abbas đã tuyên thệ nhậm chức vào ngày 2/6 vừa qua.

Mặc dù không đưa ra những bình luận trực tiếp về cuộc gặp nói trên, ông Netanyahu trong tuyên bố của mình ngày 8/6 tại một căn cứ cảnh sát ở Jerusalem gợi ý rằng những lời cầu nguyện sẽ không thể giúp duy trì an ninh.

“Hàng nghìn năm qua, những người Israel hàng ngày đều đã cầu nguyện cho hòa bình. Nhưng, cho đến khi hòa bình thực sự tới với chúng ta, Chính phủ Israel sẽ tăng cường hỗ trợ cho cảnh sát để cảnh sát có thể tiếp tục bảo vệ Nhà nước Do Thái. Đây là cách tốt nhất để đảm bảo tương lai cho chúng ta cũng như là cách duy nhất để đem đến hòa bình”, ông Netanyahu nêu rõ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên