Giới phân tích và quan chức phương Tây lo ngại phát ngôn của ông Biden về Tổng thống Putin
VOV.VN - Mới đây Tổng thống Mỹ đã có phát ngôn gây ngỡ ngàng cho nhiều người khi đề cập ông Putin không thể tiếp tục cầm quyền ở Nga. Nhiều quan chức phương Tây tỏ thái độ không đồng tình với phát ngôn này, còn giới quan sát đã phân tích bản chất và nguy cơ của phát ngôn đó.
Phát ngôn bùng nổ của Tổng thống Mỹ Biden
Hôm 26/3/2022, khi đang ở Ba Lan, Tổng thống Mỹ Biden đã nói như sau về Tổng thống Nga Putin: “Vì Chúa, người đàn ông này không thể tiếp tục cầm quyền nữa”.
Ngay sau đó Nhà Trắng đã phải “chữa cháy” khi nói rằng ông Biden không hàm ý lật đổ Tổng thống Nga Putin. Ngoại trưởng Mỹ Blinken cũng cố giải thích rằng ông Biden không có ý kêu gọi thay đổi chế độ ở Nga mà chỉ đơn giản nói rằng “Tổng thống Putin không thể được trao quyền để phát động chiến tranh chống lại Ukraine…”. Theo ông Blinken, Mỹ không hề có chiến lược cho việc thay đổi chế độ ở Nga cũng như bất cứ nước nào khác.
Đến ngày 27/3, khi được phóng viên hỏi về phát ngôn nói trên, đích thân Tổng thống Biden đã phủ nhận chuyện mình có ý kêu gọi thay đổi chế độ ở Nga.
Mặc dù vậy, giới lãnh đạo và các nhà phân tích của phương Tây đã tỏ ra đặc biệt lo ngại về phát ngôn mang tính chất bùng nổ này của Tổng thống Mỹ Biden. Còn các nhà lãnh đạo Nga chắc chắn đã rất chú ý đến phát ngôn ban đầu của Tổng thống Mỹ. Giới chuyên gia chính sách đối ngoại tin rằng điện Kremlin đã nghe rõ phát ngôn gốc của Tổng thống Biden và có khả năng tin rằng đó là suy nghĩ mà ông Biden thực lòng có.
Thực tế, chính quyền Nga sau đó nói rằng Tổng thống Biden có vẻ đã mất bình tĩnh. Theo họ, tổng thống Mỹ không phải là người quyết định ai sẽ cai quản nước Nga.
Phát ngôn viên điện Kremlin – Dmitriy Peskov, nói với hãng thông tấn Tass: “Một lãnh đạo nhà nước cần kiểm soát được cơn bực tức của mình. Những lời lăng mạ như thế này chỉ thu hẹp cánh cửa cơ hội cho quan hệ song phương giữa 2 nước chúng ta thời chính quyền Mỹ hiện nay. Cần phải nhận thức được điều này”.
Tỷ phú Nga Oleg Deripaska thì cho rằng phát ngôn của ông Biden có thể đẩy xung đột ở Ukraine đi xa hơn.
Quan chức phương Tây không đồng tình
Tổng thống Pháp Macron vào ngày 27/3 nói rằng ông sẽ không sử dụng ngôn từ theo kiểu của ông Biden. Tổng thống Macron xem nhiệm vụ của mình là “trước tiên đạt một thỏa thuận ngừng bắn, sau đó đạt được mục tiêu quân Nga rút hoàn toàn thông qua các phương tiện ngoại giao”.
Ông Macron nói với đài France 3 của Pháp: “Để đạt được các mục tiêu đó, chúng ta không thể leo thang cả về lời nói và hành động”.
Thượng nghị sĩ James Risch nằm trong Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, đồng thời cũng là thành viên Ủy ban tình báo Hạ viện, cho rằng Tổng thống Biden đã có một phát ngôn hớ vô cùng đáng sợ.
Ông Risch nói với đài CNN: “Chín từ tiếng Anh mà ông Biden nói có thể gây ra sự bùng nổ. Một khi ông ấy gợi ý rằng chính sách ở đây là thay đổi chế độ thì điều đó tạo ra một vấn đề rất lớn”.
Tobias Ellwood – Nghị sĩ đứng đầu Ủy ban quốc phòng của Hạ viện Anh, nói rằng bình luận trên của ông Biden là “thiếu khôn ngoan” và sẽ bị Tổng thống Nga Putin khai thác, tận dụng.
Nghị sĩ Ellwood viết trên Twitter: “Người Nga sẽ rút ra kết luận này. Ông Putin và ông Tập sẽ coi “thay đổi chế độ” là mục tiêu rộng lớn hơn của Tổng thống Mỹ, vượt xa việc ủng hộ Ukraine. Ông Putin sẽ xoáy sâu vào điều này và đánh mạnh hơn”.
Bộ trưởng Giáo dục Anh Nadhim Zahawi nói với đài Sky News: “Tổng thống Biden đã đưa ra một phát ngôn rất mạnh. Tôi cho rằng cả Mỹ và Anh đều nhất trí rằng chính người Nga mới quyết định ai là người lãnh đạo họ”.
Giới chuyên gia phương Tây lên tiếng
Richard Haass – nhà ngoại giao Mỹ kỳ cựu và Chủ tịch Hội đồng Đối ngoại Mỹ, cho rằng ngôn từ của ông Biden trong trường hợp này là phản tác dụng và gây ra những tổn hại.
Ông Haas viết trên mạng xã hội Twitter: “Các bình luận của Tổng thống Mỹ khiến một tình thế đã khó khăn lại khó khăn hơn, đã nguy hiểm nay lại nguy hiểm hơn”.
Chủ tịch Hội đồng Đối ngoại Mỹ Haas cho rằng việc lật đổ Tổng thống Nga là điều nằm ngoài khả năng của Mỹ - họ không có công cụ để đạt được điều đó. Ông Haas cũng lo ngại, với phát ngôn của ông Biden, Tổng thống Nga Putin có thể “bác bỏ thỏa hiệp, chuyển sang leo thang”.
Đề cập “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine, ông Haas nhận định: “Lợi ích của chúng ta là ở chỗ chấm dứt cuộc chiến này với các điều khoản mà Ukraine có thể chấp nhận được, và khuyến khích Nga xuống thang. Lời kêu gọi thay đổi chế độ vừa qua là không nhất quán với các mục tiêu này”.
Tờ Financial Times (Anh) đã gọi câu cuối trong phát biểu của Tổng thống Biden khi ở Ba Lan là một “bước ngoặt” trong cách tiếp cận của Mỹ đối với xung đột ở Ukraine. Trước kia, Washington có duy trì ngôn ngữ cân bằng, giờ thì họ đã chuyển sang trạng thái “đối thủ chiến lược dữ dội” với Nga.
Michael Goodwin – cộng tác viên của tờ New York Post (Mỹ), đã chỉ trích toàn bộ diễn văn của ông Biden ở Ba Lan, đặc biệt là phát ngôn của ông này về Tổng thống Putin. Theo Goodwin, điều này “sẽ gia tăng đáng kể rủi ro liên quan đến Nga”.
Goodwin viết tiếp rằng phát ngôn đó có thể khiến người ta tự hỏi liệu vấn đề lật đổ Putin – vốn chưa hề được Nhà Trắng đề cập trước đây, thì nay có phải đã thành chính sách mới của Mỹ và NATO?
Nguy cơ từ phát ngôn và gợi ý về cách làm dịu tình hình với Nga
David Gergen – cựu cố vấn của Nhà Trắng, thì bày tỏ lo ngại rằng diễn văn của ông Biden ở Ba Lan chỉ chăm chăm nói về “chiến tranh trường kỳ”, hiếm khi đả động đến hòa bình. Theo Gergen, một “cuộc Chiến tranh Lạnh mới đang nằm trong tay chúng ta”, với Tổng thống Mỹ đóng vai trò lãnh đạo của cả khối phương Tây. Gergen cảnh báo, phát biểu đó cho thấy xung đột hiện nay ở Ukraine sẽ khó dàn xếp được trên bàn đàm phán.
Theo Financial Times, dù tuyên bố của Tổng thống Biden chỉ là một dòng ngắn nhưng nó ẩn chứa sự suy ngẫm của Washington về vấn đề thay đổi chế độ ở Moscow. Và khi ấy, Financial Times viết, điện Kremlin dễ tin tưởng rằng Mỹ “đang mất kiểm soát trong thông điệp về chiến tranh”.
Ông Haas viết: Moscow có niềm tin mạnh mẽ vào thông điệp mà Tổng thống Biden đã phát đi, và Tổng thống Putin sẽ xem đó như lời xác nhận về những gì mà ông ấy đã tin trong thời gian dài.
Còn Rebekah Koffler – cựu sĩ quan Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ, nói với Fox News rằng ông Putin đã nghe “rõ ràng” phát ngôn của Tổng thống Biden. Bà này tuyên bố, Tổng thống Putin đã từ lâu nghi ngờ Mỹ đang cố gắng tiến hành một cuộc “cách mạng màu” hoặc một cuộc nổi dậy dân sự ở Nga, và giờ thì ông ấy đã nhận được sự xác minh.
Koffler chỉ trích những người chuẩn bị diễn văn cho Tổng thống. Bà cho rằng họ “thiếu năng lực” vì cụm từ Putin “không thể tiếp tục cầm quyền” đã không thể giúp ích cho việc “giảm thiểu các đe dọa an ninh” đối với người dân Mỹ.
Cộng tác viên Michael Goodwin của tờ New York Post nhấn mạnh rằng trong bối cảnh Tổng thống Biden phát biểu ở Ba Lan, cụm từ mà ông dùng để nói về Tổng thống Putin “không thể cầm quyền nữa” chỉ có thể hiểu theo nghĩa kêu gọi thay đổi chế độ. Goodwin cảnh báo, dù Nhà Trắng có cố lý giải bao nhiêu đi chăng nữa thì vẫn không đủ để “chữa cháy” cho phát ngôn đó của ông Biden.
Chuyên gia Haas gợi ý, để khắc phục, chính quyền Tổng thống Biden, cố vấn an ninh quốc gia hoặc ngoại trưởng Mỹ cần liên lạc với Moscow và trình bày chi tiết về phát ngôn của ông Biden, và giải thích với điện Kremlin rằng bình luận đó được đưa ra trong tình huống nóng bỏng hiện nay chứ không phản ánh chính sách đối ngoại thực sự của Mỹ./.